Saturday 24 July 2010

“Con đường phượng tím chiều nay đổ,”

Bóng lá che nghiêng một góc đời.

Nghe trong cõi nhớ niềm xa xót,

Chợt thoáng hiện về dấu yêu ơi.”

(thơ Miên Thụy)

Lc 12: 13-21

Chiều phượng tím, vẫn đổ ở đường đời. Chỉ một chỗ. Vẫn che nghiêng một góc đời, đầy bóng lá. Tất cả, nay quay về nỗi nhớ. Chốn xa xôi. Lời vàng Chúa dạy chớ đặt nơi phù vân, giả dối.

Trình thuật, thánh Luca nay kể là kể về người thanh niên muốn Chúa làm chánh án phân biện nội vụ tranh chấp, nên đã trình:“Thưa Thày, xin Thày bảo anh tôi chia phần gia nghiệp, lại cho tôi.” (Lc 12:13) Ở Do thái, vị thượng tế vẫn phân giải mọi tranh chấp đất đai, cho mọi người. Ở đây, Chúa giải đáp theo chiều hướng không muốn dính líu vào với cãi tranh/kiện tụng. Ngài chỉ bày tỏ lập trường, ta nên có, rất rõ:“Anh em hãy coi chừng. Hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”(Lc 12: 15)

Cũng có thể, người thanh niên trong truyện, là kẻ theo Chúa rất lâu. Nên, đây là dịp để ngang qua lời dẫn giải, Chúa dẫn dụ mọi người về cung cách thành dân con của Ngài. Cung cách, không nằm ở chỗ: ta có giải quyết công bằng mọi cãi tranh, ở nhà Đạo. Cho bằng, ta nên đặt ưu tiên cho sự việc/hành động nào khả dĩ chứng tỏ mình là con Chúa, rất đích thực.

Là con Chúa, người người hẳn nhận ra ưu tiên hàng đầu, trong xử thế. Xử sự ở cõi thế, sao cho người người được vui hưởng thành quả của cuộc đời nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc cuộc đời, không nằm ở chuyện mình dư giả, với cơm cháo gạo tiền. Nhưng, biết đặt ưu tiên cho sự việc cần thiết. Như dụ ngôn Chúa trưng dẫn.

Dụ ngôn Chúa nay trưng và dẫn về thái độ của nhà phú hộ chỉ biết sinh lợi vật chất, rất bạc tiền. Dụ ngôn nay xoay quanh nhân vật chính, mỗi mình anh. Thanh niên trong truyện, cữ ngỡ rằng rằng mình là trọng tâm của mọi thứ. Những thứ khiến anh nghĩ mình là người trọng vọng. Biết lo toan. Lo những thứ/những việc khả dĩ giúp anh vui chơi hưởng thụ. Trọn cuộc đời.

Đó là ý nghĩ của riêng anh. Nhưng Lời Chúa, nay lại khác. Điều khác biệt, thấy rõ nơi lời của Thiên Chúa vẫn từng nhủ:“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắp sẵn đó, về tay ai?” (Lc 12: 20).

Về tay ai? là câu hỏi mà bài đọc 1, sách Giảng viên, nói lên cùng một ý nghĩ, hệt như thế: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả, là phù vân.” (Gv 1: 2). Phù vân vô bổ, là nhận định của người đời, xưa cũng như nay. Phù vân vô bổ, vì người công nhân cần mẫn, làm lụng ráo riết đến khi chết cũng chỉ để lại của cải cho những người chẳng buồn đụng đến.

Lời Chúa nay dạy khác:“Kẻ thu tích của cải cho riêng mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì như thế đó.” (Lc 12: 21) Như thế đó, ý Chúa không hề phản đối chuyện làm lụng vất vả. Cật lực để giàu sang. Ngài chỉ nói đến giàu sang đích thực. Đến, tài sản không hư nát, nằm ở chỗ khác.

Phú hộ thời nay như Howard Hughes, dù lo toan chắt bóp và gom góp để dành những 2 tỷ đôla, thế mà ông lại vẫn sống những ngày cuối đời trong đơn độc. Sầu khổ. Không lường trước. Vẫn không biết trước được rồi mình cũng chết, cách vô ích. Chết rồi, nào có khác chi kẻ nghèo hèn, tuyệt vọng ở thị thành Calcutta, được Mẹ Têrêxa cứu vớt? Howard Hughes phú hộ chết trong sầu buồn, không ai thương. Chẳng ai tiếc. Đâu nào khác kẻ ăn xin ở xó xỉnh được chết trong vòng tay yêu thương của vị nữ tu hiền từ, Têrêxa Calcutta. Đó cũng là vấn đề, thánh Phaolô đề cập ở bài đọc 2.

Bài đọc 2, thánh Phaolô đề cập cũng một chuyện tương tự khi có thư gửi giáo đoàn Côlôsê, có đoạn viết:“Anh em hãy tìm những gì thuộc thượng giới, nơi có Chúa ngự trị… Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm đến những điều ở dưới đất.”(Cô 3: 1). Điều thánh Phaolô khuyến khích, là cảnh báo với cộng đoàn dân Chúa biết quan tâm đến giá trị đích thực của sự sống. Giá trị ấy nằm ở Lời vàng, ngài vẫn khuyên:

“Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới, như: dâm bôn, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa, và tính tham lam hà tiện, tức cũng thờ quấy, những ngẫu tượng.” (Lc 3: 5) Ở nơi đó, có nhiều hình thức ngẫu tượng, ta không biết. Ở nơi đó, còn có những là gian manh. Lừa đảo. Giả dạng ngoan hiền. Nhưng kỳ thực, lại chối bỏ một thực tế. Chối cả sự thực nằm nơi thế giới, ta sinh sống.

Dấn bước theo chân Chúa, có nghĩa là ”cởi bỏ mọi hành vi xưa cũ. Cởi bỏ con người cũ, vẫn âm thầm lẳng lặng, ở trong ta. Cởi bỏ, để ta có thể đặt trọn con người mới, nơi Đức Chúa. Cởi bỏ người cũ, tức là biết sẻ san cùng một thị kiến sống động. Cùng một giá trị/mục đích với những người Chúa đề nghị. Đề nghị Chúa đưa ra, bao gồm tiến triển về với kiến thức đích thực. Kiến thức ấy, không nằm ở tấm bằng đại học nổi tiếng. Nhưng, là nhận thức hiểu biết ý nghĩa cuộc sống. Ý nghĩa của “đổi mới bản thân” sao cho phản ánh ảnh hình của Đấng Tạo Thành trời Đất, có Đức Kitô là mẫu mực. Kiến thức, nằm ở mẫu mực nhằm để tăng trưởng giống Đức Ktiô. Giống Thiên Chúa.

Với Nước Trời, nơi xã hội ta đang sống, không cần những lon toan quyết tạo an toàn để đạt thừa kế. Cũng chẳng cần trúng Lôtô, với “số đề”. An toàn cuộc sống, là biến cải thân mình để trở nên thành viên đích thực của cộng đoàn Nước Trời đầy thương yêu, giùm giúp. An toàn cuộc sống với Nước Trời, vẫn là và phải là ưu tiên số 1, thật rõ nét. Ưu tiên dành cho ta, ngõ hầu ta tìm ra dấu hiệu khả thi, quyết thực hiện cho được cộng đoàn như thế.

Cộng Đoàn Nước Trời ta đang sống, bao gồm những người quyết lặng đóng trong tương quan thương yêu giùm giúp. Giúp hết mọi người. Thương hết mọi sự. Dù, sự vật ấy vẫn chỉ là môi trường sống. Dù, đó có là vật vô tri vô giác, chẳng một hồn xác giống như ta. Thương yêu giùm giúp bất kể người đó thuộc sắc tộc hèn hạ, rất thua kém. Yêu thương giùm giúp, là bởi tất cả đều là con của Chúa. Đều hợp thành chi thể Đức Kitô. Rất nhiệm mầu. Thật lành thánh.

Yêu thương giùm giúp chính là tài sản, cần lo toan. Là, an toàn đích thực, cho tương lai cuộc sống. Để mơ ước. Mơ và ước, chỉ một điều như thánh Phaolô đà quả quyết ở câu cuối: “Chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi ngưòi.” (Col 3: 11)

Trong quyết tâm thực hiện lời vàng rất thánh, ta hiên ngang ngẩng đầu lên mà hát. hát rằng:

“Ta yêu đồng xanh như đã thương con người.

Ta thương đôi tình nhân kia, như gió thương yêu mây trời

Nhưng sao giờ đây, chẳng thấy ai chung quanh ta.

Đất trời như bãi tha ma, trên đồng hoang cỏ cháy…”

(Lê Hự Hà/The Brothers Four – Đồng Xanh)

Đất trời như bãi tha ma, ư? Đâu phải thế. Đất trời lâu nay đã và vẫn là “đồng Xanh” chốn thiên thần. Có những người anh/người chị đã biết thương yêu giùm giúp, như Chúa dặn dò hết mọi người. Suốt mọi thời.

Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday 17 July 2010

“Trong cơn khát, cháy lòng”


Bỗng, tìm ra nguồn nưóc

Mùi hương, không hẹn trước

Tình yêu, đến bất ngờ.”

(thơ Xuân Quỳnh)

Lc 11: 1-13

Khát cháy lòng, nhà thơ gặp tình yêu. Do ước hẹn. Nguyện cầu. Dù chốc lát. Nhờ lời cầu, nhà Đạo đạo đạt tình Chúa. Tình, do Ngài gợi ý. Chúc lành. Và, bảo ban.

Trình thuật, nay ghi lại tình Chúa gợi ý/bảo ban cho dân con biết mà nguyện cầu. Nguyện cầu, sao cho thích hợp với ý Cha. Ý Chúa. Nguyện cầu, không theo thói các thượng tế Do thái vẫn dạy. Lời cầu Chúa dạy, Ngài không dạy cách xin. Nhưng, cầu là để dễ đạt điều Chúa muốn.

Lời cầu “Lạy Cha”, nay do thánh Luca ghi, tuy ngắn hơn văn bản do thánh Matthêu chép, nhưng lại sâu sát với Lời Chúa hơn. Hai bản văn, đều xuất xứ cùng một mạch văn, duy nhất. Cả hai, nói lên ý Chúa muốn mọi người khẩn nguyện cho nhu cầu của cộng đoàn, mà các thánh đỡ đần.

Phụng vụ nguyện cầu lâu nay ta sử dụng, là văn bản của thánh Matthêu, đặt vào Tiệc Thánh. Vào, chuỗi Mân Côi. Giáo hội dùng nguyện cầu ấy, làm lời kinh rất nghe quen. Tuy quen, nhưng kỳ thực, lời cầu Ngài dạy, dù dài/ngắn, vẫn không là lời kinh hôm/sớm ta đọc. Nhưng, là danh sách các việc cần ta thực hiện, khi nguyện khấn. Do vậy, ta nên biết tập trung. Suy nghĩ. Khi khấn nguyện. Suy và nghĩ, để mỗi câu/mỗi ý, tự nó đứng vững. Tự nó, làm mạch chính cho ta chiêm niệm, như Chúa muốn.

Nội dung ta nguyện cầu, gồm ý nghĩa của mỗi cụm từ và mỗi câu, như sau:

Cụm từ “Lạy Cha”, trước hết và trên hết, là lời xưng hô khiến ta gần gũi với Chúa. Ta không gọi Ngài bằng Chúa. Thầy. Hoặc, Chánh Án. Cũng đâu coi Ngài là Đấng Tạo Thành trời đất, khi cất tiếng ngợi khen. Nhưng, chỉ thưa và gửi rất thân tình như với Cha ruột của mình. Thánh Phaolô còn dạy: xưng hô như thế, ta biết mình được cất nhắc vào chốn thâm cung mật thiết. Rất ấm cúng. Được phép gọi Ngài là: “Abba! Lạy Cha! tức, khẳng định rằng: “Thần Khí chứng thực ta là con Chúa” (Mt 8: 15), rất đúng. Thưa gửi Cha/con là lối xưng hô của các con trẻ, trên thế giới. Với ba. Với bố mình.

Xưng như thế, có nghĩa: tất cả chúng ta đều là anh/chị, là em với nhau. Anh/chị/em cùng một cha. Một bố. Thưa gửi Cha/con như thế, là lời xưng hô rất sốt sắng, có tác động. Tác và động, như một sự kiện cụ thể. Tác và động, vì Ngài đích thực là Cha ta, chứ không là Cha của ai khác. Và, khi thưa gửi Ngài là Cha như thế, ta không loại trừ một ai khỏi tình thân thương, rất gia đình.

“Xin cho Danh Cha được cả sáng”, là lối xưng tụng của người Do thái không chỉ nói lên căn cước của người nào. Xưng tụng như thế, là diễn tả trọn vẹn nhân cáchcủa người mà mình muốn xưng, muốn tụng. Môsê thời xưa, cũng thưa với Chúa, là Đấng lúc ấy ẩn mình trong bụi cây rực cháy. Ông vẫn muốn biết Danh tánh của Chúa để hiểu rõ Ngài là ai. Vậy nên, khi nguyện cầu xưng tụng Cha ta là Đức Chúa, ta không chỉ xưng và tụng Danh tánh của Đấng mà hết mọi người vẫn cung kính. Mến phục. Mà, hiểu rõ Ngài là ai? Thưa gửi như thế, cũng không là lời xưng hô dành cho những người chỉ muốn tránh né ngôn từ trịnh trọng. Để, mình khỏi tôn kính.

Hiểu được thế, thử hỏi: ai là người không muốn cho Danh Cha được cả sáng? Hỏi như vậy, là vì bản chất thánh thiêng của Cha không tuỳ thuộc vào ta. Điều ta hiểu và ta xin, là xin cho tính thánh thiêng ở nơi Danh Ngài, được mọi người biết. Không qua ngôn ngữ. Nhưng hiểu và biết như thế, là để ta thể hiện rõ trên thực tế, bằng cuộc sống. Nói cách khác, lời cầu rất thánh Chúa dạy, phải thực sự chiếu sáng cuộc sống của ta. Của muôn người.

“Nước Cha trị đến”, hiểu theo nghĩa: Nước của Ngài, là thế giới thân thương. Ở đó, mọi vật được Chúa để mắt đoái hoài, sẽ thành thực tại cuộc sống cho mọi người. Ở mọi chốn. Nuớc của Ngài, được dựng xây dựa trên sự thật. Tình thương. Và, lòng thương xót. Trên công bình. Tự do. Phẩm giá. Ta còn biết, ý Chúa rõ ràng là: thế giới thân thương ta đang sống phải là kinh nghiệm sẻ san đủ mọi thứ. Kinh nghiệm, tuỳ thuộc cung cách ta ứng đáp. Hợp tác. Đành rằng, một số yếu tố về Nước Cha dựng, vẫn gặp thấy rất nhiều, nơi cộng đoàn. Nước Cha trị, là cộng đoàn thực tiễn vẫn cần triển khai, hơn nữa. Nước của Ngài, vẫn dính liền với ta, qua xử thế.

“Xin cho chúng con lương thực hằng ngày”, là lời kinh trực tiếp nhắm vào nhu cầu cần thiết, của mỗi người. Rõ hơn cả, đó là nhu cầu hiện tại, ta đang cần. Cũng nên biết, lương thực hằng ngày ta vẫn xin, là cố ý chỉ về những ưu tư/phiền muộn, về ngày mai. Cầu và xin như thế, là ta đặt hết tin tưởng vào Chúa, Đấng chăm nom/săn sóc hết mọi người. Hết mọi thứ. Cầu là cầu như thế, nhưng ta vẫn cứ phải chấp nhận rằng: mọi người cũng có nhu cầu như ta. Chính đó, là thử thách. Là, tình thân.

“Xin tha tội cho chúng con, vì chúng con cũng tha cho những kẻ từng mắc lỗi với chúng con”, là lời khẩn cầu về những hành vi ta vướng mắc, trong quá khứ. Xin và cầu, là lời cầu có điều kiện. Điều kiện gắn liền ta vào với mọi người đang sống quanh ta. Điều kiện như thế, là vì ta cũng đã biết tha cho những ai làm điều tai hại, sai trái. Đến với ta. Một lần nữa, lời cầu nay đưa ta về với chính mình. Nguyện cầu đây, là lời cầu cho ta được san sẻ phẩm chất tốt đẹp của chính Chúa. Phẩm chất ấy, hiện rõ nơi lời Ngài bày tỏ hôm trước: sẵn sàng tha thứ đến “bảy mươi bảy lần bảy”.Tức, vô hạn định.

“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”, là lời cầu kết thúc mục đích là để Chúa gìn giữ mọi người thoát khỏi mọi thử thách, trong mai ngày. Thử và thách, khả dĩ giúp ta lướt vượt mọi cám dỗ. Thử và thách, có thể cũng rất khó. Và, rất nặng. Không dễ lướt thắng. Những thử và thách, dễ làm ta sa ngã. Dễ phản bội lời thề quyết chí theo Ngài.

Quả thật, Chúa không ngừng dạy ta cách thức để nguyện cầu. Trước nhất, Ngài kể dụ ngôn về người bạn hàng xóm cần bánh, vào nửa đêm. Vì tình chòm xóm, nên ai cũng hết mình. Dù, không muốn phiền lụy, nhưng buộc lòng phải ngồi dậy để tìm cái gì đó để cho, ngõ hầu không bị người kia hành hạ. Làm khó. Và cuối cùng, lời Chúa còn dạy: “Chính sự lì lợm đã khiến anh phải thức dậy để lấy mà cho đi những gì người kia muốn.”(Lc 11: 8) Thành thử, lời Chúa khuyên: cứ cầu, rồi sẽ được.

Tiếp đến, Chúa còn nhắc nhở: ta đang đối xử với Đấng-là-Cha rất đầy lòng thương yêu, chăm sóc, ở Trên Trời. Hơn mọi người cha, ở trần thế. Và, vì Cha Trên Trời vẫn làm thế, nên ta hãy cứ liên lỉ mà cầu mà xin, như thế ư?. Thật ra thì, mục đích của lời nguyện cầu hôm nay, không phải để nhắc Chúa nhớ đến những gì ta mong muốn. Cho bằng, đây lại là điều Chúa nhắc nhở: “Đừng nguyện cầu theo kiểu lải nhải, giống kẻ ngoại.”

Nhắc, là vì Chúa không muốn để người nguyện cầu cứ muốn thuyết phục Ngài, bắt Ngài phải chiều theo ý muốn của người ấy. Cầu, là để xác định lại, rằng: những gì ta xin, có là điều ta nghĩ mình chỉ cần, trong chốc lát? Cung cách nguyện cầu cũng như các đòi hỏi ta đưa ra, sẽ nói lên vị trí của ta trong tương quan với Chúa. Tương quan, giữa ta và mọi người,. Những người đang cùng sống, với ta. Với Chúa.

Liên tục nguyện cầu như Chúa dạy, là để giúp ta hiểu rằng mình nên nguyện và cầu điều gì?. Nguyện ra sao? Cầu thế nào? Để giúp ta thanh lọc và làm sáng tỏ giá trị của hy vọng. Hy vọng, dẫn đưa ta về với những gì thực sự cần thiết, để được cứu rỗi. Để, ta thực sự biết rõ: Chúa muốn mình làm gì? Có những gì? Có làm thế, ta mới ít chú trọng đến ước muốn của ta. Mới nhận ra là: Chúa mong chờ gì nơi ta.

Cuối cùng ra, mục tiêu và mục đích của mọi lời cầu vẫn là đào sâu kết hiệp vào với tương quan ta vẫn có, với Chúa.

Trong nhận thức rõ điều đó, ta lại sẽ hân hoan cát tiếng ca vang chúc tụng, rằng:

“Chiều thơm, du hồn người bềnh bồng.

Chiều không, im gọi người đợi mong.

Chiều trông, cho mềm mây ươm nắng,

Nắng đợi chiều nắng say,

Nắng nhuộm chiều hây hây…”

(Vũ Thành An – Bài Không Tên Số 8)

Nắng đợi chiều, nắng rất say. Người đợi người, cũng hây hây suốt một đời. Đợi người. Suốt đời. Để, ta cùng nhau đi vào tương quan có Chúa. Với người. Trọn cuộc đời.

Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday 10 July 2010

“Môi cười, vết máu chưa se”


Cành hoa gạo cũ, nằm nghe nắng hiền.

Anh nằm nghe bước em lên,

Ngoài song lá động, trên thềm áo bay.”

(thơ Trần Dạ Từ)

Lc 10: 38-42

Nghe bước em lên. Có thể là, bước chân êm của nắng. Nắng hiền hoà. Không vết máu. Có áo bay. Văn chương thi phú thời nay, hay đến là tuyệt tác. Tình tự nhà Đạo bây giờ, luôn chờ khách quý. Như trình thuật, nay diễn tả.

Trình thuật thánh Luca ghi lại tình huống các thánh tông đồ quyết theo Chúa. Mãi khôn nguôi. Theo chân Chúa, là tỏ bày tính hiếu khách, như tục lệ của các dân tộc Ả rập hay Do thái ở Trung Đông, vẫn thường làm.

Ở đô thị Tây Phương, thì lại khác. Khác ở chỗ, đã khiến người miền quê hiếu khách, trở thành nạn nhân của lối sống thị thành. Và, người người nay bắt đầu “cửa đóng then cài”, chẳng cần ai. Chẳng cho ai. Mỗi lần nghe đập cửa, chủ nhà chỉ hé mở, để biết chắc là người gõ cửa có là bạn bè người thân, hay khách lạ, mới ra đón. Căn hộ dân dã khi xưa hân hoan chiều chuộng khách bao nhiêu, nay bỗng thành pháo đài lạnh tanh bấy nhiêu. Lạnh đến độ người khách lạ khó mà bước vào, nếu không báo trước. Vô hình chung, người tự cho mình là “văn minh”, “tân tiến”, “ăn học”, nay trở thành công cụ của thói tục khô cứng. Thiếu tình người.

Bài đọc hôm nay phản ánh cung cách trái nghịch với lối sống của người thời nay. Bài đọc 1, dựng lại bối cảnh ở sách Sáng Thế, là sách nói về tính hiếu khách của vợ chồng ông Abraham tiếp đón người lạ, trên gửi đến. Abraham không những chỉ thưa gửi với người lạ mặt như với một yếu nhân từ phương xa đến, ông còn mời khách ở lại để nghỉ ngơi. Ăn uống. Có tục lệ rửa chân. Rất ân cần. Chính vì lòng hiếu khách ấy, yếu nhân nhà trời hứa cho ông bà một mụn trai để nối dõi tông đường. Đây, sự lạ xảy đến không chỉ với vợ chồng ông thôi, mà cả với tập tục người Do thái nữa.

Tin Mừng này cho thấy một nghĩa cử khác, cũng nói lên lòng đon đả chào đón Chúa. Có lần, Chúa bảo:“Chồn có hang. Chim trời có tổ, chứ Con Người lại không có chỗ ngả đầu.” (Mt 8: 20). Không chỗ ngả đầu, chẳng vì Chúa cứ mải di chuyển, để rao giảng. Nhưng kỳ thực, Ngài đâu muốn dính líu vào với chất vật phàm tục, hoặc quà cáp mà đồ đệ bàn dân cứ dâng tiến. Ngài chỉ muốn dân con theo Ngài, tức những người anh/người chị trong gia đình lành thánh, hãy mở rộng vòng tay mà chào đón lẫn nhau, mỗi khi cần (Mc 10: 29-31). Bởi thế nên, chị em Maria-Martha trong truyện, là những người thực hiện đặc tính rất hiếu khách.

Ở xã hội năng động vội vã, ai mà không thấy tội nghiệp cho Martha cứ vất vả chuyện nấu nướng, với tiếp tân. Trong khi Maria cứ “bình chân như vại” lo mỗi việc chiêm niệm điều Chúa dạy. Thật cũng khó. Ở đây nữa, Tin Mừng không diễn tả việc tranh luận ai đúng/ai sai, nhưng nêu rõ nhiều đặc tính, ta phải có với Chúa. Đặc tính Ngài muốn, là ta biết chọn thứ tự ưu tiên, khi hành xử.

Cũng may là, trình thuật nay ghi thêm đoạn Chúa kể tiếp câu truyện người Samaritanô nhân hiền, hồi tuần trước. Hai trình thuật, kể rõ hai tình tiết rất khác nhau, nhưng lại bổ túc cho nhau. Truyện trước mở đầu bằng ý niệm thánh thiêng, nói về tình yêu với người cận thân. Và cận lân.

Truyện Chúa kể, Ngài dùng để dẫn chứng tình thương yêu phải như hành xử của người Samaritanô nhân hiền, ngoài Đạo. Ngài kể, là kể về thái độ của nhiều đấng bậc nhà Đạo chỉ muốn tránh né các tình huống dẫn đến phiền hà/rắc rối cho riêng mình. Dù, đó có là cảnh tình của người bị nạn. Bỏ rơi. Hay quên lãng.

Trình thuật, cũng cho thấy Martha thực tế hơn, trong công tác tiếp tân phục vụ khách ghé thăm. Có thể là, vào hôm ấy Chúa có đem theo dăm ba đồ đệ cùng đi đến. Thế nên, Martha mới lo âu thái quá, những muốn tỏ bày tính hiếu khách, của người mình. Nhưng ở đây, Chúa đặt nặng vào chiều kích sống động, ở nhiều người. Trong xử thế, Ngài muốn mọi người biết cách mà cân nhắc mọi việc trọng khinh, rất phân minh. Bởi, quan trọng hơn, vẫn là tương quan đích thực giữa con người và Đức Chúa. Giữa con người với nhau.

Cả hai trình thuật nay diễn tả khía cạnh tích cực trong tương quan giữa mọi người. Phải cân bằng. Làm dân con Đức Chúa, không phải cứ lăng xăng/năng động với chuyện yêu thương bác ái, thế là đủ. Cũng chẳng phải cứ bềnh bồng/nổi trôi làn mây vương vấn, mới đúng cách. Nhưng, phải thật tâm biết kết hợp hài hoà cả hai thứ. Đây là điều, mà các nhà chú giải gọi là “sự chiêm niệm năng động”. Đành rằng, cuối cùng rồi thì mọi hiệp thông/chiêm niệm trong sinh hoạt hằng ngày, vẫn là chuyện quan trọng. Còn lại, có hành xử năng nổ hay không chỉ là kinh nghiệm tiếp theo sau, mà thôi.

Chép Tin Mừng, thánh Luca chỉ muốn diễn đạt một số sự kiện tiểu biểu, tuy có khác với các thánh sử khác. Nhưng, khi viết về chuyện ác thần/sự dữ đem Chúa vào đồng hoang/chốn vắng nơi sa mạc, thánh sử vẫn không quên ghi nhận lời cảnh báo của Đức Chúa, nói rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ có bánh.” (Mt 4: 4). Vào lúc có người đến báo cho Chúa biết rằng Mẹ và anh em Ngài đang tìm Ngài, thánh nhân ghi: “Phàm ai làm theo ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời, thì kẻ ấy chính là anh em. Là, Mẹ Ta.” (Mt 12: 50)

Thêm vào đó, khi có nữ phụ cất tiếng khen ngợi Chúa, cùng chúc tụng Mẹ Ngài đã cưu mang Ngài, đã cho Ngài bú mớm, thì thánh nhân đã ghi ngay câu để đời, từ Đức Chúa: “Đúng hơn phải nói: Phúc thay kẻ biết lắng nghe và tuân giữ lời Chúa."(Lc 11: 28) Với trình thuật, nay chính Maria mới là người biết chọn “phần” tốt, hơn ai hết. Tốt ở đây, là biết lắng tai nghe lời Chúa dạy. Thành thử, những ai biết thận trọng để tai ra mà nghe Lời Chúa, kẻ đó ấy mới là người biết hành xử như lòng Chúa mong đợi.

Cuối cùng thì, khi tuân theo điều Chúa chỉ dạy, dân con người người mới thực hiện điều tốt đẹp cho người khác. Biết lo toan, không chỉ cho riêng mình, mà thôi. Nhưng, lo là lo làm thế nào để trần gian cõi đời người người được cải hoán. Hoàn chỉnh. Rất tốt đẹp. Có thế, Nước Trời mới được thể hiện. Có thế, dân con người đời mới thực sự vui hưởng hạnh phúc. Chúa phú ban.

Trong vui mừng nhận ra điều ấy, ta cứ cất tiếng ca vang giòng nhạc đầy phấn chấn, mà rằng:

“Đường đêm sao yên vui, người đi quen lối,

Tình trai nở bốn phương trời.

Đàn em trong cơ ngơi,

Nhờ đêm đưa tới, những ai làm ngát hoa đời.

Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!

Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!

(Phạm Duy –Dạ Lai Hương)

Hương đêm. Cơ ngơi. Tình trai, nở bốn phương trời. Ngát hoa đời. Là, những tình tự thân thương của cộng đoàn dân con Chúa. Cộng đoàn ở đó người người biết chiêm ngưỡng. Lắng nghe. Như thái độ Maria chọn, khi gặp Ngài.

Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday 3 July 2010

“Ai có đi bên đường”


Vô tình va cánh gió

có nghe gì trong đó

Một tiếng lòng ta vương.

(thơ Phạm Thiên Thư)

Lc 10: 25-37

Tiếng lòng ta vương, ở bên đường. Đã vô tình va cánh gió? Nghe trong đó? Tiếng lòng nhà Đạo, nơi cuộc đời. Có là tâm tình gieo muôn nơi. Như trình thuật rày cho thấy?

Trình thuật hôm nay, thánh Luca ghi lời đáp giải của Đức Chúa, cho câu hỏi của nhà luật sĩ đặt, vào thời trước. Lời Chúa hôm nay nói lên ý nghĩa sống còn của dân con nhà Đạo chỉ đứng vững bao lâu mang tính phục vụ. Cho nhân loại, mà thôi. Thêm vào lời Chúa, thánh Giacôbê từng tuyên bố: “niềm tin không việc làm là niềm tin chết.” (Gc 2: 14)

Cũng thế, niềm tin không là việc chính đáng nếu không hành động hiện thực kèm theo. Quả là, ta bỏ ra khá nhiều thì giờ để nguyện cầu và tỏ bày niềm tín ta có, với Chúa. Theo cung cách riêng tư cũng như tập thể. Thế nhưng, tin-yêu phụng thờ có ý thức về sự đồng nhất giữa thụ tạo, và ý thức về tương quan ta có với nhau. Với Chúa. Đó mới là việc cần làm trước nhất. Hơn mọi sự.

Chúa gọi, là Ngài gọi mời tất cả mọi người. Không phân chia trên dưới. Cũng chẳng tách bạch trong ngoài. Rẽ chia. Niềm tin của ta, chỉ là niềm tin khi nó đưa ta xích lại gần nhau. Gần mọi người. Mà chẳng phân biệt gốc gác của người đó. Của một ai. Nếu không, sẽ chẳng là niềm tin chính đáng.

Trình thuật hôm nay là ví dụ cụ thể. Chúa kể ra. Có 4 nhân vật trong trình thuật: một thày tư tế người Do thái, một thày Lêvi, rất mộ đạo. Một người Samaritanô rất tầm thường. Chẳng chức tước. Không danh vị. Và, người còn lại là nạn nhân một vụ cướp bóc. Bị hãm hại. Những người trên, người nào cũng có địa vị. Có chức tước. Đầy tiền bạc. Chẳng cần giúp đỡ. Chỉ mỗi nạn nhân cần được giúp thôi. Thế nhưng, ở đây, ứng đáp của ba người qua đường, thật khác biệt.

Hai vị đầu, không để ý gì đến nạn nhân cả. Mà, chỉ bận tâm đến chức cao trọng. Lo ràng buộc “tu đức”. Chức phận. Luật Đạo, thôi. Bởi thế nên, hai đấng bậc vị vọng có đi ngang qua, cũng vội đến Giêrusalem, để lo chuyện đạo. Cho chúng dân. Hơn nữa, các vị này vẫn sợ dính phần/sờ chạm vào thương tích, với máu chảy đầm đìa, sẽ bị nhơ lây. Gây trở ngại cho nghi lễ ở đền thờ.

Kể chuyện này, Chúa không muốn đụng chạm đến luật lệ hoặc cách sống của mỗi người. Ngài chỉ muốn tỏ cho thấy tình cảnh người gặp nạn cần ưu tiên giúp đỡ hơn mọi ưu tư khác, của mấy người kia. Và ở đây, người biết quan tâm chăm sóc người bị nạn, lại ở ngoài. Ngoài Đạo. Ngoài đời. Ông nhanh chóng ứng xử để đáp ứng nhu cầu cấp bách của nạn nhân.

Rõ ràng là, người Samaritanô cũng vội vã hơn ai hết. Nhưng ông cũng đã nán lại, mà giúp đỡ. Và, đưa người gặp nạn đến quán trọ để được săn sóc. Cũng như trang trải mọi chi phí cho người lạ. Ngôn từ trong truyện được nhấn mạnh đến cụm từ “lòng thương xót”, đến hai lần. Thương xót đây, không có nghĩa là “thương hại”; tức, vừa thương vừa ái ngại. Chẳng muốn nhúng tay làm gì hết, Ở đây thương xót, là cảm xúc thân thương sâu sắc về tình huynh đệ. Qua đó, người có lòng thương có thể bước sâu vào nỗi thương đau của người gặp nạn, để san sẻ.

Thêm vào đó, cụm từ “người thân cận” ở trong truyện, chính là người có lòng “xót thương”. Xót xa và thương yêu, cả những khách lạ. Ngoại bang. Ngoài Đạo. Xót thương, mà chẳng cần ái ngại là mìng có thể bị liên lụy. Phiền hà. Xót thương, chỉ vì người gặp nạn, đang cần mình giúp đỡ. Chẳng sợ gì luật lệ, do ai đó đặt ra. Luật ở đây, là: luật ám chỉ không được dính líu/dự phần với người ngoài Do thái, dù để giúp đỡ.

Ngày nay, nếu quả thật người Công giáo biết sống theo cung cách của người Samaritanô trong truyện. Biết, xử sự với mọi người theo cung cách hiền hoà, giùm giúp như thế, hẳn là thế giới ta đang sống sẽ biến đổi rất nhiều, theo chiều hướng tốt đẹp. Là người trong Đạo, phải chăng ta vẫn còn thói quen nói những chuyện tiêu cực về người khác Đạo? Khác mầu da. Ngôn ngữ. Và tập quán? Được mấy ai có lòng hào hiệp, xót thương như anh Samaritanô ngoài Đạo, ở trong truyện?

Ngày nay, truyền thông báo chí nói nhiều, dẫn chứng nhiều về sự kiện người kỳ thị người. Người ghét ghen người. Ghét, kẻ ở ngoài. Ghen, cả với người ở trong. Và, hậu quả xảy đến, là: những động thái kỳ thị và phân biệt ấy, đem đến cho gia đình và xã hội, một thần tượng và văn hoá mới. Văn hoá của sự chết. Thần tượng của lòng đố kỵ. Ganh tương. Chém giết.

Về lại Hội thánh, câu hỏi đặt ra với người của thánh Hội là: ngày nay Hội thánh Chúa có còn đặt nặng vai trò trọng tâm của gia đình, ở xã hội, nữa hay không? Hội thánh có dùng thước đo phẩm chất của xã hội bằng tính thân cận trong gia đình Hội thánh mình, nữa hay không? Đời sống thân cận của gia đình ruột thịt có còn là thế mạnh cho xã hội nữa không? Hoặc, đời sống thân cận của gia đình vẫn là thế mạnh và mặt yếu kém của xã hội? Hội thánh có lo cho gia đình nghèo hèn, cô đơn, đổ vỡ hiện đang là hiện tượng rất thông thường? Hiện tượng này khiến nhiều người bận tâm, lo lắng. Chí ít, là ở các xã hội hôm nay đã phát triển.

Lại cũng có mối nguy khác, ít hiện rõ, thường vẫn thấy có ở xã hội, là người ta chỉ lo tập trung mọi sự vì lợi ích của gia đình mình thôi. Nhiều gia đình chỉ chuyên chăm lo lắng cho lợi ích của gia đình mình. Bất kể nhu cầu nào khác, của xã hội. Họ muốn rằng xã hội có trọng trách phải cung cấp mọi điều tốt đẹp, dành riêng cho gia đình họ thôi. Ngoài ra thì, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Tất cả, là để vuông tròn tham vọng của gia đình, của riêng mình. Và xem những người cận thân hay cận lân, đều là thứ yếu cả.

Trình thuật hôm nay, kêu gọi mọi người hãy có tinh thần đối xử tốt đẹp với người thân cận. Để tất cả trở thành đại gia đình lý tưởng. Cộng đoàn thân thương. Chứ không là, xã hội khép kín. Hạn hẹp. Đầy tranh chấp. Nhiều tranh giành. Để, gia đình mình/cộng đoàn mình phải hơn người. Gia đình tốt trong cộng đoàn Nước Trời, phải là nơi chốn mà mọi người đem hết khả năng, tài cán ra mà phục vụ lợi ích chung. Lợi ích của cộng đoàn. Của xã hội. Cộng đoàn ấy, xã hội ấy, sẽ không có người dưng khách lạ, đứng ở ngoài. Mà, tất cả cùng chung là một.

Câu hỏi của người thanh niên trong trình thuật hôm nay: “Ai là người thân cận của tôi?” , sẽ là câu hỏi mà mỗi người trong ta cần đặt ra. Và, câu trả lời sẽ phải là câu đúng sự thật. Trong sống đời thực tế, cũng nên đặt câu hỏi theo cung cách khác, như: “Ai sẽ là người được tôi, được bạn giúp đỡ, hôm nay?” Hoặc, “Tôi sẽ nhìn người dưng khách lạ bằng cặp mắt nào đây?” Cũng nên thêm vào danh sách “người thân cận” của anh, của tôi không chỉ người dưng xa lạ, mà cả những người còn nghèo hèn. Yếu kém. Đớn đau. Tuyệt vọng, nữa.

Câu truyện Chúa kể ở trình thuật hôm nay, còn dẫn ta suy tư về nhiều điểm khác nữa, như: điều Chúa dạy, Ngài không chỉ dạy cho một nhóm người được tuyển, rất nhỏ. Nhưng, cho tất cả mọi người. Đó chính là lời mời gọi, gửi đến hết mọi người. Mọi xã hội. Tây cũng như ta. Già cũng như trẻ. Hãy biết để mà sống. Sống xứng đáng như bài đọc 1, còn nói rõ: “Mệnh lệnh (Chúa ban) không ở trên trời… Lời đó ở rất gần anh em. Ngay trong miệng. Trong lòng anh em, để anh em mang ra mà thực hành.” (ĐNL 30: 12-14)

Nói cách khác, Chúa mời gọi mọi người, không để ta trở thành siêu nhân sống bên ngoài cõi trời. Ngoài cõi đời. Nhưng, chính là những sự rất thật. Là, những điều ta cần xác tín về bản chất con người, của chúng ta.

Trong tinh thần lắng nghe và am hiểu điều Chúa dạy, ta hát lên lời ca đầy phấn khởi, rằng:

“Thanh niên, thanh niên hoa thơm tuổi thơ.

Tương lai, tương lai đang mong chơ ta.

Vai ta gánh sơn hà, tay ta giữ quê nhà,

Lòng rộn ràng say sưa như xuân mới.”

(Phạm Đình Chương – Bài Ca Tuổi Trẻ)

Tương lai với hoa thơm, vẫn cứ là cuộc đời, Chúa mời gọi ta nên sống. Sống yêu thương. Rất an bình. Như, Chúa căn dặn ở trình thuật, rất hôm nay.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com