Thuở hồn nhiên con mới biết yêu người.
Nghiêng ngó mãi, cũng trầm luân khói phủ,
Chờ ta về, nối tiếp cuộc rong chơi.”
(thơ Trần Như Xuyên)
Mt 2: 1-12
Có nối tiếp rong chơi trong đời, thì giòng đời cứ mãi dở dang. Dở dang, nào biết Chúa hiển hiện với nhân gian, đời muôn thuở. Theo cung cách mở lòng với dân gian người phàm, qua trình thuật.
Trình thuật hôm nay, kể về Hài Nhi Đức Chúa đã tỏ bày cho người dưng khách lạ, chốn ngoài Đạo. Các vị đến, để bái phục lạy thờ Chúa chấp nhận thân phận mọn hèn, trẻ thơ ngây. Và đây, còn là chủ đề mà thánh Mát-thêu có nhắc đến trong Tin Mừng, Lời Chúa dạy: “Hãy ra đi thâu nạp môn đồ, khắp muôn dân” (Mt 28: 19).
Nhưng, vấn đề là: trình thuật hôm nay có là bản tường trình về các nhà “đạo sĩ” , như một chi tiết hiển hiện rất thật?, hoặc, vẫn chỉ là là một truyện kể, rất nhỏ bé, không hơn không kém? Trước tiên, là truyện kể. Một tường trình đặt nặng lên các sự kiện ít thấy, như: nhiệt độ giảm sút còn 10 độ C. Trời đêm thanh vắng. Lác đác mưa rơi…
Trình thuật Tin Mừng, dù chỉ là một truyện tích Thánh Kinh, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa. Thành thử ra, khi đọc truyện tích Tin Mừng, ta cũng đừng nên hỏi: “Sự việc xảy ra có thật không ta?” Thật ra, cũng chỉ nên hỏi: ”Điều ấy có nghĩa gì, cho riêng mình?” Bởi, sự thật của truyện kể vẫn nằm trong ý nghĩa của nó. Chứ không phải ở sự việc này nọ có liên quan đến cốt truyện, mà thôi.
Xét về truyện, sự việc diễn ra ở đây, có phần mơ hồ chứ không rõ nét như một bài báo/bản tin, trên truyền thông. Bởi, khi có thông cáo trên báo/đài, người người đều muốn có giải mã cho câu mình hỏi: gì thế? Ai vậy? Tại sao? Ở đâu? Bao giờ? Sự việc diễn tiến ra sao? Truyện kể hôm nay thật khó mà có được câu giải mã thích hợp, cho các chấm hỏi, ở trên.
Thêm vào đó, Chúa Hài Đồng chốn quê nghèo miền Bê-Lem, ta chẳn thể nào biết hết được sự việc rất hiển và rất linh xảy đến vào thời khắc nào, sau Giáng Sinh. Kinh Sách không kể rõ chi tiết, là bởi điều đó không quan trọng bằng ý nghĩa của trình thuật. Theo truyền thống, Tin Mừng do thánh Mác-cô và Mát-thêu viết, cũng chẳng nói rõ về chuyện này.
Trả lời cho câu hỏi: các “nhân sĩ” Đông Phương, họ là ai? Các ngài, từ đâu đến? Thì, tiếng Hy Lạp gọi các ngài là “Magi”. Văn minh phương Tây coi các ngài, như một nhóm. Một giai cấp riêng biệt gồm các kinh sư, viện sĩ. Các ngài được mọi người tưởng nhớ, như giấc mộng. Như ước vọng, thì đúng hơn. Ước và vọng, của bậc chiêm tinh. Giải đoán. Rất “đạo sĩ”.
Mãi về sau, truyền thống Giáo hội gọi các ngài là “ba Vua” thuộc trời Đông, cố là để ứng nghiệm lời thánh vịnh 72 có câu: “Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,hàng vương giả sẽ về triều cống. C những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật.”(Tv 72: 10). Và, sách Isaya, cũng nói: “Vua chúa sẽ thấy và đứng lên, chư hầu sẽ thấy và bái lạy.” (Is 49: 7)
Kinh Sách chẳng nói gì đến tên tuổi của các ngài. Gồm bao nhiêu vị? Chỉ biết là truyền thống Giáo hội, nói có 3. Và nếu đếm, mọi người đều thấy những 3 món quà. Nên, mới gọi tên 3 vị, là: Caspar, Balthazar và Melchior. Caspar, là vị được coi như da ngăm ngăm. Chính vì thế, ông được coi như đại diện cho dân con ở ngoài. Ngoài Đạo. Ngoài luồng. Nhưng ông vẫn đến với Chúa. Tin Mừng nói, các ông “xuất tự phương Đông”. Có thể là: Ba Tư, Đông Xyria, Ả Rập. Tức, thuộc vùng sâu vùng xa, ở Châu Á. Rất lạ, Thần học gia Aloysius Pieris có viết: “Điều đáng nói, là: việc này rất có nghĩa. Các đạo sĩ đến từ phương Đông, không có nghĩa họ là nhân sĩ địa phương nhận ra ánh sáng Chúa dẫn đường, về với Ngài.”
Trình thuật hôm nay, nói đến “vì sao lạ”. Sao lạ, có là “sao chổi”, “sao băng”, hoặc hiện tượng “Nổ lớn” giữa các hành tinh, mang ý nghĩa lớn với đạo sĩ? Và, chuyện dõi bước tìm ánh sao có thực không? Làm sao ta biết vì sao lạ mình tìm, lại “ở ngay trên đầu”? Bởi, có đi cả trăm cây số đường dài, thì “sao lạ” vẫn cứ ở trên, rất đỉnh đầu! Có lẽ, ta đang phí phạm thì giờ. Phí phạm cung cách nhìn ngắm sao lạ chiếu sáng?
Trình thuật, không đặt nặng lên sự kiện lịch sử. Nhưng tập trung vào bối cảnh thông thường của Tin Mừng thánh Mát-thêu. Tức: Thiên Chúa, ngang qua bản vị của Đức Giêsu, đã đi bước trước, để đến với thế gian. Và điều khác nữa, là; các nhà lãnh đạo tôn giáo, các vị thượng tế trong Kinh Sách, tuy biết rõ Đức Mêsia đã giáng hạ, ở đâu, hôm nào, vẫn chẳng tỏ bày cố gắng để tìm hiểu về Ngài.
Ngài giáng hạ ở ngay thôn làng bé nhỏ đất Bê-Lem, là “đầu thôn cuối xóm” với thành Giêrusalem là thế, mà bạo chúa Hêrôđê, đã phải vận dụng mọi phương cách để thực hiện việc quét sạch mối đe doạ xa vời. Không thiết thực. Không gây nguy đến ngai triều, của bạo chúa. Trong khi đó, người dưng khách lạ ở quê làng, lại đã bỏ thì giờ vàng ngọc ra mà tìm kiếm. Kiếm tìm, để rồi mải miết ra đi tìm về ánh sao đích thực, mà chiêm ngưỡng. Kiếm và tìm Vua Do Thái bé nhỏ, để dâng lời chúc tụng. Ngợi khen. Tặng phẩm vật.
Là những người cũng chúc tụng ngợi khen tặng phẩm vật, các vị đã tiến dâng “vàng”, “nhũ hương” và “dược thảo”. Quà tặng, là để ứng nghiệm sách Isaya đoạn 60 câu 6, được trích ở bài đọc 1, để nghiệm lại:“Họ đem vàng và nhũ hương”. Kinh Sách viết thêm: Vàng là biểu tượng cho tính rất Vua, của Đức Chúa. Nhũ hương, biểu trưng cho bản chất thần linh chí thánh của Đức Giêsu. Và dược thảo, biểu lộ niềm khổ đau, nỗi chết rất cứu độ. Tất cả, bao gồm những đức hạnh. Nguyện cầu. Khổ đau.
Hiên Linh hôm nay, cho ta biết: với Chúa, không ai là người dưng khách lạ. Hoặc, ngoài luồng. Với Ngài, tất cả đều là con cái Chúa. Được Chúa thương yêu. Ngài không phân biệt ngoại hình. Văn hoá. Không so đo hơn thiệt. Mọi người đều cùng một gia đình. Có cùng một Cha. Đều được phép gọi Ngài: Cha ơi!
Điều đó có nghĩa: mọi người trong ta đều là người anh, người chị, trong gia đình. Đối xử với nhau như anh em một nhà. Nhà Chúa. Dù, ta có khác về tôn giáo. Giai cấp. Sắc tộc. Nhưng, ta cùng một nhà với Ngài. Và trong nhà Ngài, không có chỗ cho thói tật kỳ thị. Phân biệt. Chia cách.
Các sự kiện kể trong trình thuật có thể mù mờ. Nhưng thông điệp Ngài gửi, thật rất rõ. Rất đậm đà tình thương. Thế nên, hãy cảm tạ Chúa vì nay không ai là “dân riêng Chúa chọn”. Dù bạn là Do Thái. Dù tôi là tín hữu Công giáo. Rất Kitô. Hãy cố cảm thông và nhận thức cho đúng. Nhận rằng: Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng trời đất rất muôn loài, Ngài đi bước trước để đến với nhân gian trần thế, rất người phàm. Ta noi theo.
Là người phàm, ta nên đến với nhau. Đến, để gần nhau. Như người thân. Đến, mà làm chứng cho mọi người thấy: không ai là người dưng khách lạ. Nhưng, tất cả được gọi mời làm người thân. Rất gia đình. Vì, tất cả được kêu mời trở thành anh em, là thế đấy. Cả đến Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cũng đã đến. Cả người giàu/kẻ nghèo. Người sang/kẻ hèn. Khoẻ mạnh/ốm đau, đều được Chúa quan tâm. Kêu mời đến với nhau. Thành gia đình. Người thân.
Cuối cùng, cũng nên tự hỏi: có ánh sao nào chiếu sáng đời mình, chăng? Khi xưa, đạo sĩ nhân hiền ngoài luồng, nhìn ánh sao đã biết đường, mà dấn bước. Nhưng người dân thị thành trong Đạo. Trong Chúa. Ở thành thánh Giêrusalem lại không biết đường, làm thế. Và cũng nên hỏi: tại sao Chúa gửi ánh sao chiếu sáng để gọi mời cả ta nữa, lúc này? Gọi để làm gì? Để nói những gì? Ngài có muốn ta dấn bước tìm Ngài? Theo ngài. Nơi người dưng khách lạ, mà phục vụ? Giúp đỡ? Giúp, những ai có vấn đề tương tự. Giúp những người chưa từng một lần tìm “Ánh Sao”, Chúa gửi. Đó là khúc ngoặt cuộc đời, đầy biến đổi. Là, khúc đoạn đường đời, người vẫn hỏi: đâu là tương lai cuộc đời, của ta?
Thánh Y-Nhã viết trong cuốn “Luyện tập Tinh thần” có nói về những người lập gia đình xong, đã hỏi:“Giờ thì, Chúa muôn tôi làm gì?” Hiển Linh lễ hội hôm nay, nhắc cho thấy: ta vẫn ngưng đọng ở chốn cũ. Ở giai đoạn tốt xấu, khó đổi thay. Có, quyết định đúng sai, khó huỷ hoại. Nhưng chẳng bao giờ là quá trễ, để ta kiếm tìm “sao lạ” cho riêng mình. Và cứ thế, hãy dõi theo ánh sao đêm, ngay điểm tụ, mình đang sống.
Nhân sĩ ngoài luồng không rõ vị trí sao lạ, dẫn mình đến. Các vị, vẫn ra đi. Ra đi, ghé chốn Bê-Lem. Mà gặp Chúa. Chắc chắn các ngài chẳng khi nào tiếc nuối việc mình quyết định. Ta cũng thế, nếu có quyết tâm. Lòng quả cảm. Và, niềm tin sẵn có để noi theo mẫu mực mình đã quyết, chắc rằng rồi ra, ta sẽ tiếc. Nếu quả là như thế, thì Hiển Linh hôm nay, sẽ là ngày để ta khởi đầu một quyết tâm, mà làm lại. Làm, như đạo sĩ phương Đông. Tìm Ánh Sao, Chúa dẫn đường. Về chốn thánh.
Trong quyết tâm ấy, ta thong dong vui hàt những lời đầy ý nghĩa, về dấn bước:
Theo em xuống phố trưa mai đang còn nhức mỏi đôi vai
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay, những ngày…tình buồn”
(Lê Uyên và Phương – Vũng Lầy Của Chúng Ta)
Tình có buồn, vì cứ theo em xuống “Vũng Lầy Của Chúng ta”. Nhưng, nếu ta tìm Chúa Đấng Hiển Linh có niềm yêu thương tín thác, và dấn bước, thì “ánh sao” ngày lễ hội sẽ soi đường chỉ lối đưa ta về với Sự Thật. Và Sự Sáng. Suốt đường đời.
______Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
No comments:
Post a Comment