Tuesday, 12 January 2010

“Hiểu gì không, ý nghĩa của trời thơ”

của hương hoa, trong trắng lờn lợt bay,

của lời câm, muôn vì sao áy náy

Hiều gì không em hỡi! hiểu gì không?


(thơ Hàn Mặc Tử)


Ga 1: 1-18


Hiểu gì không, là câu hỏi gửi đến muôn người. Người nghe. Người đón nhận LỜI. Hiểu gì không, là một nhắn nhủ: LỜI có từ “Lúc khởi đầu”. Trước khi ánh tinh hà chiếu soi dương gian, để ta thấy. Thấy và hiểu rằng: LỜI đã nhập thể. Và nhập thế. Như trình thuật kể cho mọi người. Ở thế trần.



Trình thuật ta nghe hôm nay, thánh Gioan kể về LỜI Nhập Thể. Về việc, Chúa nhập vào với thế trần. Theo cách thế đặc biệt. Thiết thân. Rất đánh động người nghe.



Trình thuật về LỜI, thánh sử đã nhận định: ”Lúc khởi đầu, đã có Ngôi Lời”. Khởi đầu, đã có Ngôi Lời. Có trước khi mọi vật hiện hữu. Lời, theo người Hy Lạp cổ, là Logos. Là, Thiên Chúa. Chính Ngài tỏ rõ cho mọi người. Bằng chính Ngôi Lời để trao đổi. Thông thương. Kết hiệp.



Tuy nhiên, Ngôi Lời không là lời lẽ thông thường chỉ để nói. Ngôi Lời còn sáng tạo. Giáo huấn. Ủi an. Như trình thuật diễn tả: “Nhờ Lời, mà muôn vật được tạo thành.” Tạo thành từ những vật lớn như 50 tỷ giải Ngân hà. Cho đến vật li ti như phân tử. Nguyên tử. Là Đấng Sáng tạo muôn trời đất, LỜI đem lại Sự Sống. Như thánh sử từng ghi: “Điều đã thành sự nơi LỜI là sự sống.” (Ga 1: 4)



Và, Sự Sống lại là Sự Sáng. Vì thế, về sau Ngôi Lời xác nhận Ngài chính là Sự Sáng cho thế gian. Sự Sáng chính là Ngài. Nhờ có Ngài là Sự Sáng, ta nhìn thấy được sự việc, trong tăm tối. Tăm tối bao trùm trái đất. Tăm tối, ở quanh ta. Và, ta có thị kiến về sự sống. Có ý hướng, để sự sống cứ thế mà tuân theo.



Dù thế, trần gian vẫn không biết và cũng chẳng nhận ra Ngài. Chẳng có kiến thức gì về sự hiện hữu của LỜI. Trần gian/dân Ngài, thậm chí, còn chối bỏ LỜI Ngài, như thánh sử rày đã ghi: “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1: 11) Nhưng, những ai đón nhận Ngài, cũng đã đặt hết tin tưởng nơi Lời. Đã đặt mình ngang hàng với Ngài. Để rồi, Ngài cho họ được làm con cái của Thiên Chúa. Gọi Thiên Chúa là Cha, Hơn thế nữa, qua sự đón nhận và quyết tâm với LỜI, dân con được có tương quan mật thiết với Đức Giêsu. Được trở thành anh em cùng một Cha, trên trời.



Cũng từ đây, thánh Gioan bộc lộ thêm cho ta biết về nhiệm tích Nhập Thể: Ngôi Lời được sinh ra, không do ước muốn của xác phàm loài người, nhưng vì ý định của chính Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu Kitô. Ngài được sinh ra từ thân xác của Đức Nữ Trinh Maria như thánh Gioan quả quyết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1: 14). Bằng vào ngôn từ của thánh Gioan, xác phàm đây, sẽ không theo nghĩa tiêu cực, nghịch với linh thiêng/tinh thần.



Rồi từ đó, Ngôi Lời, nơi Đức Giêsu Kitô, sẽ vào với trạng thái mỏng dòn của con người, cách trọn vẹn. Ngài nhập vào với con người thật. Con người thấy được. Nghe được. Sờ chạm được. Có đủ giác quan. Tư tưởng. Tình yêu. Như thế, đối nghịch lại phái Ngộ Đạo. Rối Đạo. Tức, những vị không thể chấp nhận được chuyện Thiên Chúa mà lại có thể thẩm nhập vào với thân xác đầy những lỗi phạm. Sơ xuất. hèn kém. Giống như ta.



“Và Ngài cư ngụ giữa chúng ta”, hoặc nói nôm na, thì: ”Ngài đã dựng lều ở với chúng ta”. Lời này, dẫn ta về với thời của sách Xuất Hành, lại đã vang vọng nơi trình thuật của thánh Gioan, hôm nay. Vào hời Xuất hành, Gia-vê Thiên Chúa vẫn hiện diện với người dân lưu lạc Israel ở lều tạm. Ở nơi đó, có gìn giữ Hòm Bia Giao Ước, và bia đá ghi Lề Luật. Bằng vào lời của thánh sử, thì: Thiên Chúa nay hiện diện nơi lều mới, tức là Thân Mình Đức Giêsu.



Tất cả những điều vừa nói, nhìn theo góc độ nào đó, có vẻ trừu tượng, mang tích cách biểu trưng. Nhưng, nay được cụ thể hoá và dễ tiếp cận hơn, qua câu chuyện về hang bò lừa, ở Bê-Lem. Bởi, ngang qua LỜI mặc xác phàm làm người, chúng ta mới có thể thấy được vinh quang và nét diễm kiều của Thiên Chúa. Qua LỜI, ta được phép hiểu biết theo chừng mực nào đó, Thiên Chúa thực sự là ai.



“Thiên Chúa chưa bao giờ có ai thấy được; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa, chính Người đã tỏ cho ta biết.”(Ga 1: 18) Đức Giêsu là Vị Trưởng Tế. Ngài là Đấng dựng nên chiếc cầu nối liền giữa Thiên Chúa và con người. Nhìn Hài Nhi Thiên Chúa nằm trong máng bò/ lừa, ta thấy được Thiên Chúa, nhưng dễ bị lôi cuốn vào thái độ chỉ nhìn Ngài theo tầm mắt của con người phàm. Nhìn tồng thể.



Và vì thế, ta nên duy trì trước mắt, hai thái cực: một bên là Ngôi Lời hiện hữu từ cõi vô tận và bên kia là Hài Nhi Thiên Chúa sinh ra trong khoảnh khắc rất nhỏ của lịch sử. Ở chốn tối tăm. Khi ta nhìn Đức Giêsu và nghe Ngài giảng dạy, là ta thấy và nghe chính Thiên Chúa, theo một ý nghĩa. Phía bên kia, ta chỉ có được một thoáng mắt lờ mờ về thực tại tổng thể chưa mở ra cho ta thấy.



Nay, trình thuật giúp ta hiểu thêm:“Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã nhận lãnh hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1: 16)Trong cùng một tinh thần, bài đọc 2 cho ta thấy sự liên kết gắn chặt ta với Ngôi Lời, như sau:“Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người.” (Êp 1: 4) Làm sao thực hiện được chuyện đó? Bằng vào “tình thương yêu nơi Ngài hiện diện.”



Thực hiện được, vì chính Chúa đã quyết định là: “Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.” (Êp 1: 5) Đây chính là lời mời gọi, Ngài gửi đến cho ta. Là, ơn thiên triệu kêu mời mỗi người chúng ta. Đó, cũng là ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh. Nhập thể. Và Nhập thế. Giáng sinh, để ta sống cuộc sống hoàn toàn tin tưởng. Dứt quyết đi theo đường lối Chúa chỉ dạy. Để, yêu thương tất cả mọi người, những người anh người chị của chúng ta.



Hiểu được thế, ta cũng nên hợp lòng cảm tạ ân huệ cao cả, Chúa phú ban bằng lời hát, rằng:


“Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng

Bao sinh linh nhận phép giải oan.

Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ.

Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người .

(Trầm Tử Thiêng – Có Tin Vui Giữa Giờ tuyệt Vọng)



Tin Vui là như thế. Tin Mừng, còn hơn vậy. Vui Mừng, vì Ngôi Lời đã ra tay làm thế. Để người người được nối kết với Thiên Chúa. Ơn Trên. Ơn cao cả. Thật vững bền.


Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch



(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: