Saturday 30 April 2011

“Có lần tôi thấy một người đi,”

“chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì.
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ,
một mình làm cả cuộc phân ly.”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Lc 24: 35-38

Thấy người đi hôm ấy, nhà thơ cứ ngỡ mình làm cuộc “phân ly”. Biết Chúa đã sống lại, nhà Đạo lại ngờ rằng: đó không phải. Vì nghĩ không phải, nên mới hững hờ. Thờ ơ. Tranh cãi.

Trình thuật thánh Luca, nay đưa ra luận cứ về điều mà nhiều thành viên Hội thánh xem ra vẫn cãi tranh, giành giựt mọi thắng lợi để thuyết phục người người chấp nhận lý lẽ mình đưa ra.

Về sống lại, nhiều sự kiện xảy đến với Chúa, không theo hướng quen thuộc, nên nếu người người sử dụng ngôn ngữ bình thường để suy nghĩ, sẽ thấy cũng khó mà tin. Khó, nhưng đó là việc có thật, từng xảy đến. Chúa sống lại, tuy gây dao động, nhưng đã tạo cho mọi người xác tín rằng niềm tin chính là quà tặng Chúa ban để mọi người có dịp suy nghĩ. Suy và nghĩ, những gì xảy đến với Chúa, rất hợp tình. Hợp lý. Chẳng nghi nan.

Xét bề ngoài, ta thấy nhiều việc xảy đến với Chúa xem ra khá mâu thuẫn. Nên trên thực tế, không phải ai ai cũng đều công nhận Chúa đã sống lại làm người thường. Nhưng, nếu Ngài lại bằng cách mặc lấy xác phàm làm người thường, thì sau đó, chắc Ngài sẽ phải chết thêm lần nữa. Sự thật, không phải thế. Trình thuật hôm nay, thánh Luca mô tả việc Chúa đến đồng hành với môn đệ bằng hình hài ta thấy và sờ chạm được bằng chân tay, nhưng không thể tưởng tượng được là: Ngài sẽ phải chết, thêm lần nữa. Thật ra, không thể có chuyện như thế. Điều, thánh Luca kể ở Tin Mừng, là để nói lên ý nghĩa nào đó mà nhiều vị gọi là truyện “Đường Emmaus, hành trình với môn đệ”.

Về thể lý, một khi đã chết rồi, thì những gì là xác thân hoặc vật thể vũ trụ, đều rữa nát. Vỡ tan. Không ai có thể trở lại sống với xác thân có xương thịt vẹn toàn như khi trước. Chẳng người nào lại có thể duy trì cùng một xác thân, suốt miên trường. Khi đã chết rồi, mà lại tái sinh với nguyên vẹn hình hài như khi trước, thì đó chỉ có thể là vòng chuyển luân, luẩn quẩn hết kiếp này đến kiếp khác, khoanh tròn quanh thành vòng quay sống-chết/chết-sống, không lối thoát.

Truyện hai môn đệ hướng về thành đô Giêrusalem được thánh Luca ghi chép, còn để nói lên rằng: Đức Giêsu được đồ đệ nhận ra Ngài đích thực là Đức Chúa Ngôi Hai, vẫn tồn tại với mọi người. Ngài chẳng là quỉ ma hiện hồn theo qui cách của người thật. Nhưng, Ngài hiển hiện qua hình hài sao đó, rất sống động (Mc 16: 12). Ở đây nữa, khi viết Tin Mừng Phục Sinh, thánh Luca tập trung nhấn mạnh vào điểm, bảo rằng: Chúa tỏ cho mọi người thấy hình hài của Ngài theo qui cách rất khác, nên khi gặp lại Ngài, đồ đệ thấy mình sợ hãi, đến khiếp kinh (Lc 24: 37). Vì kinh khiếp, nên đồ đệ mới nói năng những điều chẳng có nghĩa. Theo nhà chú giải Kinh thánh Herbert McCabe, thì: khi đồ đệ gặp Thầy Chí Ái, các thánh cứ tưởng Thầy là Vị đồng hành chẳng hề quen biết. Kịp đến khi Thầy nhắc lại toàn bộ chi tiết về lịch trình cứu độ, các thánh mới vỡ lẽ ra đó là Thầy.

Xem thế thì, Phục Sinh là điều mà người phàm xác thịt chúng ta chẳng thể nghiệm ra bằng lý lẽ của đời thường, để kiểm chứng. Bởi, dù biết Chúa sống lại thật, các thánh vẫn không coi đó như một chứng cứ hiển nhiên, tợ khi Ngài còn sống. Nhận biết hình hài Chúa rất nhãn tiền, điều đó có nghĩa: các thánh đã có động thái tin-yêu rất khác thường, trong cuộc sống. Và, đây là thực tại chỉ xảy đến với những người cũng trỗi dậy như Chúa và với Chúa bằng niềm xác tín yêu thương của người vẫn tin. Tin, theo qui cách và ý nghĩa khác. Khác ra sao, đó là vấn đề. Là, sự thực. Thực ra sao? Cũng nên suy xét.

Trở về với lập trường chú giải của các tổ phụ thuộc Giáo hội Đông phương thời tiên khởi, như: Thượng phụ Origen, Grêgôriô thành Nyssa… khi gọi sự việc gì là ‘cảm nhận linh thiêng’, các ngài có ý nói về cảm xúc thiêng liêng, sốt sắng. Điều mà các đấng bậc trên nói đến, có ý bảo rằng: tất cả chúng ta đều mang trong người cung cách yêu thương có nhận thức sự vật mà não-bộ-thần-kinh-thuộc-mé-trái không thể lĩnh nhận.

Nhờ yêu thương như thế, con người ‘định hình’ sự vật thành những ảnh hình như do chính mình tạo ra. Làm như thế, là để tác tạo thực thể như mọi người vẫn làm cho chính mình, nơi phần sâu thẳm của con người. Làm như thế, là để nhận thức rằng: thực thể ấy có thật. Vượt quá phạm vi và qui cách của ảnh hình. Nói theo ngôn từ triết học, thì các triết gia gọi đó là “tiềm thức”. Coi đó là giòng chảy sống, rất diệu kỳ. Là, sờ chạm thế giới nguyên uỷ không hư nát, mà thường ra, ta không sống ở trong đó.

Nhận thức sự vật như thế, giống hệt cảm giác thấy được ‘lửa ngọn’ rực cháy trong người mình. Lửa rực cháy, khiến mình sống yêu thương, hạ mình. Thúc bách mình sống bừng sáng luôn tiến về phía trước. Có tiến như thế, mới cảm nhận được ‘lửa ngọn bùng bừng’ đang trào dâng với mức độ rất mới mẻ. Khác thường. Có kinh nghiệm từng trải rồi, người người sẽ nhận ra cuộc sống lại thực sự đang dâng trào nơi con ngưòi mình.

Đó là cung cách mà dân con đồ đệ dám sử dụng thơ văn như chưa từng làm, và cũng chẳng ai nghĩ tới để diễn tả tình huống Chúa Phục Sinh hiện hình với dân con của Ngài, thật như thế. Có thể nói, các thánh đã sờ chạm Chúa. Cảm nhận được nhịp đập nơi tim mạch cùng vết thương đầy máu của Ngài. Thấy được Thầy mình bẻ bánh rồi cầm lên ăn. Các thánh không thể quên được vị ngọt nơi bánh thánh Thầy trao tặng. Tự thân, các thánh đều biết rõ chính Thầy là Đấng đã bẻ bánh phân phát cho người nghèo hèn, rất đói kém. Tương lai mai ngày, rồi ra các ngài cũng sẽ tạo nên thơ/văn như thế để kể về Thầy đến với mình, nơi nào đó. Thầy đến để bẻ bánh, ban phát tình thương yêu nồng thắm, cho chúng nhân.

Thực tế là như thế. Nhưng ngày nay, điều đáng buốn là rất nhiều tín hữu Đức Kitô cứ khăng khăng tin rằng thân xác Chúa trỗi dậy với cuộc sống theo hình thức rất thể lý. Rất nghĩa đen. Và, họ coi đó như thực tại duy nhất, không bàn cãi nữa. Buồn hơn nữa, lẽ đáng ra, ta phải hiểu Phục Sinh nhiều hơn thế. Nếu hiểu Phục Sinh chỉ là Chúa hiện diện với hình hài xác thể như khi trước thôi, tức là ta tự mình để luột mất ý nghĩa chính đáng, của nhiệm tích có thực. Buồn biết bao, khi nhiều người/nhiều vị vẫn lên án các đấng bậc nào khác nhận thức Chúa sống lại theo kiểu cách thơ văn mà thánh Luca viết theo dạng dụ ngôn, hay sao đó. Buồn nhiều cả, là: các vị không nghe và không thấy giòng chảy thi ca/âm nhạc vẫn tiềm tang ẩn mình ở trong đó. Thực tại Sống Lại rất thật. Thật, một cách đích thực.

Quả thật, Chúa sống lại THỰC. Ngài khiến ta THỰC THỤ sống lại với tình thương. Như bao giờ.
Trong tâm tình đó, tưởng cũng nên ngâm nga tiếp nguồn thơ/văn của thi sĩ trên, còn viết tiếp:


“Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi, trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng, xuống sân ga.”
(Nguyễn Bính – Những Bóng Người Trên Sân Ga)


“Thấy một bà già” hay thấy nhiều bà mẹ còn đó bóng hình đổ trên sân ga cuộc đời, là thực tại. Thấy lưng bà còng. Thấy bóng hình chờ con của bà “sống lại” rồi chợt đến để sẻ bánh/chia cơm, mà sống thực. Thực tình sống cõi đời đầy yêu thương, như Chúa dạy. Suốt miên trường. Đó cũng là ý nghĩa và tác động của thơ văn, trong đời.


Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch.

Saturday 23 April 2011

“Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ,”

“Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 20: 19-31

Trỗi dậy, nhà thơ khi xưa còn chưa trỗi. Chỉ mỗi nôm na điệu cũ, vẫn chưa tàn. Tín thác, nhà Đạo hôm nay rày xác tín. Cũng một tâm sự vẫn chưa an. Chưa an, giống như tâm sự của thánh Tôma tông đồ với lòng dạ chưa vững, dù Chúa có thăm viếng đồ đệ, với chúng dân.


Trình thuật hôm nay, thánh Gioan cũng trình và cũng thuật sự kiện Chúa về với đồ đệ để trấn an dân con của Ngài còn hãi sợ, và do dự. Sợ, người Do thái tiếp tục lùng tìm đồ đệ của Ngài, mà hãm hại. Do dự, là bởi các ngài chưa hoàn toàn tin vào Thày mình dám trở về với anh em.


Niềm tin của thánh Tôma sở dĩ kém cỏi, là bởi thánh nhân chưa một lần đích thân gặp lại Thày mình, kể từ ngày Thầy trỗi dậy, vào Phục Sinh.


Với Hội thánh, tâm trạng thánh Tôma biểu trưng cho động thái của cộng đoàn cho rằng Chúa vẫn đang sống với họ theo cung cách nào đó, rất đặc biệt. Đặc biệt, là: họ thấy Chúa vẫn hiện diện trong quan hệ mật thiết với các ngài. Quan hệ, có nhận thức. Có tính cách mật thiết và thân cận khiến họ chẳng muốn thổ lộ cho ai biết. Bởi, có để lộ quan hệ này theo cung cách nào đi nữa, họ cũng chẳng có người để cảm thông. Có khi còn bị bài bác, bách hại nữa là đàng khác.


Vì thế, cộng đoàn nay càng đi vào quan hệ riêng tư với Chúa, càng thấy mình có khả năng duy trì sự tư riêng kín đáo ấy hơn là bày tỏ công khai như mọi người. Cũng từ đó, quan hệ giữa các thánh với Chúa Sống lại trở nên thiêng liêng và quan yếu khiến họ sống chức năng cộng đoàn mình.


Cộng đoàn này, ước ao Hội thánh khắp nơi chú ý đến giáo huấn mở rộng, bao gồm cả các tín hữu thuộc đủ mọi thành phần, ngay từ đầu. Và, thánh Tôma đã đại diện cho cộng đoàn đặc biệt luôn bận tâm tìm mọi cách để được chấp nhận làm thành phần của Hội thánh chính mạch, thời tiên khởi. Và việc thẩm nhập như thế, quả thật không dễ.


Tâm trạng chung của hầu hết các tín hữu Đức Kitô bình thường rất thực tế. Điều mà cộng đoàn tiên khởi tin tưởng, đã được cắm sâu trong giòng đời lịch sử, rất thiết thực. Lịch sử ấy, ghi lại việc dân con bình thường ở Hội thánh thấy Đức Giễsu vẫn quan hệ cởi mở với chúng dân. Nhờ đó, mà cuộc sống công khai của Ngài được mọi người nhận biết rất rõ. Nhận và biết, rằng cung cách sống Chúa thể hiện cụ thể trong đời công khai của Ngài là đứng về phía người nghèo không sợ sệt. Dù, có bị công quyền thách thức và đe doạ, vẫn không sợ. Chính vì thế, Ngài đã bị loại trừ khỏi mọi thế sự bằng cái chết rất nhục nhã, trên thập giá.


Trình thuật thánh Gioan viết về thánh Tôma còn để nói lên việc Chúa Phục Sinh là sự tiếp nối những gì Ngài đã thực hiện trong quãng đời lịch sử do Cha điều động. Tiếp nối cung cách sống khả dĩ khiến con người cần phải có. Trình thuật mở ra cho mọi người thấy nhãn quan rất khác biệt về tương lai của niềm tin nơi Hội thánh. Đó là điểm khác biệt giữa Tin Mừng theo thánh Gioan và Tin Mừng nhất lãm.


Tin Mừng nhất lãm không chú trọng nhiều về “truyền thống Tôma”, tức những khía cạnh nội tâm thâm trầm trong quan hệ với Chúa như Tin Mừng thánh Gioan chủ trương. Nói cách khác, khi lồng vào nội dung của Tin Mừng mình, thánh sử Gioan chấp nhận “con đường chật hẹp”; tức: chọn lựa lập trường trung lập giữa nhóm phái “Ngộ Đạo” và “Chính thống” trong Đạo giáo thời tiên khởi.


Vào thời ấy, đã thấy xuất hiện nhiều nhóm/phái rất khác biệc trong cung cách và lập trường tuyên tín, tuy vẫn tin vào Đức Chúa Phục Sinh. Phải mất một thời gian dài, mãi đến thế kỷ thứ 2 và 3, Antiôkia và Rôma mới đi đến hợp nhất đúc kết thành một hình thái duy nhất của Đạo Chúa. Và từ đó, đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Cũng vì lý do đó, nhiều lúc nhìn về dĩ vãng, ta có khuynh hường gọi những đường lối khác biệt là “rối đạo”, tức mũ chụp của kẻ chiến thắng tặng cho người chiến bại, trong tranh chấp.


Khi thánh Gioan viết Tin Mừng thứ tư, theo “nguồn mạch Chính thống” mà lúc ấy chưa nổi hẳn, nên thánh nhân được xem như xuất từ nhóm/phái tin vào những trải nghiệm về linh đạo nội tâm hơn các nhóm khác. Và lúc đó, thánh nhân đã ở vào tình huống công nhận và bao gộp một số nhóm phái giống như mình vào giòng chảy niềm tin sâu rộng và phổ cập.


Thánh Gioan chống đối lối suy tưởng của nhóm đích thực “Ngộ Đạo”, là bởi thánh nhân nghĩ rằng các vị ấy đã sai sót về Kinh thánh của người Do thái. Dù thế, thánh nhân vẫn mở rộng cửa cho các vị không thuộc nhóm “Ngộ Đạo” nhưng lại trải nghiệm niềm tin của mình không theo cung cách của truyền thống công khai và những chuyện hoàn toàn mang tính phàm trần, rất trái đất. Và đó là lý do khiến thánh nhân sử dụng truyện thánh Tôma kém lòng tin nhưng lại trải nghiệm riêng tư mật thiết mà nhóm của thánh Tôma là đại diện.


Chính vì thế, ta mới có tài liệu gọi là “Tin Mừng theo thánh Tôma”, hoặc Tin Mừng thứ năm, tuy không được Giáo Hội đưa vào Sách Tân Ước, để ta tin. Việc này xảy đến váo thế kỷ thứ hai, tức: vào thời thánh Gioan còn sống, có lẽ từ miền Đông nước Syria. Tài liệu Tin Mừng này, hoàn toàn không mang tính “rối đạo”, sai sót, cũng chẳng thuộc nhóm “Ngộ Đạo”, nhưng vẫn không thuộc nhóm chính mạch truyền thống theo nghĩa nhất lãm, hoặc nổi lên vào thời sau này của Đạo Chúa.


Dân con Đạo Chúa hôm nay có nhiều phương án khác nhau về niềm tin. Chí ít, là tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Một số vị vẫn còn “ngoài luồng”. Một số thì niềm tin vào Phục sinh đã ngự trị ngay trong tâm can của họ. Dù trong hay ngoài, có lẽ vẫn nên đọc lại truyển thánh Gioan kể về thánh Tôma đến với niềm tin như thế nào. Có đọc lại như thế, ta mới mở rộng vòng tay để cho người anh người chị ở khắp nơi, cả nơi ta đang ở, mới có đất trống để thực sự tin vào sự sống lại. Của Đức Giêsu. Và, của mọi người.


Dù gì đi nữa, ta không thể nào có được niềm tin vững chãi vào sự Sống Lại của Đức Giêsu, nếu không có ánh sáng của Thánh Thần Chúa soi dọi mọi người. Nói cách khác, ta chỉ tin và công nhận Chúa đã Sống Lại theo cung cách nào đó, đều nhờ có Thánh Thần Chúa dẫn dắt, mà thôi.


Xem thế thì, việc Đức Giêsu hiện đến xác định một Sống Lại thật với thánh Tôma hay các môn đồ ở chốn kín cổng cao tường, vẫn là Lễ Hiện Xuống mới rất đích thực, cho mọi người. Nói cho cùng, tin Chúa Sống Lại tức đã tin vào Quyền Uy Sức Mạnh của Thánh Thần Chúa, vào mọi lúc.


Trong tâm tình ấy, ta ngâm lại lời của người từng đấu tranh nhiều cho niềm tin riêng mình, như sau:


“Non sông bốn mặt mơ màng,
Thức, chỉ mình ta dạ chẳng an.
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.

Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ,
buồn giúp công danh dế dạo đàn.
Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ,
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.
(Hàn Mặc Tử - Đêm Không Ngủ)

Chúa sống lại, hẳn người người cũng mất nhiều đêm, rất không ngủ. Thức hay ngủ, để nghĩ suy, bằng tâm tình trọn niềm tin nơi Chúa. Chí ít, là niềm tin Chúa Sống lại. Là, thách thức khiến “dạ chẳng an”. Là, thách thức vẫn chưa tàn, cuộc tình ta vẫn có với Chúa, ở chốn riêng tư hay ngoài mặt. Là tâm tình ta có được, nhờ Thánh Linh giúp trỗi dậy. Hôm nay. Mai ngày. Và, mãi mãi cõi miên trường.


Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá luợc dịch.

Sunday 17 April 2011

“Khi tỉnh lại, trông thấy trời sáng lạn,


“con đường đi bừng nở ánh muôn hồng.”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Ga 20: 1-9

Chợt lúc tỉnh, nhà thờ thấy đất trời đã sáng lạn. Khi vụt sống, nhà Đạo lại thấy đời mình mãi cứ vui. Đất trời đời mình vẫn rất vui vì người người cùng Chúa nay sống lại. Và từ nay, mọi con đường ở phía trước đều bừng sáng ánh muôn hồng.

Trình thuật thánh Gioan hôm nay cũng diễn tả ý tưởng về ánh muôn hồng bừng nở ở con dân nhà Đạo, khắp muôn người. Sự việc Chúa bừng nở Phục Sinh, đã làm ánh hồng toả sáng cõi dân gian vũ trụ, rày thấy rõ.

Dân gian vũ trụ vừa cùng Chúa trải nghiệm cuộc khổ nạn đã theo Ngài đi vào mộ phần, trong lịm tắt, để Vượt Qua. Ngài vượt từ trạng thái sống ở đời tạm qua cuộc sống vĩnh cửu rất khác biệt. Vượt qua, là Ngàivượt trở ngại của cuộc sống phàm trần đầy chết chóc để về với Cha, nhờ Phục sinh, quang vinh theo đúng kế hoạch Cha giao phó.

Nhờ trỗi dậy từ cõi chết, Đức Giêsu đã thực sự trở thành Con Thiên Chúa, rất tràn đầy. Từ đầu, Ngài sinh bởi Thiên Chúa là Cha, nhờ Thánh Thần. Và, suốt cuộc đời trần thế, Ngài chấp nhận thân phận của Người Con, để rồi ngày qua ngày, sống tiến trình Phục Sinh quang vinh ấy, trong hiện thực. Tiến trình, bao gồm việc chuyển đổi và thăng hoa nỗi chết để sống lại. Nói cách khác, Ngài nhận thức Mình là Con Thiên Chúa, luôn sống lại và tăng trưởng Phục Sinh thăng hoa mọi người.

Ơn cứu độ đến không phải bằng hành động do Ngài định sẵn, nhưng ở Bản vị Ngài quan hệ với Cha. Ngài không kết hợp với tội lỗi mà chỉ phối kết với người phàm dễ phạm tội. Điều này xảy ra không do lý luận nào từ bộ não của phàm nhân đầy tội lỗi. Nhờ vào bản chất Con Thiên Chúa và do Cha đặt để, Ngài giáng hạ với trần thế và để cho Cha Ngài tạo dựng thế trần trong cung cách bí nhiệm của những sinh hạ tục phàm, giống như thế.

Tựa như tiến trình sinh hạ nơi con người, Phục sinh là con đường trải nghiệm việc hạ sinh rời bỏ cung lòng người mẹ, để trở thành một bản thể khác, rất tuyệt đối. Tiến trình này thành tựu, như một thể thức nguyện cầu rất mới mẻ. Tiến trình, có được là nhờ Thánh Thần Chúa phú ban, để rồi khi Phục Sinh quang vinh, Đức Giêsu ở vào vị trí hoàn tất lịch sử. Và, Ngài trở thành Đấng lại đến vào mỗi khoảnh khắc của lịch sử còn diễn tiến. Trên thực tế, Tiệc Thánh Thể là nhiệm tích cho thấy Ngài hiện diện như Bản Thể hiện hữu ở mọi nơi, vào mọi thời.

Hiểu Phục Sinh theo cách này, người đọc Tin Mừng Sống Lại sẽ nhận ra Thánh Thần Chúa là Quyền Uy Sức Mạnh thánh thiêng đã và đang thực hiện việc sản sinh nơi mọi loài, vào mọi thời. Và Thánh Thần Chúa đầy Quyền Uy Sức mạnh nay trao ban cho ta cũng một uy quyền sinh sản hệt như thế vào lúc này, ngày Phục Sinh.

Muốn hiểu Phục Sinh một cách trung thực, đừng nên hiểu đó như buổi cử hành Phụng vụ do Hội thánh thực hiện trong ít tiếng đồng hồ chỉ mỗi thế. Để rồi, người nông nổi sẽ lại trở về với cuộc sống bình thường, chẳng biến thái. Không đổi thay.

Tìm hiểu Phục Sinh, không thể và không nên hiểu như người vừa chầm chậm trỗi dậy về với thế giới đời người, sau một giải phẫu đầy kịch tính. Cũng chẳng nên hiểu Phục Sinh như phản ứng của người thưởng lãm bi hài kịch nhiều tập ở truyền hình, đã thấy nhân vật chính nay bị giết, tức hết chuyện. Bởi, tình trạng hậu-Phục Sinh nơi mọi người, ở khắp chốn, không là chuyện bình thường giống hệt khi truớc, tức: đã Phục Sinh rồi, mà chẳng đổi thay tâm can, lòng Đạo. Có quyết tâm.

Cả 4 tác giả Tin Mừng không kể lại chuyện Chúa Phục Sinh như kết hậu của bi hài kịch đầy tình tiết rất ủy mị. Nhưng, các thánh vẫn viết và kể về một khởi đầu có “ánh muôn hồng, trời sáng lạn”.

Kể Phục Sinh, các thánh sử kể ra 3 chi tiết rất lớp lang, quan trọng ở Giao Ước, tức: đất miền Galilê, đá tảng lấp mộ và niềm tin khởi đầu.

Galilê đây, không là địa danh mang tính chất thể lý, mà là chốn miền đầy những tinh thần tượng trưng cho việc Thiên-Chúa-là-Cha đang chờ đón Chúa Con về lại với Ngài. Về lại Galilê, là về chốn miền của người nghèo đang có nhu cầu thực tế mà cuộc sống thực tiễn chưa hề khoả lấp. Người người về Galilê, không để ngóng chờ thị kiến gặp gỡ Chúa mà hội luận về sự kiện sống lại. Nhưng, là đi vào hành động giống như Chúa từng thực hiện, tức: gột bỏ mọi chết chóc, trầm cảm và sầu buồn, để rồi đem đến cho dân gian người người niềm vui chữa lành và hy vọng. Làm như thế, người người sẽ cảm nhận uy quyền Phục Sinh rất sống động ơ nơi mình, hệt như thánh Phaolô từng nói:“Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh.” (Phl 3: 10)

Đá lấp mồ mô tả ở trình thuật, là trở ngại vẫn cản ngăn ta làm những việc cần làm để sống đích thực điều Chúa dạy. Đá lấp mồ, có thể là bạn bè/người thân. Là: niềm cô đơn, bệnh tật. Là, thế giới đang cản ngăn người người thực hiện một Phục Sinh trong đời mình. Đá lấp mồ, là trở ngại khiến các nữ phụ thăm viếng xác của Thầy mình, phải lăn qua một bên để vào đó mồ bôi xức dầu thơm tẩm xác người thân, cho phải phép. Các chị đến thăm xác Chúa, thấy đá lấp mồ bị lăn, nên đã nghĩ có người uy lực lắm mới làm nổi việc như thế.

Đá lấp mồ, còn là chính nỗi chết từng ngăn chặn mọi người muốn sống tiếp. Lăn đá tảng qua một bên, việc này hàm ngụ ý nghĩa chối bỏ cái chết của người thân thuộc. Hàm ngụ một phiền toái, đem nỗi chết đến với cuộc sống của mọi người. Đá lấp mồ, có thể là kinh nghiệm ta từng trải qua, khiến mình cứ phải sống với ưu tư/lẫn lộn trong quá khứ. Với kế hoạch sống lại Cha đưa ra, không thể có “đá lấp mồ” nào khả dĩ gây trở ngại khiến Ngài không thực hiện được ý định của Chúa Cha.

Đá lấp mồ nay bị lăn đi, cũng hàm ngụ một hãi sợ khác, nơi người sống. Hãi sợ về cuộc sống khác thường ở chốn nào đó rất khác biệt. Khác, với cuộc sống hiện tại, ở thế trần. Cuộc sống khác thường ấy không còn nỗi chết nào khác ám ảnh nữa. Cuộc sống mới ấy, sẽ không phải trải nghiệm bất cứ một hạn chế nào. Cuộc sống ấy, không do bản mình tạo nên. Sống như một quà tặng, khiến người người an vui, không sợ chết. Cuộc sống mới, đã khởi đầu niềm tin rất sáng. Chính đó là sống Phục Sinh của Đức Chúa.

Tin Mừng thánh Gioan đặt nặng vào niềm tin mới khởi đầu, nhiều bừng sáng. Tin Mừng thánh nhân viết có nhắc đến đồ đệ khác, cũng bước vào mộ phần, rồi nhận định: “Ông thấy mọi sự việc xảy đến. Và, ông tin.(Ga 20: 8-9). Đồ đệ ấy, chính là bản thân người viết đã đạt trọn niềm tin vào Chúa lúc đến thăm và Ngài ban cho các ông chính Thần Khí của Ngài, là Đấng giúp các thánh tin vào sự Sống mới.

Bởi thế nên, người người có đi về Galilê mà vực dậy những người đang chết, cũng đừng nói về cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng, cứ tin vào cuộc sống mới. Là, sống chính cuộc đời mình. Sống, biết sẻ san sự sống. Và, để cho quyền năng rất sống lại cứ tràn xuống niềm tin ta đang có, mà vực dậy một ai đó. Để rồi, bằng bằng động thái thân thương/giùm giúp sẽ đưa họ bước vào cuộc sống rất phục sinh, quang vinh.

Truyền thống cổ theo khuynh hướng của thánh Gioan quan niệm rằng: có thể Đức Giêsu chưa hoàn tất sự sống lại của Ngài cho đến khi ta vực dậy một ai đó, khỏi nỗi chết. Cái chết trong lỗi phạm. Phải chăng đó cũng là ý nghĩa Tiệc Thánh ta cử hành, mỗi Chúa Nhật? Phải chăng sự kiện Chúa sống lại sẽ rõ nét hơn ở gia đình/cộng đoàn này hơn là nhóm hội/đoàn thể khác?

Truyền thống của đồ đệ thánh Gioan có thói quen gọi thời điểm Phụng vụ mùa này, tức thời gian từ Chúa Nhật Phục Sinh cho đến Lễ Hiện Xuống, là mùa Hiện xuống của Tinh thần rất mới mẻ ấy. Nói cho cùng, Chay kiêng Tuần thánh là mùa Vượt qua, để ta vượt và qua giai đoạn sự sống hiện tại đến sự sống mới. Hiện Xuống, mới là Phục sinh hiệu năng, rất sở đắc. Và, nay cũng là lúc để ta nguyện cầu cho tinh thần ấy thành hiện thực nơi ta. Nơi, mỗi người. Ở thời điểm Phục Sinh năm nay.

Trong nguyện cầu như thế, ta lại reo vang lời ca của thi sĩ trích ở trên, mà ngâm rằng:

“Khi tỉnh lại, trông thấy trời sáng lạn,

con đường đi bừng nở ánh muôn hồng.

Em tuyệt trần đã mở lối thiên cung,

tôi sửng sốt hái nụ tình phong nhụy.”

(Đinh Hùng – Giáp Mặt Phù Dung)

Phục sinh, vẫn là mùa để người người “sửng sốt hái nụ tình”, niềm vui sáng lạn. Hái nụ tình, ai cũng sẽ hái để mọi người đích thực sống đổi mới, cả tinh thần lẫn xác thân. Rất tuyệt vời một Phục Sinh.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch.

Saturday 9 April 2011

“Mây vẫn chưa về gom bớt nắng,


Trần ai đông lắm kẻ si tình.”

(dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mt 27: 11-54

Kẻ si tình, còn đông lắm ở đâu đó, vẫn chưa về gom bớt nắng thành mây. Mây oan khiên. Mây hận thù. Như, tâm tình diễn lộ ở trình thuật rất thương khó, luôn có Chúa.

Trình thuật nay, tuy mang tựa đề Bài Thương Khó của Đức Giêsu, vẫn không là chuyện khó thương với con người. Chí ít, là thương tình Chúa chấp nhận một khổ nạn. Thương tình người sầu não suốt canh thâu. Khổ nạn Chúa lĩnh nhận cả một đời, nhờ Ngài mặc lấy thân phận con người, ở trên đời. Khổ nạn một đời, không chỉ kéo dài mỗi 33 năm, tựa giây phút rất chóng qua.

Khổ nạn Chúa chịu, khởi sự từ thôn làng nhỏ bé rất heo hút vùng Galilê, đi qua Capharnaum chốn địa bàn làm nền và trải rộng khắp quê nghèo hẻo lánh, để rồi Ngài lại về Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, chóp đỉnh một đại cuộc hùng tráng, rất Kitô.

Trình thuật Vượt Qua, ta quen gọi là Lễ Lá, đưa dẫn người nghe đi vào truyện kể rất thương tâm và kết cục bằng nỗi chết nhục trên thập tự. Là trình thuật, nên bao giờ cũng có trình và có thuật về những sự kiện lớn xảy đến với Chúa. Sự kiện lớn, là trình thuật cứu độ Chúa vượt qua nỗi chết rất hoàn tất để rồi Ngài sẽ trở về với Sống Lại vinh quang, rộn rã. Rất Mêsia.

Vượt Qua, là lễ hội đình đám có tới 400,000 người đến từ miền Đông đất nước, vượt qua thung lũng khô cằn, tay họ cầm cành lá vừa đi vừa múa hát để còn nhớ lại biến cố gian khổ ở sa mạc. Vượt, để rồi sẽ qua một khổ nhục cũng rất “người”, hầu khắc phục và đến với vinh quang toàn thắng bằng lễ hội, rất Giêrusalem. Lễ hội Vượt Qua kéo dài những hai tuần lễ với các nghi thức uy nghiêm, khởi sắc mà đón chào Đức Chúa quang lâm, hiển thắng.

Tham dự Vượt Qua, người người đều hiểu Đức Giêsu đem đến cho họ Vương Quốc Nước Trời, có muôn người. Vương Quốc của Ngài, khác mọi vương quốc ở trần gian, hơn cả vương triều Hêrôđê, Xêda hay tất cả vua quan/lãnh chúa, rất độc đoán. Vương Quốc Ngài đem đến, là lời hứa đưa họ thoát khỏi xiềng xích nô lệ, khó nghèo, tật bệnh, tức trái nghịch với mọi vương quốc chốn gian trần.

Vương Quốc Nước Trời, là “Lời” quyền phép, có sức thuyết phục người La Mã phải lắng tai nghe. Họ vốn nghĩ, chỉ có vương quốc của họ với 25 đạo quân hùng dũng mới là vương quốc thực thụ. Để rồi, khi nghe Chúa nói về Vương Quốc Nước trời, mọi người mới vỡ lẽ ra là quyền bính ở dưới thế, chỉ là phó bản của hệ thống tham tàn, độc ác, nhiều chết chóc. Đại diện cho hệ thống này, xuất phát từ trời Tây rất lẫy lừng, theo sau là đám công hầu khanh tướng rất kênh kiệu, ngạo mạn. Tên của họ là những Cai-Pha, Philatô hoặc gì gì đi nữa được nhấc nâng để bách hại đám dân hiền phải đóng thuế cho ngoại bang, rất La Mã.

Hệ thống vương quyền tạm bợ chỉ muốn tìm chứng cứ để thuyết phục kẻ nắm quyền mà ra lệnh hành quyết Đấng Nhân Hiền dám chỉ trích tính xấu của chế độ. Và, chỉ cần một vài tố giác của chúng dân hoặc của tư tế đoàn nhũng lạm cũng đủ để vị thống đốc tàn ác như Philatô sử dụng nó mà kết án Chúa. Kết án rồi, còn giao cho lý hình hành quyết Ngài bằng giải pháp êm thắm như y vẫn từng làm, là: bỏ đói phạm nhân trên thập tự bằng gỗ giá, ở Gôlgôta.

Treo phạm nhân trên thập tự, là trò chơi do những người phò Philatô lâu này từng nghĩ ra, là để hạ nhục và cảnh cáo những ai muốn nhân cơ hội mà chống đối, hoặc bất đồng. Đó là khổ nhục kế rất dễ nể mà ngành kịch nghệ La/Hy chưa kịp nghĩ đến.

Treo phạm nhân trên thập tự, là trò đời để làm nhục phạm nhân ngay từ đầu, như luật Torah Do thái từng ghi chép. Là, phương cách bách hại/hành hình rất hữu hiệu được kể trong sách Đệ Nhị Luật. Và, là qui cách mà toàn dân cùng dư luận quần chúng vẫn chấp nhận, từ thời đó.

Trường hợp của phạm nhân Giêsu, kẻ chủ mưu cuộc bách hại rất công khai còn sử dụng để hành hạ Ngài đến mức độ siêu đẳng, bằng cách đưa đem Ngài ra khỏi môi trường thánh thiêng, quen thuộc ở trong thành. Treo thân xác Ngài ở ngoài thành rồi đóng đinh, rồi còn nhục mạ danh tánh Ngài ở trên đó bằng các tiếng Latinh, Hy Lạp và Do thái, là cách nhục mạ và xoá tên Ngài khỏi sổ bộ đời. Tức, một hình thức trừ khử rất khốn khổ mọi hậu hoạ, để mọi người không ai còn biết đến nữa. Làm như thế chính Ngài lại đã tự giải thoát theo cách mà kẻ chủ mưu bách không nghĩ ra.

Chính vì thế, hôm nay, dân con/đồ đệ Ngài đã có lý để nguyện cầu mà nói lên sự thật còn tiềm ẩn qua tuyên tín: “Tôi tin Đức Kitô chịu nạn chịu chết trên thánh giá.” tức bảo là: tôi tin vào Đấng đã bị người đời hạ nhục và làm khổ. Nhưng Ngài hoàn toàn tự do, không còn bị quần chúng hoặc đám người “tự tung tự tác”, “xưng hùng xưng bá” của thể chế chính trị nào đó vẫn muốn hạ nhục Ngài. Nói lời tuyên tín rất chắc nịch, cũng là nói lên sự tin tưởng vào Đấng tìm ra được sự tự do giải thoát chính Ngài khỏi mọi hệ lụy của đời người. Tìm ra tự do, để lại trở thành chính con người Ngài. Nói lời tuyên tín rất chân thật, là tuyên bố với tất cả sự xác tín mà rằng: chính tôi đây vẫn muốn sẻ san nỗi khổ nhục Ngài từng chịu. San và sẻ sự tự do qua kinh nghiệm đầy tràn về khổ hình nhục nhã trên thập giá. Và, đó chính là niềm tin của chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô.

Cũng vì thế, thánh Phaolô mới nói với dân con đạo hữu ở Galát, rằng: “Tôi sống đấy, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện tôi sống kiếp phàm nhân (khổ nhục) Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng sống vì tôi.” (Gal 2: 20).

Với giáo đoàn ở Corintô, thánh nhân còn nói:“Chúng tôi luôn mang nơi thân mình sự khổ nhục của Đức Giêsu, để sự sống của Ngài được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Ngài cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.” (2Cr 4: 10-11)

Nói thế, thánh nhân có ý bảo: chúng ta đều bị khổ hình hạ nhục vì dư luận quần chúng, như Đức Kitô từng trải nghiệm. Đã bị hành hạ rất khổ nhục, rồi còn bị coi là đồ vô dụng. Nhưng, ta có tự do như Đức Chúa của ta từng có. Ta tự do như Ngài , và với Ngài, để được Ngài kết hợp ta vào với Cha Ngài là Đấng rất tự do. Đấng Chúa tể của tự do, mọi người biết đến. Điều thánh Phaolô muốn nói, là: ta được san sẻ cùng một khổ hình nhục nhã của Đức Kitô để sự tự do của Ngài mới đích thực ở với ta, và trong ta. Ta sẽ không còn sống theo kiểu quần chúng a dua nhưng sẽ sống theo đường lối Chúa đã sống.

Có thể là ngôn từ ta sử dụng không nói hết được sự thật, nhưng ta cũng hiểu được những sự rất thật ấy. Sự rất thật, là: trong cuộc sống của mỗi người và mọi người, thường vẫn có những khổ giá, nhục hình và đóng đinh. Cuộc sống bị dư luận quần chúng là cho khô cằn, theo kiểu cách rất cằn khô của họ. Tất cả những thứ đó đều gọi là nỗi khổ nhục. Và, ngay trong khổ nhục, mọi người chúng ta đã tìm ra được tự do. Tự do, ta có là do khổ nhục của thập giá. Có được tự do ấy rồi, ta sẽ thong thả lĩnh hội ơn Sống lại, như Đức Kitô đã sống lại từ nỗi chết. Bởi lẽ, chấp nhận thanh tẩy là ta tự dìm mình trong khổ nhục của Đức Kitô. Và từ đó, cùng trỗi dậy và sống lại với Ngài, trong tự do.

Theo chân Chúa để “vượt qua” nỗi khổ nhục Ngài chịu trên thập giá, ta cũng mặc vào người mình niềm hy vọng bao la. Hy vọng, là thu tất cả dân con/đồ đệ của Ngài vào một mối. Mối ấy là hy vọng và tin chắc rằng mình cũng sẽ sống lại, cùng với Chúa. Bởi, mọi khổ nhục của khổ giá cuộc đời đều sẽ kết cuộc bằng sự sống lại rất vinh hiển, Chúa đã hứa.

Trong hy vọng sống lại với Chúa, ta hân hoan ngâm tiếp câu thơ trích dẫn ở trên, rằng:

“Chiều em vui quá, thuở vàng son

Ta bỗng lang thang khắp ngả đường

Ta đi cho hết thời oanh liệt

cho thấu một trời đau đớn riêng!”

(Nguyễn Tất Nhiên – Thục Nữ)

Trời đau đớn, nay đã hết. Thay vào đó, là “thuở vàng son vui quá”, đã sống lại bằng tình thân Chúa hướng dẫn suốt cuộc đời, để người người được vui ngày Chúa “gom mây về cho bớt nắng”. Nắng khổ nhục. Nắng Đau thương. Cả một đời.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch

Saturday 2 April 2011

Đẹp lắm! Trên đời những vấn vương,

Chao ôi! Thiên lí một con đường.”
(dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)

Ga 11: 3-45

Bởi vấn vương, nên đời người vẫn là con đường của thiên lý. Của, những vấn vương. Thương tình bầu bạn rải khắp nhân gian, như trình thuật nay còn nói.

Trình thuật, nay thánh Gioan lại nói đến tình bạn, Chúa vấn vương nhiều tình thương. Lòng Chúa xót thương, vấn vương tình người bạn vừa mới còn đó nay khuất bóng đi vào chốn ngủ vùi, khiến Ngài phải ra tay chữa chạy. Nhưng thiên lý đời người vẫn phải đương đầu với nỗi chết, theo cung cách khác biệt. Khác biệt ở chỗ: người có kinh nghiệm về chết chóc lại đã đặt cuộc đời mình vào niềm tin vô bờ bến. Nhờ có tin, con người mới thấy được chân lý của sự sống đang đi dần vào chốn ngủ vùi rất miên viễn. Nhờ niềm tin, người người mới hiểu được nhiệm tích vượt qua là để sống lại. Sống, bằng một hành trình băng qua thế giới khác. Hành trình đó, là cởi bỏ những lớp vỏ bọc bên ngoài để rồi người người dám đón nhận nỗi chết đang trờ tới.

Không kể về yếu tố siêu nhiên, đạo giáo, người người sẽ nhận ra nỗi chết chính là con đường thiên lý rất tự nhiên buộc Lazarô khi xưa và nay là mọi người phải đi qua. Tựa như hạt cải có rơi xuống đất và chết mục, nó mới đạt được hành trình tiến triển để vươn thành cây cải cao lớn. Cứ sự thường, con người vẫn có khuynh hướng chối bỏ khiá cạnh bình thường/tự nhiên con đường thiên lý vốn dẫn tới nỗi chết dần mòn, ở con người.

Thiên Chúa ban cho mỗi người quà tặng quý giá là chính sự sống, để ta tôn trọng. Khi tặng ban, Ngài cũng kèm theo đó một hệ thống biến cải để hoàn thiện sự sống của mỗi người bằng việc chết dần mòn như một tiến trình tăng trưởng cần có, ở mọi loài. Quà Chúa ban, Ngài không chỉ ban tặng cho cá nhân riêng một ai để rồi mỗi người cứ khư khư giữ nó suốt đời mình. Quà Ngài ban, là ban tặng cả và trời đất vũ trụ, theo qui cách rất tự nhiên, thực tiễn. Quà Ngài ban, đã hiện tỏ cả vào lúc trước khi ta lọt lòng mẹ. Và, nơi quà tặng bình thường/tự nhiên ấy, luôn có qui luật của sự chết dần mòn ngõ hầu sẽ còn diễn tiến suốt đường thiên lý, của cuộc đời.

Là hữu thể sống, con người không mặc lấy cho mình qui trình khép kín, tự thấy mình đầy đủ, nhưng vẫn là qui trình mở để sống với hệ thống mở rộng khác còn lớn nhiều, là thiên nhiên. Chính vì thế mỗi cá nhân riêng lẻ tự thấy không thể tập trung mọi sự, kể cả sự sống, cho riêng mình. Tức, có sống là phải có chết. Ít ra, là chết dần mòn. Bởi, mỗi cá nhân là thành phần của cộng đồng vũ trụ, trong đó sự chết là chuyện bình thường, rất tự nhiên. Cá nhân con người không thể chối từ tính bình thường/tự nhiên của sự chết. Chí ít, là chết dần mòn.

Ở tuần thánh, tín hữu Đức Kitô thường suy tư cùng một kiểu như thế khi nghĩ về cái chết của Đức Giêsu. Đó là thói quen cho rằng: chắc vì sự cố nào đó xảy đến khiến Chúa mới bị bắt và bị bách hại cho đến chết, đến dần mòn. Có người còn nghĩ: Chúa chết là do bọn xấu tra tay làm chuyện tày trời để Ngài phải tức tưởi đi vào chốn ngủ vùi. Và, họ coi cái chết của Chúa là do lỗi tội của con người mà ra. Thực tình, ít ai hiểu được tính bình thường/tự nhiên của con đường “thiên lý” những chết dần Chúa chấp nhận. Ngài chấp nhận, để thực hiện ý Cha khi Cha muốn tạo dựng sự sống cho muôn loài.

Chúa chấp nhận liệt mình vào với những người bé nhỏ, rất dễ chết. Thực sự, Chúa chấp nhận đường thiên-lý-những-chết-dần chẳng vì bọn xấu dám ra tay trừ khử Ngài, cho bằng Ngài không muốn thay mặt loài người sửa đổi luật bình thường/tự nhiên mà Cha Ngài tạo ra. Ngài chết dần, là vì yêu thương con người. Ngài muốn trở thành giống hệt người phàm. Nhất quyết không rút lui khi thấy có khó khăn, bực bõ. Chết chóc. Và, bằng vào việc chấp nhận đường-thiên-lý-rất-chết-dần như con người, Ngài mới tỏ cho mọi người thấy Ngài yêu thương họ biết chừng nào.

Ốm đau tật bệnh, cũng như thế. Bệnh là khủng hoảng cá nhân. Tật, là ngõ bí khó tránh thoát. Khi mắc phải tật/bệnh, ta không còn thấy mình là mình nữa, nhưng đã mất đi cái ‘mình’ ấy và cứ hy vọng sẽ đạt trở lại tính chất ‘riêng tây’ của cái “mình” ấy. Có thể không. Có hay không, vẫn là chuyện bình thường. Tự nhiên.

Người mắc phải tật/bệnh sẽ cảm thấy may mắn nếu có ai ở cạnh, không nói ra, những vẫn gửi cho mình thông điệp nào đó để nói rằng: sự việc xảy ra như thế là chuyện bình thường, dễ hiểu. Kinh nghiệm thương đau là cái gì có thật, ai cũng biết. Chẳng riêng gì chỉ mình thôi. Đến khi bạn bè hỏi han/thăm viếng mới vỡ lẽ ra rằng thông điệp của đường thiên-lý-rất-chết-dần được đón nhận rất thông suốt. Cũng chẳng có gì phải sợ. Chẳng sợ đau đớn, cô đơn, cho đến chết.

Điều người bệnh cần, không phải ai cũng có thể tâm tình, dù riêng tư. Cũng chẳng do người chạy chữa đưa ra lý lẽ để “giải thích” về căn bệnh. Nhưng, chỉ cần người khẳng định: đó là tiến trình rất bình thường/tự nhiên của trời đất. Đã là người, ai ai cũng đều phải ngang qua con đường thiên-lý-chết-dần ấy. Bởi, bạn bè là lẽ sống trong con đường ấy. Không cần bạn chữa chạy về tinh thần. Cũng chẳng cần bạn tặng quà, để vui hơn. Chẳng cần đến phép lạ, mà chỉ cần thuận theo chiều quay của qui luật bình thường/tự nhiên của sự sống.

Nhà thương, thường là nơi người người tìm đến giải pháp kỹ thuật cho mọi trường hợp tật bệnh. Nơi đó còn là cơ ngơi để giúp những người đang còn yếu hiểu được qui luật như thế. Nhuốm bệnh, là tình trạng không thể sống sót mà không có người giúp đỡ. Là, chết dần chết mòn suốt đoạn đường thiên lý, rất trớ trêu. Nhà thương, còn là nơi có người thương yêu chăm nom săn sóc cho người đau yếu thấy dễ chịu. Chăm nom săn sóc từ cái ăn thức uống, rất vệ sinh. Là nơi, để người đau yếu kềm chế cơn đau. Nơi, để người còn khoẻ chăm sóc liên tục, rất đặc biệt. Nơi, bảo đảm kỹ thuật nay an toàn.

Với tật bệnh, tuy vẫn cần giải pháp kỹ thuật để chữa chạy. Nhưng với con đường thiên-lý-rất-chết-dần, thì vô phương. Và, khi ấy quyết định có nên đưa người đau yếu vào nhà (để) thương hoặc viện (để) dưỡng lão hay không, lại là quyết định của người khoẻ, chứ không phải người đau yếu, tật bệnh. Người đau và yếu khi ấy đã mất đi khả năng kềm chế các quyết định như thế. Và, bên dưới sự việc, thì chính thiên nhiên là kẻ trợ đắc tiến trình bình thường/tự nhiên, “thiên lý” ấy.

Người đau yếu đang rơi vào tiến trình rất “thiên-lý-chết-dần” tại nhà, hoặc ở nhà thương, là người đang thực hiện một sự việc bình thường/tự nhiên rất chết dần. Họ muốn được đối xử như sự việc bình thường. Và, họ vẫn muốn làm thành phần trái đất và không muốn để mất tiêu chuẩn hoặc bị đào thải khỏi chốn miền đầy yêu thương ấy. Họ không chối bỏ sự thật. Cũng chẳng muốn bạn bè quên đi sự việc là họ đang trên đường thiên-lý-rất-chết-dần. Và không muốn ai làm ầm ỹ. Nói tóm, họ là người bình thường muốn được bình tĩnh khi cái chết chợt đến, như chuyện bình thường/tự nhiên, trong đời.

Ta đang đi vào tuần thánh là tuần để suy tư về sự chết dần của Đức Chúa-làm-người. Phúc Âm trình bày việc Chúa đi vào cái chết là về lại cùng Cha. Ngài về lại, sau khi hoàn tất sứ vụ của Ngài ở nơi này. Nơi, con đường thiên-lý-có sự chết, trên trái đất. Và, ý tưởng của thánh Gioan hôm nay nói về tính bình thường/tự nhiên của sự chết Chúa chấp nhận. Điều đó áp dụng cho ta, cho người thân của ta nữa.

Tác giả Sarah Coakley có lần từng viết: “Đã có e ngại thời hiện đại lôi cuốn nhiều người hiểu rằng: chết dần mòn, sự tắt lịm của ‘lịch trình tiến hoá’ chính là điều tệ hại nhất xảy đến với mọi người, và mọi sự. Nếu là tôi, tôi sẽ biện luận rằng… cơn hấp hối sâu xa nhất của Đức Chúa là sự mất mát phí phạm thấy rõ trong tạo dựng của Thiên Chúa sẽ được đo lường bằng lời loan báo của Chúa Thánh Linh về một hy vọng sống lại.” (x. Harvard Divinity Bulletin, 2002)

Xem như thế, có chết “bất đắc kỳ tử” hoặc chết dần mòn, thì sự chết vẫn là để loan báo sự sống lại rất tự nhiên như qui luật bình thường của sự sống.

Với tư thế hướng về sự sống lại ngay khi chết, ta cũng nên về với lời thơ trên mà ngẫm nghĩ:

“Đẹp lắm! Trên đời những vấn vương,
Chao ơi! Thiên lí một con đường
Đi trong trời đất từ duyên ấy
Sớm tối không rời một chữ thương.”
(Lưu Trọng Lư – Đi Giữa Vườn Nhân)


Cũng một chữ “thương” ấy, giải quyết hết mọi chuyện rất bình thường. Chuyện sống, chuyện chết và sống lại của Đức Chúa và con người trong trời đất thân thương. Bình thường. Tự nhiên.


Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch.