Thursday 21 February 2019

KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ 7 thường niên năm C 24/02/2019
Lc 6: 27-38 
"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
         
"Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC
Bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp nối với các mối phúc của Đức Giêsu trong bài giảng ở trên đồng bằng. Đối tượng trước tiên mà Thánh Lu-ca muốn gửi đến là các môn đệ, những người theo chân Chúa trên hành trình rao giảng, sau đó là cộng đoàn của Thánh sử và cho cả chúng ta ngày nay. Giả như các mối phúc của Đức Giêsu mà chúng ta đã nghe vào Chúa nhật tuần trước chưa đánh động hay chạm đến cách xử sự trong cuộc sống của người môn đệ, thì hôm nay, qua những huớng dẫn cụ thể trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần này sẽ đẩy chúng ta đi đến một lựa chọn, không dựa trên lý thuyết nhưng bằng hành động của chúng ta đối với nhau và đặc biệt đối với ai đã có những hành vi làm tổn thương chúng ta. 
Làm thế nào để chấp nhận những lời giảng dậy của Đức Giê-su và biến nó thành những hành động cụ thể trong cuộc sống? Như chúng ta còn nhớ, đời sống của các tín hữu của những cộng đoàn sơ khai bị bầm dập dưới ách thống trị của Đế Quốc Rôma. Của cải, danh tiếng và sinh mạng của họ hoàn toàn tuỳ thuộc vào những người linh đô hộ. Họ bị khước từ, bắt bớ, giam cầm và rất nhiều người trong nhóm họ đã trải qua một cuộc sống rất cơ cực, nghèo đói, bị ngược đãi thậm chí còn bị giết chết. 
Vẫn biết là trong số họ có một vài phe nhóm nổi dậy chống lại chính quyền, nhưng đại đa số quần chúng, những người dân vô tội, chân yêú tay mềm vẫn là con mồi cho bọn cầm quyền và những người thuộc về guồng máy cai trị. Ngay cả sinh mạng còn chưa giữ được phương chi nói đến chuyện đoạt áo choàng, vả má phải hay những hành vi khác của quân thống trị đã gây các thương tích và làm cho nhân phẩm họ bị nhục mạ. 
Với một bối cảnh như thế, những lời giảng dậy cuả Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” không nhằm cổ võ cho sự tồn tại và phát triển của sự ác. Người cũng không khuyên họ và chúng ta chấp nhận hoàn cảnh với tinh thần bất bạo động. Người đứng ngoài những đấu tranh về chính trị hay đòi hỏi quyền lợi cho dân.
Thật ra, khi Đức Giêsu đưa ra yêu cầu “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,” và các việc làm cụ thể để diễn tả lòng yêu thương kẻ thù của chúng ta như; ai vả má phải thì đưa cho họ má trái, ai đoạt áo chòang thì cho luôn họ áo trong, ai xin thì hãy cho và v.vv.. là lúc Người mời gọi chúng ta đi vào phần sâu thẳm, trọng tâm của Tin Mừng. Chỉ có sức mạnh của Tin Mừng mới có thể lấp đầy khoảng trống giữa kẻ thù và chúng ta. Và, nếu chúng ta không chấp nhận và áp dụng lời dậy bảo của Đức Giêsu thì chúng ta chưa xứng đáng là môn đệ của Thầy. Nói khác đi, môt khi không thể hiện lòng yêu thương kẻ thù thì chúng ta chưa là môn đệ của Chúa.
Tình yêu, lòng thương xót dành cho kẻ thù không giống như cách diễn tả tình cảm giữa những người thân trong gia đình, tình bạn, tình hàng xóm láng giềng của những người cùng chia sẻ hoạn nạn với nhau, hay là kiểu ‘phải lòng nhau –falling in love’ của những ai đã từng yêu. Nhưng yêu thương kẻ thù ở đây không chỉ là cách diễn tả tình cảm mà còn là sự cho đi chính bản thân trong cách hành xử ngược lại với cách cư xử mà họ đã làm cho chúng ta bị tổn thương. Điều quan trọng là mọi việc cần được diễn tả bằng hành động chứ không chỉ bằng kiểu nói xuông.
Thật ra, đây không phải là điều dễ làm. Nhưng khi hành xử được như thế là lúc chúng ta noi gương Đức Giêsu, Đấng suốt cuộc đời luôn tìm cách tha thứ và làm ơn cho những kẻ hại Người. Người đã để cho tên đầy tớ tát vào má Người, chịu những roi vọt và mão gai đâm vào mình; Người đã để cho người ta lột tất cả, từ áo ngoaì lẫn áo trong, và sau cùng giang tay trên Thập Giá như một tội nhân. Thê mà, trong giây phút sau cùng đó, Người đã không lên án, nhưng đã cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những  kẻ haị Người. Nếu ta muốn bắt chước Đức Giêsu, thì việc chọn sống những tâm tình và thái độ của Người là luôn biết tha thứ - nhất là kẻ thù, thiết tưởng là điều vô cùng quan trọng trong sứ mạng của người môn đệ!
Là chứng nhân của Đức Kitô, ta tin rằng Người đang sống trong ta. Chúng ta là hình ảnh sống động của Người. Và một khi chúng ta không có tấm lòng bao dung, sẵn sàng tha thứ cho những ai đã làm tổn thương mình là lúc chúng ta làm mờ hình ảnh của Thiên Chúa nơi bản thân. Như vậy, với con tim nhậy cảm, lòng trí sáng suốt, ánh mắt tinh tuyền rọi chiếu hào quang và lời nói đầy thông cảm và yêu thương của chúng ta là sức mạnh và uy quyền của Đức Chúa, Đấng đang thưc hiện các điều đó trong ta. Và qua đó, chúng ta minh chứng cho thế gian ngày hôm nay biết việc mà Đức Giê-su đã làm khi xưa.
Đức Giêsu đã nói gì, làm gì? Người đã sống và trải qua những khó khăn trong cuộc sống, bị loại bỏ, bị liệt vào phường ác nhân, bị ruồng bỏ và trơ trụi một mình trên Thập giá. Tất cả những gì Người làm, tất cả những gì Người nói đều qui về một mối là chứng tỏ cho nhân loại thấy lòng thương xót và hay tha thứ của Thiên Chúa dành cho tất cả, không loại trừ một ai, bao gồm cả những ai thù ghét Người. Bổn phận của chúng ta, những người con của Cha trên trời, là hãy làm cho thế gian đầy hận thù và ghen ghét này nhận ra quyền năng của Đấng đã và đang ban ơn cho tất cả mọi người, kể cả quân vô ơn và phường gian ác, đang hiện diện và hoạt đông trong bản thân mình. 
Tóm lại, ai trong chúng ta có thể thực hiện được những điều Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay! Chỉ có quyền năng và sức mạnh của Chúa mới giúp chúng ta đạt được nguyện ước này. Vì thế, trong giây phút này, Thầy đang nói với chúng ta là những kẻ nghe Lời Người. Còn chúng ta thì sao? Hãy để tâm hồn mình lắng xuống mà chăm chú nghe Lời Người mà thay đổi lối sống. Đây chính là các nguyên tắc và cách sống của người môn đệ của Đức Kitô, chúng ta “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 
Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa.
Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 
Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 
Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 
Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 

Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 

Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.
Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả.
Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 
Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.
Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.
Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 
Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.
Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lk 6: 27-38)

Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT
________________________________________________________________________

Saturday 16 February 2019

“Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,”


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ 6 thường niên năm C 17/02/2019
Lc 6: 17, 20-26
Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật.
Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.
"Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.
"Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
                                    “Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,”
                                             “Ngó như gần nhưng vẫn thiệt xa khơi.”
                                                        (dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Ngày cách biệt, dù biết trước vẫn thiệt xa khơi. Ngày đó, là ngày Chúa ra đi về với Cha để rồi Ngài sẽ gửi Thánh Thần Ngài đến với muôn người. Tâm tình này, thánh Gioan nay ghi ở trình thuật gồm tóm trong ý nghĩa: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, như Chúng Ta là Một…” (Ga 17: 21)
Tin Mừng Tình Chúa “Có Cha ở trong Con”, chan hoà cùng Thần Khí, cứ kéo dài mãi đến ngày Chúa về trời, hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng, từng chi tiết cả sự việc Chúa xuất hiện với các kẻ tin Ngài.
Hội thánh thời tiên khởi, đã thấy xuất hiện rất sớm chứng nhân nổi bật là thánh Phaolô tông đồ. Thánh-nhân không rành rẽ về truyền thống cũ xưa, nhưng vẫn có khả năng đưa ra chứng cứ về tư cách “nên Một” có “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.” Thánh Phaolô biết rất rõ tiến trình duy nhất Chúa Phục sinh/trỗi dậy để rồi Ngài đi vào với vinh quang Nước Trời. Với thánh Phaolô, thì Phục Sinh - Thăng Thiên diễn ra chỉ một lần. Nói cách khác, đó là hai khía cạnh của cùng một nhiệm tích rất Đức Chúa.
Với thánh Phaolô, Thân mình Chúa đã biến dạng ngay lúc Ngài trỗi dậy và đã trở thành Thân Mình Linh thiêng rất Thánh ái. Chứng cứ mà thánh-nhân đưa ra đã bắt đầu từ ngày thánh-nhân trải-nghiệm thị-kiến trỗi dậy trên đường đi Đamát. Thánh-nhân nói rất rõ: thị kiến mình trải nghiệm chính là thị kiến trỗi dậy và coi đó là chứng cứ về sự kiện “Chúa nên một”, thời rất sớm.
Ngay với thị kiến Đamát, không có ai hiện diện để nghe hoặc chứng kiến sự việc tận mắt như bằng chứng nhãn tiền. Tức, không có dân gian quần chúng hiện diện để sẻ san như nền tảng khách quan, mà là thị kiến đơn thuần. Tuy nhiên, nói thế không có ý bảo rằng sự việc này không có thật hoặc là sự thật rất thực, nhưng đã hiện hữu như sự kiện lịch sử rất khách quan.
Là nhân chứng xuất hiện sau thánh Phaolô, nhưng sống trước thời điểm thánh Mátthêu và Luca viết Tin Mừng, thánh Máccô không viết điều gì có liên quan đến sự việc Chúa Phục Sinh hiện ra. Và, thánh Máccô kết thúc Tin Mừng do mình chép có đính kèm một thông điệp xác định là Chúa đang trên đường ra đi đến với Galilê, trước đồ đệ. Và, chính tại nơi này, các thánh tông đồ sẽ được gặp Thày, chợt hiện đến. Ngay cả sứ giả “áo trắng” xuất hiện ở mộ phần, cũng căn dặn các nữ phụ hãy nhắc bảo tông đồ Chúa đi về phía Galilê ở đó sẽ có Thày hiện đến, để gặp gỡ.         
Người đọc Tin Mừng hẳn cũng đều biết: thánh Mác-cô kết thúc Tin Mừng bằng trình thuật cuối này. Như thế tức là: với thánh Máccô, rõ ràng chỉ xảy ra duy nhất mỗi sự kiện Chúa hiện đến ở Galilê, thôi. Xem ra như thể thánh Máccô có ý định viết về chuyện hiện ra như thế, nhưng nếu thánh nhân có viết đi nữa, hẳn ta cũng sẽ có được văn bản rõ ràng. Thế nhưng, sự thể là: Tin Mừng theo thánh Máccô đã chấm dứt cách đột ngột; và chẳng thấy có trình thuật nào do thánh nhân viết nói về việc Chúa hiện ra ở Galilê hoặc nơi nào khác. Xem như thế, tư tưởng của thánh Máccô cũng không xa ý tưởng mà thánh Phaolô đưa ra. Nhưng, như ta thấy, tư tưởng ấy lại khác xa ý của thánh Mátthêu và Luca.
Thánh Mátthêu kể cho mọi người nghe biết về sự kiện Chúa xuất hiện lần đầu với đồ đệ Ngài, và lần đó là ở Galilê. Và trước đó, thánh sử cũng viết về sự việc Chúa hiện ra với các nữ phụ (trước cả buổi gặp gỡ đồ đệ ở Galilê) nơi mộ phần trống vắng ở Giêrusalem. Và qua trình thuật này, Chúa cũng yêu cầu các chị hãy về nhắn với đồ đệ là hãy đi Galilê để được Chúa hiện ra.
Thánh Luca thì khác. Thánh-sử kể một loạt những lần Chúa hiện đến với đồ đệ trong tình cảnh thật rất khác và khó mà đếm được là bao nhiêu. Nhưng, tất cả đều diễn ra ở Giệrusalem chứ không phải ở Galilê. Và Thăng Thiên được thánh-nhân tả như Chúa hiện ra một lần cuối.
Sau thánh Phaolô và Máccô, truyền thống Giáo hội đã từ từ kể về những lần Chúa hiện ra suốt từ Phục Sinh cho đến ngày Ngài Thăng Thiên về Trời. Xem thế thì, ta có 40 ngày diễn tiến sự việc Chúa hiện diện với con dân đồ đệ. Truyền thống Giáo hội ta vẫn nghe quen, đã trở thành sự việc được mọi người lãnh nhận như sự thật, độc đáo.
Theo truyền thống được Giáo hội chấp nhận, Đức Giêsu được cất nhắc trở về với mọi người một cách sống động, trước nhất ở địa cầu trần gian và sau đó, Ngài lại được nâng nhấc rất sống động về chốn thiên cung. Xem như thế, ta thấy có tiến trình gồm 2 bước, bước đầu được gọi cách đơn giản  là Phục sinh; và bước kia là sự việc Chúa Thăng Thiên về Trời, với Cha. Mỗi bước Chúa được tả một cách khác biệt. Với bước đầu, vào lúc Phục Sinh, Chúa đã sở hữu Thân Mình có sự sống ở mặt đất, giống mọi người. Bước tiếp theo, vào lễ Chúa Thăng Thiên về trời, Thân Mình Ngài biến đổi trở thành Thân Mình Thánh Thiêng có Thần Khí Chúa ở cùng. Và, Ngài có khả năng sống thánh ở thiên quốc.
Truyền thống này, không giống truyền thống đầu; tức: hiểu mọi việc như thánh Phaolô và thánh Máccô hiểu một cách rất sớm sủa. Phải chăng truyền thống này vững chắc hơn truyền thống sau, do thánh Mátthêu và Luca diễn nghĩa? Phải chăng truyền thống sau lại quan trọng và nắm phần chủ chốt để trở thành thánh-truyền, như Hội thánh phán?
Đối với ta, điều quan trọng là nhận ra rằng: thị kiến/viễn cảnh, là chuyện thông thường được nhiều tôn giáo trải nghiệm. Đó là tình trạng, mà ngày nay khoa học gọi là trạng thái thôi miên, trong đó người được thị kiến rất kinh ngạc, hãi sợ và vui mừng. Đó là nền tảng tốt cho niềm tin hơn coi đó như chứng cứ thực nghiệm, chút nào hết.
Đức Giêsu cũng cảm nghiệm nhiều thị kiến khá đáng kể, như vào lúc Ngài nhận thanh tẩy từ thánh Gioan; hoặc, các cảm nghiệm Ngài từng có vào những ngày Ngài sống ở sa mạc cũng như cảm nghiệm khác khi Ngài biến hình trên núi… Tất cả đã được thánh Mátthêu và Luca ghi chép trong Tin Mừng. Trong thị kiến, người nhập thị chứng kiến được Thân Mình Thánh Thiêng của Chúa, chứ không phải thân mình được chỉnh sửa cho thích hợp với sự sống, ở thế trần. Các vị nhập cuộc vào thị kiến, chỉ mỗi suy về những gì mình chứng kiến và là đường lối viết Tin Mừng của thánh Luca. Điều mà thánh sử muốn nói lên, đích thực là Thân Mình Thánh Thiêng của Chúa, mà các thánh được diện kiến bằng con mắt tinh thần, mà thôi.
Xem như thế, ta có hai truyền thống tổng cộng. Một, là của thánh Phaolô và Máccô. Còn truyền thống kia, lâu nay được gọi là thánh-truyền, do thánh Mát-thêu và Luca lập ra. Giữa hai truyền thống, không thấy có sự nhất quán, thuần nhất nào hết.
Nhưng truyền thống sau lại đã chuyển đổi trên căn bản nên hơi khác truyền thống đầu, khi dân con Đạo Chúa lại để mất thị kiến của Giáo hội tiên khởi. Từ đó trở đi, ta lại đi tìm các dữ kiện thực nghiệm để củng cố cho điều mình tín thác. Thế nên, các thánh mới kể chuyện: Chúa đi quanh mộ phần trống vắng khiến các nữ phụ lại cứ nhìn ra như thợ làm vườn. Ngài tự mở cửa mồ và Ngài có khả năng ăn uống tựa hồ người bình thường, và còn để cho thánh Tôma sờ chạm vào chân tay. Riêng thánh sử Gioan lại cũng kể về việc Chúa đi đây đó, Ngài hiện ra và diễn giải sự việc cho tông đồ hiểu.
Chính vì lý do thực nghiệm, mà các thánh sử lại thấy khó là làm sao kể việc Chúa về Trời, nên mới nghĩ ra viễn cảnh Chúa thăng hoa đi vào chốn mù khơi mây khói kiểu con tầu vũ trụ khiến các nhà khoa học ngày nay không làm sao mường tượng cho hợp với định luật vật lý được.
Từ đó, trọng tâm của thị kiến xem ra khá hấp dẫn trên bình diện xã hội. Bởi, nói như thế tức như thể: các thánh lãnh nhận thị kiến lại đã có khả năng sống trong môi trường đặc biệt có vai vế và quyền hành trong hội thánh thời tiên khởi. Và cuối cùng, các văn bản viết về truyền thống sau lại đã hướng thẳng vào cơ cấu cộng đoàn phát triển. Đặc biệt hơn, thánh Luca lại đã mô tả lễ Ngũ Tuần có Thần Khí Chúa đáp là là xuống xã hội nói chung chứ không phải là thị kiến cá thể, riêng rẽ.
Xem thế thì, truyền thống Hội thánh thời sau này, lại đặt nặng tính cộng đoàn dân Chúa có Thần Khí ở với và ở cùng, để củng cố niềm tin và sự sống trong vũ trụ.
Bằng vào cảm nghiệm niềm tin như thế, ta sẽ ngâm lên lời thơ vui vẫn từng hát:

“Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt,
Ngó như gần, nhưng vẫn thiệt xa khơi.”             
(Hàn Mặc Tử - Trường Tương Tư)

            Ngó và nhìn, là điều nhà thơ từng làm như đấng bậc trong Hội thánh theo cung cách thị kiến rất thi ca, “xa khơi”, cách biệt. Nhưng truyền thống Hội thánh vẫn giữ lại niềm tin con cái Chúa nay về với Cha ngõ hầu củng cố tình Ngài thương ta rất mực, qua Thần Khí.      
            Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – Mai Tá lược dịch
___________________________________________________________________________________

Friday 8 February 2019

“Gót nhỏ lên thuyền một kiếp xưa,”


Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ 5 thường niên năm C 10/02/2019

(Lc 5: 1-11) 

Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Simôn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Simôn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

“Gót nhỏ lên thuyền một kiếp xưa,”
    “Em về trăng mọc bến chân như.”
           (Dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Gót nhỏ lên thuyền, gót của em. Người em dân dã, vẫn cứ về. Em về trăng mọc, bến chân anh. Người anh mộc mạc, xưa theo Chúa.

Trình thuật thánh Luca, nay ghi về chuyến lên thuyền để đánh bắt rất nhiều cá. Cá ở đây, gồm truyện kể về quà tặng Chúa ban, không chỉ cho mỗi dân con được chọn, mà cả con dân ngoài Đạo, cũng vẫn được. Trước nhất, là về Galilê, và sự thể đánh bắt, vào thời đó.

Biển hồ Galilê, là hồ nhân tạo duy nhất ở Israel. Hồ này dài đến 55 cây số, chạy vòng quanh bến bãi, ở nơi đây. Hồ này sâu từ 25m đến 45m, nhưng mực nước lại thấp hơn mặt nước biển đến 200m. Hồ nhân tạo, nhưng đây là chốn lý tưởng để đánh bắt đủ mọi loại cá. Với dân chài, thì Biển hồ Galilê là nơi tốt nhất để bắt cá. Với khảo cổ, lại có khám phá tuyệt vời từng phát hiện một thuyền đánh cá dài rộng cỡ 8m x 2.20m x 1.35m bộ, với niên đại có từ năm 40 trước Công nguyên. Thuyền này được gọi là “Con Thuyền Của Chúa”, vì là đặc trưng tiêu biểu thời Chúa sống.

Dân chài đây, có nhóm chuyên đánh bắt các loại cá có chất lượng để cung cấp khắp nơi, cả người Ai Cập cũng là khách hàng thường xuyên mua về đem hun khói thành đặc sẳn rất tuyệt vời. Các khai quật cho thấy thuyền đánh cá ở đây được trang bị khá tốt để có thể đánh bắt suốt cả đêm. Sản phẩm đánh được lại đã tạo nguồn lợi tức cho một số công ty chuyên ngành trong thời gian dài, chuyên nghiệp. 

Dân chài ở đây, có người còn có nghề tay trái không chỉ đánh cá đóng thuyền thôi, nhưng còn kinh doanh và tránh thuế. Dân chài người Bét-sai-đa sống ở Ca-pha-na-um quen tránh né đám thu thuế; nên, nghề cá là nghề ít bận tâm về luật thuế nhất. Nói chung, dân chài ở đây biết nhiều thứ, chứ không chỉ sơ sơ mỗi cá tôm.

Thế nên, cử toạ đầu tiên tìm đến Chúa để nghe Ngài giảng giải, lại là dân chài Biển hồ Galilê. Chúa hoạt động công khai, Ngài cũng di chuyển loanh quanh các vùng: Bét-sai-đa, Ca-pha-na-um, Ghê-nê-sa-rét, Mag-đa-la, hoặc Ghê-ra-sa cùng các vùng chài lưới và thôn làng ở Biển hồ. Chúa giảng rao vùng cận duyên gồm các làng chài trong đó có cả Tyrô và Siđôn nữa. Hôm ấy, bên vệ đường cạnh hồ Galilê, Chúa gặp ông Phêrô (cùng nhạc mẫu) và các bạn chài là: An-rê, Giacôbê và Gioan (có bà Zêbêđê) và cả anh Lêvi thu thuế, nhất nhất đều đến từ Ca-Pha-Na-Um, ở quanh đó.

Chúa vẫn thường có thói quen di chuyển trên hồ bằng thuyền bè. Chính ở nơi này, Ngài chỉ cho các thánh biết đánh bắt thật nhiều cá, như phép lạ. Và cũng ở triền hồ, Ngài còn phân phát cho cả ngàn người được no nê, ăn thoả chí. Tin Mừng thánh Luca (đoạn 24) cũng cho thấy Chúa đã trở lại hồ này ngay sau ngày Ngài Phục sinh quang vinh.

Vấn đề hỏi là: làm sao thánh Luca lại biết rõ điều ấy. Bởi, ai cũng đều biết thánh Luca đâu thuộc thành phần dân chài và cũng chẳng là tay thu thuế. Thế nên, nguồn văn của trình thuật hôm nay, có lẽ đã được rút từ Tin Mừng thánh Matthêu đoạn 4 câu 18. Đoạn này, thánh Matthêu ám chỉ một Xuất hành mới cốt để tái lập Vương quyền của Đavít.

Thánh Luca không chỉ nhấn mạnh sự kiện Chúa gọi mời dân chài làm tông đồ, nhưng nhấn mạnh lên câu Chúa nói với Phêrô, rằng: “Từ nay ngươi sẽ là kẻ chài lưới người.” Có thể là, thánh Luca không có ý đó, nhưng thánh Mátthêu lại trích dẫn lời ngôn sứ Giêrêmia đoạn 16 câu 16 và Êdêkiel đoạn 47 câu 9, trong đó Chúa nói: “Này Ta sai ngư phủ đến, một số đông và họ sẽ vung lưới bắt chúng.” Tất cả điều đó, chỉ muốn nói rằng: Chúa đến như thể cuộc đánh bắt rất nhiều cá chứ không phải chỉ mỗi thứ cá, là người Do thái mà thôi.   
            
Ở đây, thánh Luca lại nói lên lập trường của riêng thánh-nhân về ơn cứu độ Chúa rộng ban, không chỉ gửi đến với dân được chọn là Do thái mà thôi, nhưng còn mở ra với hết mọi người, mọi sắc tộc, giòng giống. Và cũng thế, các tông đồ của Chúa được gửi đến với mọi người có giòng giống sắc tộc, rất khác nhau. Ngài sẽ không phân biệt một ai để rồi đem tất cả về với Vương quốc của Ngài, cũng là vùng đất có biển có hồ, mầu mỡ rất nhiều cá. 

Truyện kể ở trình thuật thánh Luca hôm nay cũng rất đẹp, trong đó tác giả cho thấy kết quả của công việc hợp tác giữa hai chiếc thuyền đánh cá mỏng manh đến suýt chìm vì nặng chĩu những cá. Một trong thuyền đó, có Simôn Phêrô đã thành công đánh bắt được rất nhiều cá. Một lần nữa, ở đây thánh Luca cũng không nhiều kinh nghiệm về sông nước với đánh bắt. Nhưng tác giả đã để Chúa yêu cầu thánh Phêrô chèo đò vào bờ, rồi theo Ngài.

Nhiều năm qua, có học giả người Do thái là Abraham Joshua Heschel đã nói về vai trò của ngôn sứ ở Israel. Theo ông, ngôn sứ là người hiểu được những “xúc cảm” ủa Thiên Chúa. Qua cụm từ “xúc cảm”, ông muốn nói: Thiên Chúa không xa  với con người chúng ta, theo nghĩa khoảng cách thần linh, thánh thiêng; nhưng Ngài là Đấng rất cần gần gũi với những khổ đau/sầu buồn, như con người. Ngài cũng có cảm xúc như con người. Giữa Ngài và con người, luôn có sự tuỳ thuộc hỗ tương, tức là: Chúa cần ra khỏi tính thánh thiêng để đến với chúng ta. Và chúng ta cũng thế, cần ra khỏi hoàn cảnh của mình để ra đi mà đến với Chúa. Để sống với những cảm xúc của chính Chúa.

Ý tưởng của diễn giả Heschel đem đến cho ta một mô hình mẫu mực để hiểu được tư tưởng của thánh Luca viết ở đây. Thánh Luca tuy không là ngôn sứ, giống như thế. Chúa của thánh sử cũng không là Thiên Chúa của tác giả Heschel. Nhưng theo thánh Luca, thì Chúa cũng có cảm xúc muốn san sẻ sự vui mừng với chúng ta. Ngài đã đi vào cuộc sống phàm trần theo cung cách cũng trần tục để niềm vui của Ngài lấp đầy hết mọi người. Trong mọi người. Và niềm vui của ta cũng có kết quả tương tự, đối với Chúa. 

Thật ra thì, cụm từ “xúc cảm” ở đây cũng không đúng nghĩa cho lắm khi ta diễn tả điều mà thánh Luca muốn nói. Nhưng điều mà thánh sử Luca muốn nói chính là niềm vui chung vẫn có giữa Đức Giêsu và các thánh tông đồ, rất thuyền chài. Đó là niềm vui rất lớn không biên giới nhưng đã hoàn toàn rộng mở. Niềm vui ấy, nay phát tán đi vào với thế giới gồm đầy khổ đau, âu sầu. Vui, là rung động với những cảm xúc hân hoan của con người để đi vào tận tâm can con người vẫn thường gặp nhiều khổ đau/sầu buồn vào mọi lúc. Niềm vui ấy, như thể đàn cá tung tăng nhẩy xổ vào lưới bắt của các vị tông đồ/thuyền chài. Đàn cá xem ra thích nhảy vào lưới như thế. Và các tông đồ/thuyền chài cũng mỉm cười vui thích khi thấy đàn cá cứ làm thế. 

Và thánh Luca vẫn ghi lại những truyện kể ở trình thuật có Đức Giêsu mỗi lần đến với ai, là người đó cũng sẽ vui mừng, nhảy chồm lên vì sung sướng. Và lòng thương xót của Chúa lớn lao gồm đủ những cảm-xúc và niềm vui to lớn còn là kết quả của sự việc nhảy ra khỏi làn da, thớ thịt mà Chúa từng làm và từng sống với ta như thế. Đức Giêsu cũng đã làm như Chúa đã làm như thế với mọi người. Như thế, thì Ngài đích thật là Người Con của Thiên Chúa.

Điều này dấy lên một vấn đề hỏi rằng: làm sao chủ đề “ơn cứu độ” lại có thể trở nên chuyện chính yếu đối với tác giả Luca, là thế? Đôi khi, đó còn là trọng tâm Tin Mừng của thánh-nhân nữa. Chuyện này kể cũng thực, nhưng không phải là tiên quyết. Ít ra, tác giả cũng không đến nỗi ưu tư nhiều như thế. Ơn cứu độ, là cụm từ ta dùng để chỉ về trạng huống ta trải nghiệm. Niềm vui chung có Chúa đã từng đảo ngược mọi chuyện tiêu cực thành cơ hội để ta suy tư về ân huệ trọng yếu này.

Những điều kể trên, đôi khi làm người đọc lại nghĩ về truyện ông Noê ở Cựu Ước. Truyện kể vẫn cứ kể về điều là những sinh vật được cứu sống, chỉ mỗi vài cặp thú vật trên thuyền mà thôi. Cứ tin là như thế. Như thế, tức như thể không phải tất cả mọi thú vật đều có mặt ở đó, hết. Thế thì, các thú khác và người khác thì sao? Có được cứu rỗi không? Về cá heo và chúng bạn vẫn tung tăng bơi lội và cười đùa vui vẻ ngoài con thuyền cách vô tội vạ thì sao? Chúng không được cứu sao? 

Nếu thế, cũng không phải là ý của tác giả, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Bởi Thiên Chúa là Đấng thực sự rất Vui và rất đại độ. Có lúc Ngài cũng tung tăng vui vẻ, ngoài con thuyền đấy chứ? Dù thuyền đó là thuyền đánh cá của Phêrô hay thuyền cứu độ của Noê, cũng đều thế. Cả tác giả Luca cũng thế. Cũng đâu bao giờ có được ý tưởng buồn cười về cuộc sống được cứu rỗi và về Thiên Chúa đến như thế.

Thế nên, đọc trình thuật thánh Luca, người đọc hẳn đôi lúc cũng nghĩ như nhà thơ bên dưới: 

                        “Gót nhỏ lên thuyền một kiếp xưa,
                        Em về trăng mọc bến chân như.
                        Người Em hơi thở say mùi huệ,
                        Mây trắng vương buồn mắt thái sơ.”
                        (Đinh Hùng – Trái Tim Hồng Ngọc)

Trái tim của Chúa, cũng “Hồng Ngọc”, tức: cũng mầu hồng và bằng ngọc, luôn tưởng nhớ hết dân gian mọi người, dù là dân chài thợ mộc, Ngài vẫn mời theo Ngài giảng rao ơn cứu độ thân thương, rất hồng ngọc. Để dân gian mọi người sẽ trở thành ngọc hồng, ngọc bích vẫn cứ thương. 

Lm Kevin O’Shea DCCT biên soạn – 
 Mai Tá lược dịch _________________________________