Saturday 30 January 2010

Trong phòng sách, dưới ánh đèn rạng rỡ,


Cụm hoa đào say bừng mới nở.
Như tiên nga vừa thức giấc thần tiên,
Hoa thẹn-thò dương mắt ngạc-nhiên,

(thơ Thế Lữ)

Lc 5: 1-11

Ngạc nhiên. Dương mắt. Hoa thẹn thò. Thẹn thò, là như tiên nga vừa tỉnh giấc nồng thần tiên. Ngoài cuộc. Kinh ngạc. Vểnh tai. Vẫn cứ thế, người trần thế hết từ kinh ngạc này đến sửng sốt nọ. Là, trạng huống của người nghe, khi Chúa nói. Ở trình thuật.


Trình thuật, thánh sử kể về 3 yếu tố trong đời sống người đi Đạo. Đó là: niềm tin, kinh nghiệm và tông đồ. Niềm tin ta gồm 2 yếu tố. Yếu tố đầu, thánh Phaolô đã diễn tả ở bài đọc 2. Ở bài này, thánh nhân tóm tắt sứ điệp mà con dân Đạo Chúa, vẫn thực hiện. Tin, là chấp nhận rằng sứ điệp Chúa gửi chính là sự thật. Đáng ta tin. Với nhà Đạo, niềm tin thường dừng lại, ở ngay đó. Nếu chấp nhận giáo huấn của Hội thánh, sao ta vẫn nghe người người kháo láo nhau: “Người này có lòng tin. Kẻ kia mất.”


Có một điều, là: nhiều người Công giáo cứ thích để giờ ra mà phân tích rất chi tiết, thế nào là chính thống. Thế nào không. Rồi từ đó, họ nghĩ rằng ai đi trệch khỏi niềm tin đích thực, sẽ bị lên án. Với người khác, niềm tin có thể làm ta đau đớn. Què quặt. Cố chấp.


Nhưng, cũng có lĩnh vực khác của niềm tin mà ta quên, hoặc không biết. Tin, là ý tưởng chủ chốt của Tin Mừng. Tiếng Hy lạp gọi là pistis, có nghĩa là: tin. Căn bản của niềm tin, lại là “hy vọng”. “Phó thác”. “Tin tưởng”. Tin vào Đức Giêsu, là đặt hết tin tưởng/phó thác, ở nơi Ngài. Vẫn có đôi chút khác biệt giữa câu nói “tôi tin anh/chị”, có nghĩa là: điều anh/chị nói, đều rất thực. Đáng để tâm. Đáng tin cậy. Trong khi đó, “tin vào anh/vào chị” lại có nghĩa: tôi sẵn sàng trao trọn con người tôi trong tay anh/tay chị. Hoặc, “Tôi tin điều anh/chị nói” và “tôi hoàn toàn tin tưởng vào anh/chị”. Điều này lại mang ý nghĩa khác hẳn. Áp dụng, một cách rất khác.


Cả hai lãnh vực của niềm tin đều có nghĩa, nếu đề cập đến tín hữu Đức Kitô. Ý nghĩa sau, mới là thử thách đích thực. Tin đích thực, không chỉ là chấp nhận nội dung sứ điệp, Chúa đem đến. Nhưng, còn hàm ngụ phó thác trọn vẹn, trong tay Chúa. Để Ngài dẫn dắt, cách trọn vẹn. Như trò chơi theo nhóm. Chơi kiểu này, ta để cho bản thân mình rơi vào vòng tay người khác. Tin rằng, người ấy sẽ không để mình rơi/té xuống sàn. Không chỉ lời trấn an: “Tôi sẽ không để anh/chị ngã đâu”, là đủ. Nhưng, cần mọi người tham gia, đóng góp vào việc nâng đỡ, người ấy nữa.


Phúc Âm nay nói lên cũng một điều, giống như thế. Thánh Phêrô và bạn chài của thánh nhân, đều là những chuyên gia, ngành chài lưới. Sau một đêm mệt nhoài đánh lưới, chẳng được gì. Ấy thế mà, khi Chúa thôi giảng về sứ điệp của niềm tin, Ngài đã đề nghị ngay với dân chài các thánh, hãy “ra khơi”. Bủa lưới. Thoạt khi ấy, đã có yếu tố hoài nghi lọt vào đầu. Hoài nghi, về Lời của Chúa, nên thánh Phêrô mới nói: “thưa Thầy chúng tôi đây (dân chuyên nghiệp) đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì. Nhưng vâng lời Thầy (là Đấng nghiệp dư), chúng tôi sẽ ra đi mà thả lưới”. (Lc 5: 5)


Kết quả vượt quá sức tưởng tượng, của các thánh. “Các ngài đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá.” Đây là trắc nghiệm đầu tiên của niềm tin nơi Chúa. Nay, cũng vẫn là lời kêu gọi gửi đến với ta: “Hãy ra chỗ nước sâu, mà bắt cá….”. Có nghĩa là, cứ tin vào Tôi đi, các ông sẽ kinh ngạc, đến vui thích.” Quả thật, ta chẳng thể nào học đòi tin ai cho đến khi ta đạt lĩnh vực tin tưởng một cách vô điều kiện. Tin, vào Đường lối/cung cách Chúa làm. Tin, không chần chừ. Ái ngại. Không còn ngờ.


Đành rằng, kết quả vụ cá đã khá nhiều, là biểu tượng về những gì các thánh và những vị kế tục sẽ làm sau này, nhằm lôi kéo mọi người theo chân Chúa. Cứ tin và theo chân Chúa, chắc chắn mùa gặt nào cũng đạt kỷ lục. Thành tựu nào cũng đều tốt. Đó, là việc của Chúa. Việc của ta, chỉ là tin tưởng. Phó thác, mà thôi.


Yếu tố thứ hai của trình thuật hôm nay, là: kinh nghiệm. Kinh nghiệm nối kết niềm tin. Nhiều người được dạy: hãy chỉ giới hạn trong niềm tin Kitô giáo. Chỉ tin vào những gì được dạy. Ở nhà. Trong Hội thánh. Hoặc, ở trường thôi. Lịch sử từng chứng minh: có nhiều hiện tượng lạ kỳ nơi Đạo Chúa. Hiện tượng có được từ “kinh nghiệm”. Giám mục Ronald Knox, sau ngày trở về với Hội thánh, ông đã viết cuốn sách có tựa đề “Lòng phấn khởi”, để diễn tả tâm trạng của những người đã từng kinh nghiệm giữ Đạo. Nhưng, vẫn có cái nhìn vặn vẹo về sứ điệp của Đạo Chúa.


Ngày nay, khá nhiều người tự cho mình có ơn lạ về thị kiến. Ơn lạ, với sứ điệp đặc biệt Chúa phú ban. Được Đức Mẹ hiện ra, với riêng mình. Cùng lúc, nếu ta chỉ nhấn mạnh về một tín điều nào đó thôi, thì điều đó cũng không hẳn là tốt. Bởi, làm thế dễ biến Đạo Chúa thành một thứ tôn giáo bâng quơ. Không tình tiết. Một thứ lề luật. Hoặc, tôn giáo trừu tượng, theo nghĩa xấu. Xa vời tình thương, tương quan với Chúa. Với con người. Khác nào chuyện, ta quá đặt nặng chuyện linh mục mặc áo gì, mầu gì khi làm lễ. Trong khi đó, lại quên cảnh tình của người nghèo, đang chầu chực xin ăn xin, ở cửa nhà thờ.


Người Công giáo, trên hết và trước hết, là người có kinh nghiệm về Đức Chúa. Kinh nghiệm kiếm tìm tương quan mật thiết với Chúa, vào mọi lúc. Là, nhận ra rằng Ngài đang thử thách niềm tin ta có, để ta biết yêu thương, và xót xa. Là, thực hiện sự công chính. Sống tự do, mà giùm giúp. Tự do, trong hoà hoãn. Tự do, đối xử tử tế. Để chấp nhận. Chấp nhận kiếm tìm Ngài nơi mọi sự. Có như thế, ta mới sống đời an vui. An và vui, giữa mọi khổ đau. Sầu buồn. Bất ổn. Điều này còn quan trọng hơn là tìm cách giải thích nội dung ý nghĩa Chúa Ba Ngôi. Nội dung, tín điều Mẹ Vô Nhiễm. Có nhà văn Trung cổ nọ từng viết: “Tôi thích có kinh nghiệm sám hối hơn là tối ngày chỉ tìm định nghĩa ý tưởng đó, mà thôi.”


Chuyện thứ ba, là: “tông đồ”. Cụm từ này khác hẳn cụm từ “Làm thân đồ đệ Chúa”. Là đồ đệ, căn bản là trở thành người theo chân ai đó. Một vị thầy. Một cố vấn. Đồ đệ hay đệ tử, là người muốn học hỏi điều hay/lẽ phải, từ thầy mình. Học rồi áp dụng vào đời mình. Theo nghĩa này, thì mọi người chúng ta đều được gọi mời làm đồ đệ, của Đức Chúa.


Làm đồ đệ theo Chúa, không dừng lại ở đây mà còn đòi hỏi nhiều hơn nữa, như trong các bài đọc hôm nay. Đòi rằng, ta không chỉ nên theo chân Chúa. Biến Đường lối của Chúa, thành cung cách sống cho đời mình. Nhưng, còn truyền đạt sứ điệp của Chúa, đến với người khác.


Hơn nữa, đồ đệ có niềm tin phó thác, có kinh nghiệm còn là nhận biết thân phận của mình trong trình thuật hôm nay, khi thánh Phêrô sau lúc thất kinh về sự kiện đánh được cá/tôm nhiều đến rách lưới. Đã bị hớp hồn, về sự việc vừa xảy đến. Tức, thấy mình đang hiện diện trước sức mạnh/quyền uy của chính Chúa. Khi ấy, thánh nhân đã không còn ngạo mạn, cậy vào sức mình. Vào tài khéo léo của mình. Nhưng đã thấy mình thật nhỏ nhoi. Không là gì. Chẳng đáng kể.


Đó là lúc, thánh nhân thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con đây đầy lỗi phạm.” Quả thật, đây là dấu hiệu về kinh nghiệm ta có với Chúa. Ai từng giáp mặt Chúa, đều thấy mình chẳng là gì cả. Chỉ bé nhỏ. Xoàng xĩnh. Đó, là những điều ta thấy có ở cả ba bài đọc. Bài đọc 1, ngôn sứ Isaya nói: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một ngưòi môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi lại thấy được Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh.” (Is 6: 5) Bài đọc 2, thánh Phaolô cũng kêu lên: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ.” (1 Cr 15: 9)


Dù thế cả thánh Phêrô, Phaolô lẫn ngôn sứ Isaya, vẫn được Hội thánh coi là tông đồ của Chúa. Cụm từ “tông đồ” rõ ràng chỉ định người được uỷ thác và sai đi chuyển tải một sứ điệp. Chỉ định việc thực hiện sứ vụ Thầy giao phó. Cả ba vị, đều được mời. Được gọi. Mỗi vị mỗi cách. Mỗi vị đều nhận chân rằng mình không chỉ là “Tín hữu Đức Kitô” mà thôi, nhưng còn là đồ đệ. Người theo chân Thầy. Là, tông đồ rao giảng. Là, sứ giả. Rất trung kiên.


Làm thế, các ngài không chỉ nói lên bằng lời, từ môi miệng. Nhưng, là chứng nhân. Chính mình ra như thế. Đã làm thế. Đó còn là ý nghĩa câu nói từ miệng ngôn sứ Isaya: “Dạ con đây, xin hãy sai con đi!” Như thánh Phaolô cũng viết; “Tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả các vị khác, nhưng không phải tôi, mà là Thiên Chúa, cùng với tôi.”(1Cr 15: 10). Và Chúa cũng nói với Phêrô: “Từ nay, anh sẽ là người thu phục, chài lưới người.” (Lc 5: 11)

Cuối cùng, niềm tin dẫn đến nhiều điều tốt đẹp, nếu ta phó thác trọn vẹn nơi Chúa. Chúa sẽ tạo cho ta kinh nghiệm có một không hai. Tạo niềm vui biết để Chúa hoạt động trong cuộc sống của chính ta. Đây là kinh nghiệm ta cần san sẻ. Bởi, không phải vì ta được bảo: hãy làm thế. Mà còn vì, ta không thể không làm như thế. Sứ vụ của đồ đệ đích thực, sẽ đưa ta đến với sứ vụ đích thực. Là kinh nghiệm mà thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan từng bỏ tất cả, để theo Chúa.

Trong tinh thần dấn bước theo Chúa như các thánh đã làm, ta hãy hát lên lời ca vui, mà rằng:


“Người đi, đi không thôi; ngày thế giới lên nguồn vui.

ngát như hương lúa mùa, sẽ lên đường trở về.” (Phạm Duy – Lữ Hành)

Cứ vui. Và cứ đi. Tự khắc sẽ có kinh nghiệm. Về niềm tin. Người đồ đệ, của Đức Chúa.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Saturday 23 January 2010

“Tiếng hỏi tiếng chào, vang lối xóm”


Pháo từng chiếc một, đốt liền tay.
Mùa này quyết được, hơn mùa trước.
Cứ gọi tung trời, gậy lão bay ...

(thơ Lưu Trọng Lư)


Lc 4: 21-30


Nhà thơ khi xưa, nói chuyện sấm. Tiên tri hôm nay kể chuyện Đạo. Chuyện vui trong Đạo, nay thánh sử ghi nhiều tình tiết. Rất trình thuật.



Trình hay thuật, vẫn là giòng chảy tường trình, thuật điều Chúa nói, rất khi xưa. Ưa ứng nghiệm lời Kinh Thánh, ở Cựu Ước. Lời Cựu Ước tiên tri Isaya, nay thể hiện nơi chính Đức Giêsu. Đấng Mêsia người người đợi trông. Thể hiện, cả ở Vương quốc của Ngài, qua chữa lành. Hoà giải và hoá giải. Những là, giải thoát dân con của Ngài khỏi quyền uy của sự dữ/ác thần.



Từ đầu, dân con đã kinh ngạc về điều Đức Giêsu làm, nên mới hỏi: “Trẻ trai này há chẳng phải là con bác Giuse, thợ mộc sao?” Nghĩa là, con bác thợ mộc mà cũng thông hiểu mọi sự, ư? Họ trông đợi gì nơi Đức Giêsu, khi “thấy” được việc Ngài làm? Chúa đọc được ý nghĩ của họ, nên Ngài bảo: “Thầy lang ơi, hãy cứu lấy mình!” Điều này, không nên hiểu theo nghĩa: Chúa chữa được gì cho chính Ngài. Mà là, việc Chúa làm cho cộng đoàn Nadarét là điều dội vang ở Ca-pha-na-um và nơi khác, ở Ga-li-lê.



Kế đó, Chúa nói: “Không ngôn sứ nào được chấp nhận ở quê mình.” (Lc 4: 24) Minh chứng điều này, Ngài đưa ra trường hợp ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, hai vị được nối kết với việc Đấng Mêsia sẽ đến. Ê-li-a được gửi đến, là để trợ giúp bà goá ở Xi-đôn, vùng ngoài Do thái. Trong cơn đói . Ở trong vùng. Nhưng, sao ngôn sứ lại chỉ đến với người ngoại? Người Do thái cũng chịu một số phận, như người ngoài, chứ?



Cũng thế, ở Do thái, nhiều người phung hủi vẫn chờ và mong, được chữa lành. Thế mà, Ê-li-sa lại được gửi đến với Na-a-man. Tướng Xy-ri. Kẻ địch thù, của Do thái. Chúa kể chuyện, xem ra có vẻ khiêu khích? Trả lời vấn nạn này, cũng nên xem Tin Mừng thánh Mác-cô, có đoạn viết:



1. Dân thành Nadarét biết gia đình Chúa quá rõ, nên không sẵn sàng đón nhận Ngài. Họ cũng chẳng đón nhận thông điệp về Con người. Về sứ vụ Ngài thực hiện. Đây là ví dụ điển hình nói lên chuyện “bụt nhà không thiêng”. Tức, người quen không dễ chấp nhận chuyện “Ngài không chỉ là như thế, nhưng còn hơn thế nữa”.


2. Ở Tin Mừng thánh Mác-cô: Đức Giêsu chỉ chữa lành một đôi chút. Bởi, dân con ở đây không tin vào Ngài. Họ cũng chẳng có niềm tin nào hết. Ở đoạn khác, Tin Mừng cũng cho thấy: quyền uy Chúa chỉ chữa lành những ai thực sự tin tưởng. Hết lòng tin tưởng Ngài, thôi:“Hãy ra đi. Niềm tin của con đã cứu/đã chữa con.” Lời Chúa không mang tính khiêu khích. Kích động. Mà lời Ngài, chỉ diễn tả những gì xảy ra, ngay khi đó. Điều xảy đến, là: chính con dân Nadarét đã từ khước. Bác bỏ Ngài.



Trước nhất, dân con trong làng, là những người có thể nói lên mình cũng lĩnh nhận cùng một ân sủng. Một cung cách suy tư. Quyền bính, giống như thế. Nhưng khi quyền uy sức mạnh và ơn cứu độ trao cho Ngài, thì lại khác. Nên, khi nghe Chúa nói về chuyện dân con khó chấp nhận “bụt nhà mình”, họ lại xử sự như người ghen tức. Chỉ muốn xua đuổi khỏi thôn làng, nơi họ sống.



Nhưng, thánh Mác-cô nói: Ngài ngang qua làn mù sương, bỏ họ lại, mà ra đi. Đi, là đi vào cuộc sống của chính họ. Đi, bằng những lời gây khiếp sợ. Bằng, khuyến khích một nguyện cầu. Cầu, cho sự việc gây khiếp kinh, mình gặp phải. Sự việc, thường xảy đến với ta, như:



-Chúa ra đi, đến thẳng với ta. Với mọi người,

-Ta vẫn không nhận ra, là: Ngài đang hiện diện, ở với mình. Ngài là người sống quanh ta.

-Cả ta nữa, đôi lúc cũng khước từ Ngài.


Vì thế, Ngài mới đi. Đi một mình, không có ta. Và, vấn đề là: Ngài không bỏ rơi ta. Nhưng ngược lại, chính ta chối bỏ Ngài. Dù vậy, Ngài vẫn không tạo sức ép, bắt ta chấp nhận Ngài. Là tín hữu, ta cũng nên sẵn sàng mà đối đầu với tình huống nghịch chống lối sống Phúc Âm. Sống nghịch chống, thấy rõ ở bài đọc 2 trong đoạn thư do thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Cô-rin-tô, về quà tặng của Thánh Linh, ta vẫn nhận. Đó là tình yêu. Là, quà quý giá. Ơn đặc sủng.



Quả thật, tình yêu là quà đặc sủng. Yêu, là biết nhận lĩnh ơn đặc sủng. Rồi, cho đi. Cho, hết mọi người. Người Hy Lạp xưa, có 3 cụm từ để diễn tả chữ “yêu”, là: eros, philia agapè. Nói tắt, eros, là tình yêu say mê, rất thể xác. Tình của người trẻ. Dễ vỡ tan. Philia, là tình bằng hữu. Rất cố hữu. Đậm sâu. Chân thật. Là, quan hệ hỗ tương giữa hai người. Tình, hàm ngụ sự mật thiết. Rất trinh trong. Là, tình yêu cao vời vợi. Nhưng, không là tất cả. Ở vợ chồng. Tình, của hai người. Mà thôi.



Agapè, là thứ tình mà thánh Phaolô muốn nói. Ở đây. Tình thân thương nhất loạt. Không điều kiện. Luôn mở ngỏ. Để, mọi người yêu thương nhau, không đòi đáp trả. Quay ngược lại. Là, Tình thương Chúa vẫn có. Với mọi người. Tình đặc thù, của những người đi theo Chúa. Thực tình mà đi theo. Tình vẫn có, trong tương quan với hết mọi người. Ở khắp nơi. Agape, là Tình mà người người trao cho nhau. Cho, cả những kẻ hãm hại mình.



Thánh Phaolô nói: không có agapè tình rất mến, thì quà tặng của Chúa Thánh Linh sẽ mất ý nghĩa: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của thần thiêng đi nữa, nếu không có lòng mến, thì tôi cũng chỉ như thanh la phèng phèng. Giả như tôi nói tiên tri, biết hết mọi điều, có niềm tin chuyển núi dời non mà lại không có lòng mến, thì tôi cũng chẳng là gì hết…”(1Cr 13: 2-5)



Thêm nữa, các đặc thù của lòng mến agape, là sự nhẫn nhục. Hiền hậu. Không ghen tương. Vênh vang. Tự đắc. Không làm điều bất chính. Không tìm tư lợi. Nóng giận. Hận thù. Không mừng khi thấy gian ác. Nhưng vui, khi thấy điều chân thật. Agapè lòng mến, biết thứ tha tất cả. Tin tưởng tất cả. Hy vọng tất cả. Chịu đựng tất cả. Lòng mến không bao giờ mất đi. Vẫn kiên trì. Bền vững. Các ví dụ điển hình về lòng mến rất agape, ta đã thấy có ở Martin Luther King. Ở Mahatma Ghandi. Những vị, quyết triệt hạ bạo lực. Rất mực thách thức. Khẳng định phẩm cách của mọi người. Cả thù địch, lẫn người thân.



Tuy vậy, người có lòng mến, vẫn thấy đớn đau, đến với mình. Tại sao?


Đớn đau/âu sầu là kết quả của lỗi phạm. Của cuộc đời rất xung và rất khắc với tình thương. Với sự thật, Xung và khắc, sản sinh đớn đau thể xác. Sản và sinh nhiều cảm xúc lẫn tâm thần. Đớn đau/âu sầu đến từ quyết tâm thực hiện cung cách của sự thật. Của tự do. Lòng thương xót. Phúc Âm hôm nay, là ví dụ cụ thể về quyết tấm ấy. Giống Đức Giêsu, Đấng thương yêu trọn vẹn, hơn ai hết. Ngài vẫn bị dân con người đời khước từ, ghét bỏ. Rồi, huỷ diệt. Ngài chấp nhận đớn đau/âu sầu, để duy trì sự tốt lành và trọn vẹn, nơi ta.



Mâu thuẫn/đối chọi còn thấy nơi tình thương yêu/giùm giúp, hết mọi người. Giúp, không ý đồ. Thành kiến. Nhưng, vẫn bị khước từ. Ghét bỏ. Ghét và bỏ, từ các đấng bậc đạo đức như Pharisêu/Biệt Phái, nữa. Một kinh nghiệm xương máu được ngôn sứ Giêrêmia diễn tả ở bài đọc 1, khi trích dẫn Lời Chúa: “Ta đã thánh hoá ngươi. Đặt ngươi làm ngôn sứ cho muôn dân.” Và, Chúa nói:”Chính Ta đã làm cho ngươi nên thành trì kiên cố. Nên cột sắt tường đồng, chống cả xứ.” (Gê 1: 18) Chống lại khước từ và ghét bỏ, Ngài cam kết:“Ta sẽ ở với người để giải thoát.” (Gê 1: 19)



Đó là kinh nghiệm từng trải, mà các ngôn sứ truyền rao Lời Chúa đã và sẽ gặp. Luôn mãi. Mặt khác, thong điệp về Sự Thật và Lòng mến đã bị khước từ, cùng bác bỏ. Người công chính, vẫn bị bách hại. Lợi dụng. Nhưng, được Chúa bổ sức để đương đầu với mọi âu sầu. Đớn đau. Đó là quyết tâm của một Martin Luther King, đã lướt thắng. Thắng, khi ông ra khỏi nơi cầm tù. Đày đoạ. Dù vậy, khác với âu sầu/đớn đau do lỗi phạm tạo ra, vẫn còn đó niềm vui nho nhỏ. Vui tự tại. Vui an bình, Chúa phú ban.



Với quyết tâm thực hiện lòng mến rất agapè, ta cứ hân hoan, mà ca hát. Hát rằng:


“Đời phai mau, người ghen nhau,

Lòng vẫn cứ ngọt ngào,

Miệng ru nhau những ân tình sâu.” (Phạm Duy – Đừng xa nhau)


Vẫn ngọt ngào. Ru tình sâu, Dù, tình ấy có làm mình đớn đau. Âu sầu. Khóc hận. Vẫn nói với mọi người, Lời Chúa: “Không ngôn sứ nào được chấp nhận ở quê mình”. Và ra đi, mà nhận lĩnh. Tình thương của Đức Chúa. Vẫn dành để, cho mọi người.



Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com ;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Sunday 17 January 2010

“Tôi biết làm sao được hỡi trời?”

Giận anh, không nỡ! Nhớ không thôi!
Mưa buồn, mưa hắt, trong lòng ướt...
Sợ quá đi, anh..."có một người"!...

(thơ T.T.Kh)


Lc 1: 1-4, 8-10


Sự việc hôm xưa, nhà thơ không hay biết. Mới kêu Trời. Rất sợ. Sử thánh hôm nay, người viết đà ghi mọi diễn tiến. Có người chứng. Ghi, là ghi sự việc Chúa làm, từ đầu, như trình thuật rày đã tả.


Trình thuật nay, thánh Luca nói rõ: dù thánh nhân không được diện kiến Đức Giêsu, nhưng vẫn ghi lại giáo huấn của Chúa. Ghi tỉ mỉ, để ta cùng suy. Suy cho kỹ, không theo cung cách của người viết tiểu sử. Về nhân vật. Mà, chỉ suy và niệm, về công trình cứu độ Chúa thực hiện. Công trình gồm sự sống, nỗi chết và sống lại, của Đức Chúa. Để ta biết mà sống. Sống, chấp nhận theo Chúa Giêsu, như Vua Cha. Là Đức Chúa.

Phần hai trình thuật, là bước nhảy vọt nơi bài viết. Nhảy, từ lời tự sự mở đầu trình thuật để nói ngay từ đầu. Về, cuộc đời công khai của Đức Chúa. Từ thôn làng Nadarét. Có truyện kể, về Truyền tin. Về, ông Dacaria. Về bà Êlisabét. Ngày sinh của thánh Gioan Tẩy giả. Về sự việc Giáng hạ của Chúa. Cho đến phép rửa Ngài nhận từ người anh họ, là thánh Gioan. Về một cám dỗ. Ở sa mạc. Nhảy, là nhảy từ chương 1 đến chương 4, rất Tin Mừng.


Tất cả tuần tự diễn tiến, như đã báo trước. Báo, để chuẩn bị cho cảnh trí hôm nay. Cảnh, khởi đầu cuộc đời công khai. Và sứ vụ của Chúa, ngay hôm trước. Hôm, Ngài đến sông Giođan, để nhận phép rửa. Rồi sau đó, có kinh nghiệm từng trải, ở sa mạc. Từ đó, có “Sức mạnh của Thần Khí Chúa” xuống trên Ngài. Kế đến, trở về Galilê. Và Nadarét, nơi Ngài trưởng thành. Lớn lên. Cùng các thánh.


Đời công khai của Chúa, là hành trình cứu thế rất giản đơn. Đơn thuần và giản dị, xuất từ làng Nadarét tới Giêrusalem. Tất cả, là trọng điểm trình thuật mà thánh Luca muốn diễn tả, ở Tin Mừng. Ở sách Công vụ Tông đồ. Qua trình thuật, thánh Luca không diễn đi diễn lại việc các tông đồ đi đi về về, từ Galilê đến kinh thành Giêrusalem. Bề thế. Nhưng ở nơi đây, chốn thị thành của bình an - vui sống, Đức Giêsu chịu mọi khổ nhục, để rồi Ngài chấp nhận nỗi chết. Từ đây, Ngài trỗi dậy về với sự sống vĩnh cửu. Và trở nên Đấng Cứu Thế. Rất miên trường. Cũng từ đây, đồ đệ Chúa ra đi đến với mọi miền. Đến nơi cùng tận trái đất mà rao giảng Tin Vui An Bình, của Đức Chúa.


Chính vì thế, ngay ngày đầu cuộc đời công khai, Chúa đã vào hội đường như Ngài vẫn làm và sẽ làm, mọi ngày Sabát. Như mọi người. Để, giống như người Do thái khác, Ngài sẽ tuân thủ và kiện toàn Lề luật, Ngài chủ trương. Ở hội đường, không có thượng tế. Hội đường, là nơi người người đến, để hội họp. Suy tư. Nguyện cầu. Suy, về Kinh Sách. Cầu, với mọi người.


Khi suy tư, Chúa đứng thẳng người mà đọc đoạn sách ngôn sứ Isaya, họ đưa Ngài. Sách, nói về việc Mêsia, Đấng sẽ đến. Việc xảy ra, là việc Chúa tuyên bố Ngài chính là Mêsia, Đấng mọi người đợi trông. Ngài áp dụng lời ngôn sứ, cho chính Ngài. Rất rõ ràng. Từng lời lẽ, như: “Thần Khí Chúa ngự trên Tôi. Ngài xức dầu, tấn phong Tôi…” (Lc 1: 18)


Xức dầu, tiếng Hy Lạp muốn nói: Ngài là Vua Cứu Độ. Đấng Mêsia. Là, Đức Kitô. Tất cả, chỉ một nghĩa. Một tuyên xưng. Chương trình. Bày tỏ. Ta vẫn chờ. Chờ, Chúa tuyên bố về một sứ vụ. Lời mọi người chờ, nay được tuyên bố theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Rất biểu tượng.


Tuyên bố hôm nay, gửi thẳng đến kẻ nghèo. Nghèo và hèn, về vật chất. Cả những người bị giam hãm. Chốn lao tù. Đui mù. Què quặt. Bị khai thác. Ức hiếp. Trong khi thánh Mát-thêu nói về người nghèo kẻ hèn, về tinh thần. Thì, thánh Luca nói thẳng về người nghèo đích thật. Kẻ đói ăn. Thiếu mặc. Người thực sự khóc dở. Chết dở. Tuyên bố Chúa gửi đến, là niềm hy vọng. Hy vọng, được chữa lành. Giải thoát. Giải thoát và chữa lành, không như phép lạ, trên đời. Mà là, thay đổi tận gốc rễ. Để rồi, cùng với Đức Giêsu, ta sẽ chấm dứt các tình trạng tồi tệ ấy.


Thông điệp Chúa gửi, ngay từ đầu, đã mang ý nghĩa tượng trưng. Như tác giả người Brasil là Paolo Freire viết trong cuốn “Sư phạm của người bị o ép”, đã nhấn mạnh: ở đâu còn có ngưi giàu/kẻ nghèo, người mạnh/kẻ yếu, người áp bức/kẻ chịu áp lực, tất cả cần được giải thoát. Tất cả, sẽ đến với người nghèo thực sự, là người chưa phát triển đủ về mặt cảm xúc. Người đơn độc. Bị bỏ rơi. Bị choáng ngợp/đè bẹp vì của cải dư thừa, của người khác. Họ là những người nghèo thực sự. Như ta.


Số phận của những kẻ bị tù đày. Cầm cố. Chốn lao tù, nhưng không được đối xử một cách đúng phép. Những người sai phạm, cần được hoá giải. Để hồi hướng. Những người mong chờ được giải thoát. Vào một ngày rất xa vời. Những người tự do, nhưng vẫn sợ. Sợ bạo lực. Sợ khủng bố,. Sợ cả sự tự do, mình đang có. Tóm lại, họ là những người cần ta cầu bầu. Cưu mang. Gíúp đỡ.

“Cho người mù được sáng mắt”, mù loà, chưa hẳn là thương tật. Nhiều khi, chỉ là mù loà do thành kiến, ngu si, ganh tị hoặc một cảm xúc nào đó.


Nhà văn nọ, có viết: “Nhiều người vẫn sống cuộc đời tuyệt vọng, trong câm lặng.” Nhiều xã hội thường khoe khoang thành tích tự do no đủ, nhưng lại áp lực lên người dân của mình. Các nhà bất đồng chính kiến người Hoa, vẫn cứ phải đào thoát qua Mỹ để được sống một cách tự do. Dân chủ. Ở đây. Xã hội này, ta vẫn cần nhận ra rằng trong chừng mực nào đó, ta có sống dưới áp lực nào khiến ta vẫn làm được chuyện mà chẳng sợ ai, không?


Ngày hôm nay, lời của Chúa có tiếp cận được với ta không? Bài đọc 2, là câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi này. Vấn đề là: người tín hữu Đức Kitô hôm nay vẫn còn sống theo chủ nghĩa cá nhân. Đơn độc. Người người vẫn tự mình quán xuyến mọi sự. Quán xuyến cả chuyện sống đời giáo dân nữa. Nhưng, ảnh hình mà thánh Phaolô muốn diễn tả ở đây, là ở điểm: chúng ta là chi thể của một Thân Mình. Mỗi chi thể tương tác với nhau qua việc cho đi và nhận lấy. Mỗi người đều nhận cũng một phần ân huệ, như nhau. Bằng nhau.


Bởi, nếu người nhận nhiều kẻ được ít, thì Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay không trở thành thực tại sống động, cho mọi người. Vì là chi thể của Thân Mình Chúa, hẳn là ta phải giùm giúp mọi người sống kinh nghiệm từng trải để làm giàu cho nhau. Làm giàu, bằng cách vượt thắng mọi cảnh nghèo hèn. Cơ cực. Cùng nhau tạo thị kiến sống động mà bỏ đi cảnh mù loà, trong nhận thức. Để, có được sự tự do giải thoát khỏi mọi áp bức. Bất công. Tệ nạn. Đó chính là, điều Chúa muốn ta có.


Cuối cùng, ta chưa nhận ra được sự tương phản việc tuyên bố về Lề luật ở bài đọc 1 với Lời của Chúa, ở Tin Mừng. Chưa nhận ra rằng: lề luật, vẫn là việc thiết yếu cho phẩm giá. Cho quyền làm người. Và, tự do. Nhưng, điều Chúa nói, có nội dung mới lạ, chính là: lòng thương xót. Đó mới khác.


Trong tinh thần đón nhận điều mới và lạ Chúa gửi đến, ta cứ vui mà ca mà hát, hát rằng:


“Thanh niên, thanh niên hoa thơm tuổi thơ

Tương lai, tương lai đang mong chờ ta

Vai ta gánh sơn hà, tay ta giữ quê nhà

Lòng rộn ràng say sưa như xuân mới.” (Phạm Đình Chương – Bài Ca Tuổi Trẻ)


Đón nhận Lời Chúa, với lòng thương xót/Xót thương sẽ biến người người thành những bạn trẻ. Trẻ, để đưa vai gánh lấy sơn hà. Một giải. Giải sơn hà, rộng lớn như Tương Lai Nước Trời. Đang chờ ta.


______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc:www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com



Tuesday 12 January 2010

“Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ”

của hương hoa, trong trắng lờn lợt bay,

của lời câm, muôn vì sao áy náy

Hiều gì không em hỡi! hiểu gì không?


(thơ Hàn Mặc Tử)


Ga 1: 1-18


Hiểu gì không, là câu hỏi gửi đến muôn người. Người nghe. Người đón nhận LỜI. Hiểu gì không, là một nhắn nhủ: LỜI có từ “Lúc khởi đầu”. Trước khi ánh tinh hà chiếu soi dương gian, để ta thấy. Thấy và hiểu rằng: LỜI đã nhập thể. Và nhập thế. Như trình thuật kể cho mọi người. Ở thế trần.



Trình thuật ta nghe hôm nay, thánh Gioan kể về LỜI Nhập Thể. Về việc, Chúa nhập vào với thế trần. Theo cách thế đặc biệt. Thiết thân. Rất đánh động người nghe.



Trình thuật về LỜI, thánh sử đã nhận định: ”Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời”. Khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Có trước khi mọi vật hiện hữu. Lời, theo người Hy Lạp cổ, là Logos. Là, Thiên Chúa. Chính Ngài tỏ rõ cho mọi người. Bằng chính Ngôi Lời để trao đổi. Thông thương. Kết hiệp.



Tuy nhiên, Ngôi Lời không là lời lẽ thông thường chỉ để nói. Ngôi Lời còn sáng tạo. Giáo huấn. Ủi an. Như trình thuật diễn tả: “Nhờ Lời, mà muôn vật được tạo thành.” Tạo thành từ những vật lớn như 50 tỷ giải Ngân hà. Cho đến vật li ti như phân tử. Nguyên tử. Là Đấng Sáng tạo muôn trời đất, LỜI đem lại Sự Sống. Như thánh sử từng ghi: “Điều đã thành sự nơi LỜI là sự sống.” (Ga 1: 4)



Và, Sự Sống lại là Sự Sáng. Vì thế, về sau Ngôi Lời xác nhận Ngài chính là Sự Sáng cho thế gian. Sự Sáng chính là Ngài. Nhờ có Ngài là Sự Sáng, ta nhìn thấy được sự việc, trong tăm tối. Tăm tối bao trùm trái đất. Tăm tối, ở quanh ta. Và, ta có thị kiến về sự sống. Có ý hướng, để sự sống cứ thế mà tuân theo.



Dù thế, trần gian vẫn không biết và cũng chẳng nhận ra Ngài. Chẳng có kiến thức gì về sự hiện hữu của LỜI. Trần gian/dân Ngài, thậm chí, còn chối bỏ LỜI Ngài, như thánh sử rày đã ghi: “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1: 11) Nhưng, những ai đón nhận Ngài, cũng đã đặt hết tin tưởng nơi Lời. Đã đặt mình ngang hàng với Ngài. Để rồi, Ngài cho họ được làm con cái của Thiên Chúa. Gọi Thiên Chúa là Cha, Hơn thế nữa, qua sự đón nhận và quyết tâm với LỜI, dân con được có tương quan mật thiết với Đức Giêsu. Được trở thành anh em cùng một Cha, trên trời.



Cũng từ đây, thánh Gioan bộc lộ thêm cho ta biết về nhiệm tích Nhập Thể: Ngôi Lời được sinh ra, không do ước muốn của xác phàm loài người, nhưng vì ý định của chính Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu Kitô. Ngài được sinh ra từ thân xác của Đức Nữ Trinh Maria như thánh Gioan quả quyết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1: 14). Bằng vào ngôn từ của thánh Gioan, xác phàm đây, sẽ không theo nghĩa tiêu cực, nghịch với linh thiêng/tinh thần.



Rồi từ đó, Ngôi Lời, nơi Đức Giêsu Kitô, sẽ vào với trạng thái mỏng dòn của con người, cách trọn vẹn. Ngài nhập vào với con người thật. Con người thấy được. Nghe được. Sờ chạm được. Có đủ giác quan. Tư tưởng. Tình yêu. Như thế, đối nghịch lại phái Ngộ Đạo. Rối Đạo. Tức, những vị không thể chấp nhận được chuyện Thiên Chúa mà lại có thể thẩm nhập vào với thân xác đầy những lỗi phạm. Sơ xuất. hèn kém. Giống như ta.



“Và Ngài cư ngụ giữa chúng ta”, hoặc nói nôm na, thì: ”Ngài đã dựng lều ở với chúng ta”. Lời này, dẫn ta về với thời của sách Xuất Hành, lại đã vang vọng nơi trình thuật của thánh Gioan, hôm nay. Vào hời Xuất hành, Gia-vê Thiên Chúa vẫn hiện diện với người dân lưu lạc Israel ở lều tạm. Ở nơi đó, có gìn giữ Hòm Bia Giao Ước, và bia đá ghi Lề Luật. Bằng vào lời của thánh sử, thì: Thiên Chúa nay hiện diện nơi lều mới, tức là Thân Mình Đức Giêsu.



Tất cả những điều vừa nói, nhìn theo góc độ nào đó, có vẻ trừu tượng, mang tích cách biểu trưng. Nhưng, nay được cụ thể hoá và dễ tiếp cận hơn, qua câu chuyện về hang bò lừa, ở Bê-Lem. Bởi, ngang qua LỜI mặc xác phàm làm người, chúng ta mới có thể thấy được vinh quang và nét diễm kiều của Thiên Chúa. Qua LỜI, ta được phép hiểu biết theo chừng mực nào đó, Thiên Chúa thực sự là ai.



“Thiên Chúa chưa bao giờ có ai thấy được; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa, chính Người đã tỏ cho ta biết.”(Ga 1: 18) Đức Giêsu là Vị Trưởng Tế. Ngài là Đấng dựng nên chiếc cầu nối liền giữa Thiên Chúa và con người. Nhìn Hài Nhi Thiên Chúa nằm trong máng bò/ lừa, ta thấy được Thiên Chúa, nhưng dễ bị lôi cuốn vào thái độ chỉ nhìn Ngài theo tầm mắt của con người phàm. Nhìn tồng thể.



Và vì thế, ta nên duy trì trước mắt, hai thái cực: một bên là Ngôi Lời hiện hữu từ cõi vô tận và bên kia là Hài Nhi Thiên Chúa sinh ra trong khoảnh khắc rất nhỏ của lịch sử. Ở chốn tối tăm. Khi ta nhìn Đức Giêsu và nghe Ngài giảng dạy, là ta thấy và nghe chính Thiên Chúa, theo một ý nghĩa. Phía bên kia, ta chỉ có được một thoáng mắt lờ mờ về thực tại tổng thể chưa mở ra cho ta thấy.



Nay, trình thuật giúp ta hiểu thêm:“Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã nhận lãnh hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1: 16)Trong cùng một tinh thần, bài đọc 2 cho ta thấy sự liên kết gắn chặt ta với Ngôi Lời, như sau:“Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.” (Êp 1: 4) Làm sao thực hiện được chuyện đó? Bằng vào “tình thương yêu nơi Ngài hiện diện.”



Thực hiện được, vì chính Chúa đã quyết định là: “Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.” (Êp 1: 5) Đây chính là lời mời gọi, Ngài gửi đến cho ta. Là, ơn thiên triệu kêu mời mỗi người chúng ta. Đó, cũng là ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh. Nhập thể. Và Nhập thế. Giáng sinh, để ta sống cuộc sống hoàn toàn tin tưởng. Dứt quyết đi theo đường lối Chúa chỉ dạy. Để, yêu thương tất cả mọi người, những người anh người chị của chúng ta.



Hiểu được thế, ta cũng nên hợp lòng cảm tạ ân huệ cao cả, Chúa phú ban bằng lời hát, rằng:


“Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng

Bao sinh linh nhận phép giải oan.

Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ.

Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người .

(Trầm Tử Thiêng – Có Tin Vui Giữa Giờ tuyệt Vọng)



Tin Vui là như thế. Tin Mừng, còn hơn vậy. Vui Mừng, vì Ngôi Lời đã ra tay làm thế. Để người người được nối kết với Thiên Chúa. Ơn Trên. Ơn cao cả. Thật vững bền.


Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch



(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Thursday 7 January 2010

“Tội nghiệp chúng ta những người thành phố”

Những ai ngổn ngang quá khứ của mình
Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”
Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật.”

(thơ Đỗ Trung Quân)

Lc 3: 15-16, 21-22

Người thành phố, hôm xưa tẩy rửa lý lịch đen, để tìm chỗ. Người nhà Đạo, hôm nay cũng rửa tẩy tâm hồn, như Đức Kitô để thánh Gioan thực hiện, như trình thuật từng đã ghi?

Trình thuật thánh Luca nay ghi lại một loạt các sự kiện lịch sử thánh, Chúa bày tỏ. Ngài tỏ bày trước nhất sự kiện Giáng hạ có một không hai, Chúa ở cùng. Cùng người tội lỗi, đớn hèn, “lý lịch đen”. Bần cùng. Cô phụ. Thấp kém. Tiếp đến, Ngài tỏ bày bằng Lễ Hiển Linh cho người ngoài Đạo. Ngoài luồng. Cùng đạo sĩ. Tỏ bày ngày hôm nay, Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Kitô. Hoạt động trong Ngài và qua Ngài, như các thánh sử từng ghi chép.

Nhìn Chúa chấp nhận để cho thánh Gioan thanh tẩy, hẳn có người sẽ bảo: cần tẩy rửa, chỉ đám bần hàn lỗi phạm, nào phải Chúa? Hơn nữa, ta vẫn khẳng định: Chúa mặc lấy xác phàm làm người, mọi sự giống như ta, trừ tội lỗi. Đã vô tội, lại không lỗi, sao Chúa vẫn để cho rửa? Lại nữa, chính thánh Gioan từng xác quyết: “Có Đấng mạnh hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em, trong Thánh thần, và Lửa.” (Lc 3: 16)

Có hai chi tiết cần chú tâm hầu trả lời cho thắc mắc, nêu trên. Khi chấp nhận để cho Gioan thanh tẩy, Chúa tỏ cho thấy Ngài kết hợp trọn vẹn với con người. Thánh sử Gioan, viết: “Lời đã nhập xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1: 1). Thánh sử không viết: ngôi Lời đã thành người. Nhưng bảo: “Ngài đã nhập xác phàm”. Theo ngôn ngữ Kinh Sách, cụm từ “xác phàm” mang nghĩa hèn kém. Tồi tệ. Giống người phàm. Như ta. Nghĩa là, Chúa cũng có cảm xúc. Phản ứng. Quyết tâm. Như ta. Nhưng, Ngài khác ở chỗ: không phạm lỗi. Chẳng làm điều sằng bậy. Sai trái. Chính vì thế, nhóm Pharisêu trách cứ Ngài vẫn đồng bàn, ăn uống với kẻ yếu hèn. Tội lỗi.

Dù mang tư cách của Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, Ngài không đòi dấu hiệu ngoại hình cần ưu ái. Phân biệt. Đa phần vào mọi lúc, mọi người nhìn Ngài như bất cứ mọi người. Không bon chen. Tị nạnh. Làm phách. Chả thế mà, khi đến hội đường mà nguyện cầu, hàng xóm lân cận cứ ngỡ ngàng, chẳng hiểu được sự việc đang diễn tiến. Nói cách khác, những ai từng sống bên cạnh Ngài ở quê nhà nhiều năm nhiều tháng, vẫn không nhận ra được bản vị riêng tư, con người của Ngài.

Thứ đến, có điều khác biệt đang xảy đến vượt quá một tẩy rửa bình thường. Như thánh sử Luca viết: “Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, đang khi Ngài nguyện cầu” (Lc 3: 21). Vào những lúc quan trọng trong cuộc đời công khai hoạt động của Đức Giêsu, thánh sử Luca đều trưng dẫn sự việc Chúa “đang nguyện cầu”. Và, đó là lúc “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài theo hình dạng chim bồ câu.” Lại có tiếng của Cha, từ trời phán: “Con là Con Cha. Nay, Cha sinh ra Con.”(Lc 3: 22)

Theo cung cách người phàm, đây là hành vi xác nhận việc “uỷ thác” Đức Giêsu đến với mọi người. Có thể gọi đó là một kinh nghiệm từng trải về “Lễ Ngũ Tuần”. Một Lễ hội, qua đó Thiên Chúa là Cha ủng hộ/tiếp sức cho Con Ngài là Đức Kitô khởi đầu sứ vụ cứu nhân độ thế, rất chính thức.

Thành thử, ngang qua thanh tẩy, Đức Giêsu đã chính thức nhận “Bài Sai” ra đi thực hiện sứ vụ Cha Ngài uỷ thác mà giáo huấn, chữa lành và giải thoát các tâm hồn vẫn còn làm thân nô lệ tội lỗi. Xác phàm. Nhục thể. “Bài sai” Ngài lĩnh nhận, diễn tiến đến cao điểm vào lúc thống khổ. Chết nhục. Và Phục sinh, quang vinh.

“Bài sai” Chúa lĩnh nhận, được diễn tả bằng ảnh hình gói ghém ở bài đọc 1, ở sách Isaya và bài đọc 2, ở thư thánh Phaolô gửi Titô. Tiên tri Isaya quả quyết “Mọi thung lũng được lấp đầy. Núi đồi được bạt xuống. Nơi lồi lõm hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề thành đất phẳng phiu.” Và, Chúa đến qua Bản vị Đức Giêsu, khi ấy “Ngài chăn dắt đoàn chiên, như mục tử. Ngài tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Ngài ấp ủ trong lòng. Bầy chiên mẹ, Ngài tận tình dẫn dắt.” (Is 40: 10-11).

Bài đọc 2, thánh Phaolô nói: “Chúa đến đem ân sủng cứu độ cho mọi người. Ân sủng dạy ta từ bỏ lối sống vô luân, những đam mê trần tục.” Và, có như thế ơn thanh tẩy của chúng ta mới nối kết với phép rửa của Đức Giêsu. Bởi, “khi Đức Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu độ ta xuất hiện, Ngài cứu vớt ta. Cứu vớt, không vì ta tự sức mình làm nên, nhưng vì Ngài thương xót. Và, Ngài cứu ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để ta được tái sinh và đổi mới.” (Tt 2: 5-6) Xem như thế, Ngôi Lời-mặc-xác-phàm đã giải thoát ta khỏi cảnh suy đồi. Sa ngã. Rất phạm lỗi.

Ngày Chúa nhận thanh tẩy, Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Ngự xuống, không phải cho riêng mình Ngài. Nhưng, để rồi Ngài đem “công chính đích thực” đến với mọi người. Một xã hội công chính.Ở nơi đó, mọi người đều có những gì mình cần. Ở chốn ấy, phẩm cách của họ được thượng tôn. Công nhận. Và, người người được sống trong tương quan đúng đắn. Xứng hợp. Tương quan, sống với nhau. Với Chúa. Trong yêu thương. Lành thánh. Dễ chịu.

Cùng với thánh Luca, thánh sử Mát-thêu cũng áp dụng lời tiên tri Isaya vào Tin Mừng, thánh nhân viết: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12: 19-20).

Ở đây nữa, bằng vào những hình ảnh thật thơ mộng, đầy thương xót, thánh nhân diễn tả tâm tình của Đức Giêsu đón chào người tội lỗi. Ngồi cùng bàn với họ. Hoặc, như ảnh hình của vị Mục tử dám bỏ 99 chiên lành một chỗ, chỉ để ra đi tìm chú chiên lạc. Chân phương. Bé nhỏ. Để đem về.

Cũng trong tình huống áp dụng lời lẽ của tiên tri Isaya, để diễn tả tâm tình Đức Giêsu khi lĩnh nhận phép rửa, thánh sử Mát-thêu, ghi tiếp:Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” (Mt 12: 20-21)

Tâm tình của Đức Giêsu khi nhận lãnh thanh tẩy, là tâm tình bất chấp mọi đối kháng. Chối bỏ. Và, thù địch từ bất cứ nơi đâu, ngài vẫn kiên trì đến cùng đích. Quả thật là thế. Cả vào lúc, chừng như Ngài bị huỷ hoại và tận cùng bằng cái chết khổ nhục, Ngài vẫn nối kết hài hoà cả triệu triệu người, thuộc mọi thế kỷ. Công cuộc cứu độ của Ngài đã giải thoát hết mọi người chúng ta. Đưa ta về chốn tự do, con cái Chúa. Đó chính là ý nghĩa đích thực của sự kiện “Chúa chịu thanh tẩy”. Bởi Thánh Thần. Đó, là “bài sai” Cha uỷ thác. Riêng cho Chúa.

Cử hành tiệc thánh mừng Chúa chịu thanh tẩy, nay còn là cơ hội để ta suy tư về chính ơn thanh tẩy, ta lĩnh nhận. Đây không là nghi thức công nhận ta thành người theo Chúa. Công giáo. Hoặc, Chính thống. Tin Lành. Anh giáo. Cũng không là tiệc tùng với lễ lạy kéo dài dăm phút, với những cử chỉ, động tác rất phù thuỷ. Nhưng, là khởi đầu một hành trình trải dài trong cuộc sống. Hành trình tăng trưởng và lớn lên trong Thân Mình của Đức Chúa. Qua tư cách thành viên.

Ơn thanh tẩy của ta, chính là kinh nghiệm của đời sống cộng đoàn. Không chỉ là đời sống tư riêng. Sự kiện của gia đình, dù rất giống. Thanh tẩy, như “bài sai” dẫn ta tham gia vào cuộc sống của Hội thánh. Tham gia, không như động thái thụ động. Miễn cưỡng. Bó buộc. Mà, như ngôn từ của vị tổng thống nọ, từng nói: “Hãy chớ hỏi Hội thánh làm được gì cho ta, nhưng ta làm gì được cho Hội thánh.” (Tổng thống John F. Kennedy).

Nhận thanh tẩy, mỗi người trong ta đều là chứng nhân sống động cho Tin Mừng. Là, muối cho thế gian. Là, phố xá trên đồi cao. Là, ánh ban mai toả khắp chốn. Cho mọi người. Thanh tẩy, là lời mời không kết đoạn. Mời gọi ta dấn bước theo chân Chúa. Mỗi ý mỗi lời của tiên tri Isaya đều áp dụng cho mỗi người. Những người từng lĩnh nhận ơn thanh tẩy. Như Đức Chúa.

Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong sao có được quyết tâm làm mới niềm tin ta vẫn giữ. Làm mới quyết tâm theo chân Chúa. Theo Chúa, để thực hiện “bài sai” Ngài gửi đến. Theo Ngài, để hợp tác với Chúa. Với mọi người. Trong công trình dựng xây Hội thánh. Dựng và xây cộng đoàn tình thương Nước Trời, vẫn diễn ra ở đây. Bây giờ.

Trong nhận thức như thế, hãy cất lên lời ca mà hát xướng, dù lời ca có buồn bã, như sau:

“Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng

Từng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn

Chơi vơi hồn ai tới chốn xa xôi!

Khuất bóng Kim-Ô chiều tàn lâm ly mây trời bao la.”

(Lâm Tuyền - Khúc Nhạc Ly Hương)

Ra đi, không mang tâm trạng ly hương/chiều tàn, nghệ sĩ hát. Nhưng, vẫn hiên ngang hùng dũng, với khí thế của người nhận “bài sai” thanh tẩy. Nhận, để lập hành trình đi vào cuộc sống yêu thương, có Hội thánh. Có cộng đoàn Nước Trời cùng đi. Cùng sống với ta. Trong cuộc đời.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com .

Monday 4 January 2010

“Cứ mãi trôi theo giòng đời dang dở”


Thuở hồn nhiên con mới biết yêu người.

Nghiêng ngó mãi, cũng trầm luân khói phủ,

Chờ ta về, nối tiếp cuộc rong chơi.”

(thơ Trần Như Xuyên)

Mt 2: 1-12

Có nối tiếp rong chơi trong đời, thì giòng đời cứ mãi dở dang. Dở dang, nào biết Chúa hiển hiện với nhân gian, đời muôn thuở. Theo cung cách mở lòng với dân gian người phàm, qua trình thuật.

Trình thuật hôm nay, kể về Hài Nhi Đức Chúa đã tỏ bày cho người dưng khách lạ, chốn ngoài Đạo. Các vị đến, để bái phục lạy thờ Chúa chấp nhận thân phận mọn hèn, trẻ thơ ngây. Và đây, còn là chủ đề mà thánh Mát-thêu có nhắc đến trong Tin Mừng, Lời Chúa dạy: “Hãy ra đi thâu nạp môn đồ, khắp muôn dân” (Mt 28: 19).

Nhưng, vấn đề là: trình thuật hôm nay có là bản tường trình về các nhà “đạo sĩ” , như một chi tiết hiển hiện rất thật?, hoặc, vẫn chỉ là là một truyện kể, rất nhỏ bé, không hơn không kém? Trước tiên, là truyện kể. Một tường trình đặt nặng lên các sự kiện ít thấy, như: nhiệt độ giảm sút còn 10 độ C. Trời đêm thanh vắng. Lác đác mưa rơi…

Trình thuật Tin Mừng, dù chỉ là một truyện tích Thánh Kinh, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa. Thành thử ra, khi đọc truyện tích Tin Mừng, ta cũng đừng nên hỏi: “Sự việc xảy ra có thật không ta?” Thật ra, cũng chỉ nên hỏi: ”Điều ấy có nghĩa gì, cho riêng mình?” Bởi, sự thật của truyện kể vẫn nằm trong ý nghĩa của nó. Chứ không phải ở sự việc này nọ có liên quan đến cốt truyện, mà thôi.

Xét về truyện, sự việc diễn ra ở đây, có phần mơ hồ chứ không rõ nét như một bài báo/bản tin, trên truyền thông. Bởi, khi có thông cáo trên báo/đài, người người đều muốn có giải mã cho câu mình hỏi: gì thế? Ai vậy? Tại sao? Ở đâu? Bao giờ? Sự việc diễn tiến ra sao? Truyện kể hôm nay thật khó mà có được câu giải mã thích hợp, cho các chấm hỏi, ở trên.

Thêm vào đó, Chúa Hài Đồng chốn quê nghèo miền Bê-Lem, ta chẳn thể nào biết hết được sự việc rất hiển và rất linh xảy đến vào thời khắc nào, sau Giáng Sinh. Kinh Sách không kể rõ chi tiết, là bởi điều đó không quan trọng bằng ý nghĩa của trình thuật. Theo truyền thống, Tin Mừng do thánh Mác-cô và Mát-thêu viết, cũng chẳng nói rõ về chuyện này.

Trả lời cho câu hỏi: các “nhân sĩ” Đông Phương, họ là ai? Các ngài, từ đâu đến? Thì, tiếng Hy Lạp gọi các ngài là “Magi”. Văn minh phương Tây coi các ngài, như một nhóm. Một giai cấp riêng biệt gồm các kinh sư, viện sĩ. Các ngài được mọi người tưởng nhớ, như giấc mộng. Như ước vọng, thì đúng hơn. Ước và vọng, của bậc chiêm tinh. Giải đoán. Rất “đạo sĩ”.

Mãi về sau, truyền thống Giáo hội gọi các ngài là “ba Vua” thuộc trời Đông, cố là để ứng nghiệm lời thánh vịnh 72 có câu: Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,hàng vương giả sẽ về triều cống. C những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật.”(Tv 72: 10). Và, sách Isaya, cũng nói: “Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy.” (Is 49: 7)

Kinh Sách chẳng nói gì đến tên tuổi của các ngài. Gồm bao nhiêu vị? Chỉ biết là truyền thống Giáo hội, nói có 3. Và nếu đếm, mọi người đều thấy những 3 món quà. Nên, mới gọi tên 3 vị, là: Caspar, Balthazar và Melchior. Caspar, là vị được coi như da ngăm ngăm. Chính vì thế, ông được coi như đại diện cho dân con ở ngoài. Ngoài Đạo. Ngoài luồng. Nhưng ông vẫn đến với Chúa. Tin Mừng nói, các ông “xuất tự phương Đông”. Có thể là: Ba Tư, Đông Xyria, Ả Rập. Tức, thuộc vùng sâu vùng xa, ở Châu Á. Rất lạ, Thần học gia Aloysius Pieris có viết: “Điều đáng nói, là: việc này rất có nghĩa. Các đạo sĩ đến từ phương Đông, không có nghĩa họ là nhân sĩ địa phương nhận ra ánh sáng Chúa dẫn đường, về với Ngài.”

Trình thuật hôm nay, nói đến “vì sao lạ”. Sao lạ, có là “sao chổi”, “sao băng”, hoặc hiện tượng “Nổ lớn” giữa các hành tinh, mang ý nghĩa lớn với đạo sĩ? Và, chuyện dõi bước tìm ánh sao có thực không? Làm sao ta biết vì sao lạ mình tìm, lại “ở ngay trên đầu”? Bởi, có đi cả trăm cây số đường dài, thì “sao lạ” vẫn cứ ở trên, rất đỉnh đầu! Có lẽ, ta đang phí phạm thì giờ. Phí phạm cung cách nhìn ngắm sao lạ chiếu sáng?

Trình thuật, không đặt nặng lên sự kiện lịch sử. Nhưng tập trung vào bối cảnh thông thường của Tin Mừng thánh Mát-thêu. Tức: Thiên Chúa, ngang qua bản vị của Đức Giêsu, đã đi bước trước, để đến với thế gian. Và điều khác nữa, là; các nhà lãnh đạo tôn giáo, các vị thượng tế trong Kinh Sách, tuy biết rõ Đức Mêsia đã giáng hạ, ở đâu, hôm nào, vẫn chẳng tỏ bày cố gắng để tìm hiểu về Ngài.

Ngài giáng hạ ở ngay thôn làng bé nhỏ đất Bê-Lem, là “đầu thôn cuối xóm” với thành Giêrusalem là thế, mà bạo chúa Hêrôđê, đã phải vận dụng mọi phương cách để thực hiện việc quét sạch mối đe doạ xa vời. Không thiết thực. Không gây nguy đến ngai triều, của bạo chúa. Trong khi đó, người dưng khách lạ ở quê làng, lại đã bỏ thì giờ vàng ngọc ra mà tìm kiếm. Kiếm tìm, để rồi mải miết ra đi tìm về ánh sao đích thực, mà chiêm ngưỡng. Kiếm và tìm Vua Do Thái bé nhỏ, để dâng lời chúc tụng. Ngợi khen. Tặng phẩm vật.

Là những người cũng chúc tụng ngợi khen tặng phẩm vật, các vị đã tiến dâng “vàng”, “nhũ hương” và “dược thảo”. Quà tặng, là để ứng nghiệm sách Isaya đoạn 60 câu 6, được trích ở bài đọc 1, để nghiệm lại:“Họ đem vàng và nhũ hương”. Kinh Sách viết thêm: Vàng là biểu tượng cho tính rất Vua, của Đức Chúa. Nhũ hương, biểu trưng cho bản chất thần linh chí thánh của Đức Giêsu. Và dược thảo, biểu lộ niềm khổ đau, nỗi chết rất cứu độ. Tất cả, bao gồm những đức hạnh. Nguyện cầu. Khổ đau.

Hiên Linh hôm nay, cho ta biết: với Chúa, không ai là người dưng khách lạ. Hoặc, ngoài luồng. Với Ngài, tất cả đều là con cái Chúa. Được Chúa thương yêu. Ngài không phân biệt ngoại hình. Văn hoá. Không so đo hơn thiệt. Mọi người đều cùng một gia đình. Có cùng một Cha. Đều được phép gọi Ngài: Cha ơi!

Điều đó có nghĩa: mọi người trong ta đều là người anh, người chị, trong gia đình. Đối xử với nhau như anh em một nhà. Nhà Chúa. Dù, ta có khác về tôn giáo. Giai cấp. Sắc tộc. Nhưng, ta cùng một nhà với Ngài. Và trong nhà Ngài, không có chỗ cho thói tật kỳ thị. Phân biệt. Chia cách.

Các sự kiện kể trong trình thuật có thể mù mờ. Nhưng thông điệp Ngài gửi, thật rất rõ. Rất đậm đà tình thương. Thế nên, hãy cảm tạ Chúa vì nay không ai là “dân riêng Chúa chọn”. Dù bạn là Do Thái. Dù tôi là tín hữu Công giáo. Rất Kitô. Hãy cố cảm thông và nhận thức cho đúng. Nhận rằng: Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng trời đất rất muôn loài, Ngài đi bước trước để đến với nhân gian trần thế, rất người phàm. Ta noi theo.

Là người phàm, ta nên đến với nhau. Đến, để gần nhau. Như người thân. Đến, mà làm chứng cho mọi người thấy: không ai là người dưng khách lạ. Nhưng, tất cả được gọi mời làm người thân. Rất gia đình. Vì, tất cả được kêu mời trở thành anh em, là thế đấy. Cả đến Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cũng đã đến. Cả người giàu/kẻ nghèo. Người sang/kẻ hèn. Khoẻ mạnh/ốm đau, đều được Chúa quan tâm. Kêu mời đến với nhau. Thành gia đình. Người thân.

Cuối cùng, cũng nên tự hỏi: có ánh sao nào chiếu sáng đời mình, chăng? Khi xưa, đạo sĩ nhân hiền ngoài luồng, nhìn ánh sao đã biết đường, mà dấn bước. Nhưng người dân thị thành trong Đạo. Trong Chúa. Ở thành thánh Giêrusalem lại không biết đường, làm thế. Và cũng nên hỏi: tại sao Chúa gửi ánh sao chiếu sáng để gọi mời cả ta nữa, lúc này? Gọi để làm gì? Để nói những gì? Ngài có muốn ta dấn bước tìm Ngài? Theo ngài. Nơi người dưng khách lạ, mà phục vụ? Giúp đỡ? Giúp, những ai có vấn đề tương tự. Giúp những người chưa từng một lần tìm “Ánh Sao”, Chúa gửi. Đó là khúc ngoặt cuộc đời, đầy biến đổi. Là, khúc đoạn đường đời, người vẫn hỏi: đâu là tương lai cuộc đời, của ta?

Thánh Y-Nhã viết trong cuốn “Luyện tập Tinh thần” có nói về những người lập gia đình xong, đã hỏi:“Giờ thì, Chúa muôn tôi làm gì?” Hiển Linh lễ hội hôm nay, nhắc cho thấy: ta vẫn ngưng đọng ở chốn cũ. Ở giai đoạn tốt xấu, khó đổi thay. Có, quyết định đúng sai, khó huỷ hoại. Nhưng chẳng bao giờ là quá trễ, để ta kiếm tìm “sao lạ” cho riêng mình. Và cứ thế, hãy dõi theo ánh sao đêm, ngay điểm tụ, mình đang sống.

Nhân sĩ ngoài luồng không rõ vị trí sao lạ, dẫn mình đến. Các vị, vẫn ra đi. Ra đi, ghé chốn Bê-Lem. Mà gặp Chúa. Chắc chắn các ngài chẳng khi nào tiếc nuối việc mình quyết định. Ta cũng thế, nếu có quyết tâm. Lòng quả cảm. Và, niềm tin sẵn có để noi theo mẫu mực mình đã quyết, chắc rằng rồi ra, ta sẽ tiếc. Nếu quả là như thế, thì Hiển Linh hôm nay, sẽ là ngày để ta khởi đầu một quyết tâm, mà làm lại. Làm, như đạo sĩ phương Đông. Tìm Ánh Sao, Chúa dẫn đường. Về chốn thánh.

Trong quyết tâm ấy, ta thong dong vui hàt những lời đầy ý nghĩa, về dấn bước:

Theo em xuống phố trưa mai đang còn nhức mỏi đôi vai

Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau

Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay, những ngày…tình buồn”

(Lê Uyên và Phương – Vũng Lầy Của Chúng Ta)

Tình có buồn, vì cứ theo em xuống “Vũng Lầy Của Chúng ta”. Nhưng, nếu ta tìm Chúa Đấng Hiển Linh có niềm yêu thương tín thác, và dấn bước, thì “ánh sao” ngày lễ hội sẽ soi đường chỉ lối đưa ta về với Sự Thật. Và Sự Sáng. Suốt đường đời.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc:www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)