Saturday 31 May 2008

“Lòng bâng khuâng bối rối, trước khúc quanh”

Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá,
Nhưng lòng anh đã bình thản lại rồi
Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi
Niềm uất hận của một thời lạc lối
(thơ Thâm Tâm)

(Mt 9: 9-13)

Bâng khuâng bối rối, là tâm tình của nhà thơ, trước khúc quanh. Khúc quanh đời mình với nhà Đạo, cũng chẳng làm ai bối rối, vẫn quyết tâm. Quyết theo Chúa, như Mát-thêu-người-thu-thuế, đã diễn tả ở Phúc Âm. Hôm nay.

Phúc Âm hôm nay, kể về việc Chúa gọi người thu-thuế-mang-tên-Matthêu. Phải chăng, đây là Mát-thêu-thánh-sử nhiều người mến? Các nhà chú giải đương đại, lại nghĩ: Tin Mừng hôm nay được viết bằng ngòi bút của tác giả ẩn danh, thời các thánh. Theo truyền thống, tác giả nào nổi danh viết điều gì, sẽ được gắn tên mình lên bài viết/tác phẩm ấy. Ở Tin Mừng Mác-cô và Luca, vị ấy mang tên: Lê-vi.

Dù có là ai khác, khúc quanh cuộc đời nơi Lê-vi hay Mát-thêu-người-thu-thuế, nói lên một chuyện không ai ngờ trước. Như đoạn văn/thơ nơi bài đọc một: “Ta phải ra sức nhận biết Chúa, như hừng đông mỗi ngày xuất hiện. Người đến, như mưa rào, mưa xuân tưới gội đất đai.” (Hs 6: 3). Ngày giờ Chúa đến gọi, vẫn bất ngờ là thế. Nhưng, Mát-thêu-thu-thuế vẫn luôn sẵn sàng, khi Ngài gọi.

Là dân thu thuế, Mat-thêu bị xã hội Do Thái luôn coi rẻ. Vào thời của Chúa, những người như thế còn bị ghét bỏ/tẩy chay vì đã phục vụ đám thực dân người La Mã, ở bên trên. Bởi thế, họ vẫn bị người đời coi như đã bội phản dân mình. Phản cả Đạo Chúa.

Thực dân La Mã có thói quen tính sưu cao thuế nặng rồi bổ lên đầu lên cổ người dân đen. Họ thường thu nhiều hơn cả số thuế mà đám thực trên dân đòi hỏi. Thu nhiều hơn, hầu có của dư của để mà sống cuộc đời thoải mái qua sai biệt. Sai biệt ấy, họ coi như thù lao mình được quyền. Thành thử, đám người thu thuế ở Do Thái vẫn kiếm bổng lộc phụ trội, thành thói quen tham nhũng, với mãi lộ.

Tham ô/nhũng lạm bị toàn dân ghét bỏ, là chuyện dễ nhận thấy; nhưng ở đây, Chúa vẫn mời gọi những người này cất bước ra đi theo chân Ngài, để giảng rao. Hãy tưởng tượng, Mát-thêu-thu-thuế ngỡ ngàng đến độ nào khi ông được Chúa đích danh, chào mời. Đây là mô hình tuyệt hảo, cho thấy tầm nhìn của Chúa vượt mọi khuôn đúc cấm kỵ, vẫn hằn in bên trong tâm khảm người đương thời. Đây là bài học ta cần biết đến để rồi đừng đánh giá thấp các thiếu xót/ lỡ lầm của con người. Lỡ lầm và thiếu xót ấy, Mát-thêu-thu-thuế đã biết bỏ lại, hầu bước theo chân Chúa, trọn niềm tin.

Bài đọc hai, thánh Phao-lô nói nhiều về niềm cậy trông/tin tưởng của Áp-ra-ham nơi Đức Chúa. Cậy trông - tin tưởng, cả khi ông biết mình đã già nua/tuyệt vọng trong ao ước có con nối dõi tông đường. Thánh nhân viết: “chính nhờ niềm tin, ông đã vững mạnh và tôn thờ Thiên Chúa” (Rm 8: 20). Và, Mát-thêu-thu-thuế không những đã bước theo chân Thầy, mà còn: “dùng bữa tại ngôi nhà.” Dùng bữa tại nhà, có các môn đệ và đám thu thuế khác, cùng ngồi ăn.

Tại ngôi nhà, là nhà của ai? Có thể, nhà ấy là nhà của chính Mát-thêu-thu-thuế. Cũng có thể, là nhà của ai đó Chúa nán lại. Cũng có khả năng, nhà đây chính là nhà của Đức Chúa. Tại ngôi nhà, là cụm từ thường lặp đi lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng Nhất Lãm. “Ngôi nhà”, là nơi Đức Chúa cùng với nhóm môn đệ và nhiều người khác, đã ngồi lại để cùng ăn. Ngồi lại và cùng ăn bên giường của Ngài, hầu nghe và nhận thức điều cần biết. Cùng ngồi và cùng ăn, để được Ngài chữa lành. Đây là khuôn vàng thước ngọc, mà cộng đoàn Hội thánh luôn nhắm đến cùng một mục đích.

Nhìn cộng đoàn dân Chúa cùng ăn và cùng ngồi, nhiều “đấng bậc” Pha-ri-sêu tỏ ra rất bất mãn. Họ bèn vấn nạn: “Sao Thầy lại cứ ngồi mà ăn với bọn người-thu-thuế, quân tội lỗi thế?” (Mt 9: 11). Hỏi, là có ý bảo rằng: nếu Ngài là Đức Chúa và bậc Thầy, sao lại giao du với phường “giá áo túi cơm”, thiếu đạo đức như thế? Giao du gần gũi, Thầy đâu ngại lây lan những tật bệnh. Hơn thế nữa, Thầy vẫn dùng của ăn/thức uống ở những nơi Ngài lưu lại, trú chân. Những nơi, mà sự thường chẳng vị nào dám mời phường tệ lậu như thế.

Và, đáp ứng của Đức Giê-su luôn qui về lời lẽ ghi trong Cựu Ước. Ở đây, là lời tiên tri Hô-sê được ghi trong bài đọc: “Ta muốn tình yêu chứ không cần của lễ; muốn được người nhận biết, hơn lễ vật toàn thiêu.” (Hs 6: 6).

Dùng ngôn-từ thời đại hôm nay, hẳn tiên tri Hôsê sẽ nói: lễ lạy, kiệu rước kinh kệ sẽ chẳng có giá trị gì; trừ phi ở đằng sau, chứa đựng một hiểu biết, rất đích thực. Hiểu rõ ý định của Chúa. Biết chắc con Đường Ngài đang đi. Rồi từ đó, đón nhận Thiên Chúa hết lòng mình. Hiểu biết và thực hiện động tác yêu thương giùm giúp các người anh người chị đang mỏi ngóng trông chờ ta kêu mời, như Đức Chúa.

Đáp trả như thế, Đức Giê-su đã đích danh chỉ trích đám Pha-ri-sêu tự phụ, nặng hình thức. Ngài đem đến cho họ, tầm nhìn mới có viễn tượng hoàn toàn khác biệt. Việc họ cần bàn, không là chuyện Ngài có bị lây lan thói tục của người ô uế - rất tội phạm, hay không. Nhưng đúng hơn, chính họ mới là người cần được chữa lành bằng sự hiện diện, bằng ảnh hưởng của Ngài. Họ cần, để rồi tâm can mình sẽ ngập tràn tình thương yêu đích thực. Thương yêu tha nhân. Giùm giúp mọi người.

Bởi, những ai biết quan tâm đến người khác, sẽ luôn tìm phương cách để hỗ tương giùm giúp các thiếu hụt mà người anh người chị của mình, đang chịu nhiều cay đắng, với khổ đau. Chính vì thế, Chúa đã có câu nói để đời: “Người đau ốm tật bệnh mới cần thầy thuốc” (Mt 9: 12). Quả thật, chính những người như thế mới cần có Chúa ở sát bên. Mặt khác, chỉ những ai thiếu thốn về mặt tâm linh/đạo đức mới mong Chúa dành thì giờ quây quần, ở bên họ.

Bài đọc hôm nay, là một bài học hữu ích cho thế giới đương đại. Đã nhiều lần, ta từng nghe thiên hạ xầm xì vấn nạn, khi Chúa chỉ chọn lựa mỗi giới tầm thường thấp bé làm bậc thủ lĩnh trong Đạo, như: linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân ngoan, mà thôi. Nhìn vai vế “lý lịch” của Nhóm Mười Hai, sẽ thấy các thánh đều thuộc thành phần nông dân/thuyền chài - văn dốt/võ rát, hơn ai hết. Các thánh, là những người thường ngay như ta cũng chẳng hề ngó ngàng, bận tâm đến.

Biết bao tụ điểm thị thành nơi ta sinh sống, là những nơi mà đa số dân con đi Đạo thường không muốn bén mảng. Có người còn viện cớ chủ trương: nơi đó không thích hợp cho người dân ngoan hiền đi Đạo, giống như ta. Rồi vì thế, mọi người đều vẫn mong né tránh.

Cứ thử hỏi, Đức Chúa có hiện diện nơi xí nghiệp/công sở ngập đầy những người vô thần, chẳng tin một ai? Ở nơi có nghiện ngập/hút sách, có chốn ăn chơi/phòng trà, dành riêng cho kẻ vô gia cư, thất nghiệp, cô đơn và lẻ bóng. Nếu Chúa vẫn xuất hiện tại chốn thị thành nơi ta sống, ta sẽ gặp Ngài ở nơi đâu? Chốn nào? Nơi giáo xứ, dòng tu hay căn nhà ổ chuột, không ai thích?

Thiết tưởng, hôm nay đây, chắc hẳn Ngài cũng lân la nơi phố chợ đầy mùi hôi, những xú uế. Hoặc, tại phố phường chật chội, lem luốc, chốn người qua? Gặp lại dân đen hôm nay, chắc Ngài sẽ bảo: Ta muốn con yêu thương giùm giúp kẻ không nhà, đang chui rúc đầu đường xó chợ, chứ không mong con đem quà tế lễ, với hiến dâng, đâu!

Nói cách khác, làm dân con đồ đệ, người người phải cất bước đến với nơi nào/người nào cần mình hơn cả. Cần mình, là cần đến để san sẻ yêu thương và giùm giúp. Chứ, không là những người chỉ để thì giờ ra mà sinh hoạt tình tiết, với “lễ nghi”. Dù, có là nghi lễ của nhà Đạo. Hoặc, lễ tiếp tân đình đám ở ngoài đời. Tức là, những người chi li với chấm phết lễ tân, đầy kiểu cách. Là, các vị chỉ biết có nhà thờ, kiệu rước với đọc kinh. Nhưng lại ngủ yên trong niềm tự hào, đầy mãn nguyện. Ngủ yên không bối rối. Chẳng bâng khuâng, hay vấn nạn.

Trung thành nghe Lời Ngài dạy bảo, người người cũng cần được chữa lành. Cần, để cho lòng thương xót trở thành tình tự thân quen, của riêng mình. Lòng Chúa xót thương, cần được chuyển tải - hướng về những ai thật cần thiết. Đó mới là của lễ đích thực, ta dâng tiến. Đó chính là điều Chúa mong muốn, từ chúng ta. Không có lòng xót thương nội tại, việc tham dự Tiệc Thánh sẽ trở thành hành động rỗng tuếch, mất ý nghĩa trọng tâm.

Trong nhận định vững chãi như thế, ta hiên ngang cùng người nghệ sĩ hôm xưa cùng hát:

“Tôi yêu, đi bộ dưới hàng cây

đấu vui với bạn bè

và ly rượu ngon,

tôi yêu, trong nhà nhiều cây lá

tôi yêu, những người già…” (Và tôi cũng yêu em! - Đức Huy)

Và, tôi vẫn yêu em. Dù em tôi có nghèo hèn, tội lỗi hoặc chỉ là dân chích choác. Dù anh, dù chị có là người già - nhiều đau khổ, tôi vẫn yêu. Yêu, như Chúa dạy bảo, mà lòng chẳng “bâng khuâng bối rối, trước khúc quanh”. Những khúc quanh cuộc đời, nơi lập trường. Nơi tư tưởng. Vẫn gần bên.

____________Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Sunday 25 May 2008

“Con xin Chúa một giờ, chuông ngọ đổ”


Chuông ngọ từng hồi, chuông ngọ đổ

Từng hồi chuông ngọ đổ, chơi vơi

Con nghe chuông đổ, rồi con khóc

Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!

(dẫn nhập nguồn thơ Nguyễn Bính)

(Mt 7: 21-27):

“Chơi vơi, nghe chuông ngọ đổ từng hồi”, nhà thơ khóc. Khóc xong, nhà thơ xin Chúa cứu hồn mình, và chuông đổ. Chuông ngọ đổ, dân con nhà Đạo cũng nghe nhưng không khóc, chỉ cầu kinh. Cầu kinh kêu van cùng khóc lóc, là tình tự Chúa nói ở trình thuật, viết hôm nay.

Trình thuật hôm nay, là đoạn cuối Bài Giảng nghe Trên Núi, thật rõ nghĩa. Giảng trên núi, Chúa nói về đặc trưng/đặc điểm mà dân con đồ đệ, nay thường có. Đặc trưng/đặc điểm ấy, không thể đo lường mực thước điều mình nói hoặc làm, dù có là thánh. Thành thử, không thể ngồi “nghe chuông đổ”, rồi kêu cầu “Lạy Chúa!”, “Lạy Chúa!” suốt ngày là đủ đâu. Than van kêu cầu “Lạy Chúa!” Lạy Chúa!” suốt ngày, là kiểu nói/thói tục, bấy lâu nay.

Xưa nay, dân con nhà Đạo có để thì giờ ra mà kêu van hay đi nhà thờ nhà thánh, hoặc hành hương, làm tuần cửu nhật, sớm tối đọc kinh, kiệu rước linh đình… thì chưa chắc đã thể hiện được ý Cha. Có vị, còn chủ trương bói bùa trừ quỷ, giảng thuyết hùng hồn hoặc bày biện chuyện lạ giựt gân nhằm thu hút nhiều người, cũng chưa chắc để danh Cha được cả sáng.

Là dân con đồ đệ, đòi hỏi ta làm nhiều hơn thế nữa. Trước hết, nên nghĩ đến trách nhiệm hiệp thông liên kết trọn vẹn với Chúa. Liên kết trọn vẹn cả hồn xác, là thấm nhuần thần trí Đức Kitô. Là, biết suy nghĩ như Ngài vẫn suy tư. Biết nhận thức, thực hiện ý định của Ngài, trong mọi việc. Là đồ đệ đúng nghĩa, còn phải biết thực sự tiếp cận với ý định của Ngài nữa. Tiếp cận, trong tâm trạng tỉnh trí biết lắng nghe, hơn là nói nhiều và ê a nhiều, qua kinh kệ. Tiếp cận là để, khi giáp mặt Ngài vào giờ phút cuối, Ngài sẽ nhận ra mình, người đồ đệ thân thương vẫn chu toàn thánh ý của Ngài, trong cuộc sống.

Chu toàn thánh ý của Chúa, còn là tương tác với Ngài bằng bốn đặc trưng, như sau:

Trước nhất, biết lắng nghe xem Ngài dạy những gì. Chỉ làm được như thế, nếu biết tiếp cận Lời Ngài. Lời Ngài vẫn rõ ghi trong Kinh Thánh, cả ở Cựu Uớc lẫn Tân Ước. Đặc biệt là Tân Ước. Bởi, phần đông dân con nhà Đạo thường biết rất ít về Lời Ngài nói trong Kinh Thánh. Trong cuộc sống bận rộn, ít người chịu mở Kinh Sách ra đọc, và gẫm suy. Tuy nhiên, làm sao suy gẫm, nếu chưa bao giờ sở hữu đến một Cuốn. Có người còn nghĩ: vốn liếng về Đạo học được ở trường/vào giờ lễ, cũng quá đủ. Người khác lại nói: chỉ cần ta ăn ngay ở lành, làm đúng lương tâm đạo đức, đã là may. Thậm chí, đến như người có học, cũng còn biết rất ít về đặc trưng/đặc điểm ở tín thư Tin Mừng, nữa cũng nên.

Tiếp đến, cũng nên am tường những điều mình nghe biết, nơi Lời Ngài. Lời Ngài dạy, ta đã nghe và cũng đã có dịp đọc, nhưng không am hiểu ý nghĩa tóm gọn, bên trong. Thành thử, không thể am tường, nếu không có cố gắng. Làm sao cố gắng, nếu chỉ đọc và hiểu Lời theo tầm hiểu biết rất thô sơ, của chính mình. Đọc và diễn nghĩa bậy mà không được dẫn dắt, là điều rất nguy hiểm. Nguy hiểm, vẫn từng xảy ra qua nhiều thế kỷ. Lời Chúa, được viết vào thời buổi có văn hoá khác hẳn, thời hôm nay. Đọc Lời Chúa, mà không được giải thích dẫn dắt, thật khó mà hiểu cho thấu đáo. Chỉ đọc hời hợt/thoáng qua, ta dễ bóp méo hoặc thay đổi ý hướng của văn kiện. Thành ra, ta nên tìm đọc và học hỏi các sách chuyên sâu chú giải, mới hiểu thấu Lời Chúa. Và từ đó, mới thấy hữu ích.

Thứ ba, là có thái độ thuần thục chấp nhận và biết đồng hoá tiếp thụ những gì giúp ta hiểu biết thấu đáo Lời Ngài dạy bảo. Ta sẽ trở nên đồ đệ đích thực của Ngài, nếu biến suy tư của Đức Chúa thành suy nghĩ của chính ta. Như thánh Phao-lô có nói trong thư gửi cộng đoàn Phi-líp-phê: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. (Pl 1: 21). Mối lợi với thánh nhân, là kết hợp trọn vẹn với Chúa. Là, tiếp tục sẻ san kinh nghiệm về Ngài với người anh người chị, trong cộng đoàn các kẻ tin.

Cuối cùng, lại như thánh Phao-lô, một khi ta đã đồng hoá/tiếp thụ trở nên thành phần suy tư điều mình đã nghe và hiểu, ta cứ theo đó mà hành động. Bởi, thánh ý của Chúa và suy nghĩ của ta khi đó đã trùng lập. Thị kiến của Ngài cũng trở thành cái nhìn của ta, như một. Như của ta. Là đồ đệ của Chúa và quyết làm theo Lời Ngài, không còn là vấn đề của ý chí, nữa. Mà là, nhìn thấy sự việc theo cùng một cách như Tin Mừng. Như Tony De Mello nói: “Tất cả là thái độ sống”. Khi thấy được sự sống và tương quan cùng một cách như Tin Mừng thấy, thái độ của ta sẽ dễ dàng tiến theo sau, rất tự nhiên.

Bài đọc một, nói đến chọn lựa của ta có thể là một chúc phúc hay nguyền rủa. Với Giao Ước Mới, giới lệnh đích thực không là điều răn có được từ núi Si-na-i; mà là, theo cách sống sự thật. Sống công chính. Và, sống trong yêu thương dựa trên sự kết hiệp tình yêu giữa Chúa và mọi người. Mọi người ở quanh ta. “Chúc phúc”/“nguyền rủa”, không là quyết định thánh thiêng của Chúa. Quyết định là quyết định, theo sau đáp ứng của ta với lời mời của Chúa. Nghe và làm theo lời Ngài, ta sẽ được bình an - hạnh phúc, ta hằng đeo đuổi. Từ chối không nghe/không làm, đem cho ta những âu lo nghịch thường, trong cuộc sống.

Bài đọc hai, thánh Phao-lô nhắc nhở ta hãy nên người công chính, việc này không do bởi ta có giữ luật Mô-sê truyền không, nhưng đây là quà tặng của tình yêu, nơi cuộc sống. Qua, sự thống khổ, cái chết và sự phục sinh của Chúa. Tin điều Chúa dạy, đó là ý định Chúa muốn ta nhận biết và có được niềm tin tươi mát. Nói cách khác, trở nên người công chính với Chúa, là do mình có quyết định tin - yêu trọn vẹn vào Đức Kitô. Chứ không do nỗ lực vẫn có nơi ta. Hiểu như thế, là theo đúng Tin Mừng của Chúa, hôm nay. Mọi việc ta làm, đều qua Ngài. Với Ngài. Và trong Ngài.

Sống, mà chỉ biết có kinh kệ hoặc vụ hình thức, những “chũm choẹ chập choeng”, chẳng khác nào như Chúa nói: “như người dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, gió cuốn bão ập vào, tất cả đề ra hư luống, đổ ào.” (Mt 7: 27). Đó cũng là trạng huống của các bạn đồng Đạo, những sống hình thức. Rất dễ ngã quỵ, trong hối tiếc. Nghe Lời Ngài, là biết sống trong sự thật. Rất yêu thương, đùm bọc. Rất nội tâm.

“Đừng thề với hứa, mà không thể thực hiện! Hãy biến những điều mình hứa hẹn và thề nguyện, thành hiện thực!” Điều này, vẫn thường xảy đến vào thời của Đức Chúa. Thời mà dân con trong/ngoài nhà Đạo vẫn cứ chỉ tay lên trời mà thề. Lập trường Chúa kêu gọi mọi người, vẫn là: đừng thề nguyền hoặc hứa hão. Cứ luôn sống trung thực. Trung thực như một kẻ tin, rất lương thiện. Rất đáng tin cậy. Lương thiện, không cần phải bảo kê lời mình nói. Không cần phải dẫn chứng Chúa lẫn Mẹ, mỗi khi nói. Cứ trong sáng. Trong sáng, như những người không có gì phải giấu.

Không phải là ít trong số những người Công giáo luôn nghĩ rằng: nếu mình giữ trọn 10 điều răn Đức Chúa Trời, đương nhiên trở thành người công chính. Lên thiên đàng thẳng rọt. Họ là những người, thường cứ nhất nhất một điều bối rối, hỏi rằng: việc này có là tôi? Có phản chống lề luật của Đức Chúa không? Công giáo đích thực, là người chẳng cần hỏi: việc đó có đúng luật, không? Mà, chỉ biết yêu Chúa qua các người anh người chị trong cộng đồng. Chỉ biết đến phục vụ và yêu thương, nhiều hơn nữa.

Yêu thương phục vụ, không là tự hỏi: mình đã thi hành đúng luật pháp chưa. Mà, luôn hỏi: ta làm như thế có đúng luật yêu thương, phục vụ người đồng loại không? Có cần yêu thương nhiều hơn nữa không? Trả lời được câu hỏi này rồi, thì đòi hỏi của những luật và pháp, cũng sẽ lọt tọt đuổi theo sau mình, mà thôi.

Hiểu như thế, ta quyết tay nắm tay, ra đi mà phục vụ kẻ khác. Phục vụ người. Như người vẫn hát:

“Đi với tôi đến chốn trời xa

Bên suối mơ là nhà của ta,

tay đàn miệng ca và mơ màng ta múa

Gót chân theo nhịp bước thần tiên

Có ai đâu vui như tôi

Tuy không có dài hơi

Người nào chán và buồn tình đời

Đều cùng yêu tôi.” (Canh Thân – Đi với tôi đến chốn trời xa)

Vâng. Khi đã quyết tâm như thế, ta cứ đi. Đi để thấy, đời rất đẹp. Thấy mọi người “đều yêu ta” và ta yêu người. Yêu ta yêu người, chứ không ê a Lạy Chúa, và không khóc. Dù khóc, khi nghe chuông đổ. Hay khóc, vì gọi Chúa mãi Ngài không nghe. Bởi than hay khóc, giống như người xây nhà trên cát. Rất dễ sụp. Rất mau chán. Chán sống. Chán cả yêu.

_______________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Sunday 18 May 2008

“Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp”

Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập

Cả Hàn giang và mầu sắc thiên không,

Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng

Cho sốt sắng, đê mê nguyền ước.

(thơ Hàn Mặc Tử)

(Ga 6: 51-52)

Mới chỉ xin, thắp hai hàng cây bạch lạp” thôi, nhà thơ đã “sốt sắng, đê mê nguyền ước”. Hẳn là khi, mừng kính Mình Máu Chúa, sẽ có “cả Hàn Giang nhân loại, thiên không”, tràn trái đất! Cả nhân loại, sẽ cùng với nhà thơ lại có tâm tình người dự Tiệc, rất hôm nay.

Trình thuật lễ Mình Chúa hôm nay, thánh Gio-an ghi: “Ai ăn thịt và uống máu Ta, sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6: 54)

Thoạt ngày đầu, Lời Chúa không nói về “Tiệc Thánh Thể” hoặc rước lễ, nhiều cho lắm. Người Do Thái lúc trước đều không muốn dính vào máu. Họ cho rằng, máu động vật là thứ gì ô uế, không được đụng đến, huống hồ là ăn hoặc uống. Chí ít, là hàng tư tế. Có lẽ vì thế nên, ở truyện người Sa-ma-ri-ta-nô hiền, cả vị thượng tế lẫn Lê-vi dù thấy người bị nạn sõng xoài trên vũng máu, vẫn bỏ đi. Bỏ mà đi, không phải vì họ vội vã lên đền thờ kịp dâng lễ; nhưng vì, không muốn dính đến người có vấy máu.

Ai ăn thịt và uống máu Ta, trước nhất nên hiểu theo nghĩa liên kết/tháp nhập Lời Chúa. Có thị kiến Ngài ban cho. Và, thấy được giá trị của máu. Có như thế, mới hiểu thấu ý nghĩa và mục tiêu của sự sống, thật đúng cách. Khi hiểu rồi, ta sẽ nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà chính là Đức Kitô sống trong tôi.” (Ga 3: 22); hoặc: “Anh em hãy mặc nơi mình, tâm tư vẫn có trong Đức Kitô Giê-su.” (Pl 2: 5). Tâm tư vẫn có trong Ngài, chính là điều ta suy nghĩ. Là, mộng ước ta xây. Và là, ý nghĩa của lời khuyên nhủ: hãy ăn thịt và uống máu Chúa, tức: hiệp thông liên kết qua động tác nghĩ và sống đời cộng đoàn.

Khi nói: ăn Thịt và uống Máu Chúa, thánh Gio-an không có ý nói hình hài khi Ngài chết trên thập giá. Cũng chẳng là, máu đào rỉ tuôn từ nương long, nơi xương thịt. Thân Mình Đức Chúa Phục Sinh hôm nay, gồm tất cả đồ đệ người thân của Đức Chúa. Cả những người đã và đang liên kết với nhau trong cộng đoàn tình thương, trên thế giới. Ngài là Đầu. Còn ta, qua kỹ năng đa dạng của mỗi người, là tứ chi nơi Thân Mình Ngài. Thân Mình Ngài cùng với tứ chi, có trọng trách yêu thương, phục vụ và chăm sóc lẫn nhau. Yêu thương, hầu làm chứng để thế giới biết đến Ngài. Yêu thương, chứng tỏ Chúa sống nơi mình.

Thêm vào đó, ta có Bí tích Mình Máu Chúa, nữa. Không biết yêu thương/phục vụ cộng đoàn, thì Mình Máu Chúa chẳng đem cho ta ý nghĩa nào hết. Hoặc có chăng, cũng rất ít. Nói cách khác, không biết rõ Đức Kitô hoặc chối từ nhận lãnh thị kiến Ngài trao, ta sẽ chẳng thể nào “ăn Thịt và uống Máu Ngài” được. Và như thế, tham dự Tiệc Thánh chỉ là thói quen vô bổ. Và như thế, những ai cho rằng mình là kẻ bước theo chân Chúa, vẫn tham dự đều Tiệc Thánh, một cách năng động hay thụ động, mà lại không tha thiết làm thành viên cộng đoàn tình thương của Chúa, ắt chỉ hưởng lợi ích của Bí tích Thánh Thể, rất ít.

Tham dự Tiệc Thánh, còn là hành vi cảm tạ. Bởi, nếu tầm nguyên ngôn ngữ, ta sẽ thấy cụm từ “Thánh Thể” (eucharistia) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, mang ý nghĩa của một cảm tạ. Nên nhớ là, trong mọi việc, Thiên Chúa thể hiện tình thương cho ta qua sự sống của Đức Giê-su, và Lời Ngài dạy. Qua nỗi đau, cái chết và sự sống lại của Ngài, mà thôi. Bởi thế nên, khi tham dự Tiệc Thánh, ta nhớ đến Đức Chúa của Tình Yêu. Nhớ, để cảm tạ. Nhớ, để yêu thương. Cảm tạ, vì ta đã được Tình yêu Chúa đánh động, và đi vào cuộc sống của ta. Đánh động, qua kinh nghiệm bản thân, của mỗi người. Dự Tiệc Thánh, là đi vào với chiêm ngắm và cảm tạ mọi phúc lành, Ngài ban cho sự sống.

Dự Tiệc Thánh, còn là cử hành sự kiện mình trở nên thành viên đích thực của cộng đoàn. Vì thế, ta sẽ cử hành trong vui tươi, đậm nét thân thương tình bằng hữu. Vui tươi, vì Tiệc Thánh Thể, tự bản chất, không tạo ra cộng đoàn. Nhưng, khi dự Tiệc Thánh, ta biết rõ ràng cộng đoàn có mặt ở đó, đang quây quần tề tựu, rất tươi và rất vui. Tham dự Tiệc Thánh, không chỉ có nghĩa là “xem lễ”, bước đến nhà thờ để “đi lễ, rất cá thể. Dự Tiệc Thánh, cũng chẳng cốt để giữ điều răn Hội thánh, là: “Hãy giữ ngày Chúa Nhật”. Dự Tiệc Thánh, hay giữ ngày Chúa Nhật, không thể là như đi xem hát/diễn kịch, mà giải trí. Không phải để ta lãnh nhận điều gì có lợi, dù vật chất hay tinh thần. Nhưng tham dự Tiệc, là cho đi. Cho rất nhiều. Cho toàn bộ con người mình, hầu liên kết hiệp thông.

Tiệc Thánh là một Bí tích, điều này có ý nghĩa còn lớn hơn cả ý nghĩa đến dự chỉ để dâng lên đồ cúng kiến, tế thần. Tiệc Thánh, là thước đo chất lượng của tình bằng hữu, nơi cộng đoàn. Đo, là đo cả bản chất và tình trạng của cộng đoàn, nữa. Cộng đoàn nào sinh động, ắt không thể cử hành Tiệc Thánh theo cách lê thê, đáng chán. Nơi nào, không có tinh thần cộng đoàn theo đúng các, nơi ấy không thể có Tiệc, theo đúng nghĩa. Nguyện đường có hoành tráng. Phẩm phục có uy nghi. Ban hợp xướng có tiếng hát thanh trong thiên thần đi nữa, thì Tiệc Thánh ta dự vẫn không mang ý nghĩa đích thực, được.

Có giáo dân đến dự Tiệc Thánh rất thường nhưng vẫn tự hỏi: sao cứ phải “đi lễ”, mà không thể cầu nguyện ở nhà? Đúng thế. Ai cũng có thể ở tại nhà, mà nguyện cầu. Nhiều khi, nhà là chốn ấm nguyện cầu, rất tốt. Nhưng, Tiệc Thánh đâu chỉ là thời gian để nguyện cầu. Thánh lễ chính là Bữa Tiệc. Là, mảng thời gian để ta vui mừng với cộng đoàn thân thương, ta lui tới. Và tiệc vui thánh, không thể thực hiện một cách riêng lẻ, ở tại nhà. Mà, chỉ có thể thực hiện trong chung vui, với nhau. Chung cộng đoàn. Cùng cộng đoàn.

Bài đọc hai, thánh Phao-lô nói: “Khi nâng chén chúc tụng cảm tạ Chúa, há chẳng là ta dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh, há chẳng là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi, chỉ một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, ta vẫn chỉ là một thân thể.” (1Cr 10: 16-17).

Tiếc thay, dĩa thánh đựng Mình Chúa còn hơi nhỏ, khó có thể diễn tả phương cách để cộng đoàn ta cùng vui sẻ san Mình Máu Chúa, trong hiệp thông. Cũng làm giảm sút một phần nào trọng tâm ý nghĩa Tiệc ThánhThể. Làm như thế, cũng còn khiến cho sự kiện đón nhận Mình Máu Chúa chỉ là việc riêng tư, cá thể. Nhưng kỳ thực, dự Tiệc Thánh là có Chúa đến với ta. Ở nơi ta. Ngài đến, như thành phần của cộng đoàn thân thương, đang vui sống.

Bởi thế, những gì ta cử hành khi tham dự Tiệc Thánh, vẫn nói lên kinh nghiệm sẻ san, cùng đem cho nhau tư cách vui tươi, của cộng đoàn. Và khi bắt đầu phần rước Chúa vào lòng, cộng đoàn ta cùng nhau dâng lên lời nguyện cầu mà Đức Giê-su đã chỉ dạy. Đó chính là lúc, ta ngỏ lời với vị Cha Chung của ta ở trên cao, chứ không phải với người cha riêng của một ai. Qua ngỏ lời, ta cầu Chúa ban cho mọi người có đủ cơm bánh hằng ngày. Cầu mong cho nhau, được ơn tha thứ, biết làm hoà. Làm hoà, bằng cử chỉ tay trong tay nắm thành vòng. Và làm hoà, bằng lời chúc bình an cho nhau. Tức, cử chỉ của sự thân thương tình bằng hữu. Của tình hài hoà biết thứ tha hết mọi người, trước khi bước lên bàn thánh đón Chúa vào ngự trong cung lòng của chúng ta.

Thực hiện động tác an bình hài hoà, tất cả chúng ta sẽ nhớ lại Lời Ngài ở Núi thánh: “Vậy, khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ người anh em đang có chuyện bất bình với anh, hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh/em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5: 23-24).

Nói cho cùng, nếu không chuẩn bị, ta không thể có được tình an hoà bằng hữu, khi đến với cộng đoàn, ở nhà thờ. Đến dự Tiệc, là ta đã sẵn sàng mang niềm vui tặng trao mọi người. Giáo xứ nào, chỉ lo tổ chức thánh lễ rềnh rang cho có, chẳng thiết tha gì chuyện buồn/vui xảy đến, với người mình. Và nơi ấy, sẽ trở thành giáo xứ khô cằn, rẫy chết. Tiệc Thánh lúc đó, chỉ là thói quen nhàm chán, đáng từ bỏ. Tiệc Thánh, phải là Tiệc sinh động của cộng đoàn. Cho cộng đoàn. Do cộng đoàn thực hiện.

Giáo xứ năng động, không chỉ là toà kiến trúc, nguy nga có thánh lễ, có bài giảng và có đàn hát, rất hăng say. Nhưng, là cộng đoàn tươi vui, biết dựng xây tình yêu thương con cái Chúa, trong hiệp nhất. Và, Tiệc Thánh, là dấu chỉ của cộng đoàn vui tươi sinh động, ở giáo xứ . Ở nơi đây, Đức Kitô đang hiện diện sống động trong mọi người. Qua mọi người. Ngài hiện diện, như một tổng thể có Thân Mình rất Thánh, hiệp thông. Liên kết. Hiểu được ý nghĩa đích thực của Tiệc, ta sẽ nhận ra Lời Ngài vẫn chờ và vẫn đợi mọi người. Cả vào lễ Mình Máu Chúa, rất hôm nay.

Tham dự Tiệc hôm nay, ta cầu cho dân con nhà Đạo thấm nhuần ý nghĩa của Tiệc Lòng Mến đích thực. Rất cộng đoàn. Trong tâm tình đó, ta hân hoan hát lời nghệ sĩ khi xưa, vẫn mời:

“Hát với tôi trong nỗi vui hay trong cơn buồn

Hát với tôi qua tiếng reo hay bằng lời than

Đời đẹp thì ta hát vẻ vang

Đời buồn thì ta hát nỉ non

Đừng ngậm miệng im hơi thành xác không hồn

Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !

Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát

Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !

Hát với nhau những lời của người Việt Nam.” (Phạm Duy – Hát với tôi)

Hát với tôi. Với nhau. Nơi cộng đoàn đang dự Tiệc lòng mến, rất nghiêm trang rộn ràng. Có “hàng bạch lạp thắp cho nhau”. Cho cộng đoàn, mừng kính Mình Máu Chúa, rất hôm nay.

_________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Monday 12 May 2008

“Khắp đất trời mới mẻ lạ lùng sao”

Thế giới đẹp như trang hoàng trở lại

Những chiếc lá rụng trong chiều lộng lẫy

Cũng nghiêng mình thủ thỉ lúc ta qua

Và một điều huyền bí được sinh ra.

(thơ Nguyễn Nhật Ánh)

(Ga 3: 16-18)

“Điều huyền bí được sinh ra”, còn là ý nghĩa nội dung mà trình thuật hôm nay muốn gửi đến, với mọi người. Trình thuật thánh Gio-an, một lần nữa, đề cập đến nội dung làm nền của niềm tin ta vẫn có. Nội dung, là tín lý nền tảng nơi Lời dạy, rất khó diễn đạt. Khó diễn tả, bằng ngôn từ. Khó đạt đến, qua vốn liếng tư duy của nhân sinh. Nhưng, nội dung trình thuật hôm nay thôi thúc ta giữ vững niềm tin vào huyền nhiệm Ba ngôi Đức Chúa.

Có sẵn nơi Giao Ước của người Do Thái, cụm từ “huyền nhiệm” trước tiên không qui về những điều tăm tối, khó hiểu. Nhưng, cốt ý nói về những gì trước đây được giấu kín, nay tỏ lộ cho những người sống ở “bên trong”. Nếu Ngài không biểu lộ, ta chẳng tài nào nhận biết được nội dung huyền nhiệm.

Huyền nhiệm Chúa Ba Ngôi là ví dụ, rất điển hình. Qua huyền nhiệm, ta được bảo: Đức Kitô, Ngài vừa là Chúa, vừa là phàm nhân, mang thân phận phàm trần, giống như ta. Đó là nhiệm tích Chúa làm người.

Đáp ứng với huyền nhiệm, người đời thường lãnh đạm, chẳng thiết tha. Quan tâm lắm, cũng chỉ tìm cách tinh giản, hạ thấp những gì khó hiểu nơi nhiệm tích hầu đặt ngang hàng tầm mức của đặc thù nằm lặng im nơi phần sâu thẳm, của tri thức.

Để hỗ trợ lòng hăng say tìm kiếm sự thật, và hiểu thêm đôi chút về Ba Ngôi Đức Chúa, cũng nên cố gắng đào sâu huyền nhiệm theo khả năng Ngài đã ban. Nhưng dù thế, vẫn cứ minh định ngay từ đầu, rằng: ta chẳng có ý đối phó với các mâu thuẫn ngay lập tức. Cũng chẳng tìm cách tin tưởng vào những gì không thể xảy ra. Hoặc cố tình hoá giải công thức 3 = 1.

Lâu nay, người người được yêu cầu hãy tin vào Hữu Thể Huyền Nhiệm, của Ba Ngôi Đức Chúa. Tự thân, đó là quả quyết mà ta không thể khẳng định hoặc chối bỏ, trên căn bản luận lý. Quả quyết như thế, không buộc ta phải cam kết về một Đức Chúa siêu việt, về hình tượng. Nhưng trái lại, hãy khiêm tốn lắng nghe lời kinh mà các linh mục vẫn dâng lên Cha vào mỗi Buổi Tiệc Bẻ Bánh. Lời kinh dâng lên, là các linh mục vẫn thân thưa: Ba Ngôi đồng uy nghi, không phân ly vẫn huy hoàng, Ngài Thiên Chúa duy nhất, chúng con thờ.”

Hay hơn cả, cũng đừng tìm cách cột mình vào mối giây thòng thần học, đầy khúc mắc. Nhưng, cứ để lòng mình đọng lắng trong nguyện cầu với các bài đọc, rất thành kính. Các bài đọc hôm nay, mang tính chú giải hoặc biện luận, khó hiểu. Vì thế, cũng chẳng nên chú tâm vào các giới từ ở thể hỏi đáp, như: Là gì? Tại sao? Cách nào?…Tốt hơn hết, nên theo cách thiết thực, mà sờ chạm vào Bản vị của Ba ngôi Đức Chúa. Đấng luôn hiệp thông, tương quan với chúng ta.

Tín thư của các bài đọc hôm nay, muốn nói lên rằng: Đức Chúa của ta, Ngài không ở đâu xa. Ngài không là các ông “ngáo ộp” chỉ nuốn nhảy bổ vào mình, mỗi khi ta phạm lỗi. Tín thư về Ba Ngôi Đức Chúa, thật ra kinh thánh muốn nói: Thiên Chúa, Ngài là Đấng gần gũi bên ta. Ngài chăm nom săn sóc mỗi người chúng ta, từng chút một.

Bài đọc thứ nhất từ sách Xuất Hành, Môsê được bảo cho biết: Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, vẫn nén cơn tức giận, giàu lòng nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34: 6). Ta cần lắng nghe lời Ngài căn dặn, mỗi khi có khó khăn, gian khổ.

Những năm về trước, nhiều người rủ nhau xem phim “E-va, ba bộ mặt”. Truyện phim kể về một người đàn bà có ba cá tính khác biệt, nhập chung trong một nhân vật. Trên sân khấu cổ điển La - Hy, người ta vẫn có thói quen cho diễn viên đeo mặt nạ ngõ hầu diễn tả một cách sâu sát hơn diện mạo của nhân vật, mình thủ vai. Kịch nghệ Trung Hoa, cũng có thói quen bôi vẽ lên mặt tài tử bằng nhiều mầu sắc, mỗi khi họ diễn xuất. Tiếng La tinh, ta gọi đó là persona – Bản vị. Với Chúa, ta có thể nói: Ngài có ba Bản vị, tức Ba Ngôi, trong cùng một tính cách của Đức Chúa. Với ngành kịch nghệ, mỗi vai trò/bản vị chỉ kéo dài suốt buổi diễn, cho đến khi hạ màn là chấm dứt. Nhưng với Chúa, Ba Ngôi Vị vẫn cứ dính liền, không ly tán. Không nhạt phai.

Cũng nên xét đến các Ngôi Vị của Đức Chúa, diễn bày trong Kinh Thánh:

Chúa Cha. Theo truyền thống người Công Giáo, Giao Ước nói về Chúa như người Cha. Ở đây, ta hiểu rằng: Kinh Thánh không phân biệt giới tính của Thiên Chúa. Chính vì thế, ngày nay có người còn coi Thiên Chúa như Mẹ Hiền Phúc Hậu. Ở cả hai trường hợp, ta vẫn nhận thấy Chúa chính là Đấng Có từ buổi đầu. Ngài là Nguồn Gốc. Là, Đấng Duy Trì Bảo Quản Sự Sống của tất cả mọi sinh vật, đang hiện hữu.

Sách Tông Đồ Công Vụ, có đoạn viết: “Nơi Ngài, ta được sống, được chuyển động và có mặt bằng Bản vị chủ thể.” Nhưng Thiên-Chúa-là-Cha, không phải là con rối động đậy ở trên cao, chín tầng mây mù mịt ấy. Ngài chính là Đức Chúa cùng chung cơ ngơi, vẫn ở cùng. Ta vẫn kiếm ra Ngài ở mọi nơi. Với mọi vật. Mọi vật do Ngài dựng nên, vẫn duy trì bản thể. Từ vật mọn đơn thuần, cho chí hữu- thể-làm-người đầy sáng tạo. Cùng với tổ phụ Môsê, ta xin thưa: “Lạy Chúa, xin Người cùng đi với tôi.”

Chúa Con. Nếu bảo Thiên Chúa là Cha, thì cũng phải nói Người Con duy nhất của Ngài chính là Chúa Con. Chúa Con, cùng Bản Thể. Một Ngôi Vị. Là, Đấng Nhập Thể làm Người, Ngài mang thân phận “Người”, nhưng không có nghĩa là nam nhân, hay nữ giới. Như Kinh Tin Kính khởi đầu viết bằng tiếng La-tinh nhấn mạnh “et homo factus est” – Bản Thể Người.

Ta biết được “Chúa Con”, ngang qua Đức Giê-su, Con của Đức Maria. Nơi Ngài, ta có được tổng hợp thiên tính và chất người phàm trong cùng một Ngôi Vị. Sự Thật này, vượt quá sức hiểu biết như chính Ba Ngôi Đức Chúa. Chỉ cần tin.

Đức Giê-su là món quà tặng rất quý cho con người. Bởi, nơi Ngài, ta có được một phần mặc khải về tính cách hạn chế của người phàm mà Đức Chúa chấp nhận mặc lấy cho Ngài. Tín thư thần thánh bộc lộ cho ta biết về tình Chúa yêu ta, mà thánh Gio-an ghi rất rõ trong trình thuật hôm nay: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3: 17).

Chúa Thánh Linh. Thiên Chúa dựng lều ở với con người qua Ngôi vị Chúa Thánh Linh. Thánh Linh, được diễn tả bằng ngôn từ thần học như tình thương yêu vô tận giữa Chúa Cha và Người Con của Ngài. Lại nữa, không thể nói về Ngài mà không nói về Tình Yêu, không giới tính. Trên thực tế, Thánh thần Chúa chính là Đức-Chúa-dựng-lều-ở-cùng-chúng-ta, nơi mọi vật. Và, Ngài tỏ lộ chính mình Ngài qua việc “ở-cùng” ấy.

Nơi nào có sự thật, tình yêu hoặc chân-thiện-mỹ dù nơi thiên nhiên hay con người, ở đó có Thần Linh Chúa. Mỗi tác động của sự thật và vẹn toàn, mỗi động tác của tình yêu hoặc lòng xót thương, mỗi cử chỉ cảm thông, kết đoàn, của tha thứ, đón nhận và công minh, chính đó là thần Linh Chúa tác động trong ta, và ngang qua ta. Và, mỗi khi động tác này kéo dài, chính đó là dấu hiệu mọi người đang có ảnh hưởng tác động của Thánh Thần Chúa.

Cảm nhận được điều đó, thánh Phao-lô đã nhắn nhủ Hội thánh Chúa ở Cô-rin-thô: “anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em. (2Cr 13: 11). Và rồi thánh nhân, kết thúc lời lẽ tâm tình ấy bằng lời cầu và chúc tụng cùng Chúa Ba Ngôi: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.” (2Cr 13: 13).

Cùng mọi người, ta hãy ngợi ca Tình Chúa Ba Ngôi, nguồn yêu thương của người, của mình:

“Tôi còn yêu, tôi cứ yêu! Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!

Tôi còn yêu mãi … mãi mãi. Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người

Tôi còn yêu ai. Cho dù ai xa lánh tôi. Cho dù ai oán trách tôi

Cho dù duyên mới đã chắp nối Cho tình xa vời, đã tan vỡ rồi.

Tôi còn yêu hoài. (Phạm Duy – Tôi còn yêu tôi cứ yêu)

Vâng. Tôi còn yêu. Vẫn cứ yêu. Yêu, như Chúa hằng yêu tôi. Yêu người. Dù ai có lánh xa. Oán trách. Không còn yêu. Dù, “đất trời mới mẻ, rất lạ”, thì “điều bí hiểm được sinh ra”. Đó chính là Tình Yêu của Ba ngôi Đức Chúa. Tuy rất lạ. Nhưng vẫn yêu ta.

___________Lm Phan Đỗ thục Linh

MaiTá diễn dịch.

Monday 5 May 2008

“Cả không gian là bể sáng tràn lan…”

Rồi sắc đẹp hiện ra trong chính phẩm

Linh thiêng như mây nước đỉnh Nga My!

Và muôn hồn hoa lên vì say ngấm.

Và muôn lòng phát tiết cả uy nghi.

(dẫn nhập bằng thơ Bích Khê)

(Ga 20: 19-23)

Cả không gian là bể sáng, khi Thần Linh Chúa, hiện đến. Ngài đến, trong chính phẩm, linh thiêng như mây nước. Có muôn lòng phát tiết cả uy nghi. Có tình tự của thi nhân, diễn tả hết nét đẹp, với muôn người. Phải chăng, đây cũng là ý nghĩa mà trình thuật lễ Ngũ Tuần, đã ghi lại.

Trình thuật lễ Ngũ Tuần hôm nay, thánh sử Gio-an viết về công trình tổng thể khởi từ tuần thánh. Tổng thể công trình, gồm cuộc Vượt Qua, tiến đến sự chết. Có Phục Sinh. Có Thăng Thiên. Có lễ Ngũ Tuần, ngày Thần Linh Chúa ngự đến, rất đầy đủ. Tất cả , nói lên thực trạng công trình cứu độ, luôn soi rọi tâm can con người, trong hành trình hiệp thông với Chúa, vào mỗi ngày.

Như đã thấy ở trình thuật ngày Thăng Thiên tuần trước, truyền thống giáo lý Hội thánh thời tiên khởi có khuynh hướng thẩm định ý nghĩa của lễ Ngũ tuần, qua các chương đoạn rút từ sách Công vụ Tông đồ. Điều này, được bộc lộ rõ nơi bài đọc thứ nhất. Trong khi đó, Tin Mừng thánh Gio-an cho thấy: Đức Kitô, trước khi Ngài về trời, đã trao ban Thần Linh Chúa cho các đồ đệ. Đồng thời, Ngài còn uỷ thác cho các thánh sứ vụ rao truyền Tin Vui Cứu Độ đến với mọi người.

Hai trình thuật sử dụng phương cách khác nhau, để nói lên cùng một thực tại. Thực tại này, không đặt nặng về thời gian và nơi chốn/địa điểm xảy ra công trình cứu độ, Ngài đem đến.

Theo Tin Mừng, sự kiện này xảy đến vào ngày thứ nhất trong tuần, tức Chúa Nhật Phục Sinh. Vào tình huống lúc ấy, các môn đệ co cụm trong phòng kín, e rằng sẽ có ruồng bắt, hành hình hoặc tệ hơn. Nhưng bất chợt, Chúa đã hiện diện giữa các thánh. Ngài chào hỏi mọi người bằng những lời chào thân thương: “”Shalom” - Bình an cho các con”. Lời chào, còn là lời chúc phúc an lành. Bởi, Đức Chúa của Bình An đang ở giữa các thánh, không còn gì phải sợ hãi. Và, niềm vui đã đến với mọi người.

Chúa đến, Ngài đem Hoà Bình lẫn An Vui hoà lẫn nơi tâm hồn mọi con dân, cần thương mến. Và cũng vào lúc ấy, Chúa uỷ thác các công việc linh thiêng trọng đại: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” Như thế, là mọi người nay đã có công tác để làm. Không còn thu người lại mà ẩn lánh. Nhưng, hiên ngang nhận bài sai dấn bước ra đi, làm việc nghĩa. Việc nghĩa ở đây, là: thiết lập Vương Quốc Nước Trời, ở nơi nào mình đặt chân đến.

Cùng với bài sai Ngài trao, Đức Kitô còn thổi hơi vào người các môn đệ. “Hơi thở” “thần khí”, bên tiếng Hy Lạp đều một nghĩa. Chúa thở hơi, để dân con đồ đệ nhớ việc Gia-vê Thiên Chúa dùng hơi sự sống thổi vào cõi bụi mù, đưa con người vào chốn ngàn năm, hiện diện. Ở đây nữa, khi thở làn hơi sống động vào người, Chúa tái tạo đồ đệ thành con-người mới. Con-người, mà thánh Phao-lô có nói trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-thô, tức người con đầy Thần Khí Chúa nhận hiệu lệnh tiếp tục rao truyền Bình An và Niềm Vui sống, đến muôn dân.

Thực thi hiệu lệnh, các thánh có toàn quyền thứ tha tội nhân và hoà giải đưa họ về lại trong tương quan mật thiết với Chúa. Với mọi người. Để mọi người trở thành những người anh người chị, và con em có cùng một Cha. Hoà giải còn có nghĩa, chữa lành vết thương đau ẩn tàng dưới mọi hình thức của những rẽ chia. Hận thù. Đây là công tác mà thành viên Nước Trời đều được mời gọi, để thực thi.

Bài đọc thứ nhất, thánh Lu-ca thuật lại kinh nghiệm mà thành viên Nước Trời thời tiên khởi đã từng trải. Đôi khi, kinh nghiệm từng trải này được coi như Xuất Hành lần nữa. Xuất Hành là bởi, làm ta nhớ việc Gia-vê Thiên Chúa giải thoát dân Do Thái khỏi vòng vây nô lệ, xứ Ai Cập. Trong Xuất Hành lần nữa, cũng có hai sự kiện tương tự: cơn gió Thần Khí Chúa, mà Tin Mừng thánh Gio-an gọi là “hơi thở”. Và, có cả lửa ngọn theo hình lưỡi , phủ trùm hết cả mọi người có mặt.

Như một Xuất Hành đích thực, có quyền năng Thiên Chúa đang phủ trùm, và hiện hữu. Xuất hành có lửa ngọn phủ trùm, làm mọi người nhớ lại tình huống khi xưa mỗi lần Gia-vê phán bảo điều gì với tổ phụ Mô-sê, Ngài đều ra hiệu lệnh đi đến với dân mình. Lửa ngọn còn làm ta liên tưởng đến các cột lửa dẫn dắt dân con người Do Thái băng qua sa-mạc. Lửa ngọn hay cột lửa vẫn cho thấy con cái của Chúa chẳng hề bị bỏ rơi, bao giờ.

Kinh nghiệm tiếp cận với Chúa, đã giúp dân con đồ đệ không còn biết hãi sợ. Nhưng, nay đã biết san sẻ các kinh nghiệm cho mọi người. San sẻ, cả kinh nghiệm có chung với Đức Kitô, cả vào giai đoạn chịu hành hình, tù tội. nay không còn biết sợ.

Cùng lúc với kinh nghiệm được sẻ san, là quyền năng ban cho các thánh được hiệp thông, trao đổi. Tín thư hiệp thông ấy, đã được đón nhận và mọi người đều đã hiểu. Đến độ, các rào cản Babel về ngôn ngữ đã bị bẻ gãy. Đây không chỉ là đặc sủng về khoa ăn nói, nhưng còn là cách thức cho thấy tín thư của Đức Chúa đã được chuyển tải và mọi người đều đón nhận. Nhận với tất cả tấm lòng, như Sách đã viết: “Tâm hồn ta sẽ chẳng được nghỉ yên cho đến khi lửa Thần Khí yên nghỉ trong ta.”

Khi lửa Thần Khí ở trong ta, là ta được mời dự phần sống trong Nước Trời, có Thần Khí. Và, kinh nghiệm sống trong Nước Trời có Thần Khí, được thánh Phao-lô diễn tả trong bài đọc 2 như sau: “Không ai có thể nói: Đức Giê-su là Chúa”, nếu họ không ở trong Thần Khí Chúa” (1Cr 12: 3). Nói: Đức Giê-su là “Chúa”, không chỉ là lời nói lên lòng sùng Đạo, nhưng còn hàm ngụ niềm tin vào Ngài. Tin, và chứng tỏ niềm tin của mình, bằng cách sống cho ra sống.

Sống chứng tỏ có Thần Khí Chúa ở với mình, còn là ân huệ mà thành viên cộng đoàn Nước trời đều nhận lĩnh. Thần khí Chúa, là nguồn ân sủng vẫn hiệp nhất nối kết những ai nhận lĩnh ơn ấy về sống với nhau, thành cộng đoàn. Ơn Thần Khí ban cho, không là ân huệ riêng tư cho mỗi mình. Nhưng, là khả năng đặc biệt giúp ta phục vụ nhu cầu của người khác trong cộng đoàn Nước Trời, nữa. Xem như thế, sử dụng ân đặc sủng để cùng làm việc với nhau ngõ hầu dựng xây cộng đoàn mình đang sống.

Tính theo số lượng, chúng ta là đám đông, số nhiều. Nhưng qua tác động của Thần Khí, ta trở nên một tổng thể, trong cùng Thân Mình Đức Kitô. Chỉ một Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác định: “Vì trong Thần Khí độc nhất, hết thảy ta được thanh tẩy mà nhập vào Thân mình độc nhất, dù là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do; hết thảy ta được cùng uống Thần Khí độc nhất.” (1 Cr 12: 13)

Thần Khí Chúa, là con đường của tự do và giải thoát. Thần Khí Chúa không là đường dẫn đến tình trạng nô lệ, dù đó là nô lệ thân xác, tiền của và tham vọng. Bằng vào Thần Khí, và qua Thần Khí ta được hiệp thông tương quan với Chúa, Đấng cho phép ta gọi Ngài là “Abba” (Cha/Ba). Ngập tràn thần Khí, ta thực sự là con cái Chúa theo nghĩa đầy đặn nhất. Và, là ảnh hình sống động của Cha ta. Thần Khí biến ta thành đồng-thừa-tự với Đức Kitô để cùng chịu khổ hình và cùng vinh quang với Ngài.

Có được Thấn Khí Chúa ở cùng, ta toả sáng Thần Khí bằng lời nói và gương sống lành mạnh. Để rồi, mời gọi người khác san sẻ đặc sủng ấy. Ta vẫn biết, đặc sủng Thần Khí không để ta hưỏng một mình, nhưng sẻ san. Như đã thấy, đồ đệ Đức Kitô sau khi nhận lĩnh Thần Khí, đã không ở lại trong phòng kín hưởng thụ. Nhưng, đã bung đi khắp nơi. Đi, mà kể cho thế giới biết tình Chúa thương yêu mọi người. Và, ta muốn mọi người có kinh nghiệm về tình thương yêu ấy.

Trong hân hoan nhận Thần Khí, ta cùng hát lên lời ca của người nghệ sĩ đời thường, thuở trước:

“Ta cánh chim lướt bay thênh thang

đem sức gieo khắp nơi oai vang cho phỉ chí tang bồng

Đi đi đi cùng nhau ta cười

Cười tiếng cười muôn đời còn luôn xinh tươi.

Đôi mắt ta ngời lên ngàn tia sáng

Sáng cho đời hùng luôn không thôi (Văn Giảng – Đoàn người phiêu lưu)

Vâng. Đi đi cùng nhau ta cười. Cười vui vì đã có Thần Khí Chúa, dẫn bước ta đi. Đi đi, đôi mắt ngời lên tia sáng. Sáng cho đời. Sáng cho người. Vì đời, đã có Thần Khí Chúa. Vì người đã có bạn và có ta. Có cả không gian, là bể sáng tràn lan… những đặc sủng.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh.

Mai Tá diễn dịch.