Saturday 28 February 2009

“Dừng lại, trong lòng khói biếc bay”

Dừng lại đây, là nơi hiu quạnh

là nơi, nghe thấy tiếng cỏ cây,

là nơi, quên những mùi trần sự,

là nơi, quên những nỗi chua cay.”

(dẫn nhập thơ Lưu Trọng Lư)

Mc 9: 2-10

Dừng lại đây, nhà thơ nay đã dừng lại, trong khói biếc. Nhà thơ dừng, để nghe tiếng cỏ cây, và quên đi những mùi trần sự, đang khuất tất. Quên, nỗi chua cay của thế trần. Vậy thế, nhà Đạo lâu nay há vẫn dừng? Dừng vui chơi? Dừng hoạt động, vào mùa chay? Dừng và nhớ lại lời, khi xưa Ngài dạy?

Trình thuật Máccô hôm nay, ghi lời Chúa dạy ta hãy dừng. Ngài dừng lại, để tỏ bày thiên tính với đồ đệ, trên núi cao. Tỏ bày thiên tính, Ngài trưng dẫn những tương quan. Tương quan mật thiết, với đồ đệ. Tương quan, soi tỏ mọi người: Ngài là ai. Nhờ tương quan ấy, đồ đệ Chúa nay nhận biết Ngài là: Đấng Cứu độ. Đức Mêsia, mà mọi người từng trông ngóng.

Trình thuật hôm nay còn biểu tỏ: giữa lúc kinh hoàng nhiều suy nghĩ, đồ đệ Chúa như lĩnh nhận gáo nước dội trên đầu. Nước đây, là ân huệ gội tẩy những suy tư không đúng cách. Liền khi ấy, Chúa kể cho nghe những điều xẩy đến với Ngài, Đấng Mêsia-Cứu Độ, rằng:“Con Người sẽ chịu nhiều đau khổ; bị hàng niên trưởng, thượng tế cùng ký lục phế thải, giết đi, và sau ba ngày sẽ sống lại.” (Mc 8: 31)

Suy cho kỹ, đây là cú “sốc” gửi đến với môn đồ đang suy nghĩ, vẫn chưa tin. Chưa tin, là bởi: những gì các ngài vừa nghe biết, đã đi ngược mọi điều lòng dân trông đợi, nơi Đức Mêsia. Trông đợi, Ngài xuất hiện như anh hùng dân tộc giải phóng họ khỏi xiềng xích của địch quân, là xong. Ở đây, Chúa nói về sứ vụ giải thoát dân con bằng khổ đau và nỗi chết, Ngài sẽ chịu. Khác hẳn điều họ suy nghĩ.

Chẳng thế, mà Phêrô thánh nhân đã dám càm ràm đề nghị giải pháp khác. Giải pháp trông chờ, để hưởng thụ. Bởi thế, thánh nhân đã bị quở trách, rất gắt gao: Xa-tan! Hãy lui lại sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người." Chính vì thế, thánh nhân bị coi là “đá tảng”, cản trở “Đường” Chúa sẽ đi. Vì thế, Phê-rô cùng các thánh rất “kinh hoàng”, chẳng hiểu Thầy là Mêsia Đấng nào. Thành thử, phần kế tiếp là giải thích Ngài muốn con dân am tường.

Chờ ngày “N” đến, Đức Chúa không chỉ bày tỏ cho con dân biết là Ngài chấp nhận nỗi chết theo cung cách nào. Mà còn, để dân con của Ngài, ai muốn làm đồ đệ Chúa, cứ phải chấp nhận thập giá. Chấp nhận bước đi, suốt đời mình. Hiệp lòng với Đấng Mêsia, không phải hiệp lòng để hưởng ơn mưa móc, có quyền hành. Nhưng, để theo chân Chúa ngõ hầu phục vụ. Phục vụ và tách rời, khỏi mọi thứ quyền uy, của thế trần.

Bối cảnh trình thuật hôm nay, gồm 3 môn đệ gần Chúa nhất: thánh Phêrô và anh em nhà Zêbêđê. Tức, thánh Gioan và Giacôbê. Cả ba môn đệ được cùng Thầy, cất bước ra đi lên “núi thánh”. Núi thánh nào? Ở đâu? Vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Đề tài, gây nghi ngờ. Ở lòng người. Nhưng, với Kinh Sách mặc khải, việc Chúa tỏ bày thiên tính của Ngài, thường xảy đến ở “núi thánh trên cao”. Chốn thánh thiêng, mà phần đông các tôn giáo, vẫn thường làm.

Bỗng đột nhiên, các môn đệ “gần gũi với Thầy’, nay đều mục kích tình huống có Chúa đang thay hình đổi dạng. Tình huống, mà Hội thánh thời tiên khởi gọi là cuộc “biến hình trên núi thánh”. Qua “biến hình”, người của Thầy trở nên “rực rỡ, trắng tinh”. Điều này, biểu trưng cho luồng sáng chói loà, của chính Chúa. Điều này, còn khiến các thánh nhận ra tổ phụ Môsê và tiên tri Ê-li-a, đang đàm đạo. Với Chúa. Với truyền thống Do Thái, tổ phụ Môsê được coi như trọn vẹn Lề Luật và tiên tri Ê-li-a đích thực là đấng bậc tiên tri, thời mới sớm. Tựu trung, hai vị nay biểu trưng cho toàn bộ truyền thống Do Thái, rất mộ Đạo. “Các vị đàm đạo với Đức Giê-su”, hiểu theo ngôn ngữ của thế giới truyền thông hôm nay, có nghĩa là: các thánh đã chứng xác những gì Đức Giêsu đã nói. Đã làm.

“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!” kinh nghiệm sống vốn có đã từ lâu, Phêrô thánh nhân quả thực đã hăng say, cùng nhất quyết. Thật ra, Phêrô thánh nhân vẫn chỉ muốn thiết lập có ba di tích lịch sử, mà thôi. Một dành cho Chúa. Một cho tổ phụ Môsê. Và, một cho tiên tri Ê-li-a. Thánh nhân dự định dựng lều cho Chúa và đấng bậc, là để các ngài thoải mái sống ở môi trường đầy cảm hứng. Điều này chẳng có gì sai trái. Tệ hại. Nhưng vấn đề ở đây, cho thấy: đó không là ý của Chúa. Không là, cuộc sống Ngài muốn dành cho Phêrô thánh nhân, cũng như các đồ đệ khác, rất gần gũi.

“Có đám mây bao phủ các ông…” ở đây nói về sự hiện diện của Đức Chúa. Thêm vào đó: từ đám mây có tiếng phán: “Này, là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Ngài.” Thêm vào đó, còn là xác nhận của chính Chúa. Xác nhận, mà đồ đệ cần nghe theo và chấp nhận. Xác nhận, chính điều mà Đức Giêsu đã từng phán. Từng thực hiện bằng hành động. Xác nhận, cả những chuyện được Chúa bày tỏ, như: Ngài bị khước từ. Chấp nhận mọi khổ đau, và nỗi chết. Nhưng Ngài đã sống lại. Và Ngài sống lại thật. Nhất nhất, đều là những lời phán và lệnh truyền. Để, người người nghe và nhận thức.

“Chợt nhìn quanh, còn lại chỉ mình Chúa, Đức Giêsu”, đây chính là thực tại mà các thánh, cũng như ta, vẫn giáp mặt với Chúa. Như mọi ngày. Trong đời.

Bài đọc 1, chú trọng đến thời buổi Thiên Chúa yêu cầu tổ phụ Áp-ram tiến lễ con trai độc nhất của mình, là I-xa-ác. Nghe lệnh truyền, tổ phụ đã thực thi ngay lập tức. Chuyện thực thi, thoạt nghe có vẻ như không hữu lý. Bởi chính Chúa đã hứa cho Áp-ram con đàn cháu đống, rất đông dân. Thực thi đây, cho thấy tổ phụ ta luôn sẵn sàng tin tưởng vào Đức Chúa. Lời hứa của Ngài luôn được trân trọng, dù ta chưa hiểu rõ.

Thực thi đây, cũng tương tự tâm trạng Đức Giêsu sẵn sàng tuân theo ý định của Chúa Cha. Điểm khác biệt, là ở chỗ: I-xa-ác thẫn thờ giáp mặt nỗi chết. Còn Đức Giê-su, Ngài đã sẵn sàng làm đúng ý Cha. Làm đúng ý, Ngài hy sinh cả tính mạng, vì thương yêu hết mọi người. Chính đó, là ý nghĩa câu: “Song đừng cho ý của Con, mà là ý của Cha, được thành sự” (Lc 22: 42). Tâm trạng ấy, nay môn đệ Chúa đã biết. Và đã hiểu. Hiều, rằng sự phi lý của hành vi tế hiến hy sinh, là vì ơn cứu độ.

Hiểu sự phí lý ấy, thánh Phaolô đã viết trong bài đọc 2: “Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta.”(Rm 8: 31-34). Mãi về sau, cuộc khổ hạnh và nỗi chết của Chúa mới được con dân hiểu rõ như sự toàn thắng, vinh hiển. Như thánh nhân có nói trong thư khác: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Hr 5: 7-9)

Suy cho kỹ, mới hiểu được Lời Chúa nói với các môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24: 26). Giống như thế, đồ đệ/con dân của Chúa cũng phải đi cho đến cùng. Tức, cùng chấp nhận khổ đau và nỗi chết, như Thầy mình. Đi đến cùng, trong cuộc sống thực tế của chính mình. Của người khác. Đó cũng là ý nghĩa của câu nói: “Có Chúa bênh đỡ chúng ta, ai mà chống được?” (Rm 8: 32).

Ý nghĩa đó, rất đích thực và dễ hiểu cả vào lúc ta sống trong hạnh phúc, hoặc rất gian nan, khốn khổ. Đau bệnh. Thất bại và chán chường. Mất niềm tin. Tình Chúa yêu thương vẫn còn đó. Còn đó, cả vào lúc Chúa hấp hối trên thập tự. Đó còn là quả quyết của thánh Phao-lô ở đoạn tiếp: “Tôi tin rằng: dù có là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay loài thọ tạo nào khác, không gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8: 39)

Đó là bài học, các môn đệ “gần gũi Chúa” đã học được vào ngày “Chúa biến hình”. Và, mãi về sau, khi bị bỏ rơi trong khổ lụy, thất vọng và chán chường, các thánh vẫn học bài học ấy để sống. Các ngài đã chứng minh cho bài học yêu thương và hy sinh, suốt cuộc đời. Và, cuối cuộc đời trong khổ ải. Trong chết chóc. Tủi hờn.

Đó còn là, khích lệ gửi đến cho ta. Gửi, để ta học hỏi quyết tâm giữ vững niềm tin yêu, phó thác. Phó thác, như tổ phụ Áp-ram đã làm. Phó thác, vì vinh quang của Đức Chúa. Phó thác, vì hạnh phúc. Và sự bình an. Cho mình. Cho mọi người.

Với quyết tâm học hỏi và thực hiện Điều đó, ta hân hoan cất bước đi và hát. Hát rằng:

“Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa

Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai.

Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,

Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,

Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.” (Hoàng Nguyên)

Lên xứ hoa đào hay lên núi thánh, cũng đừng quên lời dặn dò của Đức Chúa. Lời dặn hãy cất bước ra đi mà chấp nhận khổ đau, phiền lụy. Vì Đức Chúa. Vì mọi người.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch


Friday 20 February 2009

“Em hãy trôi, trên giòng sông khổ hạnh,”

nở nụ cười khinh bạc,

thách thức cuộc nổi trôi.

Em hãy đi! Những lối chớ ngại ngùng,

Bước qua trời, để thấy được tình yêu.”

(dẫn từ thơ Cẩm Vân)

Mc 1: 12-15

Trôi trên giòng sông khổ hạnh? Phải chăng, là lời khuyên nghe rất khó! Cũng khó, như lời vàng hôm trước: hãy vác thập giá mà theo Ta. Khổ hạnh – thập giá, tuy có khó, nhưng vẫn là điều thánh Máccô nay đà ghi chép.

Trình thuật thánh Máccô, nay nói đến 40 ngày khổ hạnh của Đức Chúa. Ngài không “nở nụ cười khinh bạc, thách thức cuộc nổi trôi” như nhà thơ trên đã viết. Khổ hạnh, là Vượt Qua, tiến bước vào nỗi chết. Chấp nhận chết, Ngài mới sống lại trong vinh hiển. Với phép nhiệm Vượt Qua, Ngài luôn tiến bước. Ngài tiến, để ta suy tư nhận thức, sống khổ hạnh, hoà nhập cùng Chúa.

Sống khổ hạnh, không có nghĩa: tập trung vào chuyện tiêu cực, trong mọi việc. Nhưng, suy tư về cuộc sống rất tích cực. Sống thẩm nhập vào hành trình cứu độ của Chúa. Sống thân thương với mọi người. Với bạn bè. Với người thân. Với cả cộng đoàn Nước Trời, nơi giáo xứ. Sống vui tươi, với người anh/người chị trong môi trường xã hội bên ngoài. Sống hài hoà, theo tình con cái, nhất quyết đánh bật mọi lạm dụng/sai trái, nhất nhất là thành phần của cuộc sống, rất Chay kiêng.

Sống chay kiêng, là tự vấn chính mình, với quyết tâm. Và, khởi động. Sống chay kiêng/khởi động, là đi vào nơi hoang vắng, chốn hồn hoang mà thánh Gioan Tẩy Giả từng cảnh báo: “Thời đã mãn, và triều đại của Chúa đã đến gần. Hãy sám hối. Và, tin vào Tin Mừng”. Sống sám hối và tin vào Tin Mừng, cũng bao gồm cả những vấn nạn thường xuyên, là hỏi lòng rằng:

-mình có quyết tâm tham dự Tiệc Thánh mỗi ngày, hoặc mỗi tuần, chưa?

-có bỏ ra vài giây phút riêng tư tịnh thoát mà nguyện cầu, hằng ngày chưa?

-có để thì giờ để chuyên chăm một mình, đọc thánh Kinh?

-có sinh hoạt tình thân thương với cộng đoàn mình đang sống cùng và sống với?

-Lời Chúa có đánh động niềm riêng của mình, mùa Chay không?

-liệu mình có dám dùng tiền bạc định mua sắm/tiệc tùng, để giúp đỡ người cần hơn không?

“Người ở trong hoang địa những 40 ngày”, không nên tìm nơi đây chứng tích lịch sử khách quan. Cho bằng, hãy tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng được thánh Máccô ghi lại. Tìm hiểu, để hiểu rõ các xung đột nội tâm Chúa cũng gặp, trong đời Ngài. Xung đột, là những hiện thực đang diễn tiến trong cuộc đời. Của mỗi người.

Xung đột nội tâm, như thánh Mátthêu và thánh Luca ghi nhận, là những thử thách đầu đời, nay đã đến. Với Chúa. Thử thách Chúa gặp, là những thử và thách qua:

-việc dùng phép lạ có nhằm đánh bóng chính Ngài (như: thử thách biến sỏi đá thành cơm)?

-làm điều lạ, Ngài có nhằm thu hút đám đông bước theo Ngài (như: gieo mình từ trên núi)?

-được dân con chúc tụng, nâng lên hàng vua chúa (khi nhân rộng cá/bánh nuôi 5000 người)?

-Ngài toan khước từ khổ đau và sự chết do Cha đặt để (Xin miễn cho Con chén đắng này…”)

Có giáp mặt thử thách cách thành công, Đức Giêsu mới nói được lời “Xin Vâng!” với Cha. Ngài xin vâng, cả vào khi chấp nhận hiến tặng cuộc sống của chính Ngài. Có giáp mặt với khổ đau và thử thách, Ngài mới tiến bước bắt đầu cuộc đời công khai, để rao giảng.

Khời đầu đời rao giảng, là khởi sự chấp nhận một bàn giao sứ vụ, từ Gioan Tẩy Giả. Với Chúa, hoàn tất sứ vụ rao giảng nhằm cứu độ muôn dân, Ngài bàn giao cả trọng trách “xin vâng” cho môn đồ và những ai quyết theo chân Ngài, mãi hôm nay.

Hôm nay, dự Tiệc Thánh, là bằng lòng chấp nhận cuộc bàn giao sứ vụ giảng rao, vị chủ tế đã truyền lan, khi tan lễ: “Anh chị em ra đi bình an, trong Đức Chúa”. Đi bình an, là đi đi để mà rao giảng. Đi đi, để làm chứng, bằng cuộc sống, cho lệnh truyền của Chúa, hôm xưa: “Này Mình Ta, đã phó nộp vì các con”. Phó nộp, một cụm từ xuất tự tiếng Latinh “tradetur”, có nghĩa là bàn giao. Là, trao trách nhiệm cho ai đó. Cho mọi người.

Tiệc Thánh Lời Chúa hôm nay, có thông điệp bàn giao Ngài truyền dạy: “Hãy sám hối, và tin vào Tin Mừng”. Sám hối và tin vào Tin Mừng, để khởi đầu một thông điệp đem về sứ vụ mà Chúa giao phó. Xem thế, một kỷ nguyên mới đã khởi đầu. Xem như thế, tương quan mới đã nảy sinh. Tương quan mật thiết, được thành lập giữa Đức Chúa và muôn dân. Ở mọi thời.

Thông điệp được giao phó, nay đã rõ, có lệnh truyền: “thời đã đến”. Thời nào? Đây chính là kairos. , giây phút quan trọng nhằm hoàn thành trọng trách, Chúa giao phó. Trọng trách ấy, nay mang ý nghĩa đích thực của “Nước Chúa gần kề” (Mc 1: 15). Nước Chúa, không là Thiên đường, mang tính địa dư. Nơi chốn. Mà chính là, quyền năng của Chúa. Ở đó, người người được gọi mời hãy thiết lập cho chính mình. Trong tình thương có Chúa. Tình thương yêu cứu độ, nay được hiển thị nơi Thân Mình Đức Kitô. Đức Chúa chấp nhận khổ hạnh. Mùa chay kiêng.

Chứng cứ của quyền năng yêu thương được Chúa hiển thị, nay thấy rõ:

-ở Lời dạy của Đức Giêsu. Đấng, đầy quyền uy đích thực, được Cha giao ban.

-ở công cuộc cứu độ/chữa lành người tật bệnh.

-ở việc Chúa giải thoát dân con Ngài khỏi sức mạnh thù địch cứ rình chực huỷ hoại con người

-ở việc đưa dân con trở về cùng một “ràn chiên”, người bị xã hội khước từ. Bỏ rơi.

-ở các hành xử biết thứ tha và giảng hoà phạm nhân. Người biết hối lỗi.

-ở động tác cao đẹp Ngài đã trao ban chính mình Ngài, bằng tình thương nhuộm thắm khổ đau, cho đến chết. Và sống lại.

Nhưng, vấn đề là: làm sao tháp nhập được vào tình thương yêu cao cả ấy, của Ngài?

“Hãy hối cải”, chính là lời gọi mời, Ngài đưa ra. Lời gọi này, không là cảm xúc hối hận và nuối tiếc, chuyện đã qua. Cũng không là dừng đứng, thôi không làm điều xấu xa, nữa. Nhưng, lời gọi Chúa muốn ở đây, là đổi thay tận gốc rễ, trọn vẹn lối sống của mình. Của thế giới. Theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, là: “con người mới”. Người mới, là người biết đặt mình trong Đức Kitô. Biết đổi thay.

Nhưng, làm sao để đổi mới? Đổi mới, là “tin vào Tin Mừng”. Tin, không chỉ tưởng rằng Tin Mừng đã hiện thực. Nhưng còn là: tin VÀO Tin Mừng. Cái khác ở đây, rõ ràng là khác biệt giữa ‘tin cái gì’, ‘tin vào điều gì’. Hoặc đúng hơn, la: ‘tin một người’. Người nào đó. Trong bối cảnh được đề cập ở đây, là tin rằng: “Nước đã gần kề”, “tin” ở đây chính là quyết tâm ta đã có. Có, cho lối sống được diễn bày nơi Tin Mừng. Của Chúa. Có san sẻ tầm nhìn, về cuộc sống. Có san sẻ, để rồi đảo ngược những giá trị chỉ mang tính rất chóng qua, thế mà thế giới ngày nay, vẫn ngộ nhận.

Mùa Chay kiêng, là thời gian trong đó người người quyết cải hối. Nhất định đổi thay. Đổi và thay, theo cách thức và chiều hướng đã được toàn thể mọi người thề nguyền, dạo thánh tẩy. Mùa Chay kiêng, còn là thời gian giúp ta tái xác định. Và nhất quyết, làm việc ấy. Cho bằng được.

Bài đọc 1, gợi nhớ người nghe, về quyết tâm mà ông Nô-ê và gia đình, đã thực hiện qua trận hồng thuỷ phá hoại mọi mùa màng, cùng sinh vật. Quyết tâm của ông, nay khơi mào một tương quan mật thiết đã khởi đầu giữa Thiên Chúa và dân Người. Tương quan, nay được thể hiện nơi giao ước mới vừa tái tạo, với tổ phụ Ápram. Với Môsê, lúc sau này. Hồng thuỷ trong truyện của Nô-ê, gợi cho ta nhớ về một quyết tâm được đặt ra, chính vào lúc mình lĩnh nhận ơn thánh tẩy.

Nhờ có thánh tẩy, ta mới được tháp nhập vào Hội thánh. Vào với Thân Mình của Đức Chúa, tức: cộng đoàn dân con, rất Nước Trời. Bằng vào việc ‘sống cùng’ và ‘sống với’ cộng đoàn dân Chúa. Cuộc sống, mà ta học được từ các lệnh truyền của Đức Chúa. Học hỏi phương cách để sống, sẽ giúp ta có quyết tâm, với Ngài. Học hỏi cách sống, có cuộc đời dựa trên sự thật. Sống, có tình thương yêu, giùm giúp. Sẻ san. Sống sẻ san, là: biến công bình và tự do con cái Chúa, thành hiện thực.

Đổi mới cuộc sống, như thế, ta có được hỗ trợ từ cộng đoàn Nước Trời, mà ta chính là thành viên sinh động. Sống như thế, ta sẽ có dịp học hỏi liên tục, nơi mọi người. Học và hỏi, để rồi tăng trưởng cùng với con dân Nước Trời, trong tình liên kết hoà hợp thành nguyên dạng hình hài, trong đó có Chúa hiện diện. Có cả người anh/người chị, rất thân thương. Đó, là ơn cứu độ. Là, ơn giải thoát, bắt đầu từ đây. Nơi này. Mùa Chay kiêng. Mùa củng cố và hỗ trợ cho đổi mới. Hăng say. Lành mạnh.

Trong hăng say đổi mới vào Mùa Chay kiêng, ta hiên ngang đầu cao mắt sáng, mà hát rằng:

“Một mầu buồn sâu từ đôi mắt…

nên tin yêu vốn hay mơ

bâng khuâng vấn tâm tư,

hẳn rằng bông hoa đó…

ai trông mong lúc anh quay về!” (Văn Phụng – Ngoại ô đèn vàng)

Dù, “bâng khuâng vấn tâm tư, vẫn mong anh quay về”. Quay về, Mùa Chay kiêng. Để, sám hối. Và, tin vào Tin Mừng. Tin rằng: Nước Chúa gần kề. Tin rằng, cần đổi mới. Cả cuộc đời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

Saturday 14 February 2009

“Tự nhiên tôi thấy hết đơn côi “


Lệ ấm nhiệm mầu thay phép lạ
Làm tim băng giá biết bồi hồi.

(dẫn nhập từ thơ Doãn Mạnh Tiến)

Mc 2: 1-12

Hết đơn côi” – “biết bồi hồi”, nhà thơ nay đà thấy lạ. “Lệ ấm” – “tim băng”, nhà Đạo xưa đã biết ơn nhiệm mầu, Chúa vẫn ban. Chúa ban, ơn nhiệm mầu bằng mọi cách. Như cách thức mà thánh Máccô ghi lại ở trình thuật, bấy lâu nay.

Thánh Máccô hôm nay, ghi rõ trường hợp người dân thành Ca-phác-na-um, đầy tin tưởng. Thành này, là nơi Đức Chúa thường lui tới. Ngài tới, để giáo huấn/dẫn dụ dân con dõi bước chân mềm, một sứ vụ. Bởi, Ngài thường lui tới nơi đây, nên có người còn thắc mắc: nơi Ngài tới, há chẳng phải mái ấm của Simôn Phêrô, thánh nhân sao? Hay là, chốn ấm nhiệm mầu Hội thánh, rất tiên khởi? Dù là gì đi nữa, nhiệm-mầu chốn ấy, không còn chỗ khiêng/đưa người bệnh vào, để Chúa chữa. Đành trổ mái, đưa người bệnh nhận lãnh hồng ân.

Trổ mái khiêng/đưa người bệnh, điều này cho thấy: người người hôm ấy đà quyết tâm. Quyết tin tưởng, cậy trông vào quyền năng của Ngài. Tất cả, vẫn là điều kiện để Chúa cứu chữa. Dù, là chữa phần xác, hay thần hồn.

“Này con, tội lỗi của con đã được tha”, đây là phán quyết khiến nhiều người đâm sửng sốt. Sửng sốt, là vị họ cứ tưởng người bệnh, hễ đến với Chúa, là để được chữa lành về phần xác, mà thôi. Chứ đâu, dám cầu mong những muốn ơn tha tội! Thế nhưng, phương cách Chúa nhìn sự việc, không chỉ là thân xác được chữa khỏi, mà cả thần hồn phải được cứu chữa, mới đúng. Cứu và chữa, đích thực có nghĩa: Ngài đem lại sự lành lặn trọn vẹn, cả xác lẫn hồn.

Vào khi ấy, kinh sư/Biệt phái đã bắt đầu sửng sốt, bèn tự nhủ: “Sao ông này là dám phạm thượng. Bởi lẽ, chỉ mình Chúa mới có quyền tha tội cho con người, thôi.” Sửng sốt, là chuyện dễ xảy đến. Bởi, người thời đó, vẫn cứ tin rằng: chỉ mình Đấng Mêsia mới có quyền năng , dám làm như thế. Sửng sốt – khó tin, cũng là điều phải. Sửng sốt, vì người người đâu chịu mở mắt , ngõ hầu nhận thức được tính lô-gích của lời bàn. Huống chi, là kết luận. Và, họ không mở mắt trông thấy, vì bản thân họ chẳng muốn thấy điều mà nhà thơ trên gọi: lệ ấm nhiệm mầu, thay phép lạ, thôi.

“Điều gì dễ hơn: hoặc nói với người liệt: tội của con đã được tha, hay bảo: Hãy đứng dậy, vác lều chõng, mà bước đi?” có nghĩa là: thật khó cho người dân bình thường muốn nói lên lòng tin tưởng, mà mình vẫn có bấy lâu nay. Đằng khác, thật cũng dễ, nếu bảo rằng: tội của con đã được tha, tức là: ai là người biết được những gì đã xảy ra, hoặc chưa biết?

Bởi thế, Chúa đã minh xác cho lời Ngài muốn nói với những người chỉ tìm cách khích bác, chống trả. Ngài lại thêm một lần nữa, khẳng đình: “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này , Con Người có quyền tha tội…” Liền sau đó, Ngài quay về phía người bệnh, rồi nói: “Hãy đứng dậy, vác lều chõng mà ra đi.” Và lập tức, người bại liệt đã làm như thế, trước mặt bá quan văn võ, rất sững sờ. Và, họ bảo nhau: “Ta chưa hề thấy chuyện này. Bao giờ”

Hiểu rõ hơn, cũng nên biết thói lề của người Do thái thời bấy giờ. Là, những người vẫn luôn nối kết tội lỗi với tật bệnh. Nhiều người trong số họ, vẫn cứ coi tật bệnh ngặt nghèo như hình phạt , đến từ trời cao. Trừng phạt, những người sai phạm, mắc lỗi. Do chính họ, hoặc: do tội phạm của mẹ cha. Yếu tố này, làm ta nhớ đến câu viết của thánh Gio-an: “Rabbi, ai đã phạm tội? Chính anh, hay cha mẹ của anh?” ( Yn 9: 2)

Ở đây cũng thế, dân thường ở nơi đây, cũng vẫn nghĩ rằng: sở dĩ người bệnh đây bị bại liệt là do hậu quả của án phạt về những lỗi phạm do chính anh, hoặc cha mẹ anh, sai trái. Nếu Chúa gột thoát được bệnh tình của người bại liệt, thì nguyên nhân gây bệnh, cũng sẽ được cất đi. Chính vì thế, khi Chúa bảo: Tội của anh đã được tha”, có nghĩa là Ngài không làm điều gì phạm thượng. Trái lại, điều đó cho thấy Ngài chính là Thiên Chúa, Đấng Mêsia.

Ngày nay, chúng ta lại cũng bắt đầu nhận ra mấu chốt liên kết tật bệnh với các hành xử của chính mình. Mọi người đều thừa hiểu, rằng: giữa điều ta suy nghĩ với thái độ, hành vi, cảm xúc, vẫn có ảnh hưởng hỗ tương, đan kết vào với nhau. Nhiều bệnh chứng –đa phần về tâm linh, tâm thần- là hậu quả của những căng thẳng thần kinh. Hoặc, của những mất thăng bằng trong cán cân tương quan ta vẫn có với mọi người. Mất thăng bằng trong công ăn việc làm. Thiếu quân bình trong môi sinh.

Cũng thế, hành vi sai phạm còn là nguồn gốc gây nên những bất ưng trong cuộc sống. Sai phạm/tội lỗi, dù ẩn nấp dưới bất cứ hình thức nào, cũng gây tổn hại đến quan hệ ta vẫn có, với Chúa. Với Tình thương yêu. Với Sự Thật. Còn tổn hại cả những người chung quanh. Và chính mình. Nó gây chao đảo thế quân bình ở trong ta. Trong thần hồn. Trong cảm xúc, lẫn xác thân. Người phạm lỗi dứt khoát không thể nào là người lành lặn. Đó là người tham vọng. Giận hờn với ghét ghen. Từ đó, dẫn đến những ước ao lấn quyền, lấn cả tình thân thương vẫn có với mọi người.

Cụm từ “Chữa lành”, “Lành lặn”, “Trọn vẹn”, “Lành thánh” vẫn có chung một nguồn gốc. Con người trọn vẹn/lành lặn, là người có tất cả mọi thứ kết hợp hài hoà với Đức Chúa. Với tha nhân. Môi trường. Và, với chính mình.

Tuy nhiên, không phải mọi tật/bệnh đều nối kết với sai trái/lỗi phạm. Có khiếm khuyết bẩm sinh, không gắn liền với lối hành xử nào của ta hết. Cũng chẳng kéo theo một hình phạt nào hết. Người bại liệt trong trình thuật, là ví dụ cụ thể. Nhưng, như ta rõ: người mẹ lành lặn mà sử dụng rược bia, ma tuý, vv. . chắc chắn sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng cho phát triển bào thai, ở cung lòng. Con cái, sẽ gánh chịu hậu quả chỉ vì sơ xuất nhỏ của mẹ cha. Hậu quả ấy, không do lỗi phạm của các em. Không là hình phạt, gửi đến từ đâu đó. Nhưng, ông bà cha mẹ vẫn biết rõ sự thật, hơn hậu duệ.

Bài đọc 1, có lý khi đưa ra nhận định: “Chớ quan tâm về những việc của ngày trước”. Quả là sai lầm, nếu cứ coi tật/bệnh như hình phạt hoặc hậu quả của lỗi phạm thời xưa. Điều cần lo, là những sai trái hiện ta mắc phải. Các lỗi phạm, mà mình không quyết tâm. Hãy hối cải. Bởi, Đức Chúa không nhìn vào quá khứ, của riêng ai. Ngài quan tâm đến thân phận ta đang gặp, trong hiện tại. Ngài để tâm đến tình thân thương ta đang có với Ngài. Với mọi người.

Bài đọc 2, thánh Phaolô hối thúc cộng đoàn ở Côrintô nên háo hức nói lời “xin vâng” vô điều kiện với Chúa. Như Đức Giêsu vẫn nói với Cha. Bởi, qua Ngài, mọi lời hứa của Chúa với ta, đều mang tích tích cực, những cái “có”. Ngài không bao giờ giáng phạt, chỉ vì mình có sơ xuất/lỗi phạm. Các khổ đau do phạm lỗi, xuất tự chính lỗi phạm. Từ, các tương quan méo mó với Chúa. Với người anh em. Với chính mình. Thay vào đó, có lẽ nên nói tiếng “Amen” với Tình yêu Chúa đang đổ xuống trên ta.

Với ánh sáng Tin Mừng chiếu dọi, ta có thể quay hướng nhìn về chính cuộc sống của mình. Nhìn, để thấy xem có sự hài hoà giữa thần hồn, tâm linh và xác thể. Với môi trường chung quanh. Lành thánh, không chỉ có nghĩa sốt sắng những đọc kinh, đạo hạnh là đủ. Mà chính là, lành thánh, là có cuộc sống lành lặn. Là, tình trạng trọn vẹn nguyên dạng gắn liền với cuộc sống. Vào quan hệ thân thương với mọi người.

Trong hân hoan duy trì quan hệ thân thương ấy, ta cứ lại hát lên lời ca đầy hưng phấn, mà rằng:

“Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa

Một miền quê, một miền quê tim héo và khô

Lời tôi ca khâu vá tình thương

Lời hôm qua chắp nối Con Đường

Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn

Lời mai đây cao ngút Trường Sơn.” (Phạm Duy – Tiếng Hát To)

Cứ hát đi. Hát mãi cho quan hệ thân thương ta vẫn có. Hát cho “lệ ấm nhiệm mầu thay phép lạ” hôm nay đã “làm vơi đi nỗi thống khổ” của nhiều người. Để, lời ta ca ”khâu vá tình thương”. Thương Chúa. Thương hết mọi người.

______Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch