Sunday 27 December 2009

“Trong trần thế nhiều nơi phú quí”,

Suy Niệm Lễ Thánh Gia Năm C 27.12.2009


Nỗi buồn riêng ai ví như ai?
Bày ra cái cảnh có trời
Vui buồn cũng ở tự người thế gian.”

(thơ Tản Đà)

Lc 2: 41-52

Nhìn cảnh gia đình, nhà thơ xưa thường hay nói: Vui buồn ở tự thế gian. Xét tình đời thường, nhà Đạo nay đề xuất: hãy về với Thánh Gia. Vẫn thảo kính, yêu thương đời đi Đạo.


Trình thuật lễ hôm nay, thánh Luca ghi rõ tình tự thân thương, về gia đình rất thánh, của Đức Chúa. Gia đình vui, nhưng vẫn ưu tư đời trẻ nhỏ. Là trẻ nhỏ, Đức Giêsu Ngài đâu như trẻ bình thường, chốn dân gian. Vẫn ưu tư. Phiền muộn. Như bao gia đình khác.


Thánh gia, tuy có cuộc sống giống mọi gia đình, nhưng lại đã kinh nghiệm từng trải, rất đặc trưng. Riêng biệt. Thánh thiêng. Đặc trưng, ở chỗ: lúc mới sinh, Đức Giêsu sống từng trải những tháng ngày lưu lạc, rày đây mai đó. Là Đấng Thánh, Ngài cũng không có cả chốn tạm bợ để trú chân. Ngay từ nhỏ, Hài nhi Giêsu đã phải sống lây lất nơi chuồng bò/ngựa, rất túng bấn. Từ tấm bé, Hài Nhi Đức Chúa đã chịu cảnh “không có nơi gối đầu”. Cứ bị vua tôi Hêrôđê truy tầm dấu vết, thánh gia phải đi ẩn náu xứ Ai cập, trở thành kẻ vô gia cư. Tị nạn.


Tin Mừng thánh Luca hôm nay, cho thấy Đức Giêsu tuổi niên thiếu đã chịu cảnh lạc xa cha mẹ, thêm lần nữa. Và, thánh gia lại cũng chịu cảnh có người Con “lạc bước”, rất ai oán. Thất thần. Vào cảnh tình như thế, bậc cha mẹ nào cũng đều thấy chuỗi ngày dài sống vô vọng. Vô vọng, ngay nơi đô hội đình đám, ở thành thánh Giêrusalem.


Về sau, Đức Mẹ thấy Chúa Con hoà mình vào với đoàn người đông đúc đi theo Ngài, mà giảng giải. Mẹ đã nghiệm sinh thấy rõ quyền uy nơi Ngài, qua các buổi thuyết giảng. Chữa lành. Thành công. Và, Mẹ rất tự hào với vai trò hợp tác với Chúa, mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, tình cảnh ấy không kéo dài. Bởi, có nhiều địch thù đã ló mặt, quyết công kích. Hờn ghen tính cách bình dân. Vì thấy Ngài thu hút mọi người nghe. Vì cứ nghĩ, Đấng Mêsia chân chính không thể nối kết với kẻ tội tỗl, nghèo hèn. Và, họ tìm cách triệt hạ Ngài.


Rõ ràng là, Thánh gia nổi danh ở một khía cạnh nào đó. Nhưng, vẫn khốn khó với kinh nghiệm sống, của gia đình. Là Thánh Gia, các Đấng vẫn không tránh được những khổ đau. Ai oán. Ưu tư. Như mọi gia đình khác, ở trần gian. Bởi thế, khi mừng lễ, ta cũng nên nguyện cầu cùng Gia đình rất thánh chúc lành hộ phù, cho gia đình mình. Nguyện và cầu, để mong các Ngài trợ lực đỡ nâng ta vượt qua cơn thử thách. Lướt thắng mọi trở ngại. Và nếu cần, để được cùng sống với các Đấng.


Nay, đời sống gia đình đang gặp nhiều khốn khó. Ở xã hội hiện tại thường có vấn đề, giữa vợ chồng. Con cái. Vấn đề của con cái, là vấn đề thời đại. Chốn thị thành, Vẫn xảy đến, giữa cha mẹ và con cái khi cả người cha lẫn người mẹ phải đi làm. Khốn khó xảy đến, vào lúc có rạn nứt/bất hoà giữa bậc làm cha. Làm mẹ. Bất hoà đôi lúc dẫn đến đổ vỡ. Cách chia. Và, còn có vấn đề của người cha hoặc mẹ đơn chiếc. Vấn đề giáo dục. Vấn đề môi trường học đường, những ganh đua. Bê trễ. Yếu kém. Đến độ, con cái chẳng còn biết gia đình lành thánh, là những gì.


Rõ ràng, những vấn đề như thế, nếu chỉ để cho gia đình tự giải quyết, cũng rất khó. Vì thế, Hội thánh cùng với cộng đoàn luôn đóng góp vai trò quan trọng giúp các bậc cha mẹ bảo dưỡng và phát triển đời sống gia đình, cho tốt đẹp. Là cộng đoàn, ta có thể giúp nhau việc này. Ta là người từng tham dự lễ cưới của bạn bè người thân. Sự hiện diện của ta nói lên rằng mọi người cứ hãy tin vào sự hỗ trợ của ta trong cuộc sống. Có sự giúp đỡ của cộng đoàn, chắc chắn sẽ tạo đôi điều tích cực. Ít là, không để cho đổ vỡ đi quá xa. Không để cho tương quan giữa hai người suy sụp. Nhưng sẽ giúp hai người tôn trọng lẫn nhau. Tạo lại sự tương kính giữa cha mẹ và con cái nữa.


Bài đọc 2, nhắc ta nhớ về trọng tâm của tình yêu, là: ngoài gia đình, ta còn thuộc về Chúa. Bởi, ta đều là người anh người chị có cùng một Cha trên trời. Ta đều có bổn phận chăm sóc cho nhau. Không thể để các cặp vợ chồng cứ thế mà đổ vỡ. Đây không là vấn đề xen vào nội bộ gia đình, mà là sẵn sàng ứng đáp và thương xót, mỗi khi có ai cần đến mình. Dù không có yêu cầu.


Bài đọc 2 hôm nay còn nói về trọng tâm của tương quan ta có với Chúa, trong:


-thái độ của ta quyết tâm phó thác trọn vẹn cho Chúa và đường lối Ngài dẫn dắt, và nơi

-tình thương yêu ta có đối với nhau.


Chuyện như thế, thật rất quý. Không thể thay thế. Bỏ qua. Không thay bằng tiền bạc, vật chất. Hoặc tham vọng. Danh chức. Giáo dục tốn tiền được. Người giàu sang/nổi tiếng thường hay nổi về sự nghèo nàn nơi tương quan giữa họ. Nổi, về sự khốn khổ trong cuộc sống gia đình. Vợ chồng.


Trình thuật hôm nay, kể về việc Chúa rời cha mẹ mình để đến với Đền Thờ. Rõ ràng về mặt tình cảm hai đấng bậc cha mẹ đều buồn giận về việc này. Nên khi gặp lại, Mẹ Ngài mới hỏi: “Này Con, sao Con lại xử với cha mẹ như thế?” (Lc 2: 48) Và thiếu niên Giêsu, đã không hối hận, còn nói: “Cha mẹ tìm con làm gì? Cha mẹ lại chẳng biết là con có bổn phận ở nhà của Cha Con sao?” (Lc 2: 49) Và thánh sử Luca ghi: “Ông bà không hiểu Lời Ngài vừa nói.” (Lc 2: 50). Điều này cho thấy, Đức Giêsu đã tỏ cho thấy ngài có sứ vụ, có ơn gọi làm việc cho Cha Ngài.


Phải hiểu sự việc trong bối cảnh của trình thuật trước đó, khi Đức Giêsu được dâng vào Đền Thánh Chúa. Tức là, bậc cha mẹ trong gia đình cũng đã uỷ thác con cái mình để phục vụ Thiên Chúa. Cũng thế, bài đọc 1 bà Anna đã dâng con trai mình vào đền của Chúa. Dù bà rất hiếm muộn. Dù, nhờ vào sự can thiệp của tiên tri Êli, bà đã thụ thai. Và, bà cũng dâng lên Chúa người con độc nhất sau này trở thành vị tiên tri hàng đầu của Israel.


Gia đình nào cũng thế. Con cái, không là vật sở hữu của ta. Về con cái, ta không nên coi chúng chỉ như cánh tay nối dài của cha mẹ. Không coi như phương tiện để thực hiện tham vọng của mẹ cha. Con cái được Chúa ban cho ta trong niềm tin, là để chúng chuẩn bị mà phục vụ Vương Quốc Nước Trời. Con cái được dâng cho Chúa để dựng xây Nước Trời, tức xã hội của tình thương yêu, công lý và bình an, trên trái đất. Được gọi như thế, mỗi trẻ đều có ơn mời gọi của chính chúng. Mỗi trẻ đều được mời gọi sử dụng tài năng để phục vụ Chúa. Phục vụ xã hội.


Gia đình không là đoạn kết của chính mình. Nhưng là thành phần của một tổng thể là xã hội rộng lớn. Gia đình có vai trò dựng xây xã hội mình chung sống. Vì thế, một con trẻ đều được Chúa mời gọi sử dụng năng khiếu của mình cho người khác. Làm cha mẹ, ta cũng đừng quá khuynh loát. Không chế. Làm cha mẹ, ta dễ có thái độ dự phóng ước vọng của mình cho con cái. Ước vọng, thôi thúc ép con cái có cuộc sống tạo tiền tài, danh chức mà nhiều khi con mình không thể đạt. Không thích làm.


Nhiều lúc chọn lựa của con cái và của Thiên Chúa không là và cũng không thể là của mẹ cha. Nên có trường hợp như người cha của vũ sinh Rudolf Nureyev rất nản lòng khi thấy con trai mình chọn nghề vũ ba-lê chuyên nghiệp, thay vì làm lớn nơi chính trường. Là uỷ viên cao cấp trong chế độ Cộng sản Nga, ông cứ nghĩ là con mình sẽ không có tương lai nếu tiếp tục nghế ca múa. Và khốn khổ của ông là không được nhìn thấy con trở thành người nổi nhất thế kỷ, ở địa hạt vũ ba-lê.


Thật ra, không có gia đình nào lý tưởng cả. Gia đình nào cũng có giây phút thăng trầm trong cuộc đời. Có cả thành công lẫn thất bại. Cuối cùng ra, ta đều cần đến sự phụ giúp của Thiên Chúa và Thánh Gia. Ta cần cả sự giúp đỡ hỗ trợ của bạn bè/người thân. Của cộng đoàn tín hữu. và xã hội.


Ta còn có bổn phận giúp đỡ các gia đình khác. Giúp, bằng cách lo cho họ. Đem đến cho họ những gì mình muốn họ làm cho gia đình mình. Có trường hợp, mình chỉ lo giúp đỡ gia đình khác, mà lại quên giúp chính gia đình mình. Dù gia đình lớn của mình, sống sát bên. Bởi thế nên, cũng nên nhớ Lời Chúa dạy, hãy quan tâm chăm sóc, người thân cận, láng giềng mình.


Cuối cùng thì, ta hy vọng và nguyện cầu sao cho mình có thể cùng nhau hợp tác, với tư cách cá nhân hay gia đình. Cầu mong sao, ta dựng xây một xã hội vui tươi, an bình và đoàn kết. Đoàn kết, ngang qua các gia đình tươi vui, kết hợp.


Trong tinh thần những mong và cầu, ta cứ vui lên mà ca và hát. Hát lời vui tươi, rằng:


“Trời sáng tươi đã lên rồi,

Trời sáng luôn trong lòng tôi.

Cặp mắt khô trong đêm dài,

Tìm quanh đây một ngày vui.” (Nguyễn Đức Quang – Dưới Ánh Mặt Trời)


Ngày vui ấy đã hiển hiện, qua gia đình thánh. Qua, sự việc Chúa dâng mình vào Đền Thờ, phục vụ Hội thánh. Có ngày vui phục vụ mọi người, gia đình nào cũng sẽ rất thánh. Vui tươi An bình.


Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Sunday 20 December 2009

“Có lời buồn, vọng theo hồi chuông đổ”


Tháng mười hai, ai còn có chờ ai?
Tình yêu buộc giữa hai đầu nỗi nhớ
Giọt mưa rơi hay những giọt lệ dài...

(thơ Trần Tường Vi)

Ga 1: 1-18

Tháng mười hai, có lời buồn. Hồi chuông đổ. Ngày Giáng hạ, có Chúa về. Lời nhập thể. Lời nhập thể, khởi đầu từ hừng đông buổi trần thế. Khởi đầu, có thánh sử ghi Lời Chúa. Rất trọn vẹn.


Trình thuật Lời Chúa ngày Giáng hạ, thánh sử Gioan ghi đậm nét gốc-nguồn của chính Chúa. “Lúc khởi đầu”, vẫn vang vọng Lời Đầu sách Khởi nguyên, Sáng Thế Ký. Ở nơi đây, thánh Gioan nói về một “khởi đầu” sớm sủa hơn. Lúc khởi đầu, không có nguồn ngọn đầu giây mối, nhưng đã trải dàn vô vàn chốn miên trường, là chính Chúa.


Thông thường ở đời, người người hay dùng lời để trao đổi. Rất nhiều kiểu. Có kiểu hời hợt, bề ngoài. Có kiểu sâu sắc, có tính xây dựng. Yêu thương. Giùm giúp. Cũng có kiểu, chỉ phá hoại. Gây chán nản nản, đầy lạm dụng. LỜI nhập thể, thì khác. LỜI, không chỉ đổi trao, những ý kiến. Lời năng động. Đem mọi sự đưa vào hiện hữu. Những hiện hữu bắt nguồn từ Lời Ngài.

Lời người đời, chỉ là những trao đổi giữa người nói. Nói, rất nên lời. Không chỉ miệng môi. Nói, bằng toàn thân xác. Đó là ý nghĩa của điều ta vẫn bảo: đấy là ngôn ngữ của thân xác. Ta trao đổi bằng lời rất kết quả, mà chẳng cần nói lời nào. Vẫn lặng thinh, như tình đã đặng. Nói bằng mắt. Bằng diện mạo. Nụ cười. Vui tươi.


LỜI Chúa là Ngài biểu lộ điều gì đó, về Ngài. Ta thấy được, qua sự việc xảy đến với thế giới quanh ta. Do Ngài tạo. Như nhận định của nhà thơ nọ, có viết: “Thế giới nạp điện bằng sự cao cả của Thiên Chúa.” Sống ở môi trường linh thánh, ta hít thở bằng khí thiêng liêng. Rất Thánh. Hôm nay, ta mừng kính Lời Chúa thẩm nhập vào với thế giới theo cung cách rất khác biệt. Lời Chúa mặc lấy xác phàm như ta. Có thân xác như ta. Chia sẻ niềm vui/nỗi buồn, như ta.


Mặc lấy xác phàm, Lời Chúa đã nên hữu hình, khiến ta nhận ra được Ngài. Và hiểu Ngài, nhờ Đức Giêsu, Lời Chúa trở thành cầu nối giữa thân tâm ta với Ba Ngôi Đức Chúa, như thánh Gioan, từng viết:”Điều chúng tôi thấy và nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, và ta hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người.” (1Ga 1: 4)


Hai chủ đề thánh Gioan ghi ở Tin Mừng hôm nay, là: Lời Chúa ban sự Sống và sự Sáng. Ngài có nói “Tôi là Sự Sống và sự Sống Lại.” Ngài đem lại sự sống, cách trọn vẹn. Sự sống Ngài ban, không chỉ là sự sống theo nghĩa sinh lý, Mà là, sự sống trọn vẹn của con người. Thông thường, ta chỉ sử dụng có 10% khả năng sống vẫn tiềm ẩn, trong mỗi người. Tony de Mello có lần viết: “Phần lớn thời gian sống ở đời, ta chỉ sống có một nửa. Hoặc, có sống nhưng lại như những người đã và đang chết dần.”


Chúa nói: Ngài là Ánh Sáng thế gian. Và, chủ đề về Sự Sáng với tối tăm được thánh sử Gioan lặp đi lặp lại rất nhiều lần, trong Tin Mừng. Thánh nhân lặp lại, để nói rằng: Đức Giêsu đem ánh sáng vào với tối tăm, nơi con người. Chúa là Đường, là Sự-Thật-Toàn-Vẹn và là Sự Sống. Tràn đầy. Chúa ban cho ta thị kiến sống động, tức khả năng thấy được nhiều điều, qua tối tăm. Thấy, để ta lên đường vào với thế giới của xác thịt, có ánh sáng.


Cũng giống ngày ở Bê Lem, thôn làng nhỏ bé cách nay hơn hai ngàn năm, hôm nay Chúa vẫn ở với thế gian, chốn tối tăm. Do tăm tối, thế gian vẫn chưa biết Ngài. Thế gian vẫn là chốn miền của tăm tối. Của, bạo lực. Hãi sợ. Bởi thế nên, người đời chưa biết san sẻ thị kiến sống động, từ nơi Ngài. Với Ngài. Bởi thế, thánh Gioan mới thêm: “Ngài đã đến với nhà mình. Nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1: 11) Người nhà hôm trước, là Do thái. Người nhà hôm nay là ta người Công giáo?


Là người nhà của Chúa, ta được tháp nhập vào Thân Mình Ngài. Cùng tin và gọi Chúa là Cha. Cha ơi! Là người nhà của Chúa, không cần phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Đã rửa tội, hay chua. Người nhà của Chúa, là tất cả những ai thẩm nhập vào với sứ vụ Lời Chúa. Nơi Đức Giêsu. Rõ ràng Lời Chúa đã vào với nhân trần, có xác phàm. Tội lỗi.


Với những ai có mắt để thấy, sẽ nhận biết vinh quang của Lời Chúa đang thể hiện nơi Đức Giêsu, như bài đọc 2 hôm nay, tỏ bày: “Ngài là phản ảnh của vinh quang, là ấn tượng của bản thể Thiên Chúa.” (Dt 1: 3) Hợp lòng với thánh Phaolô, thánh giáo phụ Irênê, cũng có nói: “Vinh quang củ Thiên Chúa, là bản thể sống động, rất trọn vẹn.” Điều này áp dụng với mỗi người chúng ta, sao lại không thể áp dụng với Ngôi Lời mặc lấy xác phàm?


Quả thật, nếu chỉ chú trọng đến Bản vị của Chúa thôi, ta sẽ không nhận ra vinh quang của Thiên Chúa, nơi Ngôi Lời trọn vẹn. Đó là điều, mà con người không thể rút kinh nghiệm từng trải nơi cuộc sống. Vinh quang của Lời có xác phàm loài người che phủ. Nhờ có thế, người người được chung phần vinh quang của Chúa, qua đặc trưng của thân xác, tức lời nói. Đó cũng là ý tưởng mà thánh Phaolô muốn nói qua hình ảnh tấm gương, ta nhìn vào. Nhìn, để biết là ta có hình ảnh bất toàn cần gia tăng niềm tin tưởng, được giống Chúa.


Giống Chúa, vì Lời-mặc-xác-phàm, bao gồm trọn vẹn “ân sủng và sự thật”. Nhờ ân sủng và sự thật, ta được mời để sẻ san vinh quang của Chúa. Như các thánh xưa vẫn nói: “Nhờ sự vẹn toàn ta nhận từ Chúa, hết ân sủng này đến ân sủng khác… Ân sủng và sự thật ta đạt được qua Ngôi Lời, Đức Giêsu Con Thiên Chúa Hằng Sống.” Qua ân sủng, ta nhận ra tình thương vô điều kiện của Chúa, vẫn đổ tràn trên ta, bằng nhiều cách. Nhờ sự thật, ta được trọn vẹn thị kiến sống, đến từ Chúa. Thị kiến Chúa dựng nên ta. Ban cho ta, ngang qua Đức Giêsu.


Mùa Giáng Sinh, ta hãy cố mà đếm mà đong các ân sủng mình nhận được. Vào mùa Giáng Sinh, ta cũng cầu mong sao vẫn cứ lĩnh nhận tràn đầy mọi ân sủng và sự thật, từ Thiên Chúa. Lĩnh nhận vào tháng ngày đang từ từ đến. Cầu mong sao, ân sủng và sự thật của Chúa sẽ giúp ta đến với mọi người. Để sẻ san sự bình an và hạnh phúc, Lời mang đến.


Trong tình thần hân hoan ấy, ta hợp cùng mọi người hát lên lời ca đầy phấn chấn, rằng:


“Ngày đó có ta mơ ân tình dài

buồn thắm nét môi duyên chưa thành lời

một thoáng mơ rồi

người về không nguôi

người về không nguôi...” (Thanh Trang – Duyên Thề)


Mơ ân tình dài, xưa đã có. Mưa ân tình dài, nay vẫn về. Mưa ân huệ, hay mưa sự thật vẫn cứ về với dân con Chúa. Vì, Lời Chúa nay mặc xác phàm, làm người. Để người người sống mãi trong niềm tin. Có thương yêu. Ân huệ. Sự thật.


Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com



Sunday 13 December 2009

“Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc”

Suy niệm Chúa nhật thứ IV mùa Vọng 20.12.2009

“Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc”

Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay
Bút đề lên nền sáng báu năm mây
Thơ chen lấn vô trong nguồn cảm giác”.

(dẫn nhập thơ Hàn Mặc Tử)


Lc 1: 39-44


Nhà thơ xưa, cứ “sống mãi với trăng sao, cùng gấm vóc”. Nhà Đạo nay, quyết giữ hoài niềm an vui hoan lạc cùng Mẹ Chúa Cứu Thế, hiện rõ ở trình thuật, rất hôm nay.


Trình thuật thánh Luca hôm nay ghi lại niềm hoan lạc/an vui của hai bà mẹ rất thánh, là Đức Maria và bà Êlisabét. Hoan lạc, trong tháng ngày chờ đợi. An vui, vẫn có Chúa ở cùng. Bài đọc 1, có lời tiên tri Mikha nhấn mạnh điều Chúa hứa gửi Đấng Cứu Chuộc đến, còn vang vọng:“Từ nơi ngươi, ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.” (Mk 5: 1)


Là Đấng được gửi đến, Ngài “sẽ đứng lên chăn dắt họ. Và, họ sẽ được an cư lạc nghiệp…” Và: “Chính Ngài sẽ đem bình an cho mọi người(Mk 5: 4) Bình an, là sự hài hoà giữa Thiên Chúa và dân con của Người. Bình và an, là sự giải hoà giữa các dân tộc. Là, tâm tình hoà hoãn giữa dân gian với môi trường sống, của muôn loài. Là, sự kiện ta quen gọi chữ Giáng Sinh, Chúa tháp nhập người phàm.


Lời Chúa hứa thật tuyệt vời. Thế nhưng, làm sao thành hiện thực tràn đầy được? Từ Tin Mừng của Chúa, ta xuống với thế giới thực tiễn. Từ lời sấm tiên tri đi vào xóm nhỏ của Israel. Có hai vị nữ lưu rất thánh là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và bà Êlisabét, mẹ thánh Gioan. Hai nhân vật làm nền cho chương trình cứu độ, của Đức Chúa. Cả hai đấng, làm nổi bật nhân vật chính yếu trong công trình cứu độ Hài nhi Giêsu.


Hai nữ lưu thánh đều đã mang thai từ ơn Chúa. Nhưng chính Đức Maria là người có sáng kiến đi thăm chị. Chính vì thế, dù vai vế của Mẹ chỉ là đàn em trong gia tộc, những Mẹ vẫn “hơn hẳn” mọi nữ lưu khác, do được cưu mang Con Thiên Chúa Hằng Sống. Thành thử, khi Mẹ gặp bà chị họ, thì hài nhi Gioan đã nhảy mừng trong bụng. Nhảy mừng trong bụng, là dấu hiệu xác nhận là thánh nhân lĩnh nhận thanh tẩy bằng Thần Khí Chúa. Một chứng xác được chị họ Êlisabét tuyên bố: “Thoạt nghe tiếng chào, hài nhi trong bụng chị nhảy lên vui sướng.” (Lc 1: 44)

Và nữ lưu Êlisabét cũng đã cảm kích lĩnh nhận sự hiện diện của Hài Nhi Chúa, bằng một xưng tụng, rất tiên tri:“Bởi đâu tôi được diễm phúc thế này, là: Mẹ Thiên Chúa lại đến thăm tôi.” (Lc 1: 43). Tuyên xưng của bà, ngụ ý: chính Đức Chúa đã ghé thăm bà. Và hiển nhiên, là: nhờ có được niềm tin và nguồn thần hứng Thánh Linh, bà mới nhận ra vai trò làm Mẹ Đức Chúa, nơi em mình.

Ở đây nữa, chủ đề mà thánh Luca ghi ở Tin Mừng, qua sự kiện Chúa đi bước trước, trong khiêm hạ. Ngài không chờ dân con mọi người đến với Ngài trước , mà chính Ngài đến trước nhất. Đến trước, cả vào khi chưa giáng hạ làm người. Việc này mang ý nghĩa: Chúa tỏ bày tính phục vụ người khác, chứ không để người khác phục vụ mình. Bằng vào việc phục vụ, người người nhận ra được Ngài là Chúa. Đó còn là ý nghĩa của Lời Ngài, nói về sau:"Các ông thưa: Lạy Thầy, lạy Chúa. Các ông nói phải. Vậy nếu Tôi là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho các ông, thì cũng vậy các ông hãy đi mà rửa chân cho nhau.” (Ga 13: 13).


Ngay từ đầu, ý định của Đức Chúa là đem đến cho dân gian phàm trần ơn cứu độ và sự vẹn toàn/trinh trong, của cuộc sống. Thiên Chúa gửi Con Một của Ngài đến sống với người phàm. Như người phàm. Bằng mọi kiểu cách. Chỉ trừ lỗi phạm. Sợ hãi. Bất an. Chúa đến, mang tình yêu yêu trọn vẹn đến với ta. Để ta cũng làm như thế, với mọi người.


Điều này còn là ý nghĩa của lời nguyện nhập lễ hôm nay. Lời nguyện, nhắc ta trông vào cuộc sống của Chúa, có tình yêu. Cuộc sống ngang qua đau khổ, sự chết và sống lại, đến muôn đời. Giáng sinh, dù là mùa lễ có vui chơi. Ăn mừng. Ca hát, ăn mừng. Nhưng, cũng đừng quên cuộc sống thực tế có hy sinh. Lễ tế. Cuộc sống có đổi mới, với yêu thương. Đức độ. Chấp nhận nghèo. Nhưng không hèn.


Chính vào lúc, Chúa hiện diện trong cuộc sống với ta, như người phàm, là lúc ta nhận ra được sự sáng loé lên, như lời thánh Phaolô xác nhận với giáo đoàn Do Thái, ở bài đọc hai: “Chúa chẳng ưa thích hy lễ hiến tế”, nhưng Ngài chuẩn bị “một Thân Mình”, cho Con. Và hiệp cùng thân xác đích thực của người phàm, Người Con mới tế hiến chính Mình Ngài, cho Cha. Vô điều kiện.


Và từ đó, ta có thể cùng với các thánh trên nói được rằng: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10: 9) Thực thi, trong tư thế cùng Đức Chúa tế hiến toàn bộ sự sống với xác thân mình, cùng với Chúa. Đó mới là tình yêu chân chính. Mới là hy sinh đích thực. Không ai có thể làm hơn thế nữa. Không ai có thể làm được như Chúa. Làm được lễ tế hy sinh rất trọn vẹn. Hy sinh, đến độ chấp nhận một giáng hạ. Trong khó nghèo. Trong lưu lạc. Không nơi ngụ cư. Không nơi gối đầu.

Hiến trọn vẹn thân xác mình, Chúa thực hiện việc này trong toàn bộ cuộc sống. Của Ngài. Ngài chấp nhận tận hiến cuộc đời, việc này trải dàn trên các trang Kinh Thư Tin Mừng. Kết cục dẫn đến cuộc đối đầu bi ai giữa tình yêu với tham vọng. Ghét ghen. Cao ngạo. Kết cục của việc Ngài tận hiến còn dẫn đến cái chết thương đau, trên thập tự giá. Cửa ngõ dẫn đến Phục Sinh.


Giáng hạ làm người sống như ta, nhưng Chúa không hành xử giống như ta vào ngày Giáng Hạ thần thánh ấy. Không rong thả. Ăn chơi. Thừa mứa. Bất cần đời. Bởi, biết chắc rằng dẫu có thế nào, mình vẫn được cứu. Trái lại, Ngài mời gọi ta cùng Ngài thưa với Cha: “Này con đây. Con đến để làm theo thánh ý Cha.”


Giống như Đức Maria, Mẹ từng theo chân Con, để nói lời “Xin vâng, thuận theo ý Cha”. Suốt cuộc đời. Cách đây không lâu, trên các bảng quảng cáo tràn lan ở ngoài đời, người người vẫn cứ hỏi: “Bạn đã nói lời “đồng thuận” (tức Xin vâng), chưa?” Mừng lễ Chúa Giáng Sinh, tức mừng kính nói lời “Xin vâng theo ý Cha.” Vâng ý Chúa. Vâng, để chấp nhận thử thách/kinh nghiệm sống sẽ xẩy đến trong năm tới. Vâng, để đáp lời Chúa mời gọi. Vâng hết mọi sự. Vâng trong hân hoan. Mừng vui. Trông đợi.


Một phần trong ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, là mình biết chiêm ngưỡng các kinh nghiệm sống Chúa từng trải. Cả kinh nghiệm “Xin vâng!” của Đức Mẹ nữa. Chiêm ngưỡng để học hỏi nơi các Ngài cung cách nói lời “Xin Vâng”, vô điều kiện. Xin vâng không tính toán. Hơn thua. Xin vâng. Bởi, đó chính là niềm vui và hạnh phúc đích thực nằm trong ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh. Không có quyết tâm “xin vâng” như thế, tất cả chỉ óng ánh lớp kim tuyến, hào nhoáng bên ngoài. Rất vô bổ.


Trong quyết tâm “xin vâng” như Mẹ, ta cứ hân hoan cùng hát với chư thánh, mọi người, rằng:


“Anh hãy cho em lời yêu thương,

dắt em sang thăm miền thiên đường

Em, rồi cúi đầu xin vâng,

Cầu mong được riêng anh, và suốt đời tin anh...” (Vũ Thành An – Bài Không Tên Số 11)


Cứ xin vâng có yêu thương, như nghệ sĩ hát, để người người thấm nhuần ơn cứu độ, Chúa đã ban. Thấm nhuần rồi, “ta sẽ sống mãi với trăng sao gấm vóc”. Để, với lời thơ ý nhạc, ngợi khen Chúa. Mãi muôn đời.


Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com



Sunday 6 December 2009

“Nàng hãy vui đi, dẫu một ngày”


Dẫu phần ba phút, góc tư giây
Dẫu trong thoáng mắt nhìn như chớp
Cũng đủ cho nàng quên đắng cay.”

(dẫn từ thơ Nguyễn Bính)

Lc 3: 10-18

Là nhà thơ, sao cứ khuyên “nàng hãy vui đi dẫu một ngày”. Quên đắng cay. Là nhà Đạo, sao vẫn nhủ “hãy vui lên nào, thiếu nữ Xion”. Đón chờ Chúa. Chờ Chúa đến, phụng vụ Mùa Vọng không thiếu câu ca/lời hát, rất khích lệ. Tuần lễ thứ ba.

Mùa vọng tuần lễ thứ ba, thánh Luca có giòng chảy lịch sử thánh, rất hân hoan. Phấn chấn. Nhiều thần hứng. Thần hứng Chúa vang vọng niềm vui an ủi , ta gặp ở hầu hết các bài đọc phụng vụ thánh, rất hôm nay. “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion”, đây không chỉ là lời dẫn nhập trong nguyện cầu, đầu buổi lễ. “Reo vui lên”, còn thấy ở bài đọc 1 lời tiên tri ý nói:“Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của người mà đổi mới ngươi. Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.” (Xê 3: 17)

Đối ứng với lời vui trên, lời đáp ca trong thánh lễ tuần này, cũng đã hợp giọng kêu mời mọi người “Hãy mừng rỡ reo hò, vì Đấng Thánh Israel quả thật vĩ đại”(Is 12: 2tt). Và, thánh Phaolô cũng nhắc nhở, ở bài đọc 2: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên đi hỡi anh em…” (Ph 3: 4). Tin Mừng hôm nay tuy không nói rõ, nhưng cũng cho mọi người thấy được cảm giác tươi vui mừng rỡ đang lớn mạnh, nơi muôn người.

Tươi vui mừng rỡ, là động thái căn bản của cuộc sống, nơi dân con nhà Đạo. Tươi vui mừng rỡ, không là thái độ suồng sã, giả lả khi sẻ san thị kiến sống với Đức Kitô. Tươi vui mừng rỡ, là kinh nghiệm thường tình của mọi Kitô-hữu. Thực tế, nhiều người chưa tạo được niềm tươi vui ấy, với môi trường sống, ở xung quanh. Chưa xác tín được thực tại cần sống có đổi mới. Với mọi người.

Thất khó mà xác tín cuộc sống đổi mới, khi nhiều người vẫn còn giữ đạo theo cung cách gượng ép. Bó buộc. Khó tươi vui lành mạnh, khi nhiều người chưa rũ bỏ được thú say mê mù quáng, ngoài Đạo. Làm sao có thể tươi vui lành mạnh, khi còn đó nỗi buồn của những người vẫn sống nửa vời, đời tín hữu. Vẫn sống u mê, như thể Chúa chưa đến, với con người. Vẫn lặng câm. Ơ hờ. Lờ lững.

Chính vì thái độ sống này, mà Karl Marx xưa đã lầm lẫn quan niệm tôn giáo như “thuốc phiện” được giới nhà giàu dùng để ru ngủ lớp đám dân đen lao động, thấp cổ bé họng. Nhưng “triết-gia-buồn” họ Marx lại vin vào chuyện sống “bề ngoài” để cho rằng tôn giáo đã dùng bài thuốc thúc ép người nghèo chấp nhận cảnh khốn khó/bất công trong cuộc sống. Chỉ trông vào viễn ảnh, sau khi chết.

Kinh nghiệm sống của ta cho thấy quan niệm của triết-gia-buồn ở trên chỉ là ngụy biện nhằm mục đích đả phá Đạo, mà thôi. Bởi lẽ, Đức Kitô đến, Ngài đem lại tự do, vui mừng và bình an cho mọi người. Vui mừng và bình an, không xảy ra thời mai hậu. Mà, là: ở đây. Ngay lúc này. Không ai có thể tự do hơn tín hữu Đức Kitô. Ta theo Chúa, không để chịu khổ nhục/bức ép, nhưng để được an vui sống đời Kitô hữu. Thánh Phêrô từng quả quyết: “Ta chẳng cần tìm điều gì khác, bởi đã có Lời ban sự sống rồi.”

Người xưa có câu: “thánh nhân buồn là loại hình buồn của bậc thánh” Cũng thế, nếu định nghĩa Kitô-hữu là tín hữu buồn, thì ngôn từ này, tự mâu thuẫn với chính nó. Nói thế, không có ý bảo rằng: nơi đời sống Kitô-hữu, không hề có ý niệm và kinh nghiệm của đau khổ. Tật bệnh. Mất mát. Mất mát và sầu bại là thành phần quan trọng của cuộc sống, nhưng đó chỉ là kinh nghiệm nhất thời. Tạm bợ. Trong đợi chờ một tương lai sáng sủa.

Kinh nghiệm sống của mọi người, đều được Chúa cảm thông. Ngài nhận đó, cho riêng Ngài. Kinh nghiệm nào cũng mang ý nghĩa thâm sâu. Đậm nét. Khi bắt gặp và chấp nhận ý nghĩa ấy, thì niềm vui và bình an nội tại, sẽ trở lại với chúng ta. Và niềm vui đến lại, không là chuyện bề ngoài. Bức bách. Mất tự do.

Niềm vui người tín hữu Đức Kitô nằm ở phần thâm sâu. Nơi tâm khảm. Rất sinh động. Không trộn lẫn với khổ đau thể xác, cảm xúc hoặc những hoàn cảnh khó khăn. Bên ngoài. Niềm an vui/hạnh phúc ấy, như Chúa nói, ta không thể tách rời khỏi ta, mà đem đi. Và, như Lm Tony de Mellos có đề cập đến trong cuốn ngài viết có nhan đề “Tầm nhận thức”: Ta có tất cả những gì mình cần đến, ở đây. Bây giờ. Đó là hạnh phúc. Chỉ mỗi tội, là: ta không định dạng được niềm an vui hạnh phúc ấy với những người hoặc sự vật mà ta không hề có, hoặc không thể có.”

Trình thuật nay nói thêm về việc Chúa đến. Ngài đến, theo cung cách được thánh Gioan Tẩy Giả rao truyền, bên sông Giođan. Nghe thánh nhân rao truyền, chúng dân khi ấy hỏi ngài một câu khá tế nhị: ”Vậychúng tôi phải làm gì?”(Lc 3: 12) Đây là câu gợi ý thánh sử Luca gửi đến với hết mọi người, khi ta chuẩn bị chờ đón Chúa. Vào dịp chờ đón Chúa có sám hối, không phải là để ta nuối tiếc những gì xảy ra với mình. Trong quá khứ. Mà, là gọi mời ta đổi mới thâm sâu. Ở đây. Bây giờ.

Thánh sử Luca diễn tả 3 loại người đã để tai nghe thánh Gioan rao truyền, vào thời ấy. Đó là: dân chúng, đám người thu thuế. Và, lính tráng. Với mỗi loại người, thánh nhân đưa câu ra trả lời, rất thích hợp. Hợp với cách sống của họ.

Với chúng dân bình thường, ngài bảo họ: hãy chia sẻ những gì mình có. Áo quần. Thực phẩm. Chia cho người đang cần đến, hơn mình. Nếu thật lòng hối lỗi, tức thật lòng muốn đổi mới, họ sẽ trở thành người anh, người chị với tất cả. Cả người dưng khách lạ, chưa một lần quen biết. Chúng nhân hôm nay, là chính chúng ta, những người đang chuẩn bị đón mừng Giáng Sinh, trong thừa mứa. Hãy sẻ san. Với mọi người. Cả trong và ngoài Đạo.

Với đám thu thuế thời của Chúa, thực dân La Mã vẫn tạo cho đám này thành lớp người tham ô nhũng lạm, để họ biến thành những cá thể lo chuyện riêng tư. Rủng rỉnh. Những túi tiền. Hệ thống tham nhũng ấy đã tạo một xáo trộn trong lối sống. Thành thử, thánh Gioan mới đề nghị với họ: “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”.

Với lớp lính tráng, cũng thế. Họ là những người không được lòng dân. Thế nên, lời khuyên của thánh Gioan xem ra rất thích hợp với những người có nghĩa vụ với đất nước, ở mọi thời: “Chớ hà hiếp. Đừng tống tiền. Hãy bằng lòng an phận với mức lương tiền, mình có”.

Nghe lời khuyên, người người cứ đinh ninh thánh Gioan là Đấng Mêsia phải đến. Và từ đó, ta có được một khẳng định về thiên chức của Đức Kitô. Ngài đích thực là Đấng Cứu Độ. Là Vua Vũ trụ, Đấng phải đến. Sẽ đến. Và, thánh Gioan xác định thêm về nhiệm tích thanh tẩy Chúa làm, là quyền uy/sức mạnh Chúa Thánh Linh. Chúa Tình Yêu đang hiện diện, với anh em. Vào mọi lúc. Ở mọi nơi.

Cũng thế. Ở thế giới hôm hôm nay, vai trò hợp tác hoán cải mọi người để về lại với Chúa, không chỉ nằm trong tay các đấng chủ quản Hội thánh, hoặc linh mục/tu sĩ thôi. Nhưng cả giáo dân, thầy cô, giảng viên giáo lý nữa. Nên hiểu rằng, các tông đồ truyền giáo bằng lời nói hoặc việc làm. Có chức thánh hay không chức thánh, đều mang trọng trách như thánh Gioan Tẩy Giả. Tức, rao truyền việc Chúa đến, bằng đời sống. Mỗi người và mọi người đều là công cụ Chúa dùng, để biết Chúa.

Như thánh Gioan, mọi người con của Chúa, cần nhận công tác Chúa trao, trong vui tươi. An bình. Nhận, trong hăng say. Phấn chấn. Phần còn lại, sức mạnh/quyền uy Chúa Thánh Thần, sẽ đảm bảo chuyện hoàn tất. Hơn lúc nào hết, Chúa cần sự hợp tác của mỗi người. Và mọi người. Thế nên, ta hãy nhận lời mà tra tay. Hành động. Nhận lời, như thánh Phêrô và Anrê khi trước từng là đệ tử thánh Gioan Tẩy Giả. Và, khi được Chúa gọi, các thánh đã theo Chúa, mà hợp tác đem mọi người về hiểu biết Ngài. Nghe Lời ngài. Đó là ý nghĩa đích thực của việc tông đồ, mục vụ. Của, rao giảng. Hôm nay.

Trong khí thế nghe theo đề nghị của các thành, ta hân hoan hát lời ca rất phấn khởi, rằng:

“Một chiều anh bước đi

Em tiễn chân anh tận cuối đồi

Nghe dặn lời

Rằng chiến đấu đừng sờn lòng

Rằng sóng gió đừng sờn lòng

Đừng nề gian khổ!” (Trần Hoàn – Lời Người Ra Đi)

Cũng thế. Ra đi rao giảng Lời của Chúa, cũng đừng sờn lòng. Đừng nệ khổ. Anh ơi. Em ơi. Vì Lời Chúa là sức mạnh/quyền uy tác động lên anh. Lên em. Suốt đời người.

Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday 28 November 2009

“Dù đời sống quanh co, nhiều khúc rẽ”

Và phù du như một giấc chiêm bao
Tôi vẫn nuôi niềm hy vọng, ước ao
Chân tiếp bước, mong đời mình ý nghĩa.”

(thơ của SC)


Lc 3: 1-6


Với nhà thơ, đời sống của con người nhiều quanh co. Khúc rẽ. Rất phù du. Với nhà Đạo, đời người gồm cuộc sống, nhiều hy vọng. Ân huệ. Ý nghĩa.


Trình thuật hôm nay, thánh Luca ghi lại lời thánh Gioan kêu gọi, vẫn vang vọng. Thánh nhân gọi, là mời gọi mọi người hãy dọn đường, để Chúa đến. Gọi và mời, hãy dọn đường giống tiên tri thời trước từng lên tiếng. Gọi và mời như thế, thánh nhân đưa ra cả tình hình chính trị lẫn tôn giáo, thời của Chúa. Gọi và mời, hãy dọn đường, để Chúa thực hiện ơn cứu độ bằng kinh nghiệm khổ ải. Bi ai.


Kinh nghiệm bi ai và khổ ải, có kèm truyện kể về chính Ngài. Truyện, không giống như cổ sử La - Hy/Babylon, mang tính hoang đường. Thần thoại. Truyện các thánh kể, là sử hạnh có thời gian. Không gian. Có đặc thù, mọi người chọn làm quê hương. Quê hương Ngài chọn, là lịch sử. Có chữ viết. Có tình tiết. Cốt truyện.


Đặc thù Chúa tỏ bày hôm nay, thấy rõ ở giọng nói. Có âm lượng. Tỏ bày hình hài/diện mạo, lẫn âm sắc. Nhất nhất, mang tính chất Galilê/Do Thái. Rất A-ram. Sống động. Quê nhà. Nét riêng. Sống động ở nơi Ngài, còn chứa đựng đặc thù hoàn vũ, biểu tỏ cho dân con mọi thời am hiểu, nhờ mầu nhiệm Phúc Âm. Nét riêng tư - đặc thù, là điểm son được nhắc nhiều trong lời tuyên tín, có câu kinh. Là, lời kinh tuyên xưng niềm tin nơi Ngài. Với Ngài.

Trình thuật, nay kể về một nhân vật nổi bật, mang tên Gioan Tẩy Giả. Thánh nhân được Chúa chọn để loan báo Tin Vui Đấng Cứu Độ, đang kịp đến. Ngài kịp đến, vẫn đem theo lời gọi và mời rất thánh: “Hãy dọn đường Chúa đi!” (Lc 3: 4) Lời nhắn gửi đến dân con nhà Đạo, rất hôm nay.


Về lời nhắc nhở của thánh Gioan, sử gia Luca lại đã viết:“Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi mọi người chịu phép rửa, tỏ lòng sám hối, để thứ tha.” (Lc 3: 3) Xem như thế, lời kêu gọi từ thánh Gioan, gồm tóm 3 phạm trù nối kết nhau, rất chặt chẽ, đó là: phép rửa, sám hối và thứ tha.


Phép rửa, là Bí tích Thanh Tẩy ban cho dân con nhà Đạo ngõ hầu người người được tháp nhập vào cộng đoàn dân con Chúa. Tẩy và rửa, là tác động huyền nhiệm mà dân con của Chúa vẫn tỏ lộ bằng động thái đầm mình sông Gio-đan. Đầm mình, để chứng tỏ niềm ao ước sàng sạch mọi tàng tích xấu xa, trong quá khứ.


Sàng sạch điều xấu xa, không phải là động tác máy móc, rất ma thuật. Nhưng, là cử chỉ tỏ bày một nuối tiếc. Sám hối. Rất quyết tâm. Bằng ngôn ngữ rất thánh mà sử gia Luca đã sử dụng, thanh tẩy là động tác thật tình sám hối. Sám hối, theo nguyên ngữ “metanoia” tiếng Hy Lạp, không là tiếc nuối/hối hận về những lỗi lầm mình vướng mắc. Nhưng là, đổi thay toàn bộ. Rất tận gốc. Đổi và thay, trong tương quan ta có, với Chúa. Với mọi người. Thay và đổi, rất chân phương. Thật tình. Triệt để.


Thay đổi hoặc hồi hướng, là hành động lôi kéo động thái biết bỏ qua mọi lỗi lầm. Tiếng Hy Lạp gọi đó là aphesis, tức Thứ tha. Thứ tha, còn mang thêm ý nghĩa của khai sáng. Giải toả. Chừa lối đường, để đi. Thứ tha, để ta xa rời mọi xích xiềng của lỗi phạm. Tức, Ác thần. Sự xấu. Thứ tha đây, còn được hiểu như trút được gánh nặng, đang đè chụp. Như con tàu không gian vừa buông thả bình nhiên liệu, vẫn đeo mang bên hông mình. Thứ tha, còn là hoà giải với Chúa. Với những người làm ta đau đớn. Buồn bực. Sầu khổ. Thứ tha, là hoà giải với kẻ gây xung đột. Rẽ chia. Thứ tha và hoà giải, là chữa lành. Kiện toàn con người cho vẹn toàn. Hơn khi trước.


Thế đó, là cung cách mỗi người “dọn lòng để Chúa đến”. Thế đó, là âm vang Cựu Ước, được Hội thánh rút ra từ sách tiên tri Ba-rúc hầu đưa vào bài đọc 1 thánh lễ hôm nay. Thế đó, là kinh nghiệm bản thân ta nên có, ở thâm tâm. Là, kinh nghiệm về quyền uy cứu độ của Đức Chúa. Thế đó, còn là cung cách giúp ta mở lòng ra với quyền cao uy nghi của Thiên Chúa. Qua Đức Kitô.

Có nhiều cách thức để đáp lại lời gọi mời của thánh Gioan Tẩy Giả :


Cách thứ nhất, vào mùa Vọng, ta có thói quen cử hành mừng kính ngày sinh của Chúa. Ở mùa này, ta được nghe lại lời gọi mời có thử và có thách. Thử thách, trong thanh tẩy. Thử thách, bằng sám hối. Với thứ tha. Thử và thách, là chuyện xảy đến, đã từ lâu. Nhưng vẫn cần đến canh tân. Cải hoá. Cải hoá, để xác nhận sự dấn bước quyết về với cộng đoàn tình thương, con của Chúa. Dấn bước, để tháp nhập vào Thân Mình trọn vẹn của Chúa. Dấn bước về với Chúa, để rồi Chúa sẽ đến với ta. Ngang qua người khác.


Cử hành mừng kính ngày Chúa đến, là để lòng mình mở rộng, mà hồi hướng. Trở về. Rộng mở/trở về, để ta sẽ vào phần thâm sâu của tâm trí, mà đổi thay. Rộng mở/trở về, để còn biết lắng tai nghe Chúa chào mời. Bảo ban. Và hỏi:”Chúa muốn con làm gì? Chúa muốn con sống ra sao? Cử hành mừng kính, là để mình tháp nhập vào thân Mình của Chúa. Để, tìm ra phương thức giảng hoà với Chúa. Với những người từng đến với ta. Trong cuộc đời.


Đáp ứng thứ hai, là thực hiện vai trò của mình cũng như mỗi người, theo cung cách của thánh Gioan tẩy Giả. Tức: hành xử theo cách thế biết mở ngỏ lòng mình để Chúa Thánh Thần dễ dàng tiếp cận. Thánh hoá. Ra bài sai. Bài sai Ngài đưa ra, là chuyển tải thông điệp tình thương, hy vọng, và bình an đến với mọi người. Chuyển tải, hầu giúp san đồi/vạt lối, cho thật phẳng. Hầu khuyến khích mọi người hăng say làm thiện nguyện để trở thành chứng tá cho niềm vui Chúa hứa ban.


Khi xưa, thánh Gioan Thẩy Giả dễ dàng biết nghe tiếng Chúa mời gọi. Nơi sa mạc. Là, do thánh nhân có tâm trạng êm ắng. Tĩnh mịch. Ngày nay, các thánh sẽ khó nhận ra lời Chúa mời. Vì, quá ưu tư. Bận rộn. Thành thử, ai cũng cần có khung cảnh tĩnh mịch. Lặng êm. Hầu ứng đáp lời Chúa luôn gọi mời mọi người, là hãy ngưng lại mọi bon chen, để kịp nghe tiếng Ngài, qua đề nghị của thánh Gioan Tẩy Giả.


Thánh Gioan thời trước, diễn tả tâm trạng chờ đón Chúa bằng ngôn ngữ thời thượng, đầy ảnh hình. Thánh Gioan hôm nay, Hội thánh Chúa vẫn đề nghị người người tìm nơi vắng lặng, để lắng nghe. Nghe Chúa gọi mời, qua người đời. Ngóng Chúa lại đến, bằng lòng mến. Quyết lắng nghe tiếng Chúa qua việc quan tâm đến mọi người, là thái độ cần có. Rất hôm nay. Thời buổi này.


Thời buổi hôm nay, cũng như mọi ngày/mọi thời, thánh Gioan nếu hiện diện, ngài cũng sẽ gióng lên một đề nghị ghi bằng lời lẽ giống lời thánh Phaolô, mô tả ở bài đọc 2: “Điều tôi khẩn khoản nài xin (Chúa), là xin cho lòng mến nơi anh em được ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì tốt hơn.” (Ph 1: 8)


Một nhân sĩ đương đại có tên Ronald Knox đã chuyển tải ngôn ngữ của thánh Gioan và Phaolô thời trước, bằng ngôn từ thời đại, bảo rằng: “Điều tôi cầu cho anh em, là tình thân thương nơi anh em sẽ ngày một sung mãn, tràn đầy nhiều hiểu biết. Để rồi, bằng vào nhận thức xuyên suốt này, anh em sẽ lượng định được giá trị của tình thương ấy. Bởi lẽ, không gì khiến làn mây tăm tối kéo đến che phủ kiến thức của anh em. Cũng chẳng che được mọi diễn tiến đang lớn mạnh trong lòng anh em, cho tới ngày Chúa đến.”


Xem thế thì, bằng ngôn ngữ giản đơn thời đương đại hoặc bằng ngôn từ bóng bảy của thời trước, ta vẫn có thể chuyển tải cho nhau các đề nghị cùng nhắc nhở, của thánh nhân. Thực hiện lời nhắc ấy, người người sẽ thấy sẵn sàng mừng đón Chúa quang lâm. Đến với mọi người.


Trong tình huống tươi vui chờ đón Chúa, ta hân hoan hát lên lời ca đầy phấn chấn, rằng:


“Này em con chim gầy

Chiều nay chim đứng dậy

và nó hát líu lo thật dài,

Cũng vì Hoà Bình đã về đây.

Cũng vì Hoà Bình đã về đây.” (Phạm Duy – Bình Ca)


Hoà Bình đã về! Đó là lời vang vọng từ đấng thánh. Đó, là đề nghị từ các chứng nhân. Những người chứng, trong cuộc đời. Có “khúc rẽ quanh co”. Hy vọng. Tiếp bước chân nhà Đạo. Ở đời.


Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com


hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com



Monday 23 November 2009

“Tôi đã khóc, quê hương không níu lại”


Của thời xưa, một thuở sống an bình
Có đàn cò, bay rợp góc trời xanh
Bầy trẻ nhỏ, tung tăng chiều ca hát.

(thơ Hoàng Linh trang)

Lc 21: 25-28, 34-36

Tiếng khóc của nhà thơ, sao quê hương một thời không níu kéo. Lo sợ của nhà Đạo, nay Chúa cảnh tỉnh, để suy tư. Suy tư, là tâm tư cùng niệm suy Lời Chúa phán, để tỉnh thức.


Trình thuật thánh Luca hôm nay, ghi lời Chúa cảnh tỉnh để dân con nhà Đạo biết được mà tỉnh thức. Với nguyện cầu. Nguyện và cầu, ngày Chúa đến. Nhân mùa Vọng.


Bài đọc 1 Chúa nhật đầu mùa Vọng, có tiên tri Giêrêmia loan báo việc Đức Chúa, Vua Vũ Trụ - Đấng Cứu Thế, nay sắp đến: “Ta sẽ cho mọc lên một Mầm Non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình và chính trực.” (Gr 33: 15) Mầm Non đây, là nói Hài Nhi Chúa đến với đất miền Bêlem nhỏ bé, ta vẫn gọi: lần đầu Chúa đến.


Trình thuật Tin Mừng hôm nay, còn dùng lời rất rõ để bày tỏ về ngày Cánh chung. Ngày Quang Lâm Chúa đến, vào lần sau. Ngài đến, dần vào thời thế tận, như có viết: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây, mà đến.” (Lc 21: 27)


Xét cho kỹ, giữa lần đầu Chúa đến và lần sau, vẫn có một nối kết, rất quan trọng. Không thể thiếu. Đó chính là điều, được thánh Phaolô nói ở bài đọc 2: “Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta quang lâm cùng các thánh của người.”( 1Th 3: 13). Ngày quang lâm, theo thánh nhân, vẫn xảy đến với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ở đây. Bây giờ. Hiểu như thế, ta sẽ cùng với Hội thánh đón chờ ngày Chúa đến lần sau, vào một ngày. Không ai biết.


Kể cũng lạ, Hội thánh của ta bắt đầu niên lịch phụng vụ bằng truyện kể về ngày thế tận. Phải lẽ hơn, sao Hội thánh không kể truyện Chúa tạo dựng trời đất. Tạo dựng con người? Hoặc, nói về ngày khai phóng Đạo Chúa. Về ngày nhập thể?


Hội thánh chọn kể như thế, để người người hiểu rằng đời người ở trần thế, chỉ là một hành trình. Là, cuộc hành hương. Không hơn không kém. Trong Kinh thánh, cũng như ở cuộc đời, khởi sự cũng như quá khứ của mọi việc, vẫn không là chuyện quan trọng. Hàng đầu. Tất cả, chỉ là sự kiện người người có mặt ở trần gian. Bởi, dù muốn dù không, ta cũng chẳng thể nào thay đổi được tình thế. Không thay và cũng chẳng đổi được điều gì. Tuy nhiên, tất cả vẫn đều ảnh hưởng lên những gì ta đang có. Đang sống. Xấu cũng như tốt.


Quan trọng, không phải là: chuyện xảy ra. Nhưng, là biết mình đang đi về đâu. Chỗ nào là điểm tới, cuộc đời. Sao lại thế? Để trả lời, siêu sao Yogi Berra, có lần từng nói: ”Ta phải cẩn trọng, vì không biết mình đang đi về đâu. Bởi, nếu không, sẽ chẳng bao giờ ta tới đuợc nơi đó.” Bởi thế nên, khi mình quyết đi về đâu, điều mình quyết định sẽ làm, sẽ tạo hoàn cảnh để ta có được một chọn lựa. Chọn, trở thành kỹ sư. Nhà kiến trúc. Hay, chỉ là phó thường dân. Nhất nhất, đều phải hoạch định trước. Có quyết tâm, mới thực hiện được điều mình mong muốn. Ngay chuyện trở thành thày dòng hoặc ẩn sĩ, ta cũng phải quyết định để có được một chọn lựa, cho đích đáng. Chọn cho đúng, để mình sẽ không ngoái cổ quay về chốn cũ. Mà, vẫn đầu cao mắt sáng, hướng về phía trước, thôi.


Các bài đọc hôm nay, thôi thúc ta giáp mặt với thực tại, của cuộc đời. Nhiều người, lâu nay vẫn cứ muốn vui hưởng đời mình, bằng hai phương cách. Một là, những muốn để thời gian năng lượng mà tạo hoàn cảnh để có thể “ăn chơi”, cho bõ thích. Nhưng, lại chẳng bao giờ đạt đích điểm mình muốn tới. Hoặc vui hưởng, bằng cách né tránh thực tế hằng ngày qua việc đầm mình với rượu chè, cờ bạc, ma tuý, dục tình, đam mê vật chất, hoặc tổng hợp cả hai. Như trình thuật nói rõ: người người “để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.”(Lc 21: 34) Mà, nhiều phần thì những lo lắng ấy, là do chính mình tạo lấy.


Lo lắng có kẻ thù? Hay là, lo không đủ tiền? Phải chăng, lo như những người chỉ biết lo cho cuộc đời mình bị đe doạ , bị cạnh tranh, giành giựt, nơi thị trường, hoặc sở làm? Lo, là lo mất việc. Mất nồi cơm. Manh áo? Trên thực tế, địch thù lớn nhất của người người là chính nỗi lo, nỗi sợ. Đặc biết nhất, là tương lai vẫn cứ lo. Nhiều khi ta phải chọn lựa, hoặc đắn đo, là do nỗi ưu tư lo lắng ấy.


Đọc trình thuật hôm nay, ta sẽ hiểu ra rằng, người người sẽ còn lo lắng, nhiều hơn thế. Những lời cảnh báo, như: “Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống điạ cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.”(Lc 21: 27) Điều ghi đây, không có ý nói về tương lai, mai ngày của trái đất. Mà, đó là những điều vẫn xảy đến với muôn dân. Ở đây. Lúc này.


Và rồi, trình thuật nói tiếp về phản ứng của dân con đồ đệ là tín hữu , không thể là phản ứng của hãi sợ: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21: 28) Thái độ đứng thẳng/ngẩng đầu là thái độ tuỳ thuộc vào mỗi người. Có can dự. Có chọn lựa thứ tự ưu tiên. Nếu con người chủ yếu đặt nặng vào giá trị của nhà cửa, vật chất, rất tiền bạc… thì đương nhiên là ta sẽ ưu tư đặt hết đầu óc vào “ngày ấy” sắp đến.


Phần lớn ưu tư của con người là muốn thao túng tương lai. Là, khuynh loát thế giới. Tức là, nhận ra đó là việc rất khó làm. Đó, còn là phương án rất khó thực hiện. Thế nên, ta càng ưu tư, nếu cứ hiểu điều Chúa cảnh giác như một thực tại ta sẽ giáp mặt. Nếu cứ nghĩ rằng ngày ấy sẽ ảnh hưởng lên thực tế, ta sống.


Thực sự, có những điều ta có thể đổi thay. Nên, nếu cần, cứ thay đổi. Nếu những việc thật khó thay đổi, thì chỉ cần ta biết chấp nhận và sống trong vòng xoay của chúng. Khôn ngoan, là người biết nhận ra đâu thực, đâu hư. Và đó là nguồn cội để ta được bình an, trong tâm hồn. Cũng nên nhớ rằng, mọi đổi thay đều bắt đầu từ ta, rồi sẽ lan ra chung quanh. Lan đến mọi người.


Cuộc đời con người, như ta đang lái xe buýt. Ngồi lên đó, ta biết sẽ đi đâu. Về đâu. Với xe buýt cuộc đời, ta cũng cần biết đích điểm ta nhắm tới. Chứ không là ước mơ ta thêu dệt. Không như việc lái xe buýt, ta chẳng hề biết hành trình cuộc sống trải dài bao năm tháng. Có người hơn 90, người ngắn hơn, chỉ 30, 50. Nhưng chiều dài hành trình không quan trọng bằng ta làm gì trong chuỗi dài của hành trình ấy.


Với hành trình cuộc sống, trình thuật nay đưa ra một đề xuất, cũng tương tự. Nếu muốn mừng kính ngày Chúa đến lần đầu và chuẩn bị cho lần sau, việc cần làm là biết Chúa sẽ đến vào bất cứ lúc nào, trong ngày. Vì thế, Tin Mừng đề nghị: hành trình trên xe buýt cuộc đời, ta nên biết:


1. Sẵn sàng xuống xe, ở bất cứ trạm nào. Sẵn sàng gặp Chúa, mỗi khi Ngài gọi/mời ta đến với Ngài. Hiện tại hay tương lai. Điều quan trọng hơn cả là: chuẩn bị.

2. Không sợ. Cũng đừng lo. Lo và sợ, chẳng giải quyết được gì. Lo và sợ, những gì chưa xảy ra và có lẽ cũng chẳng bao giờ xảy ra, như ta tưởng. Lm Tony de Mello có lần nói: “Sao lại lo? Lo, cũng chết. Không lo, cũng chết. Vậy thì, việc gì phải lo? “

3. Cải thiện mối tương quan ta có với mọi người, quanh ta. Sống đúng nghĩa cuộc đời, không nằm ở câu hỏi: ta làm nghề gì? Thành công ra sao? Mà là, ta có quan hệ tốt đẹp với người chung quanh không? Người chung quanh, là: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cả người dưng, nữa.

4. Nắm bắt cơ hội để gần gũi Chúa. Ngài là Đấng vẫn đồng hành với ta, mọi nơi. Mọi lúc. Ta sẽ gặp Ngài. Sẽ chuyện trò với Ngài. Nghe lời Ngài. Giúp Ngài qua mỗi người. Mọi người. Hãy dùng mỗi kinh nghiệm gần gũi là gặp gỡ Ngài mà dệt thành tấm áo. Cho đời ta.

Vấn đề không phải để hỏi, lúc nào thì Chúa bảo ta ra khỏi xe buýt cuộc đời. Bởi, Ngài cũng không là người dưng khách lạ, đối với ta. Ta sẽ không nghe Ngài bảo: “Ta đâu biết người” Trái lại, ta sẵn sàng chào mừng Ngài khi Ngài gọi ta đến. Đó là đích điểm. Không có điểm nào khác. Khi đã biết thực hiện quyết tâm 4 bước như trên, ta chẳng cần lo lúc nào thì Chúa đến, mời gọi ta. Cứ sẵn sàng. Cứ “đứng thẳng và ngẩng đầu”, vì Chúa sẽ “Mời bạn, lên xe đang đợi.” Xem như thế, không cách nào hay hơn, để chuẩn bị đón ngày Chúa đến, rất Giáng Sinh. Cho bằng, tình chuẩn bị.


Trong tinh thần ngẩng đầu và đứng thẳng để chuẩn bị, ta hân hoan mà cất tiếng hát, hát rằng:


“Rồi mùa Đông đến,

Rồi mùa Xuân đến,

Cuộc đời vẫn quay đều.” (Lê Uyên và Phương – Lê uyên Phương)


Cuộc đời vẫn quay đều. Và cũng lại bắt đầu, ngày Chúa đến. Chúa đến, có “bầy trẻ nhỏ tung tăng chiều ca hát.” “tiếng khóc, quê hương không níu lại.” Có người người “Thuở sống, rất an bình”.

Lm Phan Đỗ thục Linh


Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com