BI KỊCH VÀ TAI UƠNG ĐÃ DẬY TÔI ĐIỀU GÌ?
Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR
Tuần vừa qua, không biết cơ duyên nào đã khiến tôi gặp lại người bạn xưa. Cả hai đứa chúng tôi mất liên lạc với nhau cũng khá lâu. Chúng tôi hàn huyên đủ mọi chuyện. Chuyện trong nhà ngoài ngõ. Chuyện nào cũng bàn, vấn đề nào cũng lướt qua. Thế rồi, khi hỏi thăm về sinh hoạt gia đình của anh ấy, tôi vô tình gợi lại biến cố đau thương xẩy đến với gia đình anh chị cách đây đã gần 10 năm. Chuyện ấy là, trên đường đến ga xe lửa Lidcombe về nhà, cháu gái của anh chị đã bị một nhóm trẻ giật chiếc xách tay. Cháu là người thường xuyên nhắc cho mẹ và các em là ‘chẳng thà bị mất của còn hơn là giằng co với kẻ cướp’. Nhưng thật không may, hôm đó cháu lại đeo chiếc xách tay quàng qua cổ. Thế là không phải vì giằng co, nhưng sợi dây của chiếc xách tay quá chắc nên cháu đã bị kéo lê lết trên lề đường. Cuối cùng, xách tay thì còn, nhưng mạng cháu đã mất trên đường đến bịnh viện.
Cũng trong năm đó, tôi phải tiễn đưa 3 đứa cháu gái ở độ tuổi thanh xuân đi vào lòng đất mẹ. Ngoài mối thương tâm đau khổ, mất mát và đắng cay mà gia đình các cháu phải chịu, tôi còn như thấy tiếng gào thét của các bà mẹ đau đớn vì mất con, đã dẫn đến điều mà các ông bố này hoài nghi về Thiên Chúa đầy lòng nhân ái nên đã hỏi: sao lại cướp đi tương lai sáng ngời và tươi đẹp của những bông hoa đẹp trong gia đình họ?
Tôi vẫn biết là rất khó để có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi của những ai đang phải đối diện với những bi kịch tạo nên một tình huống vô vàn đau khổ cho gia đình họ. Đôi khi, chúng ta có thể miễn cưỡng tìm ra câu trả lời khi người chết đã có một cuộc sống lâu dài, đầy đủ. Và khi từ giã cõi trần họ lại được bao bọc bởi sự thương yêu nuối tiếc của người thân.
Các bi kịch thường làm tê liệt tâm tình của mọi người có liên hệ. Khi đang ở giữa cơn bão, ta không thể nói câu “sau cơn mưa trời lại sáng” được. Vẫn biết là phải hiểu như thế. Nhưng làm thế nào để họ nhìn ra được ánh sáng mặt trời khi gia đình bị bóng tối đang bao phủ.
Tôi được nghe kể lại rằng: có đôi vợ chồng trẻ kia trong lúc đang khóc than về nỗi khổ đau vì đứa con đầu lòng của họ vừa chết đột ngột trong giấc ngủ mà y học gọi là ‘cot death’, thì vị tuyên úy nọ, vốn nhiệt thành và đạo đức, lại đến an ủi họ bằng những lời lẽ: “Anh chị hãy yên tâm, tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Chúa. Vì những bông hoa đẹp thường được Chúa cất về sớm”. Vẫn biết là lời khuyên như thế hay lời lẽ tương tự thường được xử dụng vào những tình huống giống như trên. Nhưng lần này, vị linh mục tuyên úy ấy đã không gặp may. Người bố đau khổ đã thẳng thắn đáp lại: “Chúa với Mẹ nào lại ác thế, đã biết là bông hoa đẹp thì tại sao lại cướp đi khỏi tay chúng tôi”.
Thời gian làm nguội ly nước nóng thế nào thì nó cũng xoa dịu phần nào nỗi đau thương của họ. Vì thế, chờ và đợi là việc cần làm. Đừng để họ chịu đau khổ một mình, nhưng tay trong tay, chúng ta cùng đồng hành với họ. Vì thế, ngoài bổn phận phải làm, việc đồng hành nói lên sự hỗ trợ, cảm thông, chúng ta còn biết nói gì thêm?
Đó là những bị kịch xẩy ra trong gia đình, đối với một số người. Còn các tai ương khác lại vẫn xẩy ra trên thế giới gây khổ đau cho nhiều người, như: Vụ khủng bố ngày 11/09/2001 tại Nữu Ước cách đây 10 năm. Sóng thần ở Nhật. Động đất ở Haiti, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ. Lụt lội, phong ba bão tố ở Brisbane,vv. Và, khi tai ương xảy đến người người lại đặt ra những vấn nạn như: Chúa ở đâu, khi các bi kịch này cứ xảy ra trên thế giới? Chúa ở đâu, khi người hiền lành lại gặp toàn những chuyện dữ? Những câu hỏi như thế này mới nghe thì thấy lạ. Nhưng, thật ra chúng không xa lạ gì với những câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa và nỗi đau khổ của con người. Thiên Chúa ở đâu? Bằng vào niềm tin Thiên Chúa là Đấng Nhân từ Hiền lành, ta giải thích thế nào về các tai ương và bi kịch đang xẩy đến? Quả thật tìm câu trả lời cho thỏa đáng không phải là dễ.
Lịch sử thế giới được đan kết với nhau bằng các biến cố. Và các biến cố gây đau khổ cho nhiều người lại được nhớ đến nhiều hơn. Ý nghĩa và nhận thức của mỗi người về biến cố, cũng khác nhau. Nó tùy thuộc vị trí và góc độ của người nhìn vào biến cố ấy. Cuộc đời mỗi cá thể cũng như thế. Tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời sống con người dù là ngẫu nhiên, vẫn đem lại cho cuộc sống những bài học đích đáng. Vậy nên, vấn đề là chúng ta có biết ‘ôn cố để tri tân’ hay không mà thôi.
Đối với người Việt Nam, thì biến cố 30.4.1975 vẫn được đón nhận và giải thích theo cung cách rất khác nhau. Tùy chính kiến và tầm nhìn của mỗi phe nhóm. Mỗi một người. Người cộng sản thì coi đó là chiến thắng một cuộc chiến. Còn người Việt hải ngoại và đại đa số dân chúng sống ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 lại coi đó là thảm hoạ của dân tộc. Đối với họ, ngày ‘quốc hận’ hay ngày mất nuớc, là như thế.
Chúng ta có nhìn ngày ấy ở góc cạnh và suy nghĩ thế nào, thì ngày ấy vẫn là biến cố đã xẩy ra tại Việt Nam mà không một sử gia nào lại có thể lãng quên hoặc bỏ sót.
Giả như biến cố 30.4 chưa xẩy đến, thì cuộc chiến tương tàn giữa người Việt ở hai miền Bắc-Nam sẽ vẫn còn. Và, giả như người Việt trong Nam toàn thắng cuộc chiến ấy thì, theo thiển ý, người Việt miền Bắc - dưới sự bảo trợ và đỡ đầu từ những quan thầy của họ là Liên Sô và nhất là Trung Quốc - sẽ kéo quân về ẩn náu tại các mật khu bên Lào, Cam Bốt hay biên giới Trung Hoa và Việt Nam. Như vậy, cuộc chiến sẽ vẫn còn kéo dài lâu hơn nữa.
Nay hơn 30 năm nhìn lại, chúng ta vẫn có nhiều điều để nói. Nói rằng: từ đó đến nay, hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi. Biết bao nhiêu người đã phải chôn mình dưới lòng biển sâu hay làm mồi cho cá sống. Số còn lại, dù thành công trên quê hương thứ hai tuy nhiều, nhưng cũng thấy biết bao người đã và đang lao mình vào cuộc sống những là hưởng thụ, tôn thờ vật chất và quên đi nguyên tắc sống đạo đức của chính con người.
Ngay trong nước cũng thấy nhiều điều trăn trở. Thế hệ trẻ sau năm 1975 được giáo dục để trở thành những con người thời đại như thế nào? Phải chăng họ đã được giáo dục theo hệ thống rất giáo điều, nghĩa là chỉ biết và phải nói những gì Đảng đã nói. Dò xét và tìm cách bắt lỗi hạ bệ nhau để rồi cuối cùng cả một thế hệ mới nay được xây dựng trên nền tảng nghi ngờ lẫn nhau. Những năm gần đây, tình hình kinh tế trong nước tuy có khá hơn thời bao cấp hồi cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80. Nhưng khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo càng ngày càng cách biệt. Còn biết bao nhiêu là tệ nạn khác, vẫn diễn ra đến độ ta không làm sao kể cho xiết.
Cách đây gần 10 năm, vụ khủng bố ngày 11.09.2001 tại Nữu Ước đã làm Tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị sụp đổ. Có đến hơn 3000 người thiệt mạng. Không chỉ mỗi thế, biến cố ấy còn làm tê liệt toàn bộ nước Mỹ và để lại nhiều hệ lụy khác trên thế giới. Người Mỹ có lý do để hãnh diện về sức hoành tráng của Toà tháp đôi này. Nhưng cũng vì sự sụp đổ của Tòa tháp mà tự ái dân tộc của họ bị tổn thương. Thế nên, nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng và cũng để chứng tỏ cho thế giới biết sức mạnh của một siêu cường là nuớc Mỹ như thế nào, chính phủ thời đó đã ra sức tiêu diệt kẻ thù, tức những người gây nên cuộc khủng bố nói trên. Và nhân danh đàn anh, Mỹ đã kêu gọi các nước đồng minh như Anh và Úc hợp tác xua quân sang Iraq và A-Phú-Hãn. Gần đây họ công bố là đã giết được kẻ chủ mưu các vụ đánh phá trong đó vụ Tòa Tháp Đôi là một, tức ông Osama Ben Ladin. Ngược lại, bao nhiêu sinh mạng đã chết hay bị giết trong cuộc chiến, mà nhiều nhà phân tích đã nhận định là Mỹ lại đã sa lầy vào một cuộc chiến khác, không có lối thoát. Và đó là một trong những nguyên nhân gây ra sự suy thoái trầm trọng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Biến cố 11 tháng 9 tại Nữu Ước đã không chỉ để lại trong tôi những nhận định nói trên, mà thôi. Cho đến giờ này, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những con người dũng cảm như cảnh sát, đội lính cứu hỏa và người thiện nguyện đã lao mình vào Toà Tháp Đôi để cứu nạn nhân của vụ khủng bố có một không hai đó. Những vị này quên đi sự an toàn của chính bản thân mình và chỉ nghĩ đến việc cứu người. Trong lúc chu toàn bổn phận cứu vớt kẻ khốn cùng và đau khổ, thì chính họ lâm vào tình trạng cùng khốn, khổ đau không lối thoát. Nhiều người bị thiệt mạng cùng với nạn nhân dưới đống gạch vụn. Họ là các anh hùng. Những vị thánh không cần người tấn phong. Tuyên xưng. Quả thật với hành động dũng cảm, hy sinh và nghĩ đến người khác này, chúng ta tin rằng “ngay trong cơn mưa, trời vẫn sáng”.
Biến cố 11/9 đã tác động và ảnh hưởng lên mọi tầng lớp con người. Chỉ vài tuần lễ sau biến cố ấy, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã mời các vị lãnh đạo Hồi Giáo tham dự buổi cầu nguyện tai Assisi, bên nước Ý. Điều này cho ta thấy tôn giáo không bao giờ là nguyên nhân gây xáo trộn và xung đột. Cũng chẳng là đầu mối của hận thù, bạo động. Hơn nữa, Giáo hội không bao giờ tán thành và hỗ trợ việc dùng vũ khí để giải quyết các vấn đề khủng bố, lẫn khổ đau.
Từ những câu chuyện của các nạn nhân và những truyện dài bất tận của những người cứu trợ và những mẩu truyện thuơng tâm của người còn sống sót sau cơn khủng bố ấy, đã nhắc tôi nhớ lại một bài học rất quen thuộc, đó là BÀI HỌC YÊU THƯƠNG. Những câu nói, những lời nhắn nhủ của các nạn nhân trên hai chiếc máy bay được ghi âm và tường trình vẫn còn vang vọng bên tai và trong trái tim tôi. Trước khi máy bay đâm vào toà nhà ấy, các nạn nhân vẫn cố nói và kịp nói qua điện thoại cho người thân yêu của mình câu “I LOVE YOU”. Câu đó, không phải là lời oán hận. Cũng không là trăn trối lại những việc mình chưa làm xong. Nhưng, đó là sứ điệp rất quen thuộc. Quen đến độ, nhiều lúc khiến ta quên đi tầm quan trọng của nó. Sứ điệp của những người đang đón đợi sự chết – các nạn nhân trên máy bay, cũng như những người đang ở trong ‘Tòa Tháp Đôi’ và các thiện nguyện viên hôm ấy, sứ điệp đó chính là TÌNH YÊU.
Gần đây, trong trận động đất ở Tân Tây Lan, có phóng viên đã chụp được một tấm hình thật cảm động và thương tâm. Đó là, hình của một bà mẹ đã dùng thân xác mình để che đỡ sự sụp đổ của toà nhà hầu bảo vệ sự sống cho con của bà.
Thật vậy,
- Dù có bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa rất thế tục và lớn lên trong nền giáo dục rất tôn sùng chủ nghĩa cá nhân.
- Dù có những đạo luật đi ngược lại với Giáo huấn của Giáo Hội như cho phép phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính, v.v… nhưng qua biến cố 11/9, họ để lại cho chúng ta một bài học thật đáng quí.
Bài học đó, là lòng ích kỷ đã biến mất nhường chỗ cho sự thiết tha và quan tâm, ân cần đối với nhau. Tuy không nói nhưng các người này đã sống điều mà các nghị phụ từng nói trong hiến chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân” đoạn 30, như sau: “Vì thế, mọi người phải lấy bác ái mà thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Ðấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau, tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu xây dựng trong đức ái” ( Eph 4:15-16).
Nhìn vào TÌNH YÊU mà các nạn nhân, những người cứu trợ, cảnh sát, lính cứu hỏa, người thiện nguyện đã trao cho nhau trong ngày 11/9, chúng ta có thể xác tín và loan báo rằng chỉ có TÌNH YÊU mới có thể mở ra cho ta chân trời mới. Và cũng chỉ có TÌNH YÊU mới làm cho con người luôn sống trong hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn những vụ khủng bố, vụ thảm sát như vụ 11/9. TÌNH YÊU đang chờ đón bàn tay và khối óc của mỗi người ra tay. Chờ ta cùng bước để loan báo bằng chính cuộc sống mình rằng: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng sống vì người mình yêu". Đức Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã sống chính lời Ngài nói ra bằng việc đi đến cùng con đường Ngài tự chọn để thể hiện Tình Yêu của Ngài. Cái chết trên thập giá diễn tả mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng... Chết cho Tình Yêu để rồi sống mãi cho Tình Yêu. Chúa Giêsu mong muốn lối sống này được tiếp tục qua cuộc sống của mỗi tín hữu. Mỗi người trong đời.
Có biết bao nhiêu người đã lập lại lối sống của Chúa qua suốt chiều dài lịch sử thế giới, và cả vào thời hôm nay vẫn còn biết bao nhiêu người đang thực hiện lối sống đó qua những hy sinh lớn nhỏ của chính mình, mỗi ngày trong đời.
Thử hỏi, chúng ta có nằm trong danh sách đó hay không? Câu trả lời xin dành cho bạn lẫn cho tôi.
Lm Mai Văn Thịnh C.Ss.R
Sydney, những ngày đầu xuân Úc, 2011.
Nhớ lại Tai Ương 10 năm trước tại Nữu Ước.
No comments:
Post a Comment