Sunday, 30 January 2011

“Chúng con ngoại đạo hay ngoan đạo"



Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Tư Thường niên năm A 30.01.2011
“Chúng con ngoại đạo hay ngoan đạo,
“vẫn biết và tin có “Chúa lòng!”
(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)
Mt 5: 1-12
            Từ muôn thuở, nào mấy nhà thơ nay còn nhớ. Nhớ hay chăng, “Chúa lòng” vẫn có đó để mọi người cầu mong. Cầu và mong, nay nhà Đạo lại bảo: “Chúa lòng” của mọi người, là đề tài mà thánh sử lâu nay vẫn quả quyết từ trình thuật đầu đến Tin Mừng cuối, ở Thánh Kinh. Nơi Kinh Sách, các thánh vẫn cứ trình và cứ thuật, để người người biết được mà yêu thương phụng thờ Chúa, rất nguyện cầu.
Mở đầu Tin Mừng, thánh Mát-thêu đã trình và thuật về “Chúa lòng” rất chung tình, bằng nhiều chương đoạn. Chí ít, là bằng 5 bài mở đầu về cộng đoàn sống Đạo, trong đó trước nhất gồm các giá trị đạo đức của dân con Chúa. Thứ đến, là sứ vụ công khai của cộng đoàn. Tiếp theo sau, là: chiều sâu chiêm niệm của dân con nhà Đạo. Là, tương quan kiểu mẫu nơi tín hữu. Và, chiều kích thủy chung nơi niềm tin yêu.
            Tựa hồ một thứ giáo lý bỏ túi cho đời sống, 5 bài mở đầu không chỉ dành cho cộng đoàn Mát-thêu thôi, mà cho bất cứ cộng đoàn nào khác. Đó là sứ điệp mà phụng vụ muốn gửi đến hết muôn người.  
            Sứ điệp đầu, là “Hiến chương” mới mà ta gọi là “Bài Giảng Trên Núi”. Tức, Lời Chúa nói về giá trị mới cho đạo đức của cộng đoàn. Môsê xưa cũng đem đến cho dân con Do Thái bộ luật để đời, từ núi thánh. Viết về Đức Giêsu là Môsê Mới, thánh Mát-thêu ghi lại việc Chúa ban cho dân Ngài một Bộ Luật rất mới. Bộ sưu tập chuyên về giá trị đạo đức như lời giảng giải về đời người, từ núi thánh ở Galilê.
            Thật ra, Chúa không chọn nơi cao nguyên bằng phẳng hay chót vót non cao để có một bài chia sẻ vào buổi trưa hè nóng bức. Nhưng Ngài vẫn đưa ra, lúc chỗ này, khi nơi khác, những đoản khúc yêu thương chú trọng đến khôn ngoan cần có, để ta sống. Thánh Mát-thêu vốn nắm bắt được ý tưởng nòng cốt của Chúa suốt chặng dài cuộc đời Ngài, đã đâu kết với nhau thành bài giảng giải hiến chương thương yêu của Chúa, để mọi người thấm nhuần đường lối Chúa muốn, mà thực hiện.
            Hiến Chương Chúa ban hành, có phần mở gồm những tuyên ngôn về giá trị đạo đức dành cho con người. Mỗi điều khoản đều bắt đầu bằng cụm từ “Phúc thay”, những 9 lần nhắc đi nhắc lại thứ hạnh phúc dành cho mọi thành phần khác biệt của cộng đoàn Chúa tuyển chọn. Đây không chỉ là giòng chảy tu đức, thôi. Nhưng, còn là thách đố gửi đến xã hội loài người để ta suy tư, ứng xử. Các điều khoản của “Hiến Chương” gồm nhiều nghịch lý nghe rất lạ. Tức, các điều khoản của một hạnh phúc ít thấy có. Thứ phúc hạnh mà phần đông người trong xã hội coi như bất hạnh, hoặc mối hoạ vẫn hiện đến với cuộc đời.   
            “Phúc thay cho kẻ có tinh thần khó nghèo”. Tức, những người vẫn lang thang đầu đường xó chợ. Các trẻ bán vé số. Các cụ già khất thực. Họ là nạn nhân của bất công xã hội. Là, những người cứ ngày một héo hon. Mòn mỏi. Tàn tạ. Những người vẫn cứ sống nghèo và khổ mãi rồi vô tình trở thành bàn đạp cho người giàu dựa vào đó mà vươn cao. Dựa vào đó, mà ngồi trên đầu trên cổ họ.
            “Phúc thay cho kẻ ưu phiền”, tức những người cùng một cảnh ngộ. Từng cảm nghiệm sâu sắc thế nào là tình huống khổ đau. Sầu buồn. Mất mát.
            “Phúc cho kẻ đói khát công lý”, vì họ là những người thèm khát sự công minh, chính trực. Là những người không cần đến sự thương hại của bất cứ ai. Họ chẳng cần đến lòng xót thương của bất cứ người nào, mà chỉ muốn đòi lại sự công bằng Chúa ban như thứ quyền dành cho họ, do “Chúa lòng” cởi mở và tử tế vẫn muốn ban. Vì, Ngài là Đấng công minh chính trực, nên con cái Ngài phải được đối xử tử tế như người chính trực, công minh rất đúng nghĩa.
            Phúc cho những kẻ sống như thế. Dù, một số người trong họ là những kẻ bần cùng, hẩm hiu. Bẩn thỉu. Không được xã hội công nhận hoặc tôn trọng. Nhưng, họ là những người dựng xây xã hội bình an theo cung cách riêng tây của họ. Họ là những người từng gánh chịu sự mỉa mai và thương tổn do kẻ sung sướng, bóc lột họ gây nên.
Họ là ai, mà sao thời nào cũng thấy xuất hiện?
Phúc âm gọi họ là những người được đến thẳng với Chúa. Là những người, mà Chúa không thấy khó khăn mỗi khi Ngài muốn đến với họ. Giữa họ và Chúa, vẫn có tương quan mật thiết, rất dễ chịu. Giữa Chúa và họ, không có một rào cản. Không vướng mắc. Cũng chẳng cách ly. Họ không sống theo sách vở; nhưng, lại có tương lai sáng lạn mà sách vở hằng mơ ước. Họ là người đích thực được Chúa chúc phúc. Xem thế, thì sự khó nghèo của họ vẫn cứ thẳng tuột, xuyên suốt. Xem thế, thì đó là mẫu hình của tương quan lý tưởng trong Hiến Chương Nước Trời do Chúa thiết lập..
Thời đại hôm nay lại có thêm vấn đề: làm sao cắt nghĩa ý Chúa nói trong “Bài Giảng Trên Núi” được như thế? Có người tuyên bố mình không thể là người nghèo. Cũng không thích nghèo. Và, chẳng bao giờ mong muốn cuộc đời nghèo khó của mình, nếu có, cứ tiếp diễn.
Suy tư về thái độ tự tại của nghèo hèn, ta không bàn nhiều về đòi hỏi phải sống nghèo như Chúa dạy, để rồi sẽ biện luận/diễn giải để cứ gọi đó là “tinh thần khó nghèo”. Nhưng kỳ thực, đó hoàn toàn không hẳn là ý Chúa. Đó cũng không là mục đích mà thánh Mát-thêu nhắm đến khi thánh nhân ghi lại Lời Ngài, về Hiến Chương Nước Trời.
Có người lại bảo: ta vẫn lao động cật lực để kiếm sống, chứ không như đám người ăn bám, vẫn rất lười. Vậy thì, cứ thí cho họ đôi chút gì đó để họ có cơ mà tiến thân. Cùng lắm, cứ gửi họ đến với tế bần, là xong. Kỳ thực, đó cũng không là ý Chúa. Cũng chẳng là mục tiêu mà thánh Mát-thêu nhắm đến khi thánh nhân viết trình thuật cho ta hôm nay.
Vậy thì, thực tế là thế nào? Phải chăng có điều gì đó trong lối sống khó nghèo để người đời không tự đặt mình vào với hệ thống của xã hội? Thật tình, thì nghèo và hèn là bản chất của cuộc sống đính kèm vào với Chúa. Nghèo và hèn, là thứ “hộ chiếu” để người người đến thẳng với Chúa mà không bị vướng mắc vào vật cản nào hết. Không bị ràng buộc vào bất cứ luật lệ nào khả dĩ dễ bị ngăn chặn.
Nghèo và hèn, là chức năng được Chúa chấp nhận để ta có thể vào với Vương Quốc Nước Trời của Ngài, nhờ vào lòng độ lượng Ngài ban cho ta như một quà tặng. Là, tình thương vô biên Chúa tặng thưởng. Là, nỗi niềm ưu tiên cao quý Ngài hiện thực. Là, chức năng cao cả Ngài tặng ban cho dân được tuyển.
Người nghèo, là mục tiêu Ngài nhắm tới để Ngài tạo dựng đất trời. Nghèo, là cứu cánh Thiên Chúa là Cha đã gửi Con Một Ngài đến với ta để cứu độ và ban cho ta sự sống. Chính họ mới là mục tiêu của công trình cứu độ. Nói cách khác, vốn dĩ rất nghèo, nên họ đích thị là con cái Chúa. Đích thị được Chúa nhập thể để trở nên giống như họ. Trở nên chính họ. Hội thánh, sẽ không là hội của các thánh, nếu như Thánh Hội của ta chưa nghèo đủ như họ. Chưa là Kitô-khác cũng rất nghèo.       
Giá trị đạo đức của cộng đoàn dân Chúa chỉ thành sự nếu ta biết nhận ra mình là con dân đích thực được Chúa đoài hoài tìm đến. Cộng đoàn Mát-thêu chẳng khi nào làm giảm suy tính chất khó nghèo của Giáo Hội tiên khởi khi các thánh đứng ra quyên góp tiền của trong cộng đoàn mình hầu đem tặng cho những vị còn thiếu thốn/có nhu cầu nhiều hơn.
Cộng đoàn Mát-thêu làm thế, vì các thánh vẫn coi trọng tính chất nghèo hèn của “người nghèo” như kho tàng sống động rất giá trị. Nói cách khác, cộng đoàn Mát-thêu chính là Hội thánh của người nghèo, theo nghĩa tiêu biểu nhất, vì biết sống khó nghèo. Sống, cho người nghèo.
Với Hội thánh, người nghèo không bao giờ sợ mình bị loại trừ, vì tính nghèo của mình. Với cộng đoàn, người nghèo không là mối đe doạ để mọi người phải tránh né. Hắt hủi. Bởi, chính họ mới là thành phần quan trọng của Hội thánh. Chính họ, là nhóm người dám xác minh rằng: chính mình có chức năng và khả năng để biến đổi thế giới. Chính người nghèo như họ, mới là những người đáng sống trong xã hội.
Nếu vậy, ắt có người sẽ hỏi: người nghèo là ai mà ghê gớm thế?    
Kinh thánh nói: họ là các khách lạ người dưng. Các bà goá. Các trẻ mồ côi. Với xã hội hiện đại, họ là đám người thoát thân tìm nơi lẩn náu, mà ta vẫn quen gọi họ là dân tị nạn chính trị. Kinh tế. Hoặc, bằng bất cứ tên gọi nào khác. Là, nạn nhân của các gia đình vỡ đổ. Là, giới “bụi đời” sống vất vưởng nơi hang cùng ngõ hẻm. Những kẻ sống vô gia cư, chết vô địa táng, luôn bị xã hội coi thường. Những kẻ thua sút người khác cách này cách khác. Những kẻ bị phân biệt/cách ly bởi những người tự gọi là đạo đức. Là, những kẻ ta gặp ở đâu đó, nơi phố chợ. Những bà mẹ tay xách nách mang một lũ nhóc, rất lôi thôi. Hôi hám. Đáng coi thường.
Hội thánh bảo: nếu ta biết dừng chân đứng lại mà quan sát rồi xét lại bản thân mình, ắt rằng ta phải bắt đầu lại cuộc sống rất khác. Cuộc sống có giá trị đạo đức. Rất phục hồi. Hãy xét lại bản thân, rồi hãy đọc tiếp Tin Mừng thánh Mát-thêu, vào những tuần kế tiếp. Có xét lại bản thân như thế, ta mới tư duy cho phải lẽ. Có ý nghĩa. Lớp lang. Bởi, ý nghĩa của Tin Mừng sẽ chỉ bắt đầu ở đây. Bây giờ, mà thôi.
Có như thế, người đọc và suy niệm Tin Mừng thánh Mát-thêu mới thấm đậm ý nghĩa thi vị của nhà thơ khi ông viết:
            “Chuông ngọ từng hồi, chuông ngọ đổ,
            Từng hồi chuông ngọ đổ chơi vơi.
Con nghe chuông ngọ đổ, rồi con khóc.
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi! (Nguyễn Bính – Chuông ngọ)
            Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
            Mai Tá lược dịch

No comments: