Monday 28 August 2017

“Hôm nay cây quế trong rừng,



Suy Tư Tin Mừng trong tuần thứ 22 thường niên năm A 03/9/2017

(Mt 16: 21-27)
Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
“Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

“Hôm nay cây quế trong rừng,
“bỗng nhủ cùng làn suối bạc,”
“xuân này tôi khopác áo nhung”
“mà bác vang lừng tiếng nhạc.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Có là cây quế trong rừng, cũng chỉ vang lừng tiếng nhạc với suối bạc, thôi. Nếu là cây quế trong Đạo, lại sẽ vang lừng cả tiếng thơm hay tiếng hát về vị thánh cả ở trình thuật hôm nay. Trình thuật, nay nêu rõ câu chuyện và công việc của thánh cả Phêrô để người người suy tư, bàn bạc.
Suy và bàn, tập trung vào đấng thánh có chỗ đứng quan yếu trong Giáo Hội là Phêrô thánh nhân, rất tông đồ. Thế đó, là vị thánh xuất thân từ ngành nghề có lưới có chài, và cá mắm. Đấng thánh sống ở Caphanaum xứ biển hồ, rất Galilê. Với ánh nhìn của thánh sử Luca, thì thánh Phêrô thuộc loại “chậm lụt” về văn chương, văn hoá với văn nghệ. Chậm và lụt, về khoa ăn nói, thưa gửi lẫn trần tình.
Thánh Mát-thêu nay cho thấy thánh cả Phêrô là lãnh tụ khá bình thường của nhóm hội đồ đệ theo Chúa giảng rao về Nước Trời. Nói khác đi, ngài là người giản dị, cứng cỏi và chậm hiểu.
Đức Giêsu từng nói với thánh nhân và đồ đệ đồng hành về kế hoạch do Cha đưa ra mà Chúa phải thực hiện cho bằng được ngang qua sầu buồn khổ đau và nỗi chết trên thập tự. Trong khi đó, thánh cả nhà Đạo vẫn nghĩ Thầy mình là Đấng Mêsia Thiên Sai tựa hồ Đavít xưa, tức: ứng viên siêu phàm cho chính trường Do thái. Để rồi, rất thất vọng khi Thầy Chí Ái bộc lộ kế hoạch Chúa Cha đề ra. Tức, Ngài sẽ bị thảm sát chết nhục, vốn vượt quá sức tưởng tượng của đồ đệ bình dân, chân chất.
Và rồi, thánh cả Phêrô lại cứ nghĩ rằng Thầy mình chỉ gặp ngày xui tháng hạn, nên mới sử dụng chức năng do Thầy tặng ban cho riêng mình. Đó là lúc thánh nhân tỏ ý phiền hà, và khuyến cáo Thầy. Sai lầm của thánh nhân là ở chỗ: không nhận chân được vị trí của mình. Tức, thay vì chỉ biết theo chân Thầy như các đồ đệ khác, nhưng lại “lanh chanh” “qua mặt” làm “kỳ đà cản mũi” Chúa.
Rất nhiều lần, Tin Mừng cho thấy chân tướng đích thật của thánh cả nhà mình là đấng thánh không ổn định về quan điểm/lập trường vốn chống đối những gì mình không hiểu hoặc không muốn xảy đến. Thánh nhân từng lẫn lộn nhiều thứ, như: việc đi trên nước việc xây 3 lều tạm để Chúa ở, khi thấy Thầy mình biến hình. Rồi, còn chối bỏ Thầy và anh em những ba lần. Sau này, còn để thánh Phaolô phải tái lập trật tự vì thánh cả nhà mình từ chối ngồi cùng bàn với dân ngoại.
Nay, thấy Thầy mình dùng ngôn từ gắt gao và dữ dằn mà quở mắng, thánh nhân không ngờ sao mình lại dám khuyến dụ Thầy bỏ ý định nghe lời Chúa Cha mà chấp nhận thất bại dẫn đến nỗi chết trên thập tự. Thật sự, thì thánh cả Phêrô chỉ muốn Thầy chọn con đường hoạn lộ, thênh thang mở, thay vì con đường nhỏ chỉ gồm mỗi con lộ tẻ hạn hẹp, là sự chết.
Nghĩ chuyện của thánh cả Phêrô trong vai trò lãnh đạo Hội thánh khiến ta suy về cung cách hành xử của thánh hội, trong quá khứ và hôm nay, không khác gì lối xử sự rất kẻ cả, kiểu “Đá Tảng” rất Phêrô. Hội thánh lâu nay quản cai dân con mình bằng cung cách phàm trần, như: quảng cáo rầm rộ, quyên góp tối đa, nặng phần trình diễn, theo sát bài bản ngành tâm lý chiến, đặt nặng công tác tiếp cận thị trường, thay vì chấp nhận thập giá đau thương, trầm lặng.
Trên thực tế, Hội thánh ngày nay chỉ muốn thiết dựng loại hình thừa tác rất bán buôn, thay cho công việc thừa tác đặt nặng lên cung cách phục vụ. Vẫn cứ chọn kiểu “mì ăn liền” nhanh gọn kiểu hưởng thụ. Trong khi đó, vẫn đặt gánh nặng trên lưng kẻ khác, thay vì chấp nhận thương đau cho chính mình. Hội thánh những muốn phô trương một giáo hội sùng mộ chuyện hình thức, không đích thực. Những muốn sống thoải mái, ăn trên ngồi chốc, được người người kính trọng, hầu hạ mà thôi.
Nhìn vào lịch sử, thì thánh cả Phêrô đã muốn thuyết phục Thầy hành xử theo kiểu người phàm, và tưởng rằng với vai trò Thầy trao ban, mình có thể khuyến dụ Thầy mình. Khuyên dụ Thầy bỏ rơi kế hoạch do Cha trao phó. Là, đừng làm nhiều chỉ cần làm “dân thường” nhà Đạo, mọi việc rồi cũng xong. Và, thánh cả vẫn muốn khuyên Thầy sống thực tế, để mọi việc rồi cũng qua đi và cũng đạt kết quả, thôi.
Nhưng, Đức Giêsu không đồng quan điểm với thánh cả Phêrô. Ngài tỏ bày cho thánh nhân bằng lời chân tình thời đại, rằng: “Nếu anh chọn quan điểm của các nhà chính trị chuyên lo cho người nghèo luôn bị áp bức, thì các người ở trên chỉ tạm thời theo anh, rồi họ sẽ dùng anh làm quân cờ để giảm hạ phẩm cách của anh và rồi sẽ vắt chanh bỏ vỏ, thôi. Nhưng, nếu anh thực tình lo cho người nghèo, anh không thể phản bội những người ấy, mà phải trung tín với họ. Giới cầm quyền ở trên có ghét bỏ hoặc xoá tên anh. Hãy để mặc Chúa lo, chỉ cần sống trung thực với chính mình và với họ, anh sẽ thành công.
Thánh Phêrô không nắm bắt được quan điểm của Chúa. Vậy, ai lĩnh hội được đây?
Đức Giêsu rất kiên trì. Ngài như đang nói với thánh Phêrô một điều tuy không lạ, nhưng vẫn quen: “Anh chưa là đá tảng, nhưng nếu trên đá đó có ai giống hệt như anh, thì cuối cùng ra Ta cũng sẽ và cũng có thể dựng xây thánh hội, do Ta muốn.”
Cuối cùng ra”, là ngôn từ mang trọn ý nghĩa này, là: khi ta học chấp nhận hậu quả do mình quyết tâm thi hành, thì như thế. Ta có thích làm thế hay không, chẳng vì thập giá là điều tốt hoặc đáng nể sợ. Nhưng, vì tình thương và sự quyết tâm luôn là những điều tốt đẹp nên làm cho kẻ mình thương yêu, muốn giúp. Thế nên, thánh cả phải xử sự theo đúng ý định của Chúa ngõ hầu mới trở thành đá tảng để mọi người dựa dẫm ngang qua con đường cam go của mình.
Có thể là, các “đá tảng” thánh hội lớn/nhỏ trong Hội thánh vẫn chưa đối xử với người hèn kém trong đời và với những người quyết tâm dấn bước theo mình, như thánh cả là vì chính mình chưa giáp mặt thực trạng thống khổ mà Chúa lĩnh chịu. Các thánh cả trong thánh hội lớn/nhỏ hôm nay đã và đang trở nên như cát vụn hơn là đá tảng cho mọi người dựa dẫm. Thứ cát vụn không thích hợp để làm nền cho bất cứ ai. Bất cứ thứ gì. Khi xưa, đấng-thánh-là-đá-tảng đã tham dự cuộc thống khổ đầy cứu độ của Chúa, đã khóc hết nước mắt cho nhân loại thế nào, thì các “đá tảng” của thánh hội lớn/nhỏ hôm nay, cũng phải làm như thế mới tiếp tay rải tràn ơn ấy đến với người ở dưới được.
Thánh cả Phêrô đã thực sự học được điều ấy, thấy rất rõ. Sách Công vụ kể rằng thánh nhân rời Giêrusalem vào niên biểu 43, tức 13 năm sau ngày Thầy mình chịu khổ hạnh trên đồi Calvary. Và, sau khi thoát khỏi ngục tù và rồi lưu lạc qua Antiôkia, thánh cả đã gặp nhiều khó khăn trong việc đảm trách các vụ việc mang tính chính trị của người theo Đạo vào thời đó. Cuối cùng ra, thánh nhân cũng về lại Rôma, mà sinh hoạt. Và, truyền thống Hội thánh công nhận rằng thánh Phêrô hiểu rõ ý định của Thầy nên đã chấp nhận tử đạo vào thập niên 60, ở La Mã. Chính ở nơi đây, các sử gia trong Hội thánh đã tìm ra địa điểm thánh cả chịu hành hình, và yên nghỉ. Khi ấy, là thời bạo chúa Nêrô hoành hành, bách hại.
Kịp đến thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantin mới ra lệnh xây một thánh đường trang trọng để tưởng nhớ thánh cả, ngay tại địa điểm ấy. Đó là Đền thánh Phêrô hiện tại, được xây ngay bên trên mộ phần của thánh nhân. Trong lịch sử, nhiều thánh tích của thánh cả Phêrô từng được cất giấu nơi mộ phần ngài cũng được bốc lên đặt bên trong bức tường của đền thờ. Ngay như bàn thờ kính thánh nhân cũng được đặt phía bên trên mộ phần của ngài. Và ở phía cao bên trên nóc, vẫn còn hàng chữ ghi rõ: “Này Phêrô, con là Đá tảng, trên Đá này Ta sẽ dựng xây thánh hội của Ta”.
Thánh Phêrô thực sự hiểu được ý nghĩa của lời Thầy phán bảo. Và, thánh hội vẫn đứng vững trên đá tảng của sự học hỏi, hiểu biết như thế. Thế nhưng, giống như thánh cả Phêrô, hội thánh còn phải làm nhiều việc hơn nữa mới đạt được điều mình học hỏi. Thánh hội, cần tìm ra những gì mà tình thương yêu người nghèo đòi mình phải làm. Nhất thứ, đừng bao giờ bỏ qua hoặc đặt nhẹ lập trường/quan điểm về những đòi hỏi dù gắt gao hơn thế nữa.
Trong tinh thần học hỏi này, cũng nên ngâm thêm lời thơ mang đầy tính những học và hỏi, như:

“Hôm nay gió bảo cùng mây:
Rời xa những miền tuyết trắng,
Tôi từ biển vắng về đây
Mừng hội Xuân này đẹp nắng.”
(Đinh Hùng – Âm Hưởng)

Âm hưởng, mà nhà thơ đời học được từ con người, sẽ là và vẫn là điều mà nhà Đạo cần ghi nhớ, để rồi sẽ không quên. Không quên lời dặn hãy rời xa “miền tuyết trắng” thoải mái, sướng vui, ngõ hầu sống thực ý định Cha mang đến. Bởi đó không chỉ là quyền tháo cởi, cột buộc mà là thực trạng “mừng hội Xuân này đẹp nắng”, rất Phêrô.


Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –  
Mai Tá lược dịch.

Saturday 19 August 2017

“Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,”




Suy Tư Tin Mừng trong tuần thứ 21 thường niên năm A 27/8/2017

Tin Mừng (Mt 16: 13-20)
Một hôm, khi Đức Giêsu đến miền Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Rồi Người cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.

 “Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,”
tình người muôn thuở vẫn còn vương.”
(dẫn từ thơ Tôn Nữ Hỷ Khương)
Nước chảy hoa trôi, chuyện ở đời. Vui ngày gặp lại, chuyện đời ta. Chuyện của đời ta hay của dân con nhà Đạo, vẫn là trình thuật mà thánh sử Mát-thêu nay đã ghi.
Trình thuật thánh Mátthêu, nay ghi một chuyện đời có lai lịch tự sự, về Hội thánh mà người người đều đã nghe nhiều lần, rất tường tận về vai trò, chức vụ và quyền uy của thánh Phêrô, đấng đầy-tớ-Chúa trong Hội thánh.
“Anh là Phê-rô, nghĩa là Đá Tảng, và trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”, vẫn là lời vàng ghi trên cao nơi bàn thờ ở Vương Cung Thánh Đường ở La Mã. Lời vàng, nay mang ý nghĩa gì?
Dĩ nhiên, đây không là tuyên bố chính thức, một thứ “luật bất thành văn” như nhiều người nghĩ tưởng hoặc cho như thế. Đây chỉ là tên gọi riêng, thông thường được tặng gán cho thánh Phêrô, vào thời đó. Tên của thánh nhân là Shi-môn (hoặc: Si-môn, bên tiếng Do thái). Tên tục, mà Chúa vẫn gọi bằng tiếng Aram là Kêpha. Tiếng Hy Lạp, là: Petros. Tiếng Anh, là: Đá Tảng, nên ta luôn hiểu thánh nhân là như thế. Tên như thế, là hiểu theo biểu tượng và ý nghĩa “Đá tảng” mà Chúa dùng để nói về thánh nhân, thôi.
Ta lại bảo: Chúa đã làm cho thánh nhân trở thành “tảng đá”, hoặc nền tảng rất cứng như đá trên đó Ngài dựng xây cộng đoàn mới mẻ, là Hội thánh của Ngài. Ảnh hình về đá tảng có cạnh góc làm nền cho dinh thự/nhà cửa là điều được người Do thái vẫn thừa biết. Do thái, là nước được xây trên đá tảngrất nền tảng của Sion, tức: đền thánh Giêrusalem, mọi người đều biết, đặc biệt người Hồi giáo nay còn sùng kính “Đá Tảng Vòm Cung”, trên đó nữa.
Người xưa nghĩ: vũ trụ này chắc cũng được xây trên đá tảng nào đó, giống như thế. Ngày nay, khi nói về nền tài chánh, có người còn hình-tượng-hoá hệ thống kinh - tài của nhiều nước như đá tảng vững chắc. Đá tảng, còn là tên mà người Do thái dâng lên Giavê Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Bình An. Là, Nền Tảng của mọi sự. Ý tưởng này, thấy nhiều ở Thánh vịnh lời ca trong Cựu Ước vẫn coi “đá tảng”, là nơi an toàn ta tìm đến mà trú ẩn, không sợ hãi. Cũng thế, ta quan niệm thánh Phêrô là biểu tượng của an toàn trong Hội thánh. Từ nền tảng an toàn này, nhiều Đức Giáo Tông cũng nghĩ về vai trò của mình, y như thế.
Không rõ đó có là ý tưởng của thánh Mát-thêu khi viết trình thuật này, không? Có thể, khi viết thế, thánh sử liên tưởng đến truyện về Môsê được kể ở sách Dân số (x. Ds 20: 11). Với thánh Mát-thêu, Đức Giêsu chính là Môsê Mới. Bởi thế nên, khi ông được Giavê dạy bảo: “Hãy lấy gậy mà đập vào đá tảng, nước sẽ chảy ra cho dân con uống”. Lúc đầu, Môsê còn do dự. Gõ mãi, chẳng thấy gì. Gõ lần nhì, tức thì nước từ đá tảng chảy ra. Chảy, đến độ nhiều người coi đó như “đá nhỏ lệ”, hoặc: “lệ đá xanh”. Có điều ai cũng rõ, đó là: mọi người đều cần đến nước. Nước, là sự sống phát xuất từ đá tảng từng chảy nước mắt/khóc ròng có nguồn gốc là thế. Và, khóc là động thái mang lại sự sống cho kẻ khác. Cho người khác như trẻ bé lúc chào đời, cũng giống thế.
Trình thuật, nay cho thấy: Đức Giêsu nghĩ về “đá tảng” xưa khi Ngài tỏ bày với ông Simôn, như đã nói: “Ông là đá tảng chảy nước mắt giữa dân con Thầy” (x. Mt 16: 18a). Tức, ông sẽ chảy nước mắt, khóc ròng với lòng xót thương mọi người. Và, đó là chức năng chính mà Chúa muốn thánh Phêrô thực hiện trong Hội thánh. Đó, cũng là cung cách mà thánh nhân cùng các lãnh đạo Hội thánh được ủy thác để rồi chính mình lại ban thứ “nước” sống động ấy cho mọi quan viên trong thánh Hội. Thật khó mà tưởng tượng chuyện các thánh có địa vị như Phêrô đem “nước sống động” ấy cho Hội thánh, mà lại không khóc ròng vì thánh Hội, vào mọi lúc.
Đây, còn là ý tưởng chủ lực về vai trò/quyền uy của Đức Giáo Tông và đấng bậc vị vọng trong hội thánh, ở mọi cấp. Bởi, đã là thành viên Hội thánh, thì cả các đấng bậc lẫn Đức Giáo Tông, đều phải vững như đá, đến độ: không gì có thể mua chuộc hoặc làm suy xuyển lòng dạ sắt đá của các ngài. Và, câu hỏi đặt ra, là: ai trong hàng ngũ các ngài, lại có thể chảy nước mắt cho Hội thánh? Với Hội thánh, không? Ai có thể làm cho mọi tình huống trong thánh hội bớt gay go và tạo được khả năng thực hiện những gì ta nghĩ là không thể hiện thực được?
Câu trả lời, sẽ là: nếu Đức Giáo Tông và các bậc vị vọng trong hội thánh trả lời được câu hỏi ở trên, thì chỉ khi ấy các ngài mới thấy được “nước sự sống”, rất đích thực, Chúa dành cho mọi người. Chỉ khi ấy mọi người mới hưởng được ơn huệ sống động từ đá tảng “Hội thánh” chảy ra cho mình. Mới thấy phát sinh sự sống thực có được, từ nỗi chết. Có thế, ta mới đạt một loại hình rất khác biệt về bí nhiệm “Vượt Qua”.
Bằng vào ý tưởng trên, thánh Phêrô là biểu tượng của lòng đại độ/xót thương đối với các bản vị trong Hội thánh. Với các vị đang chân thành đến với Hội thánh. Hoặc, đang quan hệ với thánh Hội. Bởi, Hội thánh thực sự không chỉ -và không là- biểu tượng của an ninh/an toàn, cho một tổ chức nào hoặc một nhóm nào đó, mà cho tất cả mọi người. Và cho tất cả mọi nhóm hội/đoàn thể. Chỉ khi ấy, thánh Phêrô-là-Vị-Đầy-Tớ-Chúa mới không bị tách biệt khỏi thánh hội.
Bởi, thánh nhân được gìn giữ khỏi mọi tai ương, bất lợi. Bởi, thánh nhân ở trên và ở ngoài mọi bi hài kịch đời người, là thánh hội. Ngài là “đá tảng” từng chảy nước mắt/khóc ròng vì dân con của mình. Thánh nhân chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện để cho thành viên của mình ở bên trong đá tảng. Ở giữa những cam go, khó khăn. Gay gắt. Ngài là đấng bậc biết cảm thông với mọi thành viện trong thánh hội, mọi hoàn cảnh. Đó là vai trò của Simôn, rất Phêrô.
Chính vì thế, nên Chúa mới nói: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi ông.” (Mt 16: 18b). Nghe câu này, lâu nay ta cứ tưởng như hiện có hai thứ quyền lực đối chọi nhau. Tranh chấp nhau. Và, chỉ một quyền lực chính đáng là Hội thánh khả dĩ chiến thắng được quyền bính tà vạy, là “thế gian”. Nghĩ thế, tức đã chấp nhận chiến tranh. Đối chọi. Và, tranh chấp rồi.
Về ý tưởng đá tảng chảy nước mắt/khóc ròng, ở đây nữa, Hội thánh không thể “chiến thắng” quyền uy đối chọi và đối lập bằng cách đứng trụ như đá tảng mà không đầu hàng, không nhân nhượng. Hội thánh cũng không thể thắng quyền lực đối chọi bằng quyền uy dũng mãnh đơn độc của mình được. Mà, Thánh hội, phải vượt trên và vượt qua mọi giai tầng quyền uy, sức mạnh. Dù, tốt đẹp.
Hội thánh không thể chiến đấu chống quyền uy thế trần bằng cách tự tăng cho mình thêm nhiều quyền. Mọi quyền uy vững chắc như “đá tảng”, cùng thế lực ở-môi-miệng sẽ không thể thắng quyền lực “tử thần” được. Bởi nếu không, Hội thánh cũng sẽ phải sống cuộc sống rất tử thần. Rất ngục thất. Và “quyền môn âm phủ” sẽ chẳng bao giờ lướt thắng được bí nhiệm của hiện tượng “chảy nước mắt/khóc ròng” ngang qua đớn đau của ai khác. Hoặc, nỗi thống khổ của đối phương. Đó, là điều Chúa muốn nói khi Ngài hứa với thánh Phêrô, là: thánh nhân sẽ khóc ròng, bất kể chuyện gì sẽ xảy đến.
Sau đó, Chúa còn thêm: “Thầy trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16: 19a), tức Lời Chúa hứa đây, tức: những gì ông ràng buộc hoặc tháo gỡ ở Hội thánh, sẽ được cột hoặc tháo ở Nước Trời. Cột buộc, là đặt dưới quyền uy sức mạnh nào trói cột mình với những gì ma quái, không thoát được. Tháo gỡ/cởi bỏ, là tháo và cởi khỏi sức mạnh nào đó đang dính cứng vào vai trò của ông. Nói rõ hơn, thánh Phêrô sẽ đứng vững và không ai tháo gỡ nổi uy quyền dũng mãnh của mình dù là ma vương quỷ quái. Và, chỉ mỗi việc “chảy nước mắt/khóc ròng”, mới thật sự là “chiến thắng” lạ kỳ đối với những gì được coi như “không thể chuyển đổi” được. Chảy nước mắt/khóc ròng, còn là giải thoát, cởi bỏ để con người đến với tự do.
Đọc kỹ trình thuật, ta sẽ hiểu được tâm trạng của thánh Phêrô đến mức độ nào còn tuỳ thuộc ta có hiểu được điều Chúa nói hay không, thôi. Rõ ràng là, thánh Phêrô đang học cách “khóc ròng” cho Hội thánh. Vì thánh hội. Thế nên, ta nghĩ và thực hiện Lời Chúa thế nào cũng sẽ tuỳ vào cung cách thánh Phêrô và các vị kế tục, tức các lãnh đạo tôn giáo trong Hội thánh đang hành xử quyền uy vậy.
Thánh Phêrô đã phải mất một thời gian dài mới học được cách trở nên “đá tảng” biết khóc ròng, xót thương mọi người. Biết, vượt trên quyền uy các cấp. Để chứng minh, cuộc thương khó của Đức Giêsu là bài học quý giá đầu tiên của thánh Phêrô, rất “đá tảng”. Thánh nhân đã có lúc muốn chối bỏ sự việc đang xảy đến với chính mình. Và, thánh nhân từng tách rời khỏi Thầy mình, cho đến lúc Chúa quay lại nhìn, thánh nhân mới ra đi “chảy nước mắt”. Và, “khóc ròng”. Khi ấy, thánh nhân đã học được cung cách khóc cho hội thánh. Và, chính vào giờ phút đó, ông mới đích thực là “Đá Tảng” của Giáo hội rất thánh.
Các đấng bậc kế tục thánh nhân, trong vai trò “chảy nước mắt”/“khóc ròng” giống thánh Phêrô, hiển nhiên cũng sẽ như thế. Và, các đấng bậc vị vọng từ Giám mục chủ quản cho chí linh mục, tức những vị có vai trò lãnh đạo Hội thánh, cũng nên học cung cách ấy. Cung cách “khóc ròng” vì mọi người. Và, chỉ có thế, thì các ngài mới có thể truyền đạt tự do, cho con Chúa. Và chỉ có thế, thì: tự do con cái Chúa sẽ không chỉ là danh từ bâng quơ nhưng sẽ là tên gọi đích thực của Vương Quốc Nước Trời?
Trong tinh thần hiểu biết rất như thế, tưởng cũng nên ngâm tiếp câu thơ hát ở trên, rằng:
“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,
chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi,
chỉ có tình thương để lại đời.”
(Tôn Nữ Hỷ Khương – Còn Gặp Nhau)
Nước chảy hoa trôi, là tình đời. Gặp nhau hãy vui với tình người. Tình, của những người từng chảy nước mắt/khóc ròng, giống “lệ đá xanh”, rất Phêrô. Mọi thời. Ở mọi nơi. Ngay đây.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –  
Mai Tá lược dịch.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn –  
Mai Tá lược dịch.