Sunday 30 January 2011

“Chúng con ngoại đạo hay ngoan đạo"



Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Tư Thường niên năm A 30.01.2011
“Chúng con ngoại đạo hay ngoan đạo,
“vẫn biết và tin có “Chúa lòng!”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)
Mt 5: 1-12
            Từ muôn thuở, nào mấy nhà thơ nay còn nhớ. Nhớ hay chăng, “Chúa lòng” vẫn có đó để mọi người cầu mong. Cầu và mong, nay nhà Đạo lại bảo: “Chúa lòng” của mọi người, là đề tài mà thánh sử lâu nay vẫn quả quyết từ trình thuật đầu đến Tin Mừng cuối, ở Thánh Kinh. Nơi Kinh Sách, các thánh vẫn cứ trình và cứ thuật, để người người biết được mà yêu thương phụng thờ Chúa, rất nguyện cầu.
Mở đầu Tin Mừng, thánh Mát-thêu đã trình và thuật về “Chúa lòng” rất chung tình, bằng nhiều chương đoạn. Chí ít, là bằng 5 bài mở đầu về cộng đoàn sống Đạo, trong đó trước nhất gồm các giá trị đạo đức của dân con Chúa. Thứ đến, là sứ vụ công khai của cộng đoàn. Tiếp theo sau, là: chiều sâu chiêm niệm của dân con nhà Đạo. Là, tương quan kiểu mẫu nơi tín hữu. Và, chiều kích thủy chung nơi niềm tin yêu.
            Tựa hồ một thứ giáo lý bỏ túi cho đời sống, 5 bài mở đầu không chỉ dành cho cộng đoàn Mát-thêu thôi, mà cho bất cứ cộng đoàn nào khác. Đó là sứ điệp mà phụng vụ muốn gửi đến hết muôn người.  
            Sứ điệp đầu, là “Hiến chương” mới mà ta gọi là “Bài Giảng Trên Núi”. Tức, Lời Chúa nói về giá trị mới cho đạo đức của cộng đoàn. Môsê xưa cũng đem đến cho dân con Do Thái bộ luật để đời, từ núi thánh. Viết về Đức Giêsu là Môsê Mới, thánh Mát-thêu ghi lại việc Chúa ban cho dân Ngài một Bộ Luật rất mới. Bộ sưu tập chuyên về giá trị đạo đức như lời giảng giải về đời người, từ núi thánh ở Galilê.
            Thật ra, Chúa không chọn nơi cao nguyên bằng phẳng hay chót vót non cao để có một bài chia sẻ vào buổi trưa hè nóng bức. Nhưng Ngài vẫn đưa ra, lúc chỗ này, khi nơi khác, những đoản khúc yêu thương chú trọng đến khôn ngoan cần có, để ta sống. Thánh Mát-thêu vốn nắm bắt được ý tưởng nòng cốt của Chúa suốt chặng dài cuộc đời Ngài, đã đâu kết với nhau thành bài giảng giải hiến chương thương yêu của Chúa, để mọi người thấm nhuần đường lối Chúa muốn, mà thực hiện.
            Hiến Chương Chúa ban hành, có phần mở gồm những tuyên ngôn về giá trị đạo đức dành cho con người. Mỗi điều khoản đều bắt đầu bằng cụm từ “Phúc thay”, những 9 lần nhắc đi nhắc lại thứ hạnh phúc dành cho mọi thành phần khác biệt của cộng đoàn Chúa tuyển chọn. Đây không chỉ là giòng chảy tu đức, thôi. Nhưng, còn là thách đố gửi đến xã hội loài người để ta suy tư, ứng xử. Các điều khoản của “Hiến Chương” gồm nhiều nghịch lý nghe rất lạ. Tức, các điều khoản của một hạnh phúc ít thấy có. Thứ phúc hạnh mà phần đông người trong xã hội coi như bất hạnh, hoặc mối hoạ vẫn hiện đến với cuộc đời.   
            “Phúc thay cho kẻ có tinh thần khó nghèo”. Tức, những người vẫn lang thang đầu đường xó chợ. Các trẻ bán vé số. Các cụ già khất thực. Họ là nạn nhân của bất công xã hội. Là, những người cứ ngày một héo hon. Mòn mỏi. Tàn tạ. Những người vẫn cứ sống nghèo và khổ mãi rồi vô tình trở thành bàn đạp cho người giàu dựa vào đó mà vươn cao. Dựa vào đó, mà ngồi trên đầu trên cổ họ.
            “Phúc thay cho kẻ ưu phiền”, tức những người cùng một cảnh ngộ. Từng cảm nghiệm sâu sắc thế nào là tình huống khổ đau. Sầu buồn. Mất mát.
            “Phúc cho kẻ đói khát công lý”, vì họ là những người thèm khát sự công minh, chính trực. Là những người không cần đến sự thương hại của bất cứ ai. Họ chẳng cần đến lòng xót thương của bất cứ người nào, mà chỉ muốn đòi lại sự công bằng Chúa ban như thứ quyền dành cho họ, do “Chúa lòng” cởi mở và tử tế vẫn muốn ban. Vì, Ngài là Đấng công minh chính trực, nên con cái Ngài phải được đối xử tử tế như người chính trực, công minh rất đúng nghĩa.
            Phúc cho những kẻ sống như thế. Dù, một số người trong họ là những kẻ bần cùng, hẩm hiu. Bẩn thỉu. Không được xã hội công nhận hoặc tôn trọng. Nhưng, họ là những người dựng xây xã hội bình an theo cung cách riêng tây của họ. Họ là những người từng gánh chịu sự mỉa mai và thương tổn do kẻ sung sướng, bóc lột họ gây nên.
Họ là ai, mà sao thời nào cũng thấy xuất hiện?
Phúc âm gọi họ là những người được đến thẳng với Chúa. Là những người, mà Chúa không thấy khó khăn mỗi khi Ngài muốn đến với họ. Giữa họ và Chúa, vẫn có tương quan mật thiết, rất dễ chịu. Giữa Chúa và họ, không có một rào cản. Không vướng mắc. Cũng chẳng cách ly. Họ không sống theo sách vở; nhưng, lại có tương lai sáng lạn mà sách vở hằng mơ ước. Họ là người đích thực được Chúa chúc phúc. Xem thế, thì sự khó nghèo của họ vẫn cứ thẳng tuột, xuyên suốt. Xem thế, thì đó là mẫu hình của tương quan lý tưởng trong Hiến Chương Nước Trời do Chúa thiết lập..
Thời đại hôm nay lại có thêm vấn đề: làm sao cắt nghĩa ý Chúa nói trong “Bài Giảng Trên Núi” được như thế? Có người tuyên bố mình không thể là người nghèo. Cũng không thích nghèo. Và, chẳng bao giờ mong muốn cuộc đời nghèo khó của mình, nếu có, cứ tiếp diễn.
Suy tư về thái độ tự tại của nghèo hèn, ta không bàn nhiều về đòi hỏi phải sống nghèo như Chúa dạy, để rồi sẽ biện luận/diễn giải để cứ gọi đó là “tinh thần khó nghèo”. Nhưng kỳ thực, đó hoàn toàn không hẳn là ý Chúa. Đó cũng không là mục đích mà thánh Mát-thêu nhắm đến khi thánh nhân ghi lại Lời Ngài, về Hiến Chương Nước Trời.
Có người lại bảo: ta vẫn lao động cật lực để kiếm sống, chứ không như đám người ăn bám, vẫn rất lười. Vậy thì, cứ thí cho họ đôi chút gì đó để họ có cơ mà tiến thân. Cùng lắm, cứ gửi họ đến với tế bần, là xong. Kỳ thực, đó cũng không là ý Chúa. Cũng chẳng là mục tiêu mà thánh Mát-thêu nhắm đến khi thánh nhân viết trình thuật cho ta hôm nay.
Vậy thì, thực tế là thế nào? Phải chăng có điều gì đó trong lối sống khó nghèo để người đời không tự đặt mình vào với hệ thống của xã hội? Thật tình, thì nghèo và hèn là bản chất của cuộc sống đính kèm vào với Chúa. Nghèo và hèn, là thứ “hộ chiếu” để người người đến thẳng với Chúa mà không bị vướng mắc vào vật cản nào hết. Không bị ràng buộc vào bất cứ luật lệ nào khả dĩ dễ bị ngăn chặn.
Nghèo và hèn, là chức năng được Chúa chấp nhận để ta có thể vào với Vương Quốc Nước Trời của Ngài, nhờ vào lòng độ lượng Ngài ban cho ta như một quà tặng. Là, tình thương vô biên Chúa tặng thưởng. Là, nỗi niềm ưu tiên cao quý Ngài hiện thực. Là, chức năng cao cả Ngài tặng ban cho dân được tuyển.
Người nghèo, là mục tiêu Ngài nhắm tới để Ngài tạo dựng đất trời. Nghèo, là cứu cánh Thiên Chúa là Cha đã gửi Con Một Ngài đến với ta để cứu độ và ban cho ta sự sống. Chính họ mới là mục tiêu của công trình cứu độ. Nói cách khác, vốn dĩ rất nghèo, nên họ đích thị là con cái Chúa. Đích thị được Chúa nhập thể để trở nên giống như họ. Trở nên chính họ. Hội thánh, sẽ không là hội của các thánh, nếu như Thánh Hội của ta chưa nghèo đủ như họ. Chưa là Kitô-khác cũng rất nghèo.       
Giá trị đạo đức của cộng đoàn dân Chúa chỉ thành sự nếu ta biết nhận ra mình là con dân đích thực được Chúa đoài hoài tìm đến. Cộng đoàn Mát-thêu chẳng khi nào làm giảm suy tính chất khó nghèo của Giáo Hội tiên khởi khi các thánh đứng ra quyên góp tiền của trong cộng đoàn mình hầu đem tặng cho những vị còn thiếu thốn/có nhu cầu nhiều hơn.
Cộng đoàn Mát-thêu làm thế, vì các thánh vẫn coi trọng tính chất nghèo hèn của “người nghèo” như kho tàng sống động rất giá trị. Nói cách khác, cộng đoàn Mát-thêu chính là Hội thánh của người nghèo, theo nghĩa tiêu biểu nhất, vì biết sống khó nghèo. Sống, cho người nghèo.
Với Hội thánh, người nghèo không bao giờ sợ mình bị loại trừ, vì tính nghèo của mình. Với cộng đoàn, người nghèo không là mối đe doạ để mọi người phải tránh né. Hắt hủi. Bởi, chính họ mới là thành phần quan trọng của Hội thánh. Chính họ, là nhóm người dám xác minh rằng: chính mình có chức năng và khả năng để biến đổi thế giới. Chính người nghèo như họ, mới là những người đáng sống trong xã hội.
Nếu vậy, ắt có người sẽ hỏi: người nghèo là ai mà ghê gớm thế?    
Kinh thánh nói: họ là các khách lạ người dưng. Các bà goá. Các trẻ mồ côi. Với xã hội hiện đại, họ là đám người thoát thân tìm nơi lẩn náu, mà ta vẫn quen gọi họ là dân tị nạn chính trị. Kinh tế. Hoặc, bằng bất cứ tên gọi nào khác. Là, nạn nhân của các gia đình vỡ đổ. Là, giới “bụi đời” sống vất vưởng nơi hang cùng ngõ hẻm. Những kẻ sống vô gia cư, chết vô địa táng, luôn bị xã hội coi thường. Những kẻ thua sút người khác cách này cách khác. Những kẻ bị phân biệt/cách ly bởi những người tự gọi là đạo đức. Là, những kẻ ta gặp ở đâu đó, nơi phố chợ. Những bà mẹ tay xách nách mang một lũ nhóc, rất lôi thôi. Hôi hám. Đáng coi thường.
Hội thánh bảo: nếu ta biết dừng chân đứng lại mà quan sát rồi xét lại bản thân mình, ắt rằng ta phải bắt đầu lại cuộc sống rất khác. Cuộc sống có giá trị đạo đức. Rất phục hồi. Hãy xét lại bản thân, rồi hãy đọc tiếp Tin Mừng thánh Mát-thêu, vào những tuần kế tiếp. Có xét lại bản thân như thế, ta mới tư duy cho phải lẽ. Có ý nghĩa. Lớp lang. Bởi, ý nghĩa của Tin Mừng sẽ chỉ bắt đầu ở đây. Bây giờ, mà thôi.
Có như thế, người đọc và suy niệm Tin Mừng thánh Mát-thêu mới thấm đậm ý nghĩa thi vị của nhà thơ khi ông viết:
            “Chuông ngọ từng hồi, chuông ngọ đổ,
            Từng hồi chuông ngọ đổ chơi vơi.
Con nghe chuông ngọ đổ, rồi con khóc.
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi! (Nguyễn Bính – Chuông ngọ)
            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
            Mai Tá lược dịch

Saturday 29 January 2011

“Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,”

cái rét đầu đông, giật mình bật khóc.

Hoa sữa thôi rơi, mỗi chiều tan học,

Cổ Ngư xưa, lặng lẽ dấu chân buồn.

(dẫn từ thơ Bùi Thanh Tuấn)

Mt 5: 13-16

Hà Nội vắng mưa, Cổ Ngư buồn. Phải chăng buồn này, buồn thế kỷ? Nhà Đạo vắng Chúa, chắc mất vui. Vui/buồn nhà Đạo, nay vẫn do người mình một lòng theo Chúa, sống bình yên.

Bình yên nhà Đạo, được thánh Mát-thêu ghi rõ ảnh hình về cộng đoàn tín hữu, ở đoạn cuối “Bài giảng trên núi”. Ảnh hình, về “Muối cho đời” và “đèn thắp sáng thế gian”, ý của thánh sử muốn nói về Hội thánh Chúa sống ở chốn gian trần.

Muối là chất được sử dụng trong hầu hết các buổi ăn kiêng. Muốn cho thực phẩm giữ được lâu ngày, thêm mùi vị, người xưa vẫn dùng muối giúp cho cây mau phát triển. Dân du mục lại dùng muối như biểu tượng của tình huynh đệ. Của, thủy chung. Tiết hạnh. Nên, khi họ nói: “giao ước muối” là nói đến tình đệ huynh. Muối đem vào cuộc sống hàng ngày một chút thi vị, rất linh thiêng.

Bởi thế nên, khi Chúa bảo: “Các con là muối cho đời” là Ngài có ý khuyên: hãy làm cho thế giới nên khác biệt. Khác theo nghĩa tích cực. Khác, không như Cựu Ước, có câu truyện vợ ông Lót vì ngoái cổ tiếc nuối dĩ vãng, nên thành cột muối. Nếu vậy, ta nên làm gì? Làm muối cho đời, hướng về phía trước với mọi người, hay cứ ngoái cổ về sau để thành cột muối như vợ ông Lót? Cái đó còn tuỳ mỗi người. Tuỳ góc độ, từ đó ta tiếp cận cuộc đời.

Rõ ràng, mọi người không thể giấu đèn dưới gầm giường, nhưng đặt nó trên giá đèn, để mọi người thấy ánh sáng. Thứ ánh sáng không hạn chế. Không kỳ thị một ai. Người xưa có thói quen xây thành phố/đô thị trên đồi, hoặc ở đỉnh núi để mọi người nhìn thấy mà đến. Thành Giêrusalem là ví dụ điển hình. Là cộng đoàn tín hữu Đức Kitô, mọi người vẫn là và phải là kẻ thắp lên ánh sáng. Là, người tạo cho thế giới quanh ta nên khác biệt.

Điều đó có nghĩa gì? Là, cần rao giảng cho mỗi người phải sống nền văn hoá mới, cần rao giảng cho mỗi người. Nhưng, rao giảng cách nào? Trong tư thế nào?

Ngày nay, sống giai đoạn mới của lịch sử Đạo Chúa, ta cần nói lên điều đó. Nói rằng, ta đã sống đích thực tinh thần của Công Đồng Vatican II. Sống cuộc đời đổi mới vẫn tiếp diễn. Quyết canh tân cuộc đời người Công Giáo. Đổi mới thế giới, ở vào thời kỳ “hậu- hiện đại”, chứ không theo chiều hướng tệ bạc, ngày càng mất đi giá trị đạo đức.

Thế giới với thế gian, nay dường như đã chào thua, để mặc con tạo xoay vần. Chẳng còn hy vọng vào cuộc sống đích thực Chúa vẫn khuyên dạy. Đức đương kim Giáo Hoàng gọi đó là “văn hoá của sự chết”. Thế giới nay mất đi niềm tự tin quí hiếm. Bởi thế nên, Hội thánh lại khuyên nhủ con dân mọi người hãy khám phá chính mình như con người có tư cách và niềm tự tin, khiến mọi người thấy được rằng mình xứng đáng là dân con Đức Chúa, có khả năng tân tạo thế giới. Khả năng, tạo khác biệt.

Văn hoá phàm trần, thành thị nay đặt hết hy vọng vào tiến trình vật chất và phát triển kỹ thuật. Nhưng, văn hoá phàm trần ngày càng thấy mình trống rỗng. Vắng lạnh. Vô nghĩa. Ngày nay, dù không còn chủ trương “chống Đạo” nữa. Nhưng, chủ thuyết “vô thần mới” lại vẫn tìm cách bắt bẻ tôn giáo. Bắt bẻ, cả Công giáo, Tin Lành, lẫn Chính Thống, Do Thái giáo. Tìm mọi cách, để chối bỏ tính siêu việt của Đạo. Chẳng còn muốn nghe ai phân bua, diễn giải nữa.

Hội thánh, nay nói gì với thế giới phàm trần?

Cách đây 50 năm, Hội thánh tỏ ra vẫn có niềm tin thật vững chắc. Giáo dân, ai cũng có điểm son nào đó làm di sản. Nay, thì không. Giáo dân, nay chọn sự toàn vẹn của đời tín hữu. Chọn lối sống của đồ đệ Đức Kitô. Chọn, thực hiện công trình của người thừa sai do Hội thánh uỷ thác. Mục vụ hôm nay không còn là động thái muốn làm thì làm. Hết muốn thì thôi. Mục vụ, nay là chuyện sống còn của Hội thánh. Giáo dân hôm nay đã biết đi vào trọng điểm của niềm tin. Biết thực hiện mục tiêu mà Hội thánh đề ra, cho mọi người.

Hội thánh muốn mọi người đem Tin Mừng đến với mọi nơi, như thời tiên khởi. Đem Lời Chúa đến với người thị thành đang sống kiếp tục trần, Lời Chúa sẽ xuyên suốt như thực tại mới mẻ. Lời Ngài đòi hỏi xã hội và cả Hội thánh Chúa phải đổi thay. Đổi và thay, để không còn đắm chìm trong quá khứ và hiện tại đầy chuyện tiêu cực. Xem thế, thì Hội thánh phải có chỗ đứng mới trong thế giới đã đổi mới. Cách nào ư? Dưới đây là một vài phương cách để thực hiện:

Văn hoá của thế giới phàm trần đang trải nghiệm nhiều vấn đề xuất tự bên trong. Trải nghiệm một hiện diện của nhiều nhóm tôn giáo đôi khi kình chống, khích bác nhau. Một đất nước như Úc Châu nay khó mà gọi được là quốc gia theo tinh thần của Đạo Chúa, như trước nữa. Bởi, tín hữu Đạo Chúa nay đang chung sống với nhiều tôn giáo khác, dù ít người.

Bởi thế nên, dân con Đạo Chúa cần tìm nơi Tin Mừng điều gì đó mới mẻ và thích hợp với mọi người. Bởi, ngày nay mọi người đều không còn chịu ảnh hưởng của văn minh Kitô giáo nữa. Ngày nay, thế giới phàm trần lại cần khám phá ra rằng Đức Kitô là Đấng cứu độ mọi người. Bất kể họ là sắc dân nào. Thuộc tôn giáo nào. Thờ phượng Đấng nào đi nữa. Ngày nay, phải quan niệm Lòng thương xót của Chúa đã và còn thể hiện trong lịch sử và cuộc sống của mọi nhóm hội/đoàn thể. Mội cộng đoàn tôn giáo/sắc tộc. Nói thế, không có nghĩa bảo rằng: mọi tôn giáo đều ngang bằng nhau. Nhưng, nói thế để hiểu rằng mọi tôn giáo đều phải được tôn trọng ngang nhau. Bằng nhau.

Nếu vậy, tín hữu Đạo Chúa nên ứng xử như thế nào với tình thế mới này?

Niềm xác tín lâu nay trả lời, rằng: mọi người có cơ hội đồng đều. Được kính trọng như người có phẩm cách. Và, là người có những quyền căn bản. Ngang đồng. Xác tín này bắt nguồn từ Đạo Chúa. Và, xác tín này đặt tin tưởng theo cung cách mọi người/mọi vật được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mọi người đều giống Chúa. Đây, là ý tưởng mang tính Kitô giáo. Động thái này đang có mặt qua cung cách đặc biệt của nền văn minh Âu Tây. Ta nhận ra điều đó từ Kinh thánh. Chí ít, là từ Tin Mừng. Bằng chứng, là: văn minh Âu Tây xưa nay vẫn không có chỗ cho hệ thống giai cấp như văn minh Ấn.

Ngày nay, nhiều dấu hiệu cho thấy: tín hữu Đức Kitô vẫn nhận được những thông điệp như thế ngang qua văn hoá hiện thời. Ai cũng có thể liệt kê danh sách các động thái quyết chứng minh rằng: mọi người vẫn hành xử như các Kitô hữu. Cả, người không theo Đạo. Cả người tự cho mình là vô thần cũng nhận ra được điều ấy. Các ví dụ rất dễ kể ra, như: lòng cảm thông/thương xót người nghèo túng. Sự tôn trọng bản vị con người. Niềm ước ao được kết đoàn. Lòng quyết tâm đòi công minh chính trực. Ước vọng được thấy tình thương yêu mọi người trở thành hiện thực. Tất cả để khẳng định rằng: mọi giòng giống/sắc tộc, văn hoá đều có phẩm cách như nhau.

Khi ta duy trì các giá trị của nền văn hoá theo cách ấy, ta càng trở nên muối cho đời. Càng trở thành ánh sáng đặt trên bục cao, để mọi người được nhìn thấy. Càng trở nên thành thánh xây trên núi. Vấn đề còn lại, là: hãy tiếp tục sống như thế. Sống, nhưng không phải là sống văn hoá của sự chết. Mà là văn hoá sinh động. Của mọi thời.

Đó, là ý nghĩa mà thánh sử Mát-thêu ghi lại trong bài trình thuật, rất hôm nay. Một văn hoá, mà nhà thơ trên vẫn diễn tả bằng ngôn từ rất thi tứ. Rất Hà Nội, như sau:

“Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu.

Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.

Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím.

Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.”

(Bùi Thanh Tuấn – Chia tay Người Hà Nội)

Chia gì thì chia, cũng đừng buồn. Bởi, niềm vui chính là văn hoá của sự sống. Văn hoá, của tình thương, Chúa vẫn dạy. Của, Tin Mừng Đức Kitô. Là, niềm vui muôn thuở, mọi văn hoá.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch.

Saturday 15 January 2011

“Hãy tự huỷ đêm nay vào dĩ vãng,

Suy niệm Chúa Nhật thứ 3 thường niên năm A 23.01.2011

“Xuất thần cho tận nhập với hư vô.”

(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Mt 4: 12-23

Hãy tự hủy, nhà thơ nay đòi đi vào dĩ vãng. Đã xuất thần, nhà Đạo rày “tận nhập với hư vô”. Hư vô hay dĩ vãng, người người vẫn cứ suy và cứ nghĩ về những gì thánh sử đưa ra, mà quả quyết. Quyết, đón nhận điều Chúa dạy, suốt nhiều năm.

Điều Chúa dạy, thánh Mát-thêu đã ghi lại để ta suy và nghĩ. Trước nhất, là nghĩ và suy về sự kiện Chúa rời bỏ thôn làng Nadarét để về với cộng đoàn ngôn sứ, trong đó có Gioan Tiền Hô. Và, trình thuật hôm nay ghi lại: thánh Gioan nói cho mọi người biết Đức Giêsu là Đấng tràn đầy Thần Khí. Ngài, là Ngôn sứ Tối Cao, được liệt cùng hàng với Êlya và các ngôn sứ thời Cựu Ước.

Là ngôn sứ, Chúa quả quyết về thực trạng của thế giới đã mãn thời. Để rồi, khởi đầu một thể trạng mới có đổi thay. Thể trạng ấy, là Vương Quốc Nước Trời Ngài tạo dựng. Và, Ngài đến kêu mời dân con nhà Đạo hãy đi vào với thế giới ấy. Ai đồng thuận, Ngài ra tay giúp đỡ để họ thực hiện. Ngài còn mời gọi mọi người đổi thay thái độ phải có, với cuộc sống. Bởi, Nước Trời sẽ kịp đến rất nhanh. Nếu không thay đổi, e rằng họ luột mất cơ hội ngàn năm một thuở ấy.

Vào thời đó, đa phần người Do thái là dân con bình thường ở huyện, bởi họ không tham gia nhóm hội nào đặc biệt để có địa vị trong xã hội. Họ cũng không tham gia nhóm hội kiểu Essênô hoặc Pharisêu. Là dân con bình thường, họ chỉ tin vào những gì là căn bản. Tin, một Chúa là Đấng Có. Và, Chúa tuyển chọn dân con Ngài theo cung cách đặc biệt. Tin, vào Đức Chúa luôn ban cho dân con của Ngài bộ luật Tôra làm Đường Lối để mọi người sống. Và, cũng tin rằng, người Do thái hãy phụng thờ Ngài ngay tại đền thờ ở Giêrusalem.

Nay, chính Chúa diễn giải lại luật Tôra. Ngài dạy dân con mọi người cách sống như Ngài muốn. Sống giản đơn như đời thường. Cung cách sống, là qui định cơ bản để mọi người sống cho tử tế. Sống đời tử tế mà dân nghèo thị thành khả dĩ theo được. Ngài mạc khải cho dân con theo Ngài đường lối sống tốt đẹp, như những vần thơ vui Ngài sáng tác, mỗi ngày. Sáng tác thơ, để người người dùng đó mà ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa. Để cho họ, dù ở nơi xa xôi không đến được Đền thờ, vẫn có thể sống như Ngài khuyên bảo.

Ngài còn dạy dân con mọi người và khuyến khích họ sống thành nhóm hội cộng đoàn, tụ tập chung quanh Ngài. Quây quần thành vòng tròn lớn đến độ có thể đếm được đến ba vòng cùng tâm điểm trong cùng nhóm. Người ở xa cũng nghe biết, nên đã tin vào Lời Ngài dạy, để được sống. Sống tại nhà. Sống ở phương xa. Đâu đâu họ cũng vẫn được Ngài chăn dắt. Gần Ngài hơn cả, là nhóm đồ đệ thân yêu từng bỏ nhà cửa chốn riêng tư, mà theo Ngài. Ai theo Ngài, cũng gặp nhiều nguy nan từ giới có thẩm quyền vì không ưa Ngài, nên vẫn lùng tìm đồ đệ Ngài, mà bức bách. Đồ đệ Ngài tập hợp chẵn đủ những 12 vị.

12, là con số tượng trưng toàn bộ chi tộc Israel, lúc khởi đầu. Dần về sau, trong số này chỉ còn mỗi chi tộc Giuđa và Benjamin, mà thôi. Thực tế cho thấy, Chúa gầy dựng đủ 12 môn đồ, là để tỏ rõ một hành xử mang cung cách của ngôn sứ. Nghĩa là, Israel phải hoàn toàn đổi mới để sống cuộc sống Nước Trời đang dần đến. Bởi lẽ, Nước Trời là mục tiêu Ngài nhằm thực hiện bằng được. Sử sách nay còn ghi tên tuổi đầy đủ 12 vị tông đồ, như ta biết.

Cũng từ nhóm Mười Hai, Hội thánh Chúa được thiết lập theo cùng một cách thức, nên đã tồn tại mãi đến bây giờ. Nói cách khác, chính Chúa đã định trước cơ cấu của Hội thánh để trở thành một thánh hội như ngày hôm nay. Và Ngài vẫn muốn Hội thánh của Ngài sống theo đường lối Ngài qui định. Nghĩa là, Hội thánh phải trở thành chính đường lối mà lịch sử thánh đà ghi lại. Vì thế nên, Hội thánh cũng có những giây phút thăng trầm như lịch sử ở đời thường.

Thăng trầm lịch sử thánh, bắt đầu từ thời thánh Gioan Tiền Hô qui tụ rất đông người dấn bước theo chân thánh nhân. Bước thăng trầm của Hội thánh, còn được thánh Gioan Tiền Hô nhắc đến bằng lời kêu gọi mọi người hãy sống khiêm nhu để chứng tỏ mình là đồ đệ Chúa. Ngay vào lúc nổi tiếng nhất thời đó, thánh nhân cũng đề cập đến tính khiêm nhu của chính mình bằng tuyên bố để đời: “Đến sau tôi, là Đấng quyền thế hơn tôi. Và, tôi không đáng xách dép cho Ngài.” (Mt 3: 11)

Với thánh nhân, Đức Giêsu là Đấng mọi người tìm đến, để đi theo (Mt 4: 23). Ngài đến để cứu họ. Ngài được Cha chọn để thực hiện công trình cứu độ Cha trao phó. Nơi Ngài, Thần Khí Chúa không chỉ mỗi đến mà thôi, nhưng sẽ ở lại mãi nơi Ngài.

Chính Ngài là Đấng đã trầm mình mọi người trong Thần Khí Chúa. Chính Ngài là Đấng đã tặng ban Thần Khí Chúa đến với họ. Để, họ trở thành con cái đích thực của Chúa. Để, họ được tràn đầy năng lượng của Ngài. Trở thành, những người con được tiếp ứng bằng thứ điện quyền năng do Chúa ban, ngõ hầu chính họ biến đổi được thế giới thành chốn tốt đẹp. Cho mọi người. Nhờ đó, họ trở nên thánh hội của Chúa, ngay từ đầu.

Trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu kể cho mọi người biết Đức Giêsu là Đấng chữa lành mọi người. Ngài đến để rao báo với mọi người là Nước Trời đã gần kề. Ngài đến, còn để chữa lành đủ mọi hình thái của bệnh tật. Và, mọi người đến với Ngài trước nhất để được chữa. Càng gần Ngài, người người càng thấy mình được Ngài chữa lành nhiều hơn. Được chữa lành rồi, người người sẽ sẵn sàng mà sống cùng và sống với con cái Ngài, ở Nước Trời.

Với thánh Mát-thêu, Hội thánh là nơi mọi người tìm đến hầu được an bình, lành lặn. Được Ngài chữa chạy đủ mọi tật bệnh, dù rất khó. Hội thánh, chính là Nước Trời luôn mở rộng vòng tay đón nhận dân con ở khắp nơi. Bất kể họ thuộc nguồn gốc, văn hoá. Sắc tộc. Phái tính. Hoặc, tuổi tác nào.

Là Nước Trời ở trần gian, Hội thánh là nơi chốn đích thực mọi người lui tới. Lui tới, không chỉ để được chữa lành thôi, mà còn để tiếp tục công trình cứu độ Chúa giao phó. Công trình đó, Chúa tặng ban cho tất cả mọi người. Công trình đó, Chúa ủy thác để mọi người cứ thế mà thực hiện. Thực hiện, bằng tình thương Ngài loan truyền. Thực hiện, nhờ Thần Khí Chúa ở cùng và ở với mỗi người.

Thực hiện tình thương ở Nước Trời không là ân huệ Chúa ban cho, mà là bổn phận khiến ta trải rộng đến với mọi người, trong cũng như ngoài Hội thánh. Trải rộng, như tâm tình mà nhà thơ từng nói đến:

“Một chút kỳ hương ta gửi đó

Hồn ta đã ta vào hơi gió

Tháng sáu mười hai rồi, em nhớ hay quên.”

(Vũ Hoàng Chương – Bài Ca Hoài Tố)

Kỳ hương nhà thơ gửi, là hương kỳ của tình thương ta vẫn có. Kỳ hương ấy, là thương yêu mọi người cần có. Cần trao cho hết dân gian, ở mọi thời. Nơi Nước trời.

Lm nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá luợc dịch

Friday 7 January 2011

“Tiếng hỏi tiếng chào vang lối xóm,”

Suy niệm Chúa Nhật thứ 2 Thường niên năm A 16.01.2011


“Pháo từng chiếc một, đốt liền tay.”

(dẫn từ thơ Lưu Trọng Lư)

Ga 1: 29-34

Có chào hỏi, chắc cũng chẳng đến độ vang lối xóm. Có đốt pháo, chắc cũng chẳng đốt liền tay, đến từng tràng. Lời chào hay tiếng pháo, có vang vọng dân gian chốn người về, cũng chỉ để nghe thánh Gioan giảng. Giảng về Chúa, là giảng về tình huống của Hội thánh thuở ban đầu.

Thuở đầu đời Giáo Hội, các thánh sử ghi nhiều điều lúc thánh Gioan Tiền Hô quả quyết: “Sẽ đến sau, một người đã vượt trước tôi, vì Ngài đã có trước tôi.” (Ga 1: 30) Vượt trước và có trước, bởi Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Nơi Ngài, Thần Khí Chúa rất tràn đầy. Và, chính Ngài là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian.” (Ga 1: 19). Chính Ngài đem bình an đến với mọi người.

“Trần gian” đây, không có nghĩa là vũ trụ bao la. Là, toàn thể nhân loại. Trần gian đây, chỉ là: “thế gian này”. Thế gian, đối chọi với “thế giới đang đến”, hoặc “thế giới lẽ đáng ra phải thế!”. Tức, một thế giới dẫy đầy những cảnh chính trị và xã hội, nơi ta sống. Một thế giới, chuyên dụ dỗ ta về sống kiểu phàm tục. Nhiều lỗi phạm.

“Trần gian” thường lại có nghĩa đoàn kết/tập họp những con người chăm lo chống trả lối sống quái gở của thế giới. Một thế giới chối bỏ sự hiện hữu của Đức Chúa, Đấng có thực. Thế nên, ta vẫn thấy động thái vô luật, thiếu cẩn trọng vẫn nằm đó. Ta còn thấy cả động thái tập trung vào chính mình, ở trong đó. Vẫn gần gũi với người đời, còn trong đó.

Thay vì gọi “xoá tội trần gian”, đề nghị bà con dùng cụm từ “lý lẽ sự dữ”. Lý lẽ đây, là đường lối suy tư hành động, luôn tiếp diễn. Cứ hết điều này lại đến chuyện khác. Như đứa trẻ hay nói dối. Dù, em biết mình làm điều ấy là không phải. Không nên. Nhưng em không nhận lỗi, lại cứ đổ cho người khác. Làm như thế, tức: em đã nói dối cả với chính mình. Làm như thế, em lại sáng chế tìm ra kiểu nói dối khác, cốt để che đậy cho lời nói dối trước đó. Em thật tình chẳng muốn cha mẹ biết điều này.

Với người lớn, việc này còn tệ hơn. Người lớn nói dối sẽ làm cho chính mình ra mù quáng. Nhượng bộ chính mình được một lần, sẽ lại dẫn đến hành động khác, còn tệ hơn. Quyền lực của “lý lẽ sự xấu” trong chuyện nói dối còn lớn hơn cả chính cá nhân mình. Lý lẽ của sự xấu, là lý lẽ chuyên che đậy. Kinh thánh mô tả việc này bằng từ ngữ “đầu mục của quỷ” (Mt 9: 34). Bằng tên gọi “Satan”, bên tiếng Do thái cốt để chỉ một nghịch ngạo (Mt 4: 10). Còn, “Ma quỉ” bên tiếng Hy Lạp, lại chỉ về sức mạnh cốt để rẽ chia. Phân cách.

Lý lẽ sự xấu của thế gian, còn gọi là thế giới, luôn mang tính huỷ diệt. Hủy và diệt toàn thể nhân loại. Thành thử, cộng đoàn Hội thánh có bổn phận phải đề cao cảnh giác trước những thế lực thù địch ấy. Và làm như thế, sẽ tự thay thế bằng những lý lẽ giúp mình sống thực. Sống, điều Chúa khuyên bảo.

Lý lẽ sống động để thay thế cho “lý lẽ sự xấu”, là lý lẽ của “Tình thương”. Là, động thái đối xử tốt với nhau. Động thái, không chỉ mang tính dung nhượng. Dù, khẳng định rằng mình có khác biệt. Nhưng, nhất định không làm đổ vỡ đường ranh giữa ta và người. Vì, một đổ vỡ như thế dễ đưa đến việc lạm dụng người khác. Muốn người khác làm đúng theo ý mình. Nếu không, mình sẽ không từ nan một động thái nào hết, kể cả bức ép họ để họ không còn khác biệt với ta nữa.

Lý lẽ của tình thương, là ra đi mà gặp gỡ. Gặp gỡ tha nhân với tư cách là tha nhân. Tức: vẫn giữ được sự khác biệt giữa ta và tha nhân. Ra đi, khuyến khích tha nhân sống đúng đường lối mà họ từng quyết định. Sống, theo cung cách mà họ vẫn muốn. Chứ không phải sống giống như ta. Mà là, với ta. Với, tức là: sống chung cùng ta, nhưng không che đậy/khoả lấp những khác biệt giữa ta và họ.

Thật ra, điều đó cũng chẳng là “lý lẽ”. Mà là, Thần Khí. Là, bầu khí. Thánh Gioan Tiền Hô làm nổi bật điều này, khi thánh nhân nói về Đức Giêsu, tức bảo rằng: Thần Khí không chỉ đến mà thôi. Nhưng, sẽ lưu lại mãi nơi Ngài. Và thánh nhân còn bảo: Đức Giêsu sẽ làm cho mọi người dầm mình vào với Thần Khí ấy. Ngài trao tặng Thần Khí ấy cho mọi người để rồi mọi người trở nên sống có Thần Khí. Có, lý lẽ của Chúa. Tức, đầy tràn năng lực của Đức Chúa.

Và một khi, những người được đánh động bằng quyền năng/sức mạnh của Thiên Chúa cũng sẽ ra đi biến đổi thế giới với thế gian để họ trở thành nơi chốn bình an, hạnh phúc đối với người bình thường. Và khi thánh Gioan Tiền Hô nói: Đức Giêsu là Đấng xoá tội trần gian, tức: xoá đi cái lý lẽ của dối gian, khoả lấp. Để rồi, Ngài ban Thần Khí, tức lý lẽ của Tình Thương và sự khẳng định về một khác biệt với người khác.

Chính vì thế, thánh Gioan mới gọi Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”. Điều này khiến mọi người nhớ đến Chiên Vượt Qua. Đến, chiên con thầm lặng đi vào lò, làm của lễ. Và, điều này cũng làm ta nhớ lại chiên con ngày Cánh Chung. Ngày, mà mọi người được nhận vinh quang và danh dự, từ Đức Chúa.

Ảnh hình về “chiên con”, còn là ảnh hình về sự tử tế. Thứ tử tế cần có để sống đúng “lý lẽ của Tình Thương”. Chính đó, mới là Đạo Chúa. Chính đó, là ý nghĩa của thanh tẩy. Thanh tẩy được định ra là để biến đổi chúng ta thành những con người như thế. Thanh tẩy, để đánh đổ tầm nhìn về thế giới. Với thế gian. Đánh đổ, hầu biến đổi cả chúng ta lẫn thế giới của ta, nữa. Lẽ ra là như thế.

Hiện nay ta đang sống như thể đang ở trên đường giây giằng co/sai sót giữa hai dĩa kiến tạo khác nhau: một là lý lẽ của dốt trá, khoả lấp. Và dĩa kia, là lý lẽ của tình thương và sự thật. Dân chúng trên toàn quốc và toàn thế giới không biết làm cách nào để nhảy. Không phải là họ không có tình thương. Nhưng, vì họ bị thúc bách phải làm điều gian dối. Phải khoả lấp che đậy cả bản năng yêu thương của chính họ. Có lẽ tuyệt đại quần chúng vẫn cứ thinh lặng. Vẫn luồn lọt để tránh thoát. Vẫn muốn trở thành điều mình cần trở thành. Tức, sống tử tế vẫn còn đó ở trong ta. Nên, ta vẫn cần đến Đức Chúa và những người giống như Ngài, để rồi sẽ chuyển đổi được thế giới. Thế gian.

Mỗi lần đón nhận Mình Chúa, nơi Tiệc Thánh, là ta đã nguyện cầu việc ấy được diễn ra. Chiên Thiên Chúa, Đấng cất đi “lý lẽ sự xấu” để ta sống tử tế với người khác. Chiên Thiên Chúa, Đấng cất đi “lý lẽ của dối trá”, để ta sống trung thực với mọi người. Chiên Thiên Chúa, Đấng cất đi lý lẽ của che đậy, khoả lấp, nhượng bộ, để ta sống hiền hoà với chính mình. Với mọi người.

Lạy Chúa, con nào đáng được thế. Nhưng, xin Ngài hãy phán một lời tặng ban ân huệ, tức khắc hồn con sẽ lành lặn. Chúng con ngợi khen, chúc tụng tạ ơn Chúa suốt cuộc đời.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

Mai Tá lược dịch