Saturday 24 September 2011

“Chao ôi! Ghê quá! Chao ghê quá!”

Suy niệm Chúa Nhật thứ 27 thường niên năm A 2.10.2011


“Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 21: 33-43

Hồn tôi ớn lạnh rồi, chẳng phải vì “một vũng cô liêu cũ vạn đời”. Chao ơi ghê quá! Ghê ghê quá!” phải chăng vì thợ vườn nho giết cả con của chủ vườn, thật đáng trách. Đáng chê trách, như dụ ngôn truyện kể ở trình thuật hôm nay.

Trình thuật, nay thánh sử ghi về dụ ngôn vườn nho, có người chủ gửi cả con mình đến với tá điền để hỏi chuyện. Chuyện Nước Trời. Chuyện, Chúa phú ban cho dân con Do Thái mọi ơn lành để sinh lợi. Ngài còn sai phái cả ngôn sứ đến chăm nom vườn nho để không bị ai phá. Nhưng, họ lại giết hại cả Người Con được sai phái, lẫn vườn nho Nước Trời, để rồi phải chịu hậu quả đắng cay là người La Mã đến xâm chiếm. Trên thực tế, vườn nho Nước Trời không bi phá, nhưng lại đã trao cho dân con đi Đạo, nay là tá điền mới.

Trình thuật tả sự thay đổi đến với nho vườn hiền hoà. Rồi từ đó, có so sánh dân con đi Đạo với tá điền Do thái, để xem ai thực hiện điều Ngài uỷ thác? Dân con đi Đạo hay tá điền được chọn, ai là người đáng được khuyến khích? Dân con Nước Trời có khá hơn tá điền Do thái được chọn không? Là tá điền mới, dân con đi Đạo có hứng chịu cùng một cảnh huống như tá điền được chọn không? Mọi việc sẽ ra sao, nếu như công việc Vườn Nho không còn đuợc trao cho tá điền mới là dân con đi Đạo nữa?

Kinh thánh có nhiều đoạn ghi rõ những chuyện như thế. Những chuyện kể, để người đọc nhận ra rằng dân con đi Đạo ở Palestine cũng là người thuộc sắc tộc Do thái, đã hồi hướng trở về để lo việc Chúa. Họ là những tá điền vườn nho Do thái từng chỉ trích người cận thân và cận lân ở cộng đoàn, bằng ngôn từ khá nặng, cốt để diễn tả tình huống gay go ấy.

Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm là: chúng ta nhờ biết được cung cách rất khác biệt về nguồn gốc người Do thái ở “vườn nho”, nên ta có được lập trường thật đúng cách khi quan hệ với nguời Do thái trong/ngoài nước. Trong quan hệ với họ, ta luôn có trong đầu hai loại người Do thái rất khác biệt. Cả hai đều tốt lành. Tốt, cả về mặt thiêng liêng tinh thần cũng như thực tế. Và, ta còn nhận ra được rằng: quà tặng Chúa ban, ta nhận được là ngang qua người Do thái được Chúa chọn để chuyển trao. Và, khi ta cảm kích biết ơn Chúa, ta cũng cảm tạ cả người Do thái về vai trò chuyển tải này nữa.

So sánh thái độ của dân con đi Đạo với đám tá điền Do thái, là để nói về người Do thái xưa sống ở thời mà mọi thứ từ tôn giáo đến chính trị, xã hội đều đan kết nhau thành đặc trưng đặc sủng, rất Do thái. Có so sánh, mới thấy là thế giới của người xưa đi Đạo vẫn ôm đồm nhiều thứ như cung cách của xã hội ngàn năm văn hiến. Và so sánh, để thấy rằng: tôn giáo của người xưa không mang tính chất đa nguyên/đa dạng hoặc dân chủ phóng/khoáng như một số tôn giáo khác.

Tuy nhiên, cung cách giữ đạo của người xưa dính dấp nhiều vào xã hội đều mang lại khó khăn cho riêng mình. Loại hình ấy, là loại hình trọng nam khinh nữ. Loại hình chủ trương thứ luật lệ cứng ngắc, khắc nghiệt. Cả những chuyện như tiền bạc, tài chánh, chính trị, nhất nhất đều không coi trọng thể chế nào khác ngoài Israel ra.

Bởi thế nên, khi Đạo Chúa lan rộng qua khắp mọi miền đất nước ở trời Âu để rồi bén rễ sâu ở phương Tây lâu ngày, lại trở thành tôn giáo rất khác biệt. Khác, ở chỗ: người thời đó vẫn so sánh Đạo Chúa với đạo của người Do thái như soi tấm gương hai mặt của cùng một thực trạng con người. Đạo Chúa ở trời Tây khi ấy, đã trở thành thứ tôn giáo đi sâu vào lòng dân tộc, ở nhiều nước. Đi sâu và lan rộng, bằng nền tảng chính trị, kinh tế cũng như luật lệ, rất riêng biệt. Đạo Chúa ở nơi đó, không còn là thể chế bao gồm nhiều thứ, nhưng vẫn tạo được ảnh hưởng rất mạnh lên thế giới xung quanh mình. Thế giới, mang đến cho Đạo những ân huệ khả dĩ gây tác dụng ngược lên Đạo. Nói cách khác, Đạo Chúa không còn là đạo của người Do thái khi xưa và chẳng còn ôm đồm nhiều thứ, như trước nữa.

Điều lạ kỳ, là: người Do thái nay lại muốn có lại những lợi lộc rút từ thế giới trần tục, ở trời Tây. Họ không còn suy nghĩ như người Tây phương khi trước hoặc nghĩ mình buộc phải thích nghi với cung cách giữ Đạo mà người đi Đạo ở trời Tây, vẫn hay làm. Nghĩa là, họ chẳng khi nào cho mình là phó thường dân đi Đạo (như những người Công giáo hay Thệ phản thường làm thế). Hoặc, cho rằng mình chỉ là giáo dân hạng thứ, dù vẫn ở trong Đạo. Vẫn giữ Đạo. Họ nghĩ mình vẫn là người Do thái đích thật. Và Chúa vẫn thương yêu họ, như mọi người.

Nhìn vào Hội thánh 50 năm về trước, người giữ Đạo ở trời Tây cũng sống cùng kiểu như người Do thái. Cũng tin vào Đức Chúa. Cũng đi nhà thờ nhà thánh và lãnh đủ mọi bí tích. Nhưng, lại xây dựng một thế giới theo hình thức đạo giáo, kiểu Tây. Tựa như các làng mạc miền quê nước Úc, hoặc vài thị trấn ở Hoa Kỳ, cuộc sống Đạo/đời là thế. Cũng có nhà thờ riêng. Nhà thờ, là trung tâm tạo cuộc sống hăng say, năng nổ cho mọi người. Cũng có trường Đạo. Có hội từ thiện. Có người mở tiệm vẫn rập theo cung cách người có Đạo, rất lương thiện. Có nơi, còn thiết lập cả nhà thương để thương người bệnh. Có đời sống kinh kệ, đạo hạnh. Có câu lạc bộ thể thao, giải trí theo cách con nhà có Đạo, nữa. Tức, sống như người Công giáo vẫn sống. Sống giữa đời có cuộc sống tuy hai mà một.

Ngày hôm nay, cuộc sống của người đi Đạo không còn thế nữa. Người người được giáo dục theo khuôn khổ thế giới rộng lớn. Người người được đào tạo để có cuộc sống doanh thương chức nghiệp rộng lớn đến độ Hội thánh không còn chen chân ở đó nữa. Người Công giáo trở thành nhà giáo, chuyên gia hoặc doanh thương với ngành nghề khác nhau. Hội thánh chỉ có vai trò hướng dẫn để sống Đạo chứ không là người thiết lập ra thể chế. Và, người sống ở đây đã có lý lịch riêng của thế giới này, trước khi là thành viên của Hội thánh.

Có người quan niệm: hai lối sống ấy đều đáng quan ngại. Bởi, do chạy theo lối sống giống như thế Hội thánh đã để mất căn tính riêng của mình. Bởi thế nên, nhiều người mới có tinh thần nệ cổ, là vì muốn trở về với thời xưa, khá cổ lỗ. Muốn trở lại thời có đủ mọi thứ. Thời, mà thế giới nay gặp khủng hoảng nặng nề về luân lý, chuyên chú vào văn hoá của sự chết. Và thế giới nay chẳng giúp giải quyết được sự phân cách giàu/nghèo. Theo quan niệm của họ, thế giới hôm nay không còn chất xúc tác khích lệ nền luân lý đích thực được nữa. Và, Hội thánh ở trời Tây nay cũng thế. Hội thánh cứ phải nhượng bộ và xuống cấp. Hội thánh, không còn là “tôn giáo” đích thực, nhưng chỉ còn mang nhãn hiệu đẹp có được từ cuộc sống hiện đại, thôi.

Trong khi đó, phần đông người Công giáo lại nghĩ khác. Theo họ, lối sống Đạo của người ở trời Tây chẳng có gì khiến ta xấu hổ, nhưng vẫn là một thách đố, cho mọi người. Thách và đố, ta tìm ra Thiên Chúa ở xã hội mình sống. Thách và đố mình học hỏi làm người của Chúa ở thế giới tục phàm này.

Điều đáng buồn, là: nhiều năm qua, phương Tây từng phát triển/nở rộ rất nhiều thứ. Và, Hội thánh mình đã tìm ra được chỗ đứng trong đó. Trong khi người Do thái lại không làm được điều gì tốt lành theo nghĩa đùm bọc về văn hoá, chính trị, kỹ nghệ và quân sự. Họ ra như chỉ thuộc hàng thứ yếu trong một thế giới quá lớn rộng. Ngày nay, người Công giáo lại vẫn nghĩ Đạo của mình tốt lành hơn đạo của người Do thái. Thật ra, thì Đạo Chúa ở trời Tây đang trên đà suy sụp. Trong khi đó, người Do thái lại tìm đuợc đất lành năm xưa. Tìm được tâm hồn mình. Và họ đang minh chứng cho thế giới thấy được chuyện này.

Chuyện này, áp dụng cả cho người Hồi giáo lẫn người Do thái, ở các nơi. Người Hồi giáo tuy cũng có nguồn gốc từ thế giới cổ xưa vốn thừa hưởng giáo huấn của vị “ngôn sứ” lấy kinh Koran làm kim chỉ nam dẫn đường. Có luật Sha’aria hướng dẫn để sống đúng tinh thần của Kinh Sách. Họ là người tự coi mình như một kết hợp giữa xã hội và tôn giáo.

Buốn một chuyện, là: người Đạo Chúa và đạo Hồi vẫn chơi trò tranh chấp khích bác nhau. Cả hai lại không chấp nhận rằng mình khác nhau; và chẳng nhận chân ra rằng chính Chúa đã làm cho ta ra khác biệt. Khác biệt, theo hướng tích cực khiến ta nhớ lại chuyện kể về một bé em Do thái dám hỏi vị thượng tế câu động trời rằng:“Làm sao các ngài chứng minh được con người là hình ảnh của Thiên Chúa nếu như mọi người có khác biệt?” Vị thượng tế nghe hỏi bèn trả lời rất khôn khéo: “Sở dĩ ta là hình ảnh của Thiên Chúa là vì ta có khác biệt, đấy bé ạ!”

Vế với dụ ngôn hôm nay, mọi người đều thấy: Thiên Chúa là chủ vườn nho rộng lớn. Và, Ngài vẫn muốn có hoa trái vườn nho tạo ra. Và Ngài còn muốn cả rượu ngon từ hoa quả chín mộng ấy nữa. Rượu ngon Ngài uống, là do thợ vườn khác biệt làm ra. Khác, cả tính tình lẫn cách trồng trọt và biến hoa trái thành rượu, từ những khác biệt đó.

Trong tâm tình nhận ra ý Chúa tìm rượu ngon từ khác biệt, cũng nên ngâm câu thơ còn để dở:

“Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng,

Một vũng cô liêu, cũ vạn đời!”

(Hàn Mặc Tử - Cô Liêu)

Bởi cô liêu, nên mới không nhận ra khác biệt. Bởi khác biệt, nên đôi lúc cũng tạo cô liêu. Đời sẽ thế, nếu người người cứ như thế. Như thợ vườn nho ở dụ ngôn xưa và hôm rày ta vẫn thấy. Dài dài.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh - Mai Tá lược dịch.

Saturday 17 September 2011

“Ở cũng bâng khuâng, đi chẳng đành,”

Suy niệm Chúa Nhật thứ 26 thường niên năm A 25.09.2011

“Ở cũng bâng khuâng, đi chẳng đành,”

“đêm trời, sao cũ sáng long lanh.”

(dẫn từ thơ Đinh HÙng)

Mt 21: 28-32

Bâng khuâng đi chẳng đành, nên người đời có ra đi nhưng miệng mồm nào đã nói. Đêm trời sáng long lanh, nên đời người dù có hứa, nhưng chân mình rày chẳng buớc. Chẳng bước đi, dù miệng mình vẫn cứ nói. Nói và làm, trình thuật thánh sử viết hôm nay.

Trình thuật thánh Mát-thêu nay kể về dụ ngôn hai người con có những lời lẽ và lập trường thực hiện rất khác biệt. Cả hai hành xử kiểu đối nghịch. Người con đầu nói mình sẽ không làm điều cha muốn, nhưng cuối cùng vẫn thực hiện. Còn người kia, tuy nói làm nhưng lại không thực hiện lời mình nói. Tức, một người những nói và nói, nhưng không làm. Còn người kia, vẫn làm mà không cần nói. Dụ ngôn đây cho thấy: chính hành động nói nhiều hơn lời nói, ngoài cửa miệng.

Thời của Chúa, dụ ngôn được dùng như huấn dụ để khen ngợi những người hành động thiết thực hơn là nói. Bằng dụ ngôn này, Chúa bênh vực đám người bị khích bác, chê bai như đám đĩ điếm, dân thu thuế bệ rạc hơn giới thượng lưu, Pharisêu, ký lục chỉ nói và nói chứ chẳng làm gì để đổi thay con người mình. Thời của thánh Mát-thêu sau đó, dụ ngôn còn được dùng để đề cao người ngoại đạo hơn một số người Do thái cứ tự hào mình chuyên chăm đạo hạnh. Thế kỷ 20 lại dùng dụ ngôn hôm nay nhằm nâng đỡ đám người nghiện ngập dám làm sửa đổi chính mình hơn những người chỉ những nói và nói, khiến người khác bị khùng điên.

Áp dụng vào nhà Đạo, thấy dân con Đạo mình nhiều lúc có cả hai. Tức, nhiều khi ta những nói và nói, mà không làm. Có những lúc, ta vẫn làm mà chẳng nói, lấy một lời. Điều này làm ta nhớ về nhân vật trong phim dài nhiều tập có đầu đề “Cha Phó Xứ Đạo Dibley” luôn bắt đầu câu nói của ngài bằng những tiếng “Không! không! và không!” để rồi sau đó kết thúc bằng chữ “Có”. Có làm thực. Có hợp tác. Và đôi lúc nghĩ lại thấy mình từng nói “Có! có! Nhất định sẽ làm”, nhưng cuối cùng vẫn thành: Không! Không làm. Và cũng chẳng làm điều mình từng nói từng hứa, giống nhiều người trong ta.

Đi vào thực tế, giống truyện kể về cuối buổi lễ, các vị chủ tế có thói quen đứng ở cuối nhà thờ nói năng chào hỏi hết mọi người. Có lần, vị linh mục hỏi một giáo dân: tuần sau có đi lễ không đó? Rất nhiều người cứ trơn tru trả lời: “Dạ thưa cha, có chứ!” Thưa thì thưa “có”, nhưng các tuần sau đó lại khó mà thấy mặt vì nhiều lý do. Chính đó, là hiện trạng của người đi Đạo ở trời Tây, hôm nay. Hôm nay đây, có thể cũng có người lúc đầu tình thật không dám nói, nhưng sau đó suy đi nghĩ lại, vẫn cứ đến. Có người coi đây là chuyện linh mục không nên hỏi, vì ai nào dám thưa.

Nghiên cứu khảo sát hôm nay nhiều khi cho thấy: thế hệ trẻ hôm nay, và cả người cao niên cũng thế, lại cứ tính chuyện lời lãi mỗi khi được hỏi, ở nhà thờ hay ngoài ngõ, về bất cứ chuyện gì cần lấy ý kiến. Nói chung, nhiều người chỉ muốn dính dự vào các cuộc khảo sát với phỏng vấn khi biết mình chắc chắn có được lợi lộc, nếu trả lời. Tức là, họ chỉ muốn làm người dưng, trên trời rơi xuống. Chẳng muốn dính vào chuyện gì, dù thuộc vấn đề trong Đạo. Quần chúng hôm nay ra như lạc lõng ở đâu đó. Chẳng muốn ai ngó ngàng hỏi han mình điều gì, dù là ý kiến riêng tư. Kín đáo. Hoặc ép buộc. Khi xưa, ở phương Tây, các linh mục còn có thói quen đến từng nhà thăm viếng, hỏi han về cuộc sống của mỗi người. Ngày nay, làm thế tức vi phạm đời tư, rất nguy hiểm và dễ bị ra toà.

Nhiều năm về trước, mỗi khi có đề tài cần hỏi han góp ý hay tranh luận ở giáo xứ, còn có người chủ trương phóng khoáng. Bảo thủ. Hoặc trung lập. Ngày hôm nay, lại đã thấy những người như thế đi đâu mất. Hoặc, họ còn đó nhưng chẳng thiết tha gì chuyện bàn luận hay tranh đấu cho sự sống còn của Hội thánh. Nói chung, người đạo hạnh hôm nay không còn muốn dính dự vào chuyện chung của Hội thánh. Nhiều vị vẫn lành thánh, chuyên chăm chuyện lễ lạy, đạo hạnh. Nhưng kh6ng còn thiết tha chuyện tham gia nhóm hội đoàn thể có sinh hoạt tập thể, năng nổ tích cực. Mà chỉ muốn rút vào vỏ sò, sống riêng rẽ, cho khoẻ.

Nhiều người nhận ra rằng: thế giới nhà đạo họ đang sống nay khác trước rất nhiều. Khác nhiều thế giới của người phàm thực tế luôn trong sáng. Đầy dẫy thông tin. Đủ mọi chọn lựa. Nên, họ vẫn hết mình với mọi người. Nơi sở làm, nguời người đều hăng say trách nhiệm. Vẫn cứ làm, vì chuyện chung. Nhưng trong Hội thánh, nhiều người đã bắt đầu ít nói. Không cà kê như trước. Dù, chuyện hội đoàn. Thế nên, khi hỏi: “Anh/chị tính sao? Có định tham dự chầu Thánh Thể thứ sáu này chứ?” Câu trả lời thường là: “Không dám đâu! Tụi này bận lắm. Chẳng kiếm đâu ra giờ, để đi chầu!” Nếu hỏi: “Anh/chị tính sao? Có định tham gia biểu tình phản đối đôi ba chuyện chính phủ làm không?” Câu trả lời, chắc cũng thế. Giống như người hành tinh vừa chợt ghé bến. Không chuyện trò, cũng không trao đổi. Chẳng bước đi về nhiều phía.

Dụ ngôn hôm nay, câu Chúa hỏi cũng tựa như thế: “Các ông nghĩ sao?” Hỏi như thế, không có nghĩa Chúa yêu cầu ta bắt chước những người chỉ biết nói chứ không làm, hoặc chỉ làm chứ không nói. Chúa không có ý khen ngợi hai lớp người nói ở trên. Ngài cũng chẳng giải thích sao Ngài lại không làm thế. Hoặc, vẫn làm như thế. Ngài chẳng nói hoặc có nói, bất cứ thứ gì. Ngài cũng không đi vào chi tiết để cho biết tại sao Ngài có lập trường như vậy. Dù, lập trường đó có là bê trễ, biếng nhác. Dù, đó có là kế hoạch, hoặc cảnh tình nào đó khó đoán. Dù, đó là chuyện đáng quên đi. Hoặc, chẳng lý gì về công kia việc nọ, cần công chúng tôn trọng. Điều Ngài hỏi chỉ là: “Các ông nghĩ sao?”

Liên tưởng chuyện này, có thể ta sẽ nghĩ mình đang đi vào loại hình nào đó của Hội thánh, vào thời buổi rất khác trong lịch sử. Một Hội thánh từng đòi rất ít ở dân con trong Đạo. Đòi và hỏi, về thời gian và thiện chí. Một Hội thánh không đòi những gì là ngoại lệ, nơi con người. Một thánh hội từng học hỏi cung cách biết tôn kính hết mọi người. Tôn và kính, chuyện riêng tư của dân con nhà Đạo. Học hỏi và trân trọng, việc phục vụ họ hơn việc sắp xếp để họ phục vụ Hội thánh, mà thôi.

Phục vụ dân con, còn có nghĩa: không dùng bạo động để dính dự cuộc sống đích thực của dân con. Phục vụ dân con, còn có nghĩa: tôn trọng phẩm cách tư riêng của mỗi người. Chính đó là nền tảng của việc yêu thương lẫn nhau. Nền và tảng, của việc trở nên cộng đoàn dân con sống thân thương như thế. Nền và tảng, để dân con sống, với lập trường hăng say đi đến mà nhận lãnh Thánh Thể Tình Yêu đích thật, ngày Chúa Nhật. Đó là những người con đang sống rất khác biệt. Sống rất đẹp, ở thế giới cuộc đời, cũng rất thực. Một đời người, luôn tham gia giùm giúp rất đắc lực.

Bởi thế nên, lời Chúa ở dụ ngôn hôm nay với câu hỏi: “Các ông nghĩ sao?” sẽ là lời nhắc nhở về động thái ta phải có trong đời, với người đời. Dù, người đó có là bạn đạo hay bạn đời, cũng như thế.

Trong cảm nhận tình Ngài thương ta qua câu hỏi ấy, cũng nên ngâm lại lời thơ trên, để còn nhớ:

“Tôi cũng chưa đi hết dặm đường,

Đời dài, mới đến nửa sầu thương.

Một đêm trở bước cho lòng nghĩ,

Sao biếc rơi tàn mộng phấn hương.”

(Đinh Hùng – Đêm Khuya Trờ Bước)

Trở bước hay cất bước, để rồi đi. Đi rồi, sẽ nhớ lời Thầy dặn. Dù đời mình ra sao đi nữa, vẫn cứ bước. Cứ ra đi rao truyền lời Thầy vẫn hỏi và vẫn răn dạy. Để rồi, mọi người tin vào Thầy. Ở đây. Bây giờ.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch.

Friday 9 September 2011

Cùng rủ nhau về góp một thành hai


Suy niệm Chúa Nhật thứ 25 thường niên năm A 18.09.2011

“Cùng rủ nhau về góp một thành hai,”
“Những bưóc chân người góp đi làm đến.”
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Mt 20: 1-6
            Rủ nhau về góp sức, góp cả “những bước chân người đến” để cùng làm, là tình huống vẫn thấy có, ở đời thường. Tuy cùng làm, nhưng mỗi người lại hưởng lương tiền khác biệt, đó mới là tình huống bất ưng của công nhân thợ thuyền được thánh sử kể lại ở trình thuật, rất hôm nay.
Trình thuật nay kể, là kể về dụ ngôn có tình tiết/lớp lang rất đời thường, ở mọi thời. Một thời, có đám công nhân càm ràm về công bằng với công lý mà người chủ thực hiện. Người chủ ở đây, quyết hiện thực đường lối chi trả rất khác lạ của riêng ông. Vào cuối ngày, ông gọi những người đến làm việc vào giờ chót và cho họ trọn lương hướng của nguyên ngày. Đám thợ này, không phản đối đã đành và mừng khen chủ mình nhân hiền, rộng lượng. Họ lẳng lặng chấp nhận. Còn, đám thợ làm nguyên ngày cũng chỉ nhận bấy nhiêu thôi. Bởi thế nên, đó mới là duyên do ta nghe có tiếng phản đối đường lối xử sự khá bất công của người chủ.
Cứ tưởng tượng tình huống trong đó có người đứng suốt ngày ở đầu đường để tìm việc. Hoặc, những người cứ lân la nơi phòng tuyển dụng hoặc cơ sở từ thiện hòng được giúp đỡ, nên nếu có ai gọi tên mình vào giờ phút chót, cũng rất cám ơn. Thế nên, mấy người này thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết. Bàn cãi chi cho nhiều, ai cũng thấy là những người lâu nay để mất đi niềm hy vọng, nay được  gọi đến cho việc làm, lại được trả lương hậu hĩnh, thì quả là không hạnh phúc nào lớn hơn thế.
Hãy liên tưởng đến trường hợp khác, trong đó có người thợ suốt ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt, sẵn sàng chấp nhận đồng lương ít ỏi để sống qua ngày. Và người đó còn phải lo cho gia đình nheo nhóc đang trông chờ mình về. Thợ như thế, hay tính toán giờ giấc, giá cả cũng như loại hình lao tác mình có thể làm. Họ suy tính công việc có thể thương lượng được với chủ, để tiền mang về đủ nuôi sống nhiều miệng ăn. Họ làm việc có hợp đồng, luật lệ công minh như thường thấy ở nhiều nơi.
Nay, hãy liên tưởng đến người kiếm đồng lương có giao kèo/thoả thuận hẳn hòi, nhưng không tính đến khoản phụ trội, tưởng thưởng hoặc phụ thu hầu thêm mắm muối cho bữa cơm hằng ngày. Nhưng, những người này vẫn trông chờ những quà tặng không tên phụ vào ngân sách gia đình như: đồng lương tăng vì vật giá, lạm phát. Tiền mất giá. Không có các khoản này, người thợ sẽ không mấy hài lòng, dù tiền thưởng không hẳn là quà ngẫu nhiên, do người chủ rộng tay độ lượng.
Cũng nên liên tưởng đến giới thợ nào thấy mình chẳng bao giờ được hưởng những thứ đó, nên vẫn lảng vảng quanh phòng tuyển dụng, hoặc chốn nhà thờ. Những người này, sẽ hiểu công bằng/chính trực theo lẽ tự nhiên. Những điều, những lẽ ít thấy trong cõi đời. Thế nên, thái độ của họ là thái độ của  người thợ làm việc theo cách tiêu cực, nghĩa là: chỉ làm theo mức tối thiểu, chỉ bỏ vào đó đủ sức lao động của mình, thôi. Hoặc, những người suốt ngày cứ chống cằm lên bàn, khi thấy không có ai dò xét, để ý. Vì họ cứ nghĩ: mình dại gì mà làm cho lắm, chỉ lợi cho chủ, thôi.
Những liên tưởng ở trên, không chỉ xảy ra nơi sở làm hoặc công trường lao động, mà thôi. Nhưng nó vẫn xảy đến cả trong Hội thánh nữa. Xưa nay, nhiều người đi Đạo vẫn ao ước có được nhiều quyền, nhiều tiền và nhiều qui chế dễ thở để được hưởng thụ, nhiều hơn nữa. Với hàng giáo sĩ, thì nhiều vị phục vụ nhiều năm trong âm thầm/tăm tối, nay muốn về giáo xứ/họ đạo sung túc, hoặc đông đúc bổn đạo cho bõ công ngày tháng chôn vùi đời mình trong bóng tối. Nên, hễ thấy thế hệ trẻ mới ra trường lại có được chỗ tốt thơm, mới đem lòng căm tức và nhìn xuống đám trẻ bằng đầu mũi.
Với hàng ngũ giáo dân, có người lại chỉ muốn có chân trong hội đồng giáo xứ/mục vụ, để ưu tiên hưởng được nhiều thứ. Là thành viên ca đoàn, có người chỉ thích hát những lễ nào đông người dự. Hoặc, hát vào các giờ lễ thích hợp giờ giấc của mình thôi. Những người có kinh nghiệm mục vụ trong giáo xứ/giáo đoàn, thấy mình tài giỏi hơn người mà chẳng bao giờ được giao phó công việc tốt. Trong khi đó, những người được điều động từ nơi khác đến chưa từng có lấy kinh nghiệm lao tác/hục vụ, lại được giao phó những công việc khó, đòi nhiều kinh nghiệm, thấy cũng lạ.
Đời sống thiêng liêng, cũng thế. Nhiều vị ngỡ rằng chỉ mỗi mình là người được Chúa cho lên thiên đàng thẳng cánh. Những người như thế, những tưởng rằng chỉ mình họ, vốn nhiều năm chuyên chăm làm điều tốt, nên dễ bất bình khi thấy mình không được ưu đãi hơn người khác, nên nghĩ rằng Chúa cũng thiên vị, khi Ngài ban ơn lành cho kẻ xấu, tức cho cả những người chẳng bao giờ làm điều tốt lành hết. Thế nên, nhiều vị lại hay ganh tương/tị nạnh với kẻ biếng nhác chẳng lo chuyện đạo hạnh, mà vẫn được Hội thánh trọng dụng, bởi vì họ biết hoán cải, vào cuối đời.
Dụ ngôn hôm nay khuyên ta nên thay đổi não trạng vẫn có xưa nay. Dụ ngôn thử thách ta cởi bỏ những động thái/tư tưởng nào không cần thiết cho Nước Trời. Thử và thách, chuyển đảo mọi giá trị, do ta đặt ra.
Nơi thế giới của những người chỉ tính chuyện làm ăn và với các thánh hội chỉ những lo toan chuyện làm ăn/ăn làm, không bận tâm gì chuyện thiêng liêng/đạo đức của dân con đi Đạo, cũng như thế. Tức, cũng suy tính về những gì hoặc những việc không có Chúa dính dự, ngự trị. Trường hợp ấy, Chúa chẳng khi nào lập toà hoá giải, cũng không có toà kháng án, hoặc văn phòng công lý/khiếu kiện, để mình xin.
Khi nghĩ rằng Chúa ban ơn lành cho hết mọi người, ai cũng hiểu Ngài ban theo kiểu rủi may, giống xổ số. Cứ nghĩ rằng, có thể là ân huệ mình nhận được chắc cũng ít, hoặc rất kém. Bởi, họ lại nghĩ: Chúa đã rộng tay ban phát cho nhiều người, thì còn đâu mà cho mình. Thật ra, ân huệ Chúa ban vẫn dư dật, tràn đầy. Dư và đầy, đến độ ai cũng có phần. Chẳng ai là người thua thiệt, tủi phận hết. 
Ân huệ Chúa ban là điều ta có được ngoài mức tưởng tượng, đợi trông. Rất nhưng-không. Chúa không nợ nần gì ai. Và, ta cũng chẳng có công gì để đáng được nhận nhiều hơn người khác. Lâu nay ta nhận ân huệ dồi dào, vì Chúa thương yêu hết mọi người. Ngài yêu thương vô điều kiện. Không bớt xét. Thế nên, tất cả mọi người trước sau gì cũng được. Tất cả đều là ân huệ. Tất cả đều được ơn.
Đọc dụ ngôn hôm nay, nhiều người thường hiểu vườn nho mà thánh sử đề cập ở trình thuật, chỉ là nước Do thái hoặc thánh hội rất Công giáo. Người làm vườn, là kẻ được mời đến chốn thánh thiêng, các văn phòng hoặc thánh bộ. Thật ra, không phải thế. Chúa đâu cần thợ ở vườn nho. Ngài cũng không cần công nhân lao động ở mọi chốn. Điều Ngài muốn và cần, là mọi người được mời đến để Ngài tặng ban ơn lành, cách nhưng-không. Để rồi, ta nhắn nhủ mọi người hãy trao cho nhau tình thương yêu ân huệ ấy. Chí ít, những người đang cần được ta thương yêu.
Đó là sứ mệnh phục vụ. Đó, không là món hời dễ ăn. Nhưng, là tương quan hai chiều. Và ta được mời đến để phục vụ. Phục vụ, ở nơi ta đang sống hoặc ở chốn miền ta hoạt động rất lao lực. Bất kể ta là ai. Bởi cuối cùng, rồi ra người được mời cũng sẽ ngạc nhiên/thích thú được ban và nhận ơn như thế.
Trong thời gian đợi chờ Chúa ban ơn, ta hãy trở về với công việc liên quan đến mỗi người, và mọi người. Chúa vẫn để tâm chăm sóc đến ta khi ta kết thúc một ngày lao động đường dài. Ngài chẳng kỳ thị ai, hoặc bất công với ai trong lao động. Ngài là Đấng Nhân Hiền Độ Lượng, luôn rộng ban ơn lành cho hết mọi người. Chắc chắn ta sẽ nhận dù không là những gì mình đáng hưởng vì công của mình, nhưng nhận rất nhiều. Nhiều hơn cả những điều ta dự đoán.
Trong cảm nhận tình thương ân huệ Chúa ban, cũng nên ngâm lại lời thơ còn dang dở:

            “Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen.
            Góp những giọng hò làm trống ngũ liên.
            Góp những bàn tay dựng thành đại hội,
Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nửa với.”
            (Nguyên Sa – Bài Hát Cửu Long)

Góp sức hay góp giọng, thành đại hội. Gạo quanh nồi, góp lại thành bữa cơm chung. Để sáng ngày làm sông làm biển. Thứ biển sông, mênh mông tình Chúa vẫn ban ơn cho hết mọi người. Ở đời.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch.
                                                 

Monday 5 September 2011

BI KỊCH VÀ TAI UƠNG ĐÃ DẬY TÔI ĐIỀU GÌ?

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR

Tuần vừa qua, không biết cơ duyên nào đã khiến tôi gặp lại người bạn xưa. Cả hai đứa chúng tôi mất liên lạc với nhau cũng khá lâu. Chúng tôi hàn huyên đủ mọi chuyện. Chuyện trong nhà ngoài ngõ. Chuyện nào cũng bàn, vấn đề nào cũng lướt qua. Thế rồi, khi hỏi thăm về sinh hoạt gia đình của anh ấy, tôi vô tình gợi lại biến cố đau thương xẩy đến với gia đình anh chị cách đây đã gần 10 năm. Chuyện ấy là, trên đường đến ga xe lửa Lidcombe về nhà, cháu gái của anh chị đã bị một nhóm trẻ giật chiếc xách tay. Cháu là người thường xuyên nhắc cho mẹ và các em là ‘chẳng thà bị mất của còn hơn là giằng co với kẻ cướp’. Nhưng thật không may, hôm đó cháu lại đeo chiếc xách tay quàng qua cổ. Thế là không phải vì giằng co, nhưng sợi dây của chiếc xách tay quá chắc nên cháu đã bị kéo lê lết trên lề đường. Cuối cùng, xách tay thì còn, nhưng mạng cháu đã mất trên đường đến bịnh viện.

Cũng trong năm đó, tôi phải tiễn đưa 3 đứa cháu gái ở độ tuổi thanh xuân đi vào lòng đất mẹ. Ngoài mối thương tâm đau khổ, mất mát và đắng cay mà gia đình các cháu phải chịu, tôi còn như thấy tiếng gào thét của các bà mẹ đau đớn vì mất con, đã dẫn đến điều mà các ông bố này hoài nghi về Thiên Chúa đầy lòng nhân ái nên đã hỏi: sao lại cướp đi tương lai sáng ngời và tươi đẹp của những bông hoa đẹp trong gia đình họ?

Tôi vẫn biết là rất khó để có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi của những ai đang phải đối diện với những bi kịch tạo nên một tình huống vô vàn đau khổ cho gia đình họ. Đôi khi, chúng ta có thể miễn cưỡng tìm ra câu trả lời khi người chết đã có một cuộc sống lâu dài, đầy đủ. Và khi từ giã cõi trần họ lại được bao bọc bởi sự thương yêu nuối tiếc của người thân.

Các bi kịch thường làm tê liệt tâm tình của mọi người có liên hệ. Khi đang ở giữa cơn bão, ta không thể nói câu “sau cơn mưa trời lại sáng” được. Vẫn biết là phải hiểu như thế. Nhưng làm thế nào để họ nhìn ra được ánh sáng mặt trời khi gia đình bị bóng tối đang bao phủ.

Tôi được nghe kể lại rằng: có đôi vợ chồng trẻ kia trong lúc đang khóc than về nỗi khổ đau vì đứa con đầu lòng của họ vừa chết đột ngột trong giấc ngủ mà y học gọi là ‘cot death’, thì vị tuyên úy nọ, vốn nhiệt thành và đạo đức, lại đến an ủi họ bằng những lời lẽ: “Anh chị hãy yên tâm, tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Chúa. Vì những bông hoa đẹp thường được Chúa cất về sớm”. Vẫn biết là lời khuyên như thế hay lời lẽ tương tự thường được xử dụng vào những tình huống giống như trên. Nhưng lần này, vị linh mục tuyên úy ấy đã không gặp may. Người bố đau khổ đã thẳng thắn đáp lại: “Chúa với Mẹ nào lại ác thế, đã biết là bông hoa đẹp thì tại sao lại cướp đi khỏi tay chúng tôi”.

Thời gian làm nguội ly nước nóng thế nào thì nó cũng xoa dịu phần nào nỗi đau thương của họ. Vì thế, chờ và đợi là việc cần làm. Đừng để họ chịu đau khổ một mình, nhưng tay trong tay, chúng ta cùng đồng hành với họ. Vì thế, ngoài bổn phận phải làm, việc đồng hành nói lên sự hỗ trợ, cảm thông, chúng ta còn biết nói gì thêm?

Đó là những bị kịch xẩy ra trong gia đình, đối với một số người. Còn các tai ương khác lại vẫn xẩy ra trên thế giới gây khổ đau cho nhiều người, như: Vụ khủng bố ngày 11/09/2001 tại Nữu Ước cách đây 10 năm. Sóng thần ở Nhật. Động đất ở Haiti, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ. Lụt lội, phong ba bão tố ở Brisbane,vv. Và, khi tai ương xảy đến người người lại đặt ra những vấn nạn như: Chúa ở đâu, khi các bi kịch này cứ xảy ra trên thế giới? Chúa ở đâu, khi người hiền lành lại gặp toàn những chuyện dữ? Những câu hỏi như thế này mới nghe thì thấy lạ. Nhưng, thật ra chúng không xa lạ gì với những câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa và nỗi đau khổ của con người. Thiên Chúa ở đâu? Bằng vào niềm tin Thiên Chúa là Đấng Nhân từ Hiền lành, ta giải thích thế nào về các tai ương và bi kịch đang xẩy đến? Quả thật tìm câu trả lời cho thỏa đáng không phải là dễ.

Lịch sử thế giới được đan kết với nhau bằng các biến cố. Và các biến cố gây đau khổ cho nhiều người lại được nhớ đến nhiều hơn. Ý nghĩa và nhận thức của mỗi người về biến cố, cũng khác nhau. Nó tùy thuộc vị trí và góc độ của người nhìn vào biến cố ấy. Cuộc đời mỗi cá thể cũng như thế. Tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời sống con người dù là ngẫu nhiên, vẫn đem lại cho cuộc sống những bài học đích đáng. Vậy nên, vấn đề là chúng ta có biết ‘ôn cố để tri tân’ hay không mà thôi.

Đối với người Việt Nam, thì biến cố 30.4.1975 vẫn được đón nhận và giải thích theo cung cách rất khác nhau. Tùy chính kiến và tầm nhìn của mỗi phe nhóm. Mỗi một người. Người cộng sản thì coi đó là chiến thắng một cuộc chiến. Còn người Việt hải ngoại và đại đa số dân chúng sống ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 lại coi đó là thảm hoạ của dân tộc. Đối với họ, ngày ‘quốc hận’ hay ngày mất nuớc, là như thế.

Chúng ta có nhìn ngày ấy ở góc cạnh và suy nghĩ thế nào, thì ngày ấy vẫn là biến cố đã xẩy ra tại Việt Nam mà không một sử gia nào lại có thể lãng quên hoặc bỏ sót.

Giả như biến cố 30.4 chưa xẩy đến, thì cuộc chiến tương tàn giữa người Việt ở hai miền Bắc-Nam sẽ vẫn còn. Và, giả như người Việt trong Nam toàn thắng cuộc chiến ấy thì, theo thiển ý, người Việt miền Bắc - dưới sự bảo trợ và đỡ đầu từ những quan thầy của họ là Liên Sô và nhất là Trung Quốc - sẽ kéo quân về ẩn náu tại các mật khu bên Lào, Cam Bốt hay biên giới Trung Hoa và Việt Nam. Như vậy, cuộc chiến sẽ vẫn còn kéo dài lâu hơn nữa.

Nay hơn 30 năm nhìn lại, chúng ta vẫn có nhiều điều để nói. Nói rằng: từ đó đến nay, hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi. Biết bao nhiêu người đã phải chôn mình dưới lòng biển sâu hay làm mồi cho cá sống. Số còn lại, dù thành công trên quê hương thứ hai tuy nhiều, nhưng cũng thấy biết bao người đã và đang lao mình vào cuộc sống những là hưởng thụ, tôn thờ vật chất và quên đi nguyên tắc sống đạo đức của chính con người.

Ngay trong nước cũng thấy nhiều điều trăn trở. Thế hệ trẻ sau năm 1975 được giáo dục để trở thành những con người thời đại như thế nào? Phải chăng họ đã được giáo dục theo hệ thống rất giáo điều, nghĩa là chỉ biết và phải nói những gì Đảng đã nói. Dò xét và tìm cách bắt lỗi hạ bệ nhau để rồi cuối cùng cả một thế hệ mới nay được xây dựng trên nền tảng nghi ngờ lẫn nhau. Những năm gần đây, tình hình kinh tế trong nước tuy có khá hơn thời bao cấp hồi cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80. Nhưng khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo càng ngày càng cách biệt. Còn biết bao nhiêu là tệ nạn khác, vẫn diễn ra đến độ ta không làm sao kể cho xiết.

Cách đây gần 10 năm, vụ khủng bố ngày 11.09.2001 tại Nữu Ước đã làm Tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị sụp đổ. Có đến hơn 3000 người thiệt mạng. Không chỉ mỗi thế, biến cố ấy còn làm tê liệt toàn bộ nước Mỹ và để lại nhiều hệ lụy khác trên thế giới. Người Mỹ có lý do để hãnh diện về sức hoành tráng của Toà tháp đôi này. Nhưng cũng vì sự sụp đổ của Tòa tháp mà tự ái dân tộc của họ bị tổn thương. Thế nên, nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng và cũng để chứng tỏ cho thế giới biết sức mạnh của một siêu cường là nuớc Mỹ như thế nào, chính phủ thời đó đã ra sức tiêu diệt kẻ thù, tức những người gây nên cuộc khủng bố nói trên. Và nhân danh đàn anh, Mỹ đã kêu gọi các nước đồng minh như Anh và Úc hợp tác xua quân sang Iraq và A-Phú-Hãn. Gần đây họ công bố là đã giết được kẻ chủ mưu các vụ đánh phá trong đó vụ Tòa Tháp Đôi là một, tức ông Osama Ben Ladin. Ngược lại, bao nhiêu sinh mạng đã chết hay bị giết trong cuộc chiến, mà nhiều nhà phân tích đã nhận định là Mỹ lại đã sa lầy vào một cuộc chiến khác, không có lối thoát. Và đó là một trong những nguyên nhân gây ra sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Biến cố 11 tháng 9 tại Nữu Ước đã không chỉ để lại trong tôi những nhận định nói trên, mà thôi. Cho đến giờ này, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những con người dũng cảm như cảnh sát, đội lính cứu hỏa và người thiện nguyện đã lao mình vào Toà Tháp Đôi để cứu nạn nhân của vụ khủng bố có một không hai đó. Những vị này quên đi sự an toàn của chính bản thân mình và chỉ nghĩ đến việc cứu người. Trong lúc chu toàn bổn phận cứu vớt kẻ khốn cùng và đau khổ, thì chính họ lâm vào tình trạng cùng khốn, khổ đau không lối thoát. Nhiều người bị thiệt mạng cùng với nạn nhân dưới đống gạch vụn. Họ là các anh hùng. Những vị thánh không cần người tấn phong. Tuyên xưng. Quả thật với hành động dũng cảm, hy sinh và nghĩ đến người khác này, chúng ta tin rằng “ngay trong cơn mưa, trời vẫn sáng”.

Biến cố 11/9 đã tác động và ảnh hưởng lên mọi tầng lớp con người. Chỉ vài tuần lễ sau biến cố ấy, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã mời các vị lãnh đạo Hồi Giáo tham dự buổi cầu nguyện tai Assisi, bên nước Ý. Điều này cho ta thấy tôn giáo không bao giờ là nguyên nhân gây xáo trộn và xung đột. Cũng chẳng là đầu mối của hận thù, bạo động. Hơn nữa, Giáo hội không bao giờ tán thành và hỗ trợ việc dùng vũ khí để giải quyết các vấn đề khủng bố, lẫn khổ đau.

Từ những câu chuyện của các nạn nhân và những truyện dài bất tận của những người cứu trợ và những mẩu truyện thuơng tâm của người còn sống sót sau cơn khủng bố ấy, đã nhắc tôi nhớ lại một bài học rất quen thuộc, đó là BÀI HỌC YÊU THƯƠNG. Những câu nói, những lời nhắn nhủ của các nạn nhân trên hai chiếc máy bay được ghi âm và tường trình vẫn còn vang vọng bên tai và trong trái tim tôi. Trước khi máy bay đâm vào toà nhà ấy, các nạn nhân vẫn cố nói và kịp nói qua điện thoại cho người thân yêu của mình câu “I LOVE YOU”. Câu đó, không phải là lời oán hận. Cũng không là trăn trối lại những việc mình chưa làm xong. Nhưng, đó là sứ điệp rất quen thuộc. Quen đến độ, nhiều lúc khiến ta quên đi tầm quan trọng của nó. Sứ điệp của những người đang đón đợi sự chết – các nạn nhân trên máy bay, cũng như những người đang ở trong ‘Tòa Tháp Đôi’ và các thiện nguyện viên hôm ấy, sứ điệp đó chính là TÌNH YÊU.

Gần đây, trong trận động đất ở Tân Tây Lan, có phóng viên đã chụp được một tấm hình thật cảm động và thương tâm. Đó là, hình của một bà mẹ đã dùng thân xác mình để che đỡ sự sụp đổ của toà nhà hầu bảo vệ sự sống cho con của bà.

Thật vậy,

  • Dù có bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa rất thế tục và lớn lên trong nền giáo dục rất tôn sùng chủ nghĩa cá nhân.
  • Dù có những đạo luật đi ngược lại với Giáo huấn của Giáo Hội như cho phép phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính, v.v… nhưng qua biến cố 11/9, họ để lại cho chúng ta một bài học thật đáng quí.

Bài học đó, là lòng ích kỷ đã biến mất nhường chỗ cho sự thiết tha và quan tâm, ân cần đối với nhau. Tuy không nói nhưng các người này đã sống điều mà các nghị phụ từng nói trong hiến chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân” đoạn 30, như sau: “Vì thế, mọi người phải lấy bác ái mà thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Ðấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau, tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu xây dựng trong đức ái” ( Eph 4:15-16).

Nhìn vào TÌNH YÊU mà các nạn nhân, những người cứu trợ, cảnh sát, lính cứu hỏa, người thiện nguyện đã trao cho nhau trong ngày 11/9, chúng ta có thể xác tín và loan báo rằng chỉ có TÌNH YÊU mới có thể mở ra cho ta chân trời mới. Và cũng chỉ có TÌNH YÊU mới làm cho con người luôn sống trong hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn những vụ khủng bố, vụ thảm sát như vụ 11/9. TÌNH YÊU đang chờ đón bàn tay và khối óc của mỗi người ra tay. Chờ ta cùng bước để loan báo bằng chính cuộc sống mình rằng: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng sống vì người mình yêu". Đức Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã sống chính lời Ngài nói ra bằng việc đi đến cùng con đường Ngài tự chọn để thể hiện Tình Yêu của Ngài. Cái chết trên thập giá diễn tả mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng... Chết cho Tình Yêu để rồi sống mãi cho Tình Yêu. Chúa Giêsu mong muốn lối sống này được tiếp tục qua cuộc sống của mỗi tín hữu. Mỗi người trong đời.

Có biết bao nhiêu người đã lập lại lối sống của Chúa qua suốt chiều dài lịch sử thế giới, và cả vào thời hôm nay vẫn còn biết bao nhiêu người đang thực hiện lối sống đó qua những hy sinh lớn nhỏ của chính mình, mỗi ngày trong đời.

Thử hỏi, chúng ta có nằm trong danh sách đó hay không? Câu trả lời xin dành cho bạn lẫn cho tôi.

Lm Mai Văn Thịnh C.Ss.R

Sydney, những ngày đầu xuân Úc, 2011.

Nhớ lại Tai Ương 10 năm trước tại Nữu Ước.

Saturday 3 September 2011

“Anh đã thoát hồn anh, ngoài xác thịt,”

Suy niệm Chúa Nhật thứ 24 thường niên năm A 11.09.2011

“Anh đã thoát hồn anh, ngoài xác thịt,”

“để chập chờn, trong ánh sáng mông lung.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 18: 21-35

Rất có thể, vì “anh đã thoát hồn mình ngoài xác thịt” nên không còn “chập chờn trong ánh sáng mông lung” của thứ tha. Của cuộc sống an hoà, như thánh sử đề cập ở trình thuật.

Điều mà thánh sử ghi ở trình thuật hôm nay, là nguyên tắc làm nền cho cuộc sống hài hòa của cộng đoàn dân Chúa. Nguyên tắc này, vẫn song hành với nguyên tắc thứ nhất ghi ở đầu chương 18: với cộng đoàn dân Chúa, chẳng ai bị bỏ quên, hoặc nên hư mất.

Thêm vào đó, ở câu 15, thánh sử cũng ghi lại lời Chúa dặn dò: “Nếu anh em ngươi trót phạm tội,..” là để người nghe biết đường mà xử sự cho đúng cách. Đây, lời dặn dò nghe hơi lạ, nhưng rất thực. Thực, là bởi: bằng vào sự khôn ngoan và kinh nghiệm bản thân, thánh Mát-thêu nhận ra rằng: chữ “nếu” ở trước câu “anh em ngươi làm điều sai trái” mà lại đặt nơi người anh/người chị cùng nhà, có nghĩa là chuyện “làm điều sai trái” ít khi thấy nơi quý vị ấy. Đằng này, Chúa chỉ bảo: khi họ làm điều gì sai trái,..”, tức có nghĩa: các vị này vẫn thường hay làm vậy. Và vì thế, hãy tha thứ cho họ. Tha, theo qui cách mặt-đối-mặt. Từng nhóm nhỏ. Hoặc, cho phép các vị về quê sáu tháng, rồi thì mọi sự cũng sẽ qua mau. Và, tha thứ là cách giản dị nhất, ta có thể thực hiện, để giải quyết mọi khúc mắc.

Hãy thử nghĩ về khung cảnh gia đình trong đó có bé em làm điều gì sai quấy, thì thoạt đầu, người lớn sẽ rối tung khi biết trẻ bé thế mà dám quậy. Nhưng chỉ ít phút sau, mọi việc đều trầm lắng và mọi người sẽ thứ tha, yêu thương bé nhiều hơn trước. Nhưng nếu tình trạng “rối tung” kéo dài lâu hơn thế, thì bé sẽ nhận ra đây là trò chơi đầy thích thú, nghĩa là: bé cứ làm sai, để cả nhà chỉ rối lên một lúc, rồi sau đó bé sẽ được yêu thương hơn. Và khi gia đình biết là bé cố tình chơi trò chơi này để mọi người chú ý đến mình, thì trò chơi ấy trở thành một vận động để gia đình được gắn bó hơn.

Ý của thánh Mát-thêu muốn nói: tha thứ không là chuyện gay go khiến mọi người phải suy tính/đắn đo, nhưng chỉ đơn giản như “trò chơi“ của con trẻ. Trò chơi trẻ, là cung cách mà tình thương gia đình dành cho mình từ lâu, cốt là để gợi sự chú ý của mọi người, thôi. Đây là nền tảng thực hiện nghi thức hoá giải, mà xưa nay hội thánh có thói quen gọi đó là xưng/giải. Tức, tha thứ mọi sơ xuất, lỗi lầm, vẫn rất tội.

Trên bình diện mục vụ, sự việc này cho thấy tha thứ là động tác giản đơn, cần làm. Chứ, chẳng có mục đích làm ầm ĩ lớn chuyện “xưng/giải” như Giáo hội lâu nay vẫn làm. Ầm ĩ/lớn chuyện, đến độ đã phải nghĩ ra ba hình thức “xưng/giải”, rất khác biệt. Ầm ĩ, đến độ quên rằng Chúa đã tha thứ cho tội phạm ngay trước khi giáo hội ta đặt ra 3 nghi thức cầu kỳ ấy.

Ở câu 21, thánh sử đặt nơi miệng thánh Phêrô thêm một đối kháng như thánh cả vẫn thường làm, vào dạo trước. Thánh Phêrô là người khá bốc đồng, thuờng hiểu sai nhiều sự việc, nên mới hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em có lỗi với tôi, thì tôi phải tha thứ bao nhiêu lần, phải 7 lần không?” Thời buổi này, quần thần nào mà lại hỏi lãnh đạo mình những câu như thế, khác nào thách thức chủ trương “không nhân nhượng”, của vị ấy.

Câu Chúa nói: “Này anh Phêrô. Không chỉ 7 lần, mà là 77 lần 7.” Con số 77 ở đây, mang nặng một ám chỉ đặc biệt. Đức Giêsu không cố ý qua mặt thánh Phêrô. Ngài chẳng muốn giới hạn việc thứ tha gì hết. Chẳng qua là, ở Kinh thánh, con số 70 hoặc số 7 đều mang ý nghĩa: không hạn chế. Trong các bản văn Kinh thánh, chỉ mỗi bản tiếng Do thái ở sách Khởi nguyên là nói đến số 77 khi tác giả đề cập đến lời vãn của Lamek, thôi.

Chương 4 sách Khởi Nguyên, ở truyện kể về Cain giết Abel có nói đến việc Lamek giết một trẻ bé trong đó ghi lời vãn của Lamek, như sau: “Cain được báo thù gấp bảy, còn Lamek thì gấp bảy lần bảy mươi!” (Kn 4: 24) Xem thế, thì số 77 ở Kinh thánh là cốt để nói về người nào đó giết chết trẻ em. Con số 77 là số lần để ta tha thứ cho những ai sơ xuất lỡ lầm đến là thế. Và là thế, có nghĩa: không nên giới hạn số lần tha thứ mỗi khi ta sơ xuất/lầm lỡ đến thế nào đi nữa, cũng vậy. Và tha thứ, là việc ta cần làm cho những ai đang có nhu cầu được thứ tha.

Với thánh Mát-thêu, lỗi phạm chỉ mang tính nghiêm trọng khi đó là chuyện hãm hại hoặc xúc phạm đến trẻ nhỏ. Đức Giêsu chẳng khi nào quan niệm về “không nhân nhượng” như thói quen của một số người nay chủ trương. Ngài chú trọng vào việc ta cần bảo vệ cộng đoàn, đặc biệt là con trẻ. Nhưng Ngài cũng nhấn mạnh vào việc phải tha thứ cho những ai có liên quan đến cộng đoàn hoặc dám xúc phạm đến con trẻ.

Với thánh Mát-thêu, tha thứ là việc tự động và nhanh chóng cần làm ngay. Làm, theo cung cách càng đơn giản càng tốt. Đó là sự khác biệt giữa quan niệm của thánh Mát-thêu về cộng đoàn mình chung sống với cộng đoàn khác. Dĩ nhiên, tất cả đều xây dựng trên nguyên tắc làm nền nói đến ở đầu chương 18 của Tin Mừng thánh nhan. Đây còn là nguyên tắc thực tiễn để xây dựng và lãnh đạo cộng đoàn niềm tin vẫn chung sống.

Bầy tỏ lập trường như thế rồi, thánh Mát-thêu mới kể dụ ngôn về người bày tôi ác nghiệt ở đoạn 18 câu 25 đến 35. Cũng nên gọi đây là dụ ngôn “người bày tôi không trí nhớ”. Câu truyện dụ ngôn này thật giản đơn đến độ ai cũng nhớ. Nhớ rằng, chính mình đã được chủ xưa nay vẫn tha hết nợ nần, lẫn tội phạm. Nên, tới phiên mình, cũng nên làm như thế. Nhưng thực tế, đã mấy ai nhớ đến nhu cầu tha thứ như mình từng được thứ tha.

Muốn nhớ lâu lời khuyên dặn này, cũng nên để ý đến câu cuối ở trình thuật, trong đó thánh sử ghi rõ: “Hỡi đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi van xin ta, nay đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" (Mt 18: 33-34)

Bình thường, người mình vẫn có trí nhớ rất kém. Kém nhớ, là bởi: ai cũng quên rằng mình từng được tha thứ rất nhiều, nhưng lại quên. Chính vì quên, nên ta đã không tha thứ người khác.

Bởi thế nên, thánh sử Mát-thêu mới nhấn mạnh sự thể rằng tất cả chúng ta đều là con trẻ, tức những người bé mọn. Là, những kẻ lạc lõng đang cần người cảm thông, chào đón. Tất cả chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối để đón nhận lòng thương tha thứ từ Cha, ngang qua các vị khác. Có nhớ mà tha thứ, ta mới hăng say tình nguyện thứ tha cho tất cả mọi người đang sống quanh ta. Đó, là nguyên tắc làm nền mà trình thuật hôm nay muốn gửi đến mọi người, trong cộng đoàn Hội thánh thân thương, ở mọi thời.

Trong cảm nhận ý nguyện tốt lành của thánh sử, ta lại sẽ hân hoan hát lên lời thơ còn dang dở:

“Anh đã gặp hồn em đang chới với,

Bến Mê Hà trên giải nước mênh mang.

Anh đã đón tình em bay phất phới,

Như hương trăng, đằm thắm cõi không gian.

Chúng ta tiến, em ơi, làm thanh khi.

Cho tan ra hoà hợp với tinh anh.

Của trời đất, của muôn vàn ý nhị,

Và tình ta sáng láng như trăng thanh.”

(Hàn Mặc Tử - Sáng Láng)

Tình ta, cứ thế mà sáng láng. Sáng, như muôn vàn tinh tú rất trăng thanh. Đằm thắm. Ý nhị, ở mọi thời. Thời, có anh và có em tìm đến với con trẻ bị lãng quên, cần yêu thương. Tha thứ. Bởi, thứ tha là tất cả. Thứ tha, là diễn tả tình thân thương của anh em, một nhà.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch.