Monday 27 October 2008

“Nhưng cúi đầu, trước vẻ ngọc trang nghiêm.”

Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,
Chưa tội lỗi, đã thấy tràn hối hận.
Em đài các, lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo, dẫm lên thơ
.

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Mt 23: 1-12

Vẻ ngọc trang nghiêm, có là Thơ? Là, Lời dạy của Đức Chúa ở trình thuật, rất hôm nay?

Trình thuật hôm nay, thánh sử Mát-thêu cho thấy có khác biệt giữa Đức Giê-su và các nhà lãnh đạo tôn giáo, thời của Chúa. Và, còn nói tranh chấp/khác biệt giữa giai cấp cứng đầu ở trên, và lớp dân đen thấp hèn, ở bên dưới. Dân con thấp hèn nay theo Chúa, khi được nghe Chúa nói, và Ngài đã làm.

Bài đọc 1, tiên tri Ma-La-Ki quả quyết: “Các ngươi đã trệch đường; đã làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh rẻ, hèn mạt trước mặt dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối của Ta; hay nể vì, khi áp dụng Luật.(Ma 2: 8)

Trình thuật hôm nay, Đức Giê-su không đả kích nhóm Pha-ri-sêu/Kinh sư, hoặc Biệt phái, nào cả. Bởi, nhiều người trong họ, là thủ lĩnh được kính trọng, nể vì. Chúa lên án, là lên án thái độ kiêu căng ngạo mạn khi họ suy tư - hành xử, đã khiến kẻ thấp hèn nghĩ là họ đáng bị chê trách.

Điều dễ chê trách, không là sự thật về niềm tin mà Biệt Phái/Kinh Sư đưa ra, cho mọi người. Nhưng, là chê lối hành xử bêu xấu, kháng nghịch lời của Chúa. Nói cách khác, họ khuyên răn một đằng, nhưng làm một nẻo. Tiền hậu bất nhất. Chẳng sống như người tốt lành, hầu làm gương. Đằng khác, điều đáng trách ở nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị lẫn gia đình, là: cứ áp đặt những ràng buộc luật lệ thật nặng nề, lên người khác. Trong khi chính mình, chẳng ra tay phụ giúp mọi người chu toàn, thi hành luật.

Điều đáng chê hơn, là: họ vẫn hưởng lợi, cứ “ăn trên ngồi chốc”, tưởng rằng thành quả người người đạt được, là do công lênh mình bỏ ra. Bởi thế nên, họ nghĩ mình đáng hưởng công lênh. Được mọi người thuần phục. Đáng hưởng mọi vinh hoa phú quý. Cơm áo/bạc tiền.

Do có thái độ chỉ biết hưởng thụ, nên lớp “trưởng giả”/đứng ở trên, còn nghĩ: mình xứng đáng được thần dân bên dưới tâng bốc mọi tước hiệu. Họ lại nghĩ: mình là vua quan/lãnh chúa, những “đức ngài”. Nghĩ mình là thầy, là cha đáng được hưởng phúc đức do cha ông mình để lại. Họ mua mọi danh chức/tước hiệu, bằng tiền bạc. Nhưng, chính họ lại phản nghịch lời Chúa dạy ban.

Điều, Chúa đưa ra hôm nay, là: chính Ngài là cội nguồn sự sống. Chỉ mình Ngài, mới thích đáng với thẩm quyền và danh xưng/tên gọi “Ngài” hoặc “Đức Chúa”, mà thôi. Còn lại, ta sẽ là người đáng được kính nể nếu ta biết phục vụ anh em mình, cho phải phép.

Quả thật, “áo dòng không làm nên thày tu!”. Bởi, đâu phải cứ có người cầm vương trượng, gậy gộc đi trước mình, biểu hiện là mình làm lớn! Cũng chẳng phải, cứ có người nhường bước, tránh chỗ để mình đi, tức: mình là đấng quyền cao chức trọng! Cũng chẳng phải là cứ được lên xe xuống ngựa, được kẻ đưa người đón, nhiều đầy tớ. Hoặc, thường xuyên xuất hiện trên “đài”, tức mình đã lên ngôi!

Mà là, được làm người cao trọng, nếu biết sử dụng tài ba/năng khiếu Chúa tặng, hầu làm lợi cho dân lành, sống chung quanh. Điều chính yếu mà trình thuật hôm nay đưa ra, là: làm theo lời Chúa dạy, vẫn chưa đủ để chứng tỏ mình là người cao trọng, hợp lẽ. Hơn nữa, khi xưa hàng giáo sĩ Do Thái thường chỉ biết “chỉ tay năm ngón” sai khiến hết mọi người. Họ tưởng rằng, Lời Chúa dạy là dạy ai khác, chứ đâu phải chính họ. Nên, họ chẳng lý gì đến tự kiểm. Chẳng màng việc sám hối.

Bài đọc 2, thánh Phao-lô đề cập đến kinh nghiệm chính bản thân. Về các lãnh tụ tôn giáo, thánh nhân nói: “Không khác gì người mẹ nuôi con dại ấp ủ con mình, chúng tôi thật lòng quý mến anh chị em.” không chỉ qua Tin Mừng -bởi điều đó không khó- nhưng bằng cả mạng sống của chúng tôi. (1Th 2: 7). Không như nhóm Pharisêu/Biệt phái, thánh nhân chẳng muốn thành gánh nặng cho ai. Nhưng, chỉ muốn Tin Mừng trở nên “quyền uy sống động”, với kẻ tin. Vì, Tin Mừng giải phóng mọi người. Giải toả gánh nặng của muôn dân.

Thánh nhân còn xác định: “Bởi, anh chị em đã chịu lấy Lời của Thiên Chúa từ chúng tôi; anh chị em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời của Thiên Chúa.” (1Th 2: 13) Với bậc phụ huynh, linh mục và giáo chức, cũng phải biết như thế. Thật ra, ta chỉ là kênh lạch thông chuyển và đón nhận Lời Sự Thật. Ta vẫn chưa thể nắm vững được Lời. Mới chỉ là người quản lý, giữ gìn Lời, mà thôi. Quyền uy đích thực, chính là quyền của Lời. Quyền của Sự Thật. Của Tình Thương.

Những kẻ được ta phục vụ, cũng phải hiểu rằng: những gì ta thông chuyển, không xuất phát do tự chúng ta. Mà, theo ngôn từ của thánh Phao-lô, ta chỉ là máng thông, rất dễ bể. Chính vì thế, đừng ngạo mạn cho rằng mình nắm vững chân lý, của Đức Chúa. Ngược lại, ta chỉ là người san sẻ mọi điều tốt lành cho người anh người chị, thế thôi. Vì vậy, phải nhớ rằng dù có là đấng bậc, giáo chức lẫn phụ huynh đi nữa, thì vẫn luôn yếu mềm, dễ thương tổn. Nên, phải đề cao cảnh giác.

Trong chiều hướng ấy, tự thân Hội thánh trong quá khứ, đã có lúc cũng sống xa cách với dân con bình thường. Cũng đã xảy ra nhiều va chạm, gương mù, tai tiếng đến với các đấng bậc vị vọng ; đấng chuyên ăn trên ngồi chốc, các phụ huynh lẫn nhà giáo. Khi các vị muốn có hào quang chiếu trên đầu, nhưng thực tế, thì sống thậm tệ. Và đó, là điều Chúa thực sự chê trách. Là, thái độ giả hình, người thường mắc phải.

Là con cái, ta hiểu được tâm trạng yếu mềm của bậc cha mẹ, người lớn. Là thần dân, ta cũng thông cảm cho các nhược điểm của lãnh đạo. Chính vì có nhược điềm, nên họ mới càng biểu lộ tính nóng nảy bực bõ, bằng nhiều hình thức. Chí ít, là chủ trương khắt khe với người, nhưng lại dễ dãi với chính mình.

Là thành viên cộng đoàn tình thương, ta vẫn có nhiều trách nhiệm để chu toàn. Trách nhiệm khác nhau. Có thứ đòi hỏi nhiều. Có loại cần năng khiếu, tài cán đặc biệt. Đặc biệt hơn cả, vẫn là phục vụ cho nhu cầu của người anh em mình, trong cộng đoàn. Có thể, vì chức vụ đòi hỏi, đôi khi ta cũng cần lên xe xuống ngựa, có tài xế. Nhưng, không phải để vênh vang, thụ hưởng. Nhưng, đó chỉ là phưong tiện cần thiết cần thiết để hoàn thành chức năng, cùng sứ vụ. Phục vụ cho nhiều người.

Trình thuật hôm nay, gửi đến với hết mọi người. Kêu gọi tất cả, sống xứng đáng với phẩm cách, cùng chức năng. Không nên lấy đó làm điều vênh vang, nổi bật cho chính mình. Không khắt khe với mọi người. Cũng chẳng nên đòi hỏi người khác kính trọng mình, vì mình làm lớn. Nhưng, kính trọng lẫn nhau. Coi nhau như người có quyền lợi đồng đều. Ngang cùng một phẩm trật. Trong mọi trường hợp, hãy luôn ước vọng phục vụ cho thật nhiều. San sẻ, hết mọi thứ. Để mọi người đều có lợi. Ngang nhau.

Trong tinh thần đó, hãy cùng nhau cất tiếng cao, ta vui hát. Hát lời người xưa, vẫn khuyến khích:

“Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vàng

Môi ai say sưa hé mấy cung đàn

Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng

Vui ca lên đi trong chiếc xe già

Sau khi men say lắng mấy tơ đàn

Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam.” (Trọng Khương – Bánh xe lãng tử)

Cứ vui ca lên đi, dù đời ta có là chiếc xe già. Xe lãng đãng cả một đời. Vẫn cứ ca. Ca mà khẩn cầu. Để rồi, sẽ không dùng “bàn chân cao ngạo, dẫm lên thơ”. Lên cả Lời dặn dò, của Đức Chúa. Về tình thương. Về cuộc đời.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.





Saturday 25 October 2008

“Như gã si tình say ái ân!”

Người hãy cùng ta, dạo cảnh xuân,

Yêu nhau cho bõ, lúc phong trần.

Nhịp đời lên mạnh, hồn ta đẹp,

Thơ ý rung mùa, vang dưới chân.

(dẫn từ thơ Hồ Dzếnh)

Mc 8: 27-35

Với nhà Đạo, yêu nhau không chỉ để “cho bõ lúc phong trần”, mà thôi. Bõ hay không, ta vẫn cứ yêu. Yêu, cả khi người ấy giã từ trần thế, chốn lặng yên. Yêu, cả khi bạn mình ra đi, thành người thiên cổ, chốn hoằng thiên. Hoằng thiên, là chốn im ắng dành cho bậc hiển thánh/các đẳng, được kể ở trình thuật, thật hôm nay.

Trình thuật hôm nay, ghi đậm đôi điều giúp ta suy tư/cảm nghiệm về nỗi chết. Về, thái độ trực diện sẵn có với nỗi chết, sẽ xảy đến. Đúng hơn, là cảm nghiệm từng nhớ Lời Chúa, khi xưa nói: ”Ngài sẽ đến vào ban đêm, như kẻ trộm.” Và, vào lúc Ngài đến, người người chắc chẳng muốn cửa gài then đóng, với mình. Và cũng đâu muốn nghe, lời Ngài bảo ban: “Quả thật, ta chẳng biết người là ai!” Ngài nói thế, là muốn cảnh giác mọi người: Hãy chuẩn bị mà ra đi gặp gỡ Chúa, vào mọi lúc.

Tin Mừng thánh Máccô hôm nay, nói đến tương quan vẫn có giữa Đức Chúa và môn đệ. Môn đệ Ngài, hiểu rõ nhiều điều Thầy mặc khải nhận lĩnh lời Thầy, đủ chi tiết. Và, không như, nhóm Kinh Sư Biệt Phái chỉ nói nhiều, các thánh còn mục kích bằng mắt thịt sự việc Thầy chữa lành, nhiều bệnh nhân. Bằng vào việc Thầy trừ quỷ, là Thầy đã tha thứ hết lỗi lầm, của con dân. Thành thử, khi nghe hỏi, đồ đệ dấu yêu đã hiểu được sứ mạng của Thầy, nên dám thưa: “Thầy là Đức Kitô, Đấng Mêsia đã đến!”

Thoạt nghe Thầy cấm đoán không cho phổ biến cho mọi người biết, nhất là đám Biệt Phái, rất Kinh sư, đồ đệ Chúa thấy như gặp phải “bom nổ chậm”. Đó là lý do, Phê-rô thánh nhân kéo Thầy ra chỗ riêng tư mà nói nhỏ. Có đâu ngờ, Thầy ban cho mặc khải khác: “Xa-tăng, hãy lui ra sau!, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.” (Mt 8: 33)

Tư tưởng của Thiên Chúa, Phê-rô đâu nào dám phá bỏ. Duy có điều mà thánh nhân chưa hiểu, đó là ý định của Chúa muốn mọi dân con/đồ đệ cũng theo hệt đường lối của Ngài. Tức, cũng bị người đời phỉ báng/chối bỏ. Lại còn bị hành hạ, kỳ thị đến nỗi chết. Chính vì thế, Thầy nói rõ: “Ai cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, sẽ cứu được mạng sống ấy”. (Mt 8: 35).

Người quyết theo Chúa đến cùng, ắt đều nhớ tâm đến điều khó quên, đó là: theo Chúa, là bỏ lại tất cả, mất tất cả không còn gì mang theo khi đi vào nỗi chết. Tựa như Thầy mình từng nói với Chúa Cha: “Xin Cha cất khỏi chén đắng này, nhưng một theo ý Cha, mà thôi.” (Mt 26: 39).

Về thiên tính Mêsia Đấng Cứu Độ, lời tiên tri nơi bài đọc 1 đã thành hiện thực, khi ngôn sứ nói: “Đây là Thiên Chúa, chúng ta từng trông đợi, và ta đã được Người thương yêu cứu độ.” (Is 25: 9). Tiên tri, chính là lời mà ngôn sứ đã nói trước cả khi ta còn sống, hay khi ta theo Chúa đi vào nỗi chết: “Người là Đức Chúa, Đấng ta trông đợi. Ta cùng hoan hỉ mừng vui, bởi được Người cứu vớt.” (Is 25: 9).

Bài đọc 2, thánh Phao-lô đã lại xác quyết điều ấy trong thư thánh nhân gửi đến giáo đoàn Corinthô: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời chúng tôi rao truyền ra như rỗng tuếch.” (1Cr 15; 14) và những gì xảy đến trên đồi Calvary, sẽ là kết đoạn của mọi sự. Không có sống lại, thì Đức Kitô sẽ đi vào chốn hư vô. Và, cuộc sống của ta sẽ ra vô nghĩa.

Thêm vào đó, thánh nhân còn quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy từ cõi chết, thì lòng tin của anh em nên hão huyền; và anh em vẫn còn sống trong lỗi phạm.” (1Cr 15: 17). Nói rõ hơn, sự sống lại của Đức Kitô đã đem lại ý nghĩa sống còn tự tại cho cuộc đời của cha ta. Cho các giá trị mà ta quyết sống vì nó. Bởi, sống một cuộc đời mà không có sự thật hoặc tình thương yêu, thì cũng chỉ là chết rồi, dù còn đang thở. Và, chỉ có Đức Chúa sống động, mới làm cho sự thật và tình thương yêu nên hiện thực.

Hôm nay, là ngày nối kết đoàn tụ giữa những người tin vào Đức Kitô, các Kitô khác. Hôm nay, là ngày ta mừng kính sự Hiệp thông của các thánh. Các đấng bậc, rất vinh hiển trở thành thánh nhân. Trở thành thánh nhân, ngay khi ta nhận lãnh ơn thanh tẩy, trong Chúa. Hiệp thông cùng các thánh, ta được tham dự vào ba phần gồm các thánh: thứ nhất gồm các vị mà ta mừng kính hôm qua, bậc hiển thánh đi trước chúng ta. Nay, được vui hưởng sự vinh quang hạnh phúc diện kiến nhan thánh Chúa.

Thứ đến, là chính chúng ta, những người còn góp phần xây dựng hành trình thương yêu và phục vụ. Những người làm hết sức mình để sống đích thực lời khuyên của Tin Mừng, Chúa để lại. Và thứ ba, là các vị mà chúng ta hân hạnh mừng kính ngày hôm nay. Các vị này, đã khuất dạng nhưng chưa sẵn sàng diện kiến Đức Chúa. Còn phải trải qua một tiến trình, thanh lọc.

Bằng vào lời cầu của các đấng bậc thuộc vế thứ nhất, các ngài có thể can thiệp cầu bàu cho những ai còn ở dưới thế trần, và cả những vị đã khuất bóng, nhưng trông đợi được đến với Chúa. Và, đó là lý do khiến chúng ta tụ tập tại đây, hôm nay. Bởi trong số những vị đã quá vãng, có cả bạn bè/người thân của ta. Có cả, những vị đang cần vào lời nguyện cầu của ta, nữa. Bởi vào ngày “N”, các vị sẽ làm trung gian, can thiệp để ta được toại nguyện mà ở với Chúa, chốn miên trường. Mãi mãi.

Vì lý do đó, ta dâng lên Cha lời nguyện cầu ý nghĩa rút từ nội dung của Thánh lễ hôm nay, rằng: “Lạy Chúa, là đấng tạo Dựng và Cứu độ chúng con, nhờ vào quyền năng của Đức Kitô đã chiến thắng sự chết và trở về cùng Chúa trong vinh quang, xin cho các vị đã đi trước chúng con trong niềm tin vào Chúa được sẻ san sự vinh quang của ngài và vui hưởng thị kiến vinh quang ấy, bây giờ và mãi mãi.”

Trong nguyện cầu, ta cùng gửi tâm tình mình về các Đấng đi trước, qua câu hát, rằng:

“Đêm đêm người mở lòng ra,

ôm ta, trong cõi mơ hồ

giã từ đời bằng hơi gió

hoá hồn theo cánh mây xa.

Ta đi bằng một sợi tơ

Lung linh luồn trong khói mờ

Ta treo bằng vào Tình Thu

Thấy mình trôi loãng trăng hoà.

Ta rơi bằng một đời hoa

Tan theo với ngàn cánh úa

Không ngờ hồn hoà

Vào làn phấn bướm xanh lờ… (ơ ớ).” (Phạm Duy – Mộng du)

“Mở lòng, tan theo ngàn cánh úa. Để, hồn hoà vào làn phấn bướm”, mà tin chắc có linh hồn các Đấng, các Đẳng, ngày hôm nay. Trong mừng kính kỷ niệm lễ ngày các Đấng đã ra đi, xin một lòng nay cam kết: “Yêu nhau cho bõ lúc phong trần. Nhịp đời lên mạnh, hồn ta đẹp”. Đẹp, chốn Nước Trời, đời hiệp nhất, có các thánh và các Đẳng. Có cả chúng ta. Rất phong trần.

____________Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch


Sunday 19 October 2008

Mau với chứ ! Thời gian không đứng đợi.

Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa,
Nắng mọc chưa tin, hoa mọc không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết!

(dẫn từ thơ Xuân Diệu)

(Mt 22: 34-40)

Nếu thánh Âu tinh là người Việt, thì khi ấy chắc ngài cũng làm thơ. Thơ tình. Thơ Đạo. Hay tuyệt tác. Dễ mê. Và, thơ của thánh nhân sẽ đầy từ yêu đương như thế này: Hãy yêu đi, và cứ làm những điều em rất muốn.” Nếu thánh Mát-thêu là người mình, hẳn thánh sử cũng sẽ kêu gọi mọi người, hãy biết yêu. Yêu Chúa. Yêu người. Rất tràn đầy. Dễ nhớ. Như trình thuật ngài viết, buổi hôm nay.

Trình thuật hôm nay, hằn in dấu ấn nơi tâm trí người nghe, và người đọc. Mấy tuần rồi, theo dõi trình thuật của thánh sử, ta thấy Chúa chịu thách thức, từ mọi người. Hết lãnh đạo Do Thái, rồi nhóm người Sa-đốc, nay lại những Pha-ri-sêu. Rất đối đầu. Hỏi han. Hỏi han, vì Pharisêu là nhóm tư tế, hay hỏi han thắc mắc, về luật. Hôm nay họ hỏi: Thưa Thầy, trong sách Mô-sê, điều răn nào trọng nhất?” (Mt 22: 34)

Trong 600 điều luật nguời Do Thái, nhiều khoản gói ghém mọi chi tiết, cần tuân giữ. Nhưng, câu mà nhóm Pharisêu hôm nay hỏi, lại đi thẳng vào trọng tâm vấn đề: về tương quan giữa Chúa với dân con. Câu hôm nay, tóm gọn những điều mà toàn bộ lề luật, muốn đề cập.

Thông thường khi được hỏi, Đức Giê-su vẫn đặt lại câu hỏi, thay cho trả lời. Hôm nay, Ngài trả lời ngay vào vấn đề: Ngài trích dẫn không chỉ một luật, mà là hai. Trước hết, trích dẫn sách Đệ Nhị Luật, Ngài nói: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Đức Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và trí khôn”. Và, Ngài lại tiếp: “Đó là điều răn lớn, giới răn thứ nhất”

Nghe thế, người theo Chúa không thấy có vấn đề gì để phản chống. Nên, Ngài tiếp: “Thứ đến, cũng giống điều ấy: ngươi phải yêu mến người đồng loại như chính mình.”(Mt 22: 38-40). Với người nghe, ta thường xem lời dạy trên chỉ là đòi hỏi thứ yếu. Và, ta hiểu ý nghĩa của cụm từ “người đồng loại” cũng hạn hẹp. Như truyện “người Samaritanô hiền” ở Tin Mừng Luca, Chúa đã cho thấy người đồng loại là ai. Người ấy, hôm nay, khác với ý của Ngài nêu ở trên.

Hôm nay, bận tâm của Chúa là về con người, chứ không chỉ về kính thờ Đức Chúa như được tỏ bày ở bài đọc 1, sách Xuất Hành. Nơi sách này, lòng xót thương, thiện cảm được chứng tỏ qua thái độ cho khách lạ ngụ cư, biết thương yêu bà mẹ goá, với con côi: “Nếu ngươi ức hiếp nó, và nó kêu oán lên Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu.” (Xh 22: 21).

Điều Chúa nói, tuân giữ lề luật ở Cựu Ước thôi, chưa đủ. Chúa nối kết hai giới răn chung làm một, không tách rời. Như Tân Ước quả quyết: ta không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người anh người chị của mình. Bởi, không thể chỉ nói tiếng yêu thôi là đủ. Mà còn phải tiến xa hơn. Không thể đến với Chúa ngang qua người khác. Nhưng, biết tìm đến và yêu Chúa nơi họ, như đã viết: “Những gì các ngươi làm cho người anh em hèn mọn này, là các ngươi làm cho chính mình Ta”(Mt 25: 40)

Như đã rõ, Đức Giê-su đồng hoá Ngài với người đói khát, trần truồng. Kẻ ốm đau/bệnh tật và các tội phạm trong lao tù (bất kể tù về tội gì). Và, Chúa tự đồng hoá Ngài với những ai đang cần đến tình thương yêu và lòng thương xót. Khi xưa, Ngài thương xót người phong cùi. Thì nay, Ngài thương người bệnh Liệt kháng, rượu chè, ma tuý, vô gia cư, và người bị ruồng bỏ. Cả, lớp địch thù, luôn đe doạ Ngài, nữa.

Giới răn yêu Chúa và mến người đồng loại, thật ra không phải là giới răn duy nhất, đích thực. Yêu thương mến mộ, sẽ không là thương yêu/mộ mến nếu việc ấy không hoàn toàn tự do, và bộc phát. Điều Chúa đề nghị, không chỉ là giới răn hoặc luật lệ qui định, nhưng là trọn vẹn phương cách sống cuộc đời mình đang sống; và, sống với mọi người, mà ta thường tương giao.

Thật ra, Lời Ngài chỉ là giới răn duy nhất nhưng gồm hai việc, không thể tách rời. Cụm từ chính, vẫn là “tình thương”. Về tình thương, thực ra trong đó có ba mối tình: tình Chúa, tình người và tình mình. Ttình Chúa là cội nguồn của sự sống, muôn người. Luôn đến trước. Sau đó, mới là tình người. Đến rất tự nhiên. Tự nhiên, vì là nơi chốn Chúa ngự. Và bởi, người khác là đối tượng của tình Chúa. Nên, họ còn là đối tượng của tình mình, nữa. Và sau cùng, mới là tình mình. Vì, chính mình cũng đáng được thương.

Tuy nhiên, để tháp đặt các tình này cách hữu hiệu, có lẽ ta cũng nên thay đổi thứ tự, cho chuẩn: đó là tình mình đi trước, tiếp đến là tình người và cuối cùng, là tình Chúa.

Theo cách thức nào đó, tình căn bản nhất vẫn là tình mình. Bởi, như Chúa nói ở trình thuật: “Hãy yêu người đồng loại, như chính mình.” Nghe vậy, có người sẽ nghĩ: đây là giới răn không cần thiết. Và mâu thuẫn, bởi một đằng thì ai mà chẳng yêu chính mình. Nghĩ về mình và lo cho mình. Đằng khác, rất nhiều lần ta vẫn được dạy rằng: không nên tự ái, ích kỷ. Không nên chỉ biết có chính mình. Vì vậy, có nhiều người còn tự ghét mình. Ghét cái “tôi đáng ghét”. Hoặc, không tự tin. Và, cũng có nhiều người chỉ tìm cách làm đẹp bề ngoài mình lên, bỏ ra quá nhiều tiền của cho quần áo, son phấn, ảnh hình, làm kỷ niệm.

Chả thế mà, kỹ nghệ thẩm mỹ tốn hàng tỷ bạc, chỉ để giúp ta tô đẹp chính mình. Nhiều người còn lo toan chạy theo biểu tượng, người mẫu để chứng tỏ là mình “đạt”. Chứng tỏ rằng, mình đang sống ở thành thị. Mua đồ hàng hiệu qua xe cộ, thời trang, đồ dùng. Nhất nhất, được chọn lựa cẩn thận để diện mạo của mình khá hơn mặt thật, của chính mình. Nhưng thật sự, là chính họ đang lo sợ, ở trong lòng.

Tại sao ta phải yêu chính mình? Vì, nếu đã không yêu thương chính mình, thì khó mà thương người. Không thương mình, thì ta sẽ lo không biết người khác có thương mình không. Hoặc, quá lo cho ngoại hình của mình, để được người khác chú ý, thương yêu. Đây mới là vấn đề. Vấn đề là, ngày nay ta quá chú trọng đến cá nhân. Quá tự do. Quá lo lắng về mình. Chẳng đoái hoài gì người khác. Và, điều này ảnh hưởng lên cách hành xử của ta trong cộng đoàn.

Yêu thương chính mình, là chấp nhận những gì mình đã có, từ khi sinh. Cả đặc điểm, lẫn nhược điểm, hoặc cá tính. Chẳng giấu diếm tính xấu của mình. Chấp nhận mình nhưng không phải là không sẵn sàng đổi thay những tính xấu; lắng nghe những ý kiến đóng góp tích cực của người khác. Cũng không phải là cứ khư khư giữ lấy cái tôi, mà đôi khi “đáng ghét” của mình. Một khi đã chấp nhận như vậy thì yêu chính mình, chính là không ngại ngần khi người khác nghĩ về mình. Bởi, họ có nghĩ gì về mình, thì cũng chỉ là vấn đề của họ. Chứ, đâu của mình. Chính vì thế, mình lại càng có nhiều thì giờ, hầu lo cho người khác. Để ý đến những gì người khác cần. Và khi đó, mình có tự do để đến với người khác. Bận tâm đến an lành của nguời khác. Có như thế, mình mới bắt đầu biết yêu thương người khác, như yêu mình.

Và cuối cùng, là tình Chúa. Nếu chỉ biết nói “Lạy Chúa, con yêu Chúa.” thôi, thì là điều dễ làm nhất trên trần gian. Cái khó, là dám nói yêu Chúa, bằng hành động. Khó, là khi mình chẳng có kinh nghiệm gì về yêu đương và đương yêu. Vì, chỉ khi có kinh nghiệm này , mình mới thấy là Chúa đang hiện diện trong các kinh nghiệm về yêu thương, của mình. Như thánh Gio-an nói: “Nơi nào có tình thương yêu, ở đó có Chúa.”

Có như thế, giới răn Chúa đưa ra mới giúp ta đi vào hiện thực. Có như thế, ta mới biết rõ khi có người thực sự yêu ta, lúc ấy đích thực là ta đang có kinh nghiệm về tình Chúa thương ta. Bởi, tình yêu thực sự là cách thức chứng tỏ Chúa đang hiện hữu. Với con người.

Rất nhiều lần, Chúa chứng tỏ Ngài thương yêu ta, ngang qua những người đến với ta. Trong đời. Chúa thương ta, là khi người khác đang có lòng, đối với ta. Và ta chỉ dám nói mình yêu thương Chúa khi ta biết yêu thương người khác.

Như thế thì cuối cùng, không phải có ba thứ tình, mà duy nhất chỉ có một. Đằng khác, điều nên nói ở đây, là: tình yêu không nhất thiết phải là thứ tình đầy cảm xúc. Lãng mạn. Mà là tình yêu, như được nói đến ở bài đọc 1, có mọi người dự phần. Có sự tôn kính, rất sâu sắc. Tình đó, ngang qua cả đến những người hành xử tồi tệ, chỉ muốn hại mình. Đó là thứ tình khát khao mà mọi người đều trải nghiệm về cái tốt đẹp nhất, đối với họ. Đó là cách thức có liên quan đến mọi người. Ngõ hầu giúp họ trở nên người biết chăm sóc giùm giúp. Yêu nhiều hơn.Yêu mình. Yêu người. Yêu Chúa.

Bài đọc 2, thánh Phaol-lô nói với giáo đoàn Thessalonika:”Anh chị em biết đấy, khi ở với anh chị em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh chị em. Còn anh chị em, anh chị em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa.(1Th 1: 5). Đây là cốt lõi của việc tông đồ, rao giảng Tin Mừng của Chúa. Cốt lõi, không ở việc giúp họ trở lại Đạo. Thành người Công giáo. Nhưng, là dẫn dắt họ tìm đến với Chúa, Đấng yêu thương họ. Tìm gặp Chúa, qua yêu thương những người sống chung quanh.

Trong nhận thức như thế, ta hát lên bài ca đầy phấn chấn, thuở nào:

“Đừng sợ bạn ơi, hãy đứng thẳng lên

cuộc đời đang dang tay đón ta

bằng yêu thương ta đi xoá tan mọi căm hờn…” (Lê Hựu Hà – Bài Ca Tuổi Trẻ)

Đừng sợ. Nhưng cứ yêu. Yêu mình. Yêu người. Yêu Chúa. Vì, “tình yêu đến, tình yêu đi ai biết”.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.