Sunday 31 May 2009

“Chúng ta đến nghe nỗi sầu tinh tú”

Những ngôi sao buồn suốt một chu kỳ,
Những đám tinh vân sắp sửa chia ly,
Và sao rụng biếc đôi tay cầu nguyện

(“Đường Vào Tình Sử”, thơ Đinh Hùng)

Mt 28: 16-20

Đường vào tình sử, nhà thơ nghe nỗi sầu tinh tú. Cất buớc ra đi, nhà Đạo tìm thấy niềm vui ở Tin Mừng. Niềm vui, là niềm tin Đức Chúa có Ba Ngôi, đã mặc khải ở trình thuật.

Trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu ghi về người dân địa cầu không mang nỗi sầu tinh tú, nhưng rất tin. Tin, Chúa Ba Ngôi yêu thương kết hợp. Tin, mầu nhiệm huyền bí Chúa Ba Ngôi. Tin, vẫn một niềm, nhưng không giải thích bằng ngôn ngữ, với loài người.

Thánh Phaolô, bằng vào ánh sáng của lý trí và lẽ phải, mà con dân địa cầu biết rõ Thiên Chúa là Đấng tạo tinh tú. Vũ trụ. Cội nguồn. Là, nguyên nhân làm thành vũ trụ. Có một điều, mọi người không thể hiểu, khi vào bản chất sâu lắng của Thiên Chúa, đã mặc khải cho ta, nơi Tân Ước.

Không hiểu hết mặc khải, nhưng ta chấp nhận những khó hiểu ấy, bằng tin-yêu. Tin, như tin vào bản chất của nhiệm mầu. Tin, như tin vào mặc khải, ta nói được chỉ một Chúa. Đấng thấu biết mọi chuyện. Đấng, có quyền trên mọi sự. Đấng, thương yêu hết mọi người.

Thánh Tôma A-qui-nô xưa từng bảo: điều ta nói về Chúa, đều mang tính mâu thuẫn ngay trong tâm. Bởi “Chúa là Sự Thật”, nhưng không là sự thật ta nắm bắt. “Chúa là Tình Thương”, nhưng không là “thương tình” ta kinh nghiệm. Từng trải. Vả lại, ta nào có thể từng trải kinh nghiệm Thương Yêu giữa Ba Ngôi. Cũng chẳng rõ biết sự trong sáng Chúa vượt quá đầu óc hạn hẹp, của con người.

Bài đọc 1, sách Thứ Luật viết: ta biết Chúa, không bằng óc não, nhưng bằng kinh nghiệm riêng tư ta có về hoạt động của Chúa nơi sự sống. Đó, là điều Môsê từng khẳng định: “Có dân nào được nghe tiếng Chúa phán từ đám lửa như anh em đã nghe biết, mà vẫn sống? Có thần nào lại ra công chọn lấy cho mình một dân tộc từ dân tộc khác. Dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn khiếp đảm, như Đức Chúa?´(ĐNL 4: 334)

Qua mặc khải, ta được biết: trong Chúa, có Ba Ngôi vị: Cha, Con và Thánh Linh. Mỗi Ngôi vị san sẻ trọn vẹn bản thể Đức Chúa. Là, chính Thiên Chúa. Mặc khải rằng, mỗi Ngôi vị đều khác biệt. Khác, do quan hệ giữa các Ngài: giữa Cha và Con, giữa Con với Cha. Và, tình Thương Cha-Con, ngay tự bản chất, là Ngôi Thứ ba, Chúa Thánh Thần.

Xác tín ấy, ta chẳng làm được gì để nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của Tương quan giữa các Ngôi Vị của Thiên Chúa. Nhưng, tương quan giữa Chúa nói lên một điều, là: khi đã tin, ta sẽ không còn ý định chỉ tìm giải thích những điều không thể lý giải. Nói cách khác, chẳng thể minh xác công thức “3=1”, được. Cũng không thể bảo: mỗi Ngôi vị là 3 Ngôi vị, nhưng chỉ nói: một Thiên Chúa có 3 Ngôi vị. Rõ ràng, khác biệt giữa từ ngữ “Chúa” và “Ngôi vị”, là ý thế.

Rõ ràng là, ý niệm như thế vượt quá kinh nghiệm của mọi người. Vượt, óc tưởng tượng của nhân gian. Thế tục. Vượt như thế, tự khắc giải quyết được huyền nhiệm. Thế giới của ta, có nhiều sự việc vượt quá sức hiểu biết trọn vẹn. Vượt, toàn bộ não trạng tưởng tượng, đang nhen nhúm. Đầu thái cực này, là sự bao la vĩ đại, của vũ trụ. Đầu bên kia, là yếu tố cực vi, như: điện tử, nguyên tử, rất nơ-trôn.

Trên thực tế, cụm từ “Ngôi vị”, xuất xứ từ tiếng La-tinh “Persona, không chỉ có nghĩa “người” phàm, mà còn có vai trò người nghệ sĩ thủ diễn, trong kịch nghệ. Kịch nghệ cổ La Mã, có thói quen để cho các nhân vật khi diễn xuất được phép đeo mặt nạ (gọi là persona), nhằm nói lên vai trò mình thủ giữ. Cũng tựa như kịch nghệ Hồ Quảng/hát bộ bên Trung Quốc, có tục vẽ mặt cho diễn viên để biết nhân vật ấy là ai.

Tầm nguyên cụm từ Persona bên tiếng La-tinh, ta thấy giới tự “per” tức “ngang qua”, sona” xuất từ chữ “sonum” nghĩa là “âm thanh”. Tức, persona (Ngôi vị) là người mà qua đó, diễn viên nói cho biết tính chất của nhân vật. Với kịch nghệ Hy Lạp, tức nguồn gốc mà phần đông người La Mã đã rút tỉa kinh nghiệm dựng xây nền kịch nghệ của mình, thì “persona” (ngôi vị) hoặc “mặt nạ” được gọi là “prosopon” theo nghĩa của cụm từ, là thứ gì hiện diện ở trước mặt.

Suy tư về Ba Ngôi Thiên Chúa, cụm từ “Ngôi vị” liên kết với Chúa, được coi như có liên quan đến truyền thống cổ xưa. Nơi Chúa, có 3 vai trò rõ nét: vai trò của Cha, Con và Thánh Thần. Có thể nói, ta không đủ khả năng để đi sâu vào thực tại sâu thẳm của các vai trò này, là bởi không thể tự giúp mình hiểu được điều đó, khi tìm hiểu tại sao mà mỗi Ngôi vị lại có thể thực hiện vai trò của các Ngài được như thế.

Cha, là Đấng Tạo Hoá, Đấng Bảo Tồn, Nguồn Cội sự sống, của muôn loài. Ngài là Đầu Hết và Cuối Hết, của mọi sự.

Con, là Ngôi Lời, nhờ Ngài và qua Ngài, Bản Chất Thiên Chúa được thông truyền cho ta. Con đã Nhập thể làm người. Tức, Ngài chấp nhận toàn bộ bản chất con người. Và, Ngài sống rất sinh động trong ta. Với ta. Ngài là Lời của Thiên Chúa, Đấng tự thông truyền. Ngài giúp ta hiểu rõ, bằng Lời và bằng các hoạt động của Ngài. Nhất thứ, là bằng toàn bộ phương cách sống động cũng như Bản vị của Ngài. Nhờ vào đó, ta hiểu được Thiên Chúa, đậm nét hơn.

Dù thế, ta vẫn chỉ thấy Chúa “trong làn gương mờ của mây mù”; bởi, tính Người của Đức Giêsu giới hạn khả năng thực tế rất trọn vẹn mà Chúa mở ra, cho ta biết. Tình thương của Đức Giêsu tạo cho trí óc của loài người chúng ta chỉ đạt được giới hạn của hiểu biết. Nhưng, tất cả vẫn là bóng hình mờ nhạt của Tình Thương, có trong Ba ngôi Đức Chúa, thôi.

Thánh Thần, là sự hiện diện của Thiên Chúa trong toàn bộ thế giới. Và, trong Hội thánh Chúa. Nhờ Thánh Thần, mà Hội thánh Chúa được dẫn đi và đưa dắt vào toàn bộ sự thật. Thánh Thần, như ta biết, là linh hồn của Hội thánh. Nhờ Thánh Thần, Hội thánh mới thật sự mặc lấy hình hài của Đức Kitô.

Trình thuật Chúa Về Trời, hôm trước Chúa nói rõ việc uỷ thác Ngài nhận từ Chúa Cha. Đặc biệt hơn cả, Ngài ra lệnh cho con dân Hội thánh hãy mời gọi toàn muôn dân nước trở về làm đồ đệ của Ngài, bằng cử chỉ:“Hãy làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.’ (Mt 28: 19). Trọn vẹn ý nghĩa của thanh tẩy, đi xa hơn nghi thức ta vẫn tưởng, là: dẫn đưa ta vào với Vương Quốc của Đức Chúa, cách trọn vẹn.

2000 năm qua, vẫn như thế. Việc ủy thác được ban ra với mọi thành viên của Hội thánh để mọi người được tháp nhập vào cùng một cộng đoàn bằng việc thanh tẩy, trong nước. Khi thanh tẩy, lời cam kết về Chúa Ba Ngôi vẫn cho họ biết, về nhiệm mầu này. Với tân tòng, Cha đã trở thành Nguồn gốc và Cứu cánh của sự sống. Con, trong Đức Kitô, đã trở nên mẫu mực; và ngang qua Ngài, mục tiêu ấy đã đạt. Và, Thánh Thần đã trở thành nguồn mạch năng động, mà ngang qua Ngài, ta đến được với Cha, ngang qua Con, là Đức Chúa của ta.

Trong hiệp thông với Ba ngôi Đức Chúa, ta hân hoan hát lời cảm nhận, mà rằng:

“Này người yêu anh ơi!

Cho nhau nồng ấm cuộc đời

Hoa thơm có ánh mặt trời

Ôi núi mừng vì mây đến rồi..” (Nguyễn Đức Quang – Bên Kia Sông)

Núi mừng vì mây, nay đến rồi. Ta cũng mừng, vì nay mọi người đã tin. Tin, có Chúa Ba Ngôi. Tin, vào Tình Yêu Chúa. Tình nồng ấm, cuộc đời. Tin rằng, từ nay, không còn “nghe nỗi sầu tinh tú”, nhưng nguyện cầu. Nguyện cầu tin Chúa Ba Ngôi ở lại mãi với mỗi người. Mọi người. Ở khắp nơi. Trên đời.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai tá diễn dịch.

Sunday 24 May 2009

“Mà sóng lòng dồn dập như mây trôi”

sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ

dâng cao lên, cao tột tới trên trời.”

(thơ Hàn Mặc Tử)

Ga 20: 19-23

Sóng lòng nhà thơ, dâng cao lên, cao tột tới trên trời. Tâm can nhà Đạo, dồn dập như mây trời đầy Thần Khí, cứ tuôn ra. Thần Khí Chúa, luôn tuôn trào đổ xuống nơi tâm tư nhà Đạo, như trình thuật hôm nay, quyết mô tả.

Trình thuật hôm nay, thánh Gio-an lại diễn tả mầu nhiệm rất thánh, Chúa cứu độ. Nơi nhiệm mầu cứu độ, Chúa báo trước việc Ngài gửi Thần Khí đến với dân con nhà Đạo, rất thân thương. Thần Khí đến, là thực tại sóng lòng dồn dập, suốt tâm can. Nơi mây trời, người nhà Đạo.

Trình thuật thánh Gio-an hôm nay, cũng được trích dẫn vào ngày Chúa Sống Lại. Vào khi ấy, Chúa báo hiệu Ngài gửi Thần Khí đến với môn đệ, và uỷ thác cho các thánh, sứ vụ giảng rao Tin Mừng, niềm vui đến. Hai trình thuật, diễn tả hai tình huống khác nhau. Nhưng, cùng một thực tại sống động. Với thực tại này, thời gian và không gian không là chuyện quan trọng.

Quan trọng là: hôm ấy, môn đệ Chúa rất hãi sợ chuyện liên lụy. Sợ, bị nhốt giam hoặc hành hình, như Thầy mình. Nên, đã “cửa đóng then cài”, rất cẩn trọng. Bất chợt, Thầy hiện đến ở với các ngài. Thầy chào đồ đệ bằng câu lời chào thông thường, rất “Shalom”. Ở đây nữa, lời chào thông thường ấy, đã mang ý nghĩa của một lời chúc hoà bình: “bình an thật ở cùng anh em”.

Chào bình an, lời chúc gửi đến với đồ đệ/người thân, luôn mang theo một sứ điệp quan trọng. Thật rõ ràng. Rõ ràng, ở điểm: nơi đâu có Chúa hiện diện, nơi đó luôn có bình an đích thực. Sinh động. Rất vui sống.

Và khi có được bình an vui sống Chúa trao ban, thì kế tiếp Chúa đính kèm một sứ vụ: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” “Thầy sai đi”, là lời nhắn nhủ: anh em cứ đi đi mà truyền cho nhau cây “gậy” tiếp sức. Nghĩa là, ta hãy trao cho nhau công tác Chúa uỷ nhiệm, để rồi “Nước Chúa ở gian trần”, sẽ mau chóng được thiết lập, thôi.

“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông”, tiếng Hy Lạp cụm từ “thổi hơi” “Thần khí” mang cùng ý nghĩa tương tự. Thổi hơi, để nhớ lại động tác Thiên Chúa từng làm, khi Người “thổi” Thần khí sống động vào bụi đất và đưa người đầu tiên trong trần gian đi vào hiện hữu. Đích thực. Ở đây nữa, động tác này mang tính cách một loại hình đầy sáng tạo. Tựa như, ta cùng với Chúa đồng công-sáng tạo “con người mới”, tức ý nghĩa mà thánh Phao-lô đề cập đến trong thư gửi các cộng đoàn: “Người tràn đầy Thần Khí Chúa, và được sai phái tiếp tục công việc Ngài vẫn làm.”

Làm theo phương cách nào? Và đây, là giải đáp Chúa đưa ra:“Anh em tha lỗi cho ai, người ấy sẽ được tha. Anh em cầm buộc ai, người ấy sẽ bị cầm buộc.”(Ga 20: 23). Nói thế, có nghĩa là: công việc của chúng ta nay là tác động của việc hoà giải. Hoà giải, giữa Thiên Chúa với con người. Hoà giải, giữa mọi người với nhau. Hoà giải, để: những anh em lâu nay lầm lỡ, sẽ trở thành con cùng một Cha. Hoà giải, để ta có thể chữa lành mọi đớn đau/tật bệnh. Và, để xoá bỏ mọi hờn căm/chia rẽ. Ngõ hầu, dựng xây Nước trời. Ngài gọi mời.

Hội thánh lâu nay dùng đoạn Tin Mừng hôm nay, làm nền tảng cho Bí tích Hoà Giải. Nhưng, ý nghĩa của lời Thầy uỷ thác, còn đi xa hơn. Lời Thầy không chỉ giới hạn trong khuôn khổ một Bí tích, thôi. Nhưng, mang tầm vóc rộng rãi hơn.

Bài đọc 1, cũng đề cập rõ hơn ý nghĩa này. Cũng là ý nghĩa, đã được thánh Luca diễn giải trong sách Công Vụ Tông Đồ, mà nhiều nhà chú giải đã kết nối với cuộc “Xuất hành lớn”, ở Cựu Ước. Tức, gợi nhớ dân con Đạo mình, về với biến cố Chúa giải thoát dân Người, khỏi cảnh làm thân nô lệ, đất Ai Cập.

Ở đây nữa, biến cố nói ở trên còn bao gồm nhiều yếu tố rất súc tích, như:

1. “Cơn gió mạnh” hàm ngụ Thần Khí đến, Tin Mừng thánh Gioan gọi là “Ngài thổi hơi

2. “Thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lửa, tản ra đậu trên từng người một”, Lời Ngài đây qui chiếu về trình thuật “Xuất Hành”, có ý nói đến quyền uy và sức mạnh của Thiên Chúa đang hiện diện. Đọc kỹ tin Mừng, hẳn ta sẽ nhớ đến hình ảnh “Lùm cây bốc lửa”, khi Thiên Chúa chuyện vãn với ông Môsê, và sau đó, trao cho ông sứ vụ về với dân mình. Ở đây cũng nhắc ta gợi nhớ đến “cột lửa về đêm”, luôn tháp tùng/dẫn đưa dân Do Thái qua hành trình trên sa mạc. Nói đến lửa, mọi người thời ấy đều hiểu rằng: không ai bị bỏ rơi, đơn độc.

Kỳ diệu ở đây, là: sự việc diễn tiến nơi trình thuật dẫn đến hiệu quả tuyệt vời, nơi các ngài.

Các thánh hôm đó, tuy vẫn “kín cổng cao tường”, sợ bị bắt. Các ngài cứ tưởng như mình bị “cơn gió mạnh” cuốn hút khỏi phòng họp, biến đi mất. Nhưng ngược lại, các ngài lại được chính “ngọn gió lành” ấy, thôi thúc việc sẻ san kinh nghiệm mình từng trải. Và như thế, là các thánh đã hội ngộ cùng Thần Khí Chúa, qua Thầy mình. Cũng từ đó, mọi đe doạ về những hành hình và bách hại, đã không còn cơ sở để khiến các ngài hãi sợ, nữa.

Bằng vào kinh nghiệm mình đang có, các thánh nay được trao ban quyền lực có đối thoại, và chuyển tải. Kể từ nay, sứ vụ của các ngài được mọi người đều biết đến. Các thánh không còn gặp trở ngại về ngôn ngữ, kiểu Babylon tháp ngà khi xưa. Kinh nghiệm đây, không phải là kinh nghiệm “nói tiếng lạ”, với mọi người. Nhưng, là kinh nghiệm cho thấy: sứ vụ Chúa uỷ thác cho mọi người, là thông điệp rất dễ hiểu. Hiểu rất dễ, vì thông điệp ấy chính là Lời Vàng Ngọc của Đức Kitô, nay đạt phần sâu thẳm nơi tâm can, của mỗi người.

Từ nay, không ai là “dân riêng Chúa chọn”. Nhưng, mọi người đã là con dân Đức Chúa. Bằng nhau. Như nhau. Tất cả đều đã được Chúa kêu mời. Còn lại là chuyện có đáp trả hay không, là tuỳ mỗi người. Và, mọi người. Đáp trả, là đối đáp và ứng phó với lời mời gọi, từ Chúa. Đáp trả, là hành động tự do, không thúc ép. Đáp trả, là để ta ra đi mà dựng xây Nước Trời. Ở trần gian.

Thần Khí Chúa đến với anh em, việc này đem lại kết quả ra sao?

Bài đọc 2, thánh Phaolô đã minh chứng: “Không ai nói được Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí”. Gọi Đức Giêsu là “Chúa”, không có nghĩa: chỉ thốt lên lời ca tụng, rất sốt sắng. Nói được lời như thế, phải có lòng tin đích thực. Tin vào Đấng được gọi là Giêsu Kitô. Tin, còn là chứng tỏ việc ấy có thể xác minh bằng đường lối ta vẫn sống.

Thêm nữa, Thần Khí là cội nguồn của mọi quà tặng rất đặc biệt, tức “đặc sủng”, mà mọi thành viên cộng đoàn dân Chúa, lâu nay vẫn nhận lãnh. Cội nguồn đặc sủng, chỉ là một. Một Thần Khí. Một Đức Chúa. Đấng Hiệp Nhất, con dân Ngài về một mối, tức cộng đoàn.

Nhưng, quà tặng cũng có nhiều loại. Nhiều cách. Cách gì đi nữa, cứ nhớ rằng: quà tặng ban, sẽ không là ân huệ tư riêng, của một ai. Ân huệ tư riêng là khả năng đặc biệt, mà mọi người được phép sử dụng ngõ hầu phục vụ lợi ích của cộng đoàn. Chính vì thế, mọi người chúng ta phải hợp tác. Phải cùng hành động. Cùng sử dụng chung quà tặng Ngài ban, ngõ hầu dựng xây cộng đoàn, cho tốt đẹp.

Nếu đếm, ta vẫn thuộc về số đông. Nhưng, bằng vào hoạt động của Thần Khí, ta đã thực sự trở nên một. Một Thân Mình. Một Đức Kitô. Tuy bao gồm nhiều cơ phận. Nhưng, mọi cơ phận đều hoạt động theo cung cách duy nhất. Và, nhờ Thân Mình Chúa làm Một với ta, mọi người sẽ góp phần tư riêng của mình, cho cuộc sống. Cho hoạt động của cộng đoàn. Đó, là điều mà thánh Phaolô muốn nói: “Là Do Thái, nô lệ hay tự do, ta đều đã chịu phép rửa. Trong cùng một Thần Khí, để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta được tràn đầy một Thần Khí duy nhất.” (1Cr 12: 13)

Thần Khí đây, là đường dẫn đến tự do đích thực. Có giải thoát. Thần Khí đây, không là đường lối của nô lệ. Nhiều cưỡng bức. Rất tham lam. Nghiện ngập. Hãi sợ. Qua Thần Khí, ta có được tương quan mật thiết với Chúa. Tương quan đặc biệt cho phép ta được gọi Ngài: “Cha ơi!”. Dấy tràn một Thần Khí, ta trở nên con cái Chúa, theo ý nghĩa trọn vẹn nhất. Ta lại được trở thành hình ảnh của Thiên Chúa, nữa.

Thần Khí biến cải ta thành người đồng thừa tự với Đức Kitô trong việc “cùng khổ đau với Ngài, để rồi sẽ cùng Ngài và trong Ngài, rất quang vinh”. Khổ đau đây, không giới hạn tự do ta đã có, bởi lẽ với quyết tâm trọn vẹn xả thân cho sự thật. Cho tình thương. Cho tư dọ đích thực. Cho phẩm giá con người, để ta được chuẩn bị mà trả giá cho bất cứ sự đầu hàng nào, nếu thấy cần. Không cậy nhờ Thần Khí, ta chẳng bao giờ thấy được hạnh phúc. Trong cuộc đời.

Trong tinh thần nhận Thần Khí, ta sẻ san niềm phấn khởi với mọi người, bằng câu hát:

“Thánh Thần, khấn xin ngự đến! Hồn con đang mong chờ Ngài.

Mở lòng, sáng soi đường đi, tìm chân lý công bình bác ái.

Ngài ơi, xin Ngài thương đến uốn nắn nẻo đi quanh co, sai lầm

Ngài ơi, xin Ngài hãy đến dẫn đi đường ngay.” (Thành Tâm – Thánh thần hãy đến)

Thần Khí đến. Sóng lòng dồn dập, như mây trôi. Nhiều ân lộc. Thần Khí đến. Ngài dẫn ta ra đi, theo đuờng ngay nẻo chính. Dâng cao. Cao tột, tận trên trời. Lồng lộng. Yêu thương. Rất tình người.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Sunday 17 May 2009

“Sự vinh thăng bất ngờ”

Là đem theo nước mắt.
Là danh dự xót xa.

(thơ Nguyễn tất nhiên)

Mc 16: 15-20

Vinh thăng với nhà thơ, chắc chỉ đem theo những bất ngờ. Đầy nuớc mắt. Thăng thiên với nhà Đạo, là vinh thăng Chúa đoàn tụ, về cùng Cha. Về với Cha, là như các thánh xác nhận ở trình thuật.

Trình thuật thánh Mác-cô, nay ghi lại một mặc khải, về niềm tin. Là, tin có Chúa vinh thăng về với Cha Ngài. Về ở đây, không có nghĩa một nơi chốn, rất không gian. Về với Cha, là về với tương quan Thiên Chúa, nay vẫn thấy. Về với Cha, là về với cảnh huống thần thiêng, Chúa vẫn ngự. Là, đoàn tụ với Thiên Chúa, rất vẹn toàn. Sung mãn. Miên trường.

Diễn tả chuyện này, sách Công vụ viết rõ: “Và, có đám mây quyện lấy Người.” (Cv 1: 9) Đám mây nói ở đây, là biểu tượng ám chỉ Thiên Chúa, vẫn thông thường. Đám mây ở đây, mang ý nghĩa: Chúa Cha đón rước Con Một Người, trở về vị thế Ngài vẫn có, nơi viên miễn. Đây, còn là ý nghĩa của câu nói ghi rõ ở trình thuật: “Nói xong, Chúa Giêsu đuợc đưa về trời.” (Mc 16: 19)

Đức Giêsu sống lại, lâu nay mang 3 ý nghĩa được ghi rõ trong Giao Ước của Đạo mình: trước nhất, là: sau cái chết khổ nhục trên thập tự, Đức Chúa đi vào cuộc sống mới, rất rõ rệt. “Ngài sẽ không bao giờ chết nữa.” Thứ đến, Ngài được chúc tụng và nâng cao, ngõ hầu cùng san sẻ vinh quang với Chúa Cha. Và, việc này dẫn đến kết quả là: Thần Khí của Cha và Con sẽ đổ tràn trên dân con của Ngài. Để như thế, cộng đoàn dân Chúa lãnh nhận trọng trách tiếp tục công trình của Chúa, tức: tiếp tục dựng xây Vương quốc Nước Trời, nơi dương thế.

Sự chết, Phục sinh và sự vinh thăng của Chúa, cộng với sự kiện Thánh Thần Chúa Hiện Xuống, hợp thành một tổng thể, đuợc nhận biết rõ ngay vào lúc Chúa từng trải con đường khổ ải kéo dài đến Núi Sọ. Và, sự kiện tổng thể nhìn theo nhãn quan Tân Ước, đã phản ánh đại lễ của người Do Thái, kéo dài suốt 7 tuần.

Thành ra, với sự kiện Chúa về Trời hôm nay, ta lại nhớ đến cuộc “xiển dương” Chúa sẻ san với Cha Ngài, trong vinh hiển. Đặc biệt hơn, là thời gian 40 ngày được nói đến trong cả hai “quyển” do cùng thánh sử Luca viết, là sách Công vụ và Tin Mừng, vẫn không tách bạch hai sự kiện trên bằng con số 40 ngày.

Các bài đọc, nay cho thấy: Đức Giêsu trao cho đồ đệ Ngài bài sai rao giảng, trước ngày Ngài rời xa các thánh. Khi rời xa, Ngài giới hạn cho dân con Do Thái, thôi. Nhưng, bài sai Ngài trao ban, mang tính phổ cập khắp thế gian, chốn nhân trần. Nhận bài sai từ Thầy, các thánh nay thêm uy lực thực hiện công việc chưa hoàn tất, như đã viết: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.” (Ga 14: 12). Và từ đó, các thánh có khả năng truyền rao Tin Mừng, cho mọi người.

Ngày nay, với phương tiện truyền thông rộng rãi, con dân Đạo Chúa, cùng với Đức Giáo Hoàng còn có thể rao truyền Lời Chúa qua vệ tinh, đến với truyền hình hoặc mọi báo/đài trên khắp thế giới. Và, với nền kỹ thuật tân tiến, biết đâu mai ngày sẽ còn nhiều phương cách giảng rao Nước trời, thuận tiện hơn. Và khi đó, người người trong ta, sẽ không còn nại cớ này khác mà chối từ bài sai rộng rãi ấy.

Bài sai Chúa gửi qua trình thuật, nay có 4 điểm cần lưu tâm:

1. Là con dân Chúa, mọi tín hữu có bổn phận truyền bá thị kiến sống động bao gồm nơi Tân Ước. Cần nhắc lại, đây không là trọng trách của riêng ai. Cho dù là giáo sĩ hoặc tu sinh nam nữ. Nhưng, là trách vụ của tất cả dân con Đạo Chúa, cũng là đồ đệ của Ngài. Trách vụ, Chúa phú ban. Thế giới xưa, chịu ảnh hưỏng nhiều của một Châu Âu gồm toàn những vị có quan niệm hạn hẹp. Những người, chuyên kềm giữ giáo dân bằng long yên nghỉ trong tư thế thụ động, rất phụ thuộc. Thế giới đó, nay không còn nữa, dù Châu Âu có hung hãn, một thời.

2. Hội thánh Chúa có vai trò chữa lành, hết mọi người. Là tín hữu, ta không chỉ quan tâm có “linh hồn” người trong Đạo. Toàn vẹn tư cách của con người, mà ta cần có kinh nghiệm từng trải về hiệu quả ơn cứu độ, cả tinh thần, trí óc, cảm xúc, xác thân, lẫn môi trường. Bản thân Đức Chúa, Ngài từng bỏ giờ ra để chữa lành người tật bệnh. Chữa lành, là chữa cho lành mạnh cả phần hồn, lẫn than xác. Quyết, đưa mọi người về với giao hoà, tránh lỗi phạm. Nghịch chống giao hoà, là lỗi phạm, sẽ tạo ảnh hưởng thấy rõ trên cảm xúc, cũng như thân xác. Thành thử, không phải chỉ đến toà cáo giải, trút gánh tội trần hoặc đến bệnh viện để chữa lành, mỗi thân xác, là đã đủ. Làm thân tín hữu, ta được mời gọi dính dự vào cộng việc chữa lành.

3. Đức Giêsu hứa gửi Thần Khí Chúa xuống ban thêm uy lực cho đồ đệ Ngài. Uy lực đây, không là quyền bính chính trị. Hoặc kinh tế. Cũng chẳng là quyền uy trần thế mang bộ mặt hệ cấp trên dưới chính quyền. Quyền uy đây, sẻ san cho hết mọi người, đến từ thị kiến sáng rực mà cuộc sống cần mặc lấy. Là, uy lực đến từ con tim, có trọng trách mang đến cho mọi người vào thời điểm gặp yếu đuối. Là, hy vọng vào lúc hãi sợ hoặc tuyệt vọng. Là, quyền uy sức mạnh nằm bên trên tất cả, mang đến cho ta ý nghĩa cuộc sống, mọi hoàn cảnh.

4. Cộng đoàn dân Chúa không bao giờ xử thế, cách đơn độc. Bởi, Chúa có hứa: “Thầy sẽ ở lại với anh em, mọi ngày cho đến ngày thế tận.” Ngài vốn là Đấng E-ma-nu-en, tức Chúa ở cùng chúng ta. Ngang qua Thần Khí Chúa, Đức Giêsu tiếp tục hoạt động với/và ngang qua dân con của Ngài. Và vì thế, chúng ta mang trong người niềm tin tưởng sẽ giáp mặt Ngài nơi diện mạo của mỗi người anh em, trong chúng ta. Nói cách khác, ta sẽ nhận diện Chúa nơi mỗi người, riêng lẻ. Như Chúa nói: “Điều gì anh em làm (hoặc chưa từng làm) cho một trong những người anh em hèn mọn nhất, là anh em đã làm (hoặc chưa từng làm) cho Thầy.”

Chẳng thế mà, nơi các người anh người chị ta gặp trên đường đời, tức là ta đã:

-diện kiến giáp mặt với chính Chúa, là bởi sự tử tế đích thực, hoặc tình thương yêu, độ lượng, lòng xót thương, can đảm, hoặc ưu tư giùm giúp mọi người khác…

-nhìn thấy người nào đó, có nhu cầu sờ chạm vào người Chúa, là do bởi sự dữ/ác thần hoặc những hành xử không thích hợp, tính ghen ghét oán giận, bạo lực hoặc yếu kém, tật bệnh, cô đơn tuyệt vọng…

Buổi tiệc thánh lễ Chúa về trời sẽ nhắc nhở cả ta nữa, về sự đổi mới sống lại của riêng ta, khi bản thân Ngài “sẽ vực dậy thân xác dẫy đầy sự chết của ta, và làm cho chúng trở nên giống hệt thân mình vinh quang của Ngài”. Cả vào khi “mọi giọt nước mắt sẽ được chùi sạch..”. Cả vào lúc ta vui mừng diện kiến Chúa, trong tư thế tư riêng, của mỗi người.

Trong hân hoan nhận định như thế, ta sẽ hát lên lời vang nhiều phấn khởi. Hát rằng:

“Nào anh em cùng nhau

Người trước lo người sau

Cùng đi cho quên hết tiếng nghẹn ngào

Ðường gân căng bàn tay

Mắt trong như sao trời

Nơi quê hương là sáng ngời.” (Nguyễn Đức Quang – Về với mẹ cha)

Cùng đi, cho quên hết nghẹn ngào. Cùng về, về quê hương sáng ngời. Ở đó, có vinh thăng, Chúa về trời. Ở đó, có các vì sao sáng anh em đang chờ đón, hết mọi người. Vui tươi. Mừng rỡ.

____________Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.