Sunday, 13 December 2009

“Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc”

Suy niệm Chúa nhật thứ IV mùa Vọng 20.12.2009

“Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc”

Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay
Bút đề lên nền sáng báu năm mây
Thơ chen lấn vô trong nguồn cảm giác”.

(dẫn nhập thơ Hàn Mặc Tử)


Lc 1: 39-44


Nhà thơ xưa, cứ “sống mãi với trăng sao, cùng gấm vóc”. Nhà Đạo nay, quyết giữ hoài niềm an vui hoan lạc cùng Mẹ Chúa Cứu Thế, hiện rõ ở trình thuật, rất hôm nay.


Trình thuật thánh Luca hôm nay ghi lại niềm hoan lạc/an vui của hai bà mẹ rất thánh, là Đức Maria và bà Êlisabét. Hoan lạc, trong tháng ngày chờ đợi. An vui, vẫn có Chúa ở cùng. Bài đọc 1, có lời tiên tri Mikha nhấn mạnh điều Chúa hứa gửi Đấng Cứu Chuộc đến, còn vang vọng:“Từ nơi ngươi, ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.” (Mk 5: 1)


Là Đấng được gửi đến, Ngài “sẽ đứng lên chăn dắt họ. Và, họ sẽ được an cư lạc nghiệp…” Và: “Chính Ngài sẽ đem bình an cho mọi người(Mk 5: 4) Bình an, là sự hài hoà giữa Thiên Chúa và dân con của Người. Bình và an, là sự giải hoà giữa các dân tộc. Là, tâm tình hoà hoãn giữa dân gian với môi trường sống, của muôn loài. Là, sự kiện ta quen gọi chữ Giáng Sinh, Chúa tháp nhập người phàm.


Lời Chúa hứa thật tuyệt vời. Thế nhưng, làm sao thành hiện thực tràn đầy được? Từ Tin Mừng của Chúa, ta xuống với thế giới thực tiễn. Từ lời sấm tiên tri đi vào xóm nhỏ của Israel. Có hai vị nữ lưu rất thánh là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và bà Êlisabét, mẹ thánh Gioan. Hai nhân vật làm nền cho chương trình cứu độ, của Đức Chúa. Cả hai đấng, làm nổi bật nhân vật chính yếu trong công trình cứu độ Hài nhi Giêsu.


Hai nữ lưu thánh đều đã mang thai từ ơn Chúa. Nhưng chính Đức Maria là người có sáng kiến đi thăm chị. Chính vì thế, dù vai vế của Mẹ chỉ là đàn em trong gia tộc, những Mẹ vẫn “hơn hẳn” mọi nữ lưu khác, do được cưu mang Con Thiên Chúa Hằng Sống. Thành thử, khi Mẹ gặp bà chị họ, thì hài nhi Gioan đã nhảy mừng trong bụng. Nhảy mừng trong bụng, là dấu hiệu xác nhận là thánh nhân lĩnh nhận thanh tẩy bằng Thần Khí Chúa. Một chứng xác được chị họ Êlisabét tuyên bố: “Thoạt nghe tiếng chào, hài nhi trong bụng chị nhảy lên vui sướng.” (Lc 1: 44)

Và nữ lưu Êlisabét cũng đã cảm kích lĩnh nhận sự hiện diện của Hài Nhi Chúa, bằng một xưng tụng, rất tiên tri:“Bởi đâu tôi được diễm phúc thế này, là: Mẹ Thiên Chúa lại đến thăm tôi.” (Lc 1: 43). Tuyên xưng của bà, ngụ ý: chính Đức Chúa đã ghé thăm bà. Và hiển nhiên, là: nhờ có được niềm tin và nguồn thần hứng Thánh Linh, bà mới nhận ra vai trò làm Mẹ Đức Chúa, nơi em mình.

Ở đây nữa, chủ đề mà thánh Luca ghi ở Tin Mừng, qua sự kiện Chúa đi bước trước, trong khiêm hạ. Ngài không chờ dân con mọi người đến với Ngài trước , mà chính Ngài đến trước nhất. Đến trước, cả vào khi chưa giáng hạ làm người. Việc này mang ý nghĩa: Chúa tỏ bày tính phục vụ người khác, chứ không để người khác phục vụ mình. Bằng vào việc phục vụ, người người nhận ra được Ngài là Chúa. Đó còn là ý nghĩa của Lời Ngài, nói về sau:"Các ông thưa: Lạy Thầy, lạy Chúa. Các ông nói phải. Vậy nếu Tôi là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho các ông, thì cũng vậy các ông hãy đi mà rửa chân cho nhau.” (Ga 13: 13).


Ngay từ đầu, ý định của Đức Chúa là đem đến cho dân gian phàm trần ơn cứu độ và sự vẹn toàn/trinh trong, của cuộc sống. Thiên Chúa gửi Con Một của Ngài đến sống với người phàm. Như người phàm. Bằng mọi kiểu cách. Chỉ trừ lỗi phạm. Sợ hãi. Bất an. Chúa đến, mang tình yêu yêu trọn vẹn đến với ta. Để ta cũng làm như thế, với mọi người.


Điều này còn là ý nghĩa của lời nguyện nhập lễ hôm nay. Lời nguyện, nhắc ta trông vào cuộc sống của Chúa, có tình yêu. Cuộc sống ngang qua đau khổ, sự chết và sống lại, đến muôn đời. Giáng sinh, dù là mùa lễ có vui chơi. Ăn mừng. Ca hát, ăn mừng. Nhưng, cũng đừng quên cuộc sống thực tế có hy sinh. Lễ tế. Cuộc sống có đổi mới, với yêu thương. Đức độ. Chấp nhận nghèo. Nhưng không hèn.


Chính vào lúc, Chúa hiện diện trong cuộc sống với ta, như người phàm, là lúc ta nhận ra được sự sáng loé lên, như lời thánh Phaolô xác nhận với giáo đoàn Do Thái, ở bài đọc hai: “Chúa chẳng ưa thích hy lễ hiến tế”, nhưng Ngài chuẩn bị “một Thân Mình”, cho Con. Và hiệp cùng thân xác đích thực của người phàm, Người Con mới tế hiến chính Mình Ngài, cho Cha. Vô điều kiện.


Và từ đó, ta có thể cùng với các thánh trên nói được rằng: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10: 9) Thực thi, trong tư thế cùng Đức Chúa tế hiến toàn bộ sự sống với xác thân mình, cùng với Chúa. Đó mới là tình yêu chân chính. Mới là hy sinh đích thực. Không ai có thể làm hơn thế nữa. Không ai có thể làm được như Chúa. Làm được lễ tế hy sinh rất trọn vẹn. Hy sinh, đến độ chấp nhận một giáng hạ. Trong khó nghèo. Trong lưu lạc. Không nơi ngụ cư. Không nơi gối đầu.

Hiến trọn vẹn thân xác mình, Chúa thực hiện việc này trong toàn bộ cuộc sống. Của Ngài. Ngài chấp nhận tận hiến cuộc đời, việc này trải dàn trên các trang Kinh Thư Tin Mừng. Kết cục dẫn đến cuộc đối đầu bi ai giữa tình yêu với tham vọng. Ghét ghen. Cao ngạo. Kết cục của việc Ngài tận hiến còn dẫn đến cái chết thương đau, trên thập tự giá. Cửa ngõ dẫn đến Phục Sinh.


Giáng hạ làm người sống như ta, nhưng Chúa không hành xử giống như ta vào ngày Giáng Hạ thần thánh ấy. Không rong thả. Ăn chơi. Thừa mứa. Bất cần đời. Bởi, biết chắc rằng dẫu có thế nào, mình vẫn được cứu. Trái lại, Ngài mời gọi ta cùng Ngài thưa với Cha: “Này con đây. Con đến để làm theo thánh ý Cha.”


Giống như Đức Maria, Mẹ từng theo chân Con, để nói lời “Xin vâng, thuận theo ý Cha”. Suốt cuộc đời. Cách đây không lâu, trên các bảng quảng cáo tràn lan ở ngoài đời, người người vẫn cứ hỏi: “Bạn đã nói lời “đồng thuận” (tức Xin vâng), chưa?” Mừng lễ Chúa Giáng Sinh, tức mừng kính nói lời “Xin vâng theo ý Cha.” Vâng ý Chúa. Vâng, để chấp nhận thử thách/kinh nghiệm sống sẽ xẩy đến trong năm tới. Vâng, để đáp lời Chúa mời gọi. Vâng hết mọi sự. Vâng trong hân hoan. Mừng vui. Trông đợi.


Một phần trong ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, là mình biết chiêm ngưỡng các kinh nghiệm sống Chúa từng trải. Cả kinh nghiệm “Xin vâng!” của Đức Mẹ nữa. Chiêm ngưỡng để học hỏi nơi các Ngài cung cách nói lời “Xin Vâng”, vô điều kiện. Xin vâng không tính toán. Hơn thua. Xin vâng. Bởi, đó chính là niềm vui và hạnh phúc đích thực nằm trong ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh. Không có quyết tâm “xin vâng” như thế, tất cả chỉ óng ánh lớp kim tuyến, hào nhoáng bên ngoài. Rất vô bổ.


Trong quyết tâm “xin vâng” như Mẹ, ta cứ hân hoan cùng hát với chư thánh, mọi người, rằng:


“Anh hãy cho em lời yêu thương,

dắt em sang thăm miền thiên đường

Em, rồi cúi đầu xin vâng,

Cầu mong được riêng anh, và suốt đời tin anh...” (Vũ Thành An – Bài Không Tên Số 11)


Cứ xin vâng có yêu thương, như nghệ sĩ hát, để người người thấm nhuần ơn cứu độ, Chúa đã ban. Thấm nhuần rồi, “ta sẽ sống mãi với trăng sao gấm vóc”. Để, với lời thơ ý nhạc, ngợi khen Chúa. Mãi muôn đời.


Lm Phan Đỗ thục Linh

Mai Tá diễn dịch


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com



No comments: