Monday 25 March 2019

Cha Mẹ sinh tôi, thằng con bất hiếu


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay năm C 31/3/2019

(Ga 3: 14-21)
Cha Mẹ sinh tôi, thằng con bất hiếu

Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa”.


Trình thuật thánh Luca nói, nay kể không có ý kể về chàng trai đi hoang hoặc tình thương của bậc vua cha ở nhà mà thôi, nhưng là về chàng trai trẻ từng can đảm đã thành công bước vào tuổi trưởng thành, như anh mình. Truyện hôm nay, là truyện gia đình có hai người con ngỗ nghịch, khó hội nhập chòm xóm, rất cộng đoàn.


Truyện vào đầu bằng sự thể hai người con chưa có đời sống riêng nên vẫn như con trẻ sống trong thế giới hài hoà/khép kín, trong gia đình. Hoàn cảnh gia đình hết hài hoà, khi người em bắt đầu có sáng kiến mới, đòi chia chác phần gia sản và muốn có ngay lập tức. Muốn sống biệt lập, phá vỡ cảnh sống quây quần ở gia đình để ra riêng, tự lập. Anh coi cha mình như đã chết để thực hiện mọi chủ đích. Anh muốn cha chia gia tài rồi xa chòm xóm để lên phố. Điều này như cú sốc đánh động hết mọi người.


Người cha hiền đã thuận ý anh, để anh rời nhà, mà đi xa. Anh chống trả mọi thứ nên nề nếp, chẳng muốn giống cha điểm nào, lại muốn xoá bỏ mọi vết tích để cha mình không còn cách nào tìm lại anh. Anh tiêu tán hết số tiền cha gom góp cho anh; lại chối bỏ mọi nguyên tắc/lý tưởng học từ cha mình, cứ tự ý bước đi cho cuộc đời mình. Anh vẫn cứ muốn anh là chính mình, rất độc lập/độc đáo dù chẳng giống ai. Chẳng bao lâu, cả thôn làng đều biết chuyện. Phố xá thị thành là nơi cuốn hút người trẻ từ miền quê. Chòm xóm bắt đầu đóng kín cửa không chơi với gia đình anh, sợ bị lây nhiễm, như cùi hủi.


Trong một lúc, mọi việc xảy đến khá tốt đẹp. Anh thực hiện được nếp sống theo ý mình cho đến lúc tiền cha cho cũng đã cạn. Kinh nghiệm sống anh tạo được lại không thuận theo ý muốn, anh đã bắt đầu cảm thấy rối trí, rối cả bụng dạ đến cồn cào, đói khát. Lúc anh cần có cái bỏ vào miệng thì chợt nhận ra rằng hồi còn ở nhà anh muốn ăn lúc nào cũng có, nhưng với giá là phải mất đi tự do và độc lập. Và, cả với giá phải sống như người con tốt bụng. Là nông gia, anh đã cảm nghiệm sự mâu thuẫn, đối chọi với lối sống thành thị, khiến anh ngã quỵ.


Anh giáp mặt thực tế rất phũ phàng. Anh cứ nghĩ mình sẽ “mãn nguyện” về thực tại toàn hảo mà anh có thể tạo cho chính mình. Trong thời gian cứ thế vung tiền sống trác táng, truỵ lạc để chứng tỏ mình bất cần đời, nhưng đời cần mình mới phải. Nhưng thực tại đã chứng minh đời người không phải thế. Anh khám phá ra cuộc đời vẫn có những giới hạn đề ra cho chính anh. Đôi lúc, anh cũng nói tiếng “Không” cho những gì mình ao ước, cho đường lối sống do anh tưởng tượng. Nhưng đường và lối rất khó đi, khó sống. Mọi người, ai cũng học biết được điều ấy bằng những kinh nghiệm đôi lúc cũng đắt giá.


Chàng trai trẻ nay đã biết học. Học cách tôn trọng lòng ao ước bên trong con người mình vẫn thôi thúc anh rời khỏi cung lòng ấm áp của quê nhà và tìm cách sống theo kiểu riêng tư của chính mình. Nhưng, anh cũng đã học được cách biết tôn trọng sự thể là mọi việc không dễ như thế. Và có lúc anh thấy anh cũng phải thắt chặt lưng bụng với những đòi hỏi ra như quá đáng. Anh bắt đầu nhận ra thế nào là “trưởng thành, chín chắn khi sinh sống. Vẫn không là những gì anh từng tưởng tượng.


Anh cũng bắt đầu tự hỏi: nếu cha mình cũng học được điều này khi ông còn trẻ thì có lẽ cha anh cũng hiểu, từ kinh nghiệm riêng tư của ông khi khôn lớn, giống như anh. Có lẽ cả cha và anh đều giới hạn, khống chế những đòi hỏi của mình. Thế mới là con người thực. Và, anh chẳng bao giờ biết rằng cha mình cũng từng như thế. Và, anh quyết định đến với cha anh để tìm ra những gì anh chưa biết hết. Anh nghĩ anh có thể tình nguyện làm gia nhân, người làm mướn. Như thế, anh sẽ không tuỳ thuộc vào cha một lần nữa. Anh những muốn sống bằng đồng lương riêng của mình, sẽ là người đích thực. Làm thế, đâu có nghĩa ‘sám hối” đích thực. Mà chỉ để biết rõ thực tế và biết rõ mọi người theo cung cách rất khác.


Anh cũng nghĩ: nếu về với Cha sẽ bị chối bỏ, vì anh đã rời bỏ “người cha kỳ quặc” mà anh biết chắc ông có sẵn mọi câu trả lời, khi anh hỏi. Và, anh đang khám phá ra “người cha đích thực” mà thực sự anh chưa hiểu biết hết, tức như người lớn, với người lớn. Anh cũng chẳng rõ điều đó có nghĩa gì.



Nhưng trong lúc anh “còn ở đằng xa, thì cha anh đã nhận ra anh”. Người cha cứ thế chạy đến, dù người cha ở phương Đông, lại không có thói quen chạy như thế, để đến ôm chầm lấy con, rồi hôn lấy hôn để. Cũng lại là chuyện lạ kỳ ít ai ngờ tới, như cú sốc cho anh. Người cha lấy hết sức để đến với con mình. Đó là dấu hiệu để chào mừng, nhưng cũng là dấu chỉ để dân làng biết rằng con người mới đã sống lại và lớn lên phía đó, và anh xưa vẫn là thành phần của xóm làng, nay đã khác.


Người cha nhận ra rằng con mình nay đã lớn. Cha kêu gọi đem quần áo mới cho con và tổ chức tiệc chào mừng cho con ông. Làm việc ấy, không có nghĩa là công việc đầy tính “sám hối”. Bởi, người cha nay đồng thuận khi thấy tính khí rất đáng quý trọng ở con mình. Ông muốn có quan hệ giữa người cha đã trưởng thành đối với người con cũng trưởng thành. Đó chính là quan hệ rất mới giữa hai người, cha và con. Quan hệ này, cũng rất đáng để tất cả cử hành mừng kính.


Ta không chọn những ai đem ta vào với thế giới này. Tuy nhiên, muốn có được “người cha” theo nghĩa trọn vẹn, ta cũng phải chọn như thế, lúc về sau. Cùng một cung cách như thế, cha cũng phải chọn con mình. Là cha, không chỉ có nghĩa về thể chất xác thịt thôi, nhưng là nhận biết có trách nhiệm về người con do mình sinh ra, thừa nhận con mình chính là con theo nghĩa đích thực.


Truyện kể của thánh Luca luôn có hậu, tức luôn đặt nặng quan hệ cha–con. Có những truyện kể không có hậu như nhiều người con đi hoang, khi trở về, không thấy được là người cha có trưởng thành, chín chắn như người cha này không, hay là chỉ mỗi con trai mình thôi. Nhiều người cha trưởng thành ngang qua việc con cái cách ly khỏi gia đình, và thấy rằng con cái mình không trưởng thành theo cùng một cách thức như mình. Thật đáng buồn, và đau lòng. Đó cũng là giai đoạn khác trong trưởng thành, tức trong cung cách ổn định thực tại.


Làng xóm cũng thế. Họ nhận ra được người con trai là thành viên trong làng. Dưới con mắt của họ, cả người con đi hoang lẫn người cha hiền đều đáng xấu hổ. Nhưng cả hai đã chung thủy với gia đình. Người cha và cả gia đình đã mở tiệc chào đón người con đi hoang nay trở về với gia đình và làng xóm. Cả làng ăn mừng bằng bê béo. Cả làng cùng kéo đến ăn mừng. Nhưng sẽ hỏi rằng, hai cha con có ngây ngô vẫn sống theo kiểu trước đó chứ? Người trong làng có cần biết những gì mà thành thị lẫn phố chợ đã và sẽ làm cho con người không? Dân làng có cần coi chuyện đoàn kết cách thiển cận như chuyện đã qua, rồi bỏ không?


Thái độ của người anh thì sao? Anh tượng trưng cho sự đúng đắn, trong hệ thống rất đóng kín. Anh chẳng làm điều gì sai trái, bởi anh có bao giờ làm gì đụng chạm đến đời mình đâu. Anh vẫn là con trẻ. Vẫn nổi nóng, tách rời không làm thành viên gia đình và làng xóm.


Cuối cùng thì, anh vẫn có phần gia tài của anh khi người em lấy đi phần của hắn. Anh không cùng xóm làng tham dự tiệc mừng đón em. Anh chọn đứng xa, ở ngoài. Anh từ chối chào mừng thực khách, chẳng giúp vui cho bất cứ ai. Cha anh, vì quá mệt về tình cảm đã nài nỉ anh, nhưng anh kết án cha những điều không đúng. Anh vẫn ở lại trong nỗi giận rồi tự hỏi sau này mình già thì cha và em có coi sóc mình không? Và người cha bất chấp tính tình kỳ quặc của anh lớn không rộng lượng thủy chung với tình gia đình.


Bắt chước Giám Mục Helder Camara, có lẽ ta cũng nên nguyện cầu khi nghe kể truyện người con đi hoang như thế. Cũng cứ cầu cho mọi người con thấy khó lòng mà trưởng thành, chín chắn. Cũng nên cầu cho thế hệ trẻ không dám mạo hiểm để lớn lên, để trưởng thành trong chính chắn. Cũng nên cầu cho các bậc cha mẹ vẫn xem xét và nguyện cầu và ở đâu đó khi sự việc diễn ra.  Cầu mong sao, ngày nào đó tất cả đều sẽ đến với nhau và cùng ăn mừng cho người con nay trưởng thành trong chín chắn và cả người anh cũng biết đối xử cho đúng đắn mà tham dự.


Trong tinh thần cảm kích truyện kể rất ý nghĩa, tuởng cũng nên ngâm nga lời ca còn chưa dứt:


            “Tôi vẫn đợi, đợi thêm người chút nữa
            Tự an ủi mình khi cắn nỗi sầu đau
            Tình một hai năm… chưa bạc mái đầu
            Chưa tuyệt vọng bởi vì chưa hy vọng…”   
            (Nguyễn Tất Nhiên – Tình Một Hai Năm)


“Tự an ủi”, “cắn nỗi sầu đau”, có thể là tâm trạng của người sống rất đúng luật nhưng lại không dám mạo hiểm để trưởng thành, như người anh trong truyện. Đó, là thái độ cần đổi thay trong những ngày này của mùa rất Chay kiêng, tâm tịnh.  


Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch___________________________________

Monday 18 March 2019

“Một thời mây biếc đã trôi qua,”


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay năm C 24/3/2019

(Lc 13: 1-9)
Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: 
            “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."
            Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."
 

                                           “Một thời mây biếc đã trôi qua,”
“Nay tưởng cây vàng lại nở hoa.”
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Cây vàng hôm trước có nở hoa, đâu vì mây biếc đã trôi qua! Cây vả hôm nay đà khô đẹt, cũng chẳng do Chúa quở trách mới vừa qua, như trình thuật hôm nay còn kể lại. 

Trình thuật, thánh Luca nay kể về cây vả, một loại cây vẫn thấy đầy đường ở Israel. Cây vả bị Chúa chúc dữ còn ám chỉ rất nhiều điều. Điều trước tiên về cây vả, là cây gặp thấy ở vùng Địa Trung Hải, từ nhiều năm. Có tài liệu bảo rằng: từ 11,500 năm nay, người Trung Đông thay đổi nếp sống kể từ ngày lo thu gom hột giống của các cây dại rồi thuần phục chúng biến thành cây sinh lợi.   

Khai quật Qumran ở Gilgal, gần Giêricô khi xưa, đã đưa ra bằng chứng cho thấy: “vả” có mặt ở vùng này suốt 11, 400 năm. Người xưa có nói: chỉ cần chặt cành vả cắm xuống đất, sau một thời gian nó sẽ đâm chồi sinh hoa trái cho mọi người. Có người còn bảo: “vả”, là loài thực vật đầu tiên được con người trồng trọt, thế nên mới có câu hát: “Thuở đầu đời người thấy cây vả…”.

“Vả”, cao từ 3 đến 9 thước. Tàn nó xoè rộng hơn cả chiều cao. Có loại “vả” mọc vút cao hơn 10 thước. Mỗi cây mang dáng vẻ riêng, có lá cành xum xuê, mỗi năm cho đến 2 vụ mùa, rất nhiều trái. Vụ mùa chính là vào cuối hạ hoặc chớm thu. “Vả đực”, vẫn có trái; nhưng trái hơi khô và chẳng mùi vị. Trong khi đó, trái “vả” từ cây cái lại rất ngọt, nhiều nước cốt. Trái “vả” nào sống sượng không thích hợp bữa ăn ngày Sabát chỉ đáng quăng bỏ cho người nghèo nhặt nhạnh mà thôi.

Giống “vả” đôi lúc cũng cho hoa trái rất sớm; được như thế, là nhờ vụ mùa nở rộ vào xuân mùa năm trước. Có văn bản lịch sử còn cho biết: nhiều năm cây “vả” đực lại cho trái đến 4 vụ mùa; đôi khi nó không trổ cành lá nào hết. Thành thử, “vả” là loại cây cho trái sớm/muộn còn tùy vào nhiều thứ, nhất là thời tiết. Có khi cả lá lẫn trái “vả” đều đâm chồi trổ sinh cùng một lúc. Có lúc, người ta còn nhờ lá “vả” để biết trước vụ mùa sắp tới có đạt kết quả hay không, hoặc năm đó sẽ không có vụ mùa nào hết.

Sách Đệ Nhị Luật, nói về Đất Lành Chúa hứa cho dân con Israel là “miền đất có lúa mì, lúa mạch, cây nho, cây vả, cây lựu, miền đất có cây ô-liu để ép dầu và có mật ong, miền đất ở đó anh (em) sẽ ăn bánh mà không bị hạn chế” (ĐNL 8: 8). Ở sách tiên tri Giêrêmia, Giavê Thiên Chúa lại cũng nói: “Ta quyết sẽ thu về, không để trái nào trên cây nho, không để trái nào trên cây vả, cả lá cây cũng phải héo tàn, vì Ta sẽ trao chúng cho những kẻ qua đường” (Giê 8: 13). Cũng trong cùng chiều hướng như thế, tiên tri Habakhúc lại thêm vào: “Thật thế, cây vả không còn đâm bông nữa, cả vườn nho không được trái nào. Quả ô-liu, đợi hoài không thấy, ruộng đồng chẳng đem lại gì ăn” (Hab 3: 17).  

Ở đoạn 23-29, sách Giêrêmia lại thấy sử dụng hình ảnh cây “vả” để nói về lưu đày và cuộc “xuất hành” về đất hứa. Ngay tại Giêrusalem, lại cũng thấy nhiều người được so sánh như cây “vả” thối vữa không đâm chồi nẩy lộc, chỉ đáng bứt gốc nhổ bỏ, thôi. Tuy thế, người lành thánh như cây “vả” tốt tươi từng trở về sau lưu đày lại “hiểu biết kính sợ Chúa” nên được tháp tùng Chúa đi vào Giao ước, đáp ứng lại ân huệ Ngài ban bằng cả tấm lòng thành thật. 

Thánh Mátthêu cũng sử dụng cây “vả” để diễn tả hiện trạng của một số người Do thái như đoạn Tin Mừng 21 câu 19 có nói: “Trông thấy cây vả bên đường, Ngài đến gần nhưng không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi. Nên Ngài nói: "Từ nay, không bao giờ ngươi sinh trái nữa!" Cây vả chết khô ngay lập tức. Thấy vậy, các môn đệ ngạc nhiên hỏi: "Sao cây vả lại chết khô ngay tức thì như thế?". Thêm nữa, thánh Mátthêu còn ghi rõ ở đoạn khác: “Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần” (Mt 24: 32).  
                                 

Tin Mừng Thánh Luca hôm nay cũng dùng văn bản do thánh Mátthêu viết rồi theo phong cách/thể loại của thánh-nhân lại kể rõ từng chi tiết: “Người kia có cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó may ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi" (Lc 13: 6-9).

Đoạn 19 câu 29 Tin Mừng, thánh Luca để Đức Giêsu dùng dụ ngôn cây vả vào lúc Ngài đến với Giêrusalem, qua BếtPhaGhê và Bêtania, nên nói rõ: “Khi đến gần làng Bếtphaghê và làng Bêtania, bên triền núi gọi là núi Ôliu, Người sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi”. Như thế nghĩa là: Ngài sửa soạn cho Lễ Lá mà vào thành Giêrusalem, gần Lễ Vượt Qua. Địa danh BếtPhaghê có nghĩa là “nhà có cây vả chưa kịp chín”. Gọi thế là bởi, mùa đó chưa là mùa hái “vả”, và cũng chưa là mùa “vả” trổ nụ đơm hoa.

Địa điểm kể truyện lại nói là quanh núi Ôliu. Như thế, phải chăng bối cảnh sự việc diễn ra ở trên núi Ôliu? Thật ra, chỉ một vùng đáng kể ở quanh đó là có ô-liu bọc quanh cây “vả” không trái, đó là vùng Ghétsêmani thôi.

Ở Ghétsêmani, Chúa cảm nghiệm giờ phút khổ đau/mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể xác theo cung cách rất mực, đến độ Ngài phải thốt lên lời, âu cũng là chuyện ít thấy. Ở Tin Mừng thánh Máccô, Đức Giêsu còn lớn tiếng kêu vời Chúa Cha đến tiếp cứu. Tuy nhiên, dù Ngài có kêu hoặc có vời thì Chúa Cha vẫn im hơi lặng tiếng, chẳng đáp từ. Thành thử, lối nói theo kiểu chúc dữ cây “vả” ở giữa đường là cung cách diễn tả cơn đau cực kỳ vào lúc Ngài hấp hối.

Với thánh Mátthêu, Đức Giêsu lại nói trực tiếp với cây vả, là: “Từ nay, không bao giờ ngươi có trái nữa!" Và, cây “vả” đã chết khô ngay lập tức” (Mt 21: 19). cũng hệt như lời nguyền/chúc dữ, không chỉ cho cây “vả” mà thôi, nhưng cho cả những gì là kết quả tích cực dù ở hoàn cảnh nào cũng thế. Điều đó cho thấy: Chúa cảm nghiệm đích thực về sự cực kỳ, tột cùng của con người. 

Ở Tin Mừng thánh Luca, Đức Giêsu muốn cho cây “vả” bị đốn/chặt đồ bỏ đi, tức: Ngài muốn nó không bị bật gốc khỏi mặt đất. Điều đó dẫn đến thắc mắc: tại sao mọi sự phải đâm hoa sinh trái trước sự việc đau thương thống khổ của thập giá?

Một lần nữa, ở Tin Mừng thánh Mátthêu, Đức Giêsu kể cho tông đồ kém lòng tin tưởng biết mình phải có niềm tin vững mạnh và nguyện cầu mới được như thế, cả vào khi các thánh phải đối đầu với hoàn cảnh khổ đau rất cực kỳ, tựa như Chúa. 

Với thánh Luca, đây lại mang ý nghĩa một đề nghị: mọi người cần có lòng kiên nhẫn kéo dài nhiều tháng ngày. Khi ta nói với Đức Giêsu tương tự như hoàn cảnh xảy đến nơi vườn Ghét-sê-ma-ni, là ta nói với Ghét-sê-ma-ni bé nhỏ của chính ta. Và, như thể cũng bảo rằng: “Ngay tôi đây, sẽ làm được như thế, cũng dễ thôi”.

Có bao giờ những người như ta cảm thấy như mình chẳng có gì là cần thiết, cả khi mình thật sự rất cần những điều như thế, không? Sống ở hoàn cảnh tương tự, ta gọi là sống có kiên nhẫn. Đó, còn là cung cách để ta sống theo đường lối sẻ san có kiên nhẫn như Chúa từng sống, chí ít là vào mùa Chay.

Trong cảm nghiệm những điều như thế, ta lại ngâm lên lời thi ca đầy chất thơ và nhạc, mà rằng:

“Một thời mây biếc đã trôi qua,”
“Nay tưởng cây vàng lại nở hoa.”
            Em chẳng mơ gì, tôi chẳng nói,
            Đôi hồn không biết có nhìn xa?”
            (Đinh Hùng – Bướm Xuân)

Cứ tưởng cây vàng, cây “vả” đã nở hoa, cả khi “đau khổ tình chết lặng” đến như thế, phải chăng đó cũng là cảnh tình của nhiều người, ở mọi nơi? 
Lm Kevin O’Shea, CSsR _____________________________

Monday 11 March 2019

“Nhìn nhau đi em, để thấy đối gương,”


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Chay năm C 17//2019

(Lc 9: 28b-36)
Hôm ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia." Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!" Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

“Nhìn nhau đi em, để thấy đối gương,”
“Tình phản chiếu muôn ngàn tia nhân ái.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Tình nhân ái giữa Thày/trò, lại nói lên một thách thức vẫn tiếp tục nơi Hội thánh, bấy lâu nay. Thử thách, là thách thức để thử xem Hội thánh có muốn quay về lại những tháng ngày thời trước Công đồng Vatican 2, hay không? Thử thách, là thách thức và thử tài cải biến xem có thích hợp với thời đại, để người người còn tiếp tục mà đến nhà thờ. Thử thách, là chấp nhận cung cách “tiếp thị” những gì tốt đẹp lâu nay đưa ra để mọi người chấp nhận mà làm theo.

Thời Công đồng, yếu nhân bên ngoài Hội thánh đã thấy nhiều mô hình gặp thử thách nên biến đổi. Biến đổi, dù tốt/xấu cả về văn minh, văn hoá lẫn ý-thức-hệ. Biến đổi, thấy cả ở văn minh Hồi giáo, Ả rập khiến họ biến thành kẻ thù rất đáng sợ, ở nhiều người. Cùng lúc đó, khối Sô Viết khi xưa và nhóm xã-hội chủ-nghĩa hôm nay cũng đã và đang biến đổi. Biến đổi, quả là điều thực sự đã xảy ra. Nhưng, vẫn là chuyện cần nghiên cứu kỹ để biết lý do tại sao như thế.

Đạo Chúa, cũng biến đổi nhiều điều từ việc khăng khăng giữ 10 giới luật khô cứng, sang việc chuyên chăm lo cho người nghèo và tạo công bằng/chính trực gửi đến thế giới. Biến đổi, từ lòng sốt sắng nội tâm qua sự việc can thiệp vào chính trị, ở bên ngoài. Biến và đổi dễ thấy nhất, vẫn là: lòng Đạo khi xưa chuyên chú về những gì là cá nhân hoặc hình thức nay về với tình nhân ái của cộng đồng.                  

Thêm nữa, biến và đổi còn thấy rõ nơi vai trò của bậc nữ lưu cả bên trong Hội thánh. Biến và đổi, còn là đổi thay nơi động thái và hành xử với giới tính. Biến và đổi, không chỉ mỗi nơi công cuộc thừa tác/phục vụ khi xưa dành nhiều cho nam nhân, nay đã thấy nhường phần cho nữ giới. Không chỉ mỗi thế, biến và đổi còn thấy ở hình thức lẫn hiệu năng phục vụ nay vượt lằn ranh sắc tộc, giới tính, rất sẵn sàng. Và biến đổi, còn thấy rõ ở thái độ và hành xử giữa tôn giáo và khoa học, nữa.

Biến và đổi nay vẫn thấy, một phần không do bởi ý-thức-hệ, chánh-kiến, hoặc bè phái chính trị tạo ra, nhưng còn là động thái chấp nhận đổi thay cả những điều không ai có thể hiểu nổi. Theo nhãn giới nào đó, đây lại là chuyện lịch sử Hội thánh Tin Lành, ta học được. Lịch sử đó, còn có động thái đổi thay mang tính chất rất “Tin Mừng”, như: hành động cải tổ và/hoặc cách hành xử của người Thanh giáo; như: lòng đạo của các vị sống rất sốt sắng như nhóm “Tỉnh thức” chuyên chăm thừa sai/mục vụ hoặc có thái độ triệt để như ở Mỹ, đã thấy quyền của Giáo hội nằm gọn bên trong đảng Cộng Hoà.       

Động thái của Đạo Chúa thật ra không chỉ giống mỗi thế, nhưng còn hơn thế nữa. Hơn ở điểm, là: Hội thánh ta nay mang nhiều chất “Tin Mừng” hơn trước. Thật ra, bối cảnh Đạo Chúa nay bớt tính chất thể-chế, giáo điều như dạo trước. Nay bớt nhiều, những động thái cứng ngắc/giáo điều, nhưng quyết liệt hơn bằng những đòi hỏi trở nên tươi mát, về nguồn và đến với nhau nhiều hơn, như Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một trong các ví dụ cụ thể. Nói chung, thì niềm tin của người đi Đạo hôm nay đã diễn bày một cách cởi mở, thân thiện và trí thức hơn trước nhiều.

Cũng một chuyển động như thế, lại đã thấy bà con ta nay quan tâm nhiều đến bản sắc chất lượng, hơn là chỉ đặt nặng vào việc đếm số người đi lễ nhà thờ, đọc kinh thôi.  Nói cách khác, ngày nay không ai lại hài lòng đủ với những đồng thuận có dàn dựng, hoặc mang tính cóp nhặt, bắt chước. Trái lại, tin vào Đạo phải là niềm tin-yêu đích thực, có bảo chứng, rất hiệu lực. Tin như thế, không chỉ hài lòng với những gì được bậc thày nhào luyện, sơn phết rồi truyền cho đàn em/đệ tử cứ thế mà làm theo hoặc biến nó thành hành động. Nếu chỉ như thế, thì giới đối lập sẽ phản đối bằng động thái ngược ngạo, chuyên quấy rối.

“Chúa Biến Hình/Hiển Thị” hôm nay, lại đã tạo nên một số thắc mắc/vấn nạn nơi nhiều người. Có những người lại sẽ quan niệm “Biến Hình/Hiển Thị” như một phục sinh/trỗi dậy đích thực thường xảy đến vào lễ Vượt Qua, cũng sắp tới. Thế kỷ qua, Hội thánh đã xử sự rất đúng khi đưa ra cho chúng ta ý nghĩa của “Phục sinh/trỗi dậy” để coi đó như nền tảng của mọi sự việc. Quan niệm như thế, cũng là điều rất phải. Nhưng, có điều là: nhiều người suy chưa đủ và hiểu chưa đúng cung cách suy tư sâu sắc, có chất lượng. Bởi, một số người lại cứ nghĩ, phục sinh/trỗi dậy đã bỏ mất ý nghĩa khổ đau và sự chết, để rồi từ đó xoá bỏ hình ảnh Chúa chịu khổ, rất đau lòng.

Đọc kỹ Tin Mừng hôm nay, ta thấy việc Chúa “Biến hình/Hiển thị” không đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Bởi, môn đệ Chúa rất tin tưởng vào sự việc “biến hình” hoành tráng ấy; và vẫn muốn điều đó xảy ra với Chúa, với mọi người. Có thể, các thánh khi xưa cũng nghĩ rằng Chúa cũng sẽ chấp nhận sự việc này. Và chấp nhận như thế, Ngài không cần đến khổ đau và nỗi chết nữa mà làm gì. Và, có thể, Chúa có lập trường bất đồng với các thánh về chuyện này.

Chính vì thế, Ngài mới răn đe các thánh không được tiết lộ cho bất cứ ai biết sự việc vừa xảy ra cho đến khi khổ đau và nỗi chết qua đi trong thành tựu. Xem thế thì, không thể có thành tựu mà không phải trải qua đau khổ và nỗi chết.

Hệt như thế, không thể có vinh quang/rạng ngời mà lại không ngang qua khổ ải thập giá. Bởi thế nên, “biến hình/hiển thị” đích thực phải là sự hiển hiện và biến mất khỏi hình hài sự sống có trỗi dậy từ thập giá. Biến hình/Hiển thị đích thực, phải là giá trị của cuộc giáp mặt/đối đầu với thập giá và chết chóc. Giá trị ấy được viết nơi con người của Đấng đã phục sinh và biến hình cách thực thụ. Và, đó mới đích thực là sự biến hình/hiển thị nơi Ngài.

Biến hình/hiển thị không thể là thực tại ta có thế bán buôn hoặc dàn dựng như một đồng thuận như thế; mà, chỉ có thể đi vào thực chất của nó để rồi tìm ra những gì thực sự diễn bày ở nơi đó. Và từ đó, ta mới hiểu được thế nào là phục sinh/trỗi dậy. Và từ đó, các giá trị như thế mới được viết nơi ta qua kinh nghiệm từng trải.

Người được biến hình/hiển thị thực sự,không là người chỉ xuất hiện trên tranh ảnh của sử hạnh các thánh, nhưng vẫn là người tiếp tục chiến đấu, vẫn ưu tư/đối đầu với những yếu kém của mình ở mọi nơi, như trên đường phố/tại nhà nếu có nhà hoặc ở sở nếu có việc. Cả ta nữa, ta không thể nói cho mọi người biết về chính ta cho đến khi nào ta trỗi dậy khỏi tình trạng chết được và đem theo ta những gì mình học được từ kinh nghiệm phục sinh/trỗi dậy tức có biến hình/hiển thị quí báu như thế.

Thế nên, mùa Chay này, ta sẽ nguyện cầu cho Hội thánh thôi không dàn dựng hoặc sản xuất ra kẻ tin nơi cơ xưởng có thợ thuyền chuyên chăm làm việc theo giây chuyền nữa. Nhưng, khởi sự làm rạng danh những ai đạt niềm tin ngang qua thực tế khó khăn và hạn chế của mình vì đã biến hình/hiển thị. Đó mới là lễ hội của ta. Đó, mới là hội lễ Biến hình/hiển thị rất đích thực. Cho mọi người.

Trong tinh thần cảm nghiệm như thế, ta lại sẽ ngâm nga lời ca của nhà thơ trên, mà rằng:

            “Cảm ơn đời chận cổ ta ngạt thở,
            Hạnh phúc là không khí vẫn hằng quanh.
            Hạnh phúc là mặt đất giáp bàn chân,
            Cảm ơn đời đã treo ta giọng ngược.” (Nguyễn Tất Nhiên – Nước Trở Về Lành Lặn)

Cũng có thể, “treo ta giọng ngược” trên thập giá, rất khổ đau. Nhưng, đau khổ ấy vẫn không ngăn ta có lời để tạ ơn đời, tạ ơn người giúp ta sống đích thực một biến hình/hiển thị kéo dài cả cuộc đời. Sống với người. Và, với đời.    
     
Lm Kevin O’Shea, CSsR
____________________________________________________________________________