Suy Niệm Chúa Nhật thứ 20 thường niên Năm A 14-08-2011
“Đàn rơi phiếm rũ, sầu mưa gió,”
“Nguyệt khuất mây mờ, lạnh khói sương”
(dẫn từ thơ Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân)
Mt 15: 21-28
Sầu mưa gió. Lạnh khói sương. Có thể, đó là cảnh tình của người đời. Đàn rơi phiếm rũ. Nguyệt khuất mây mờ. Nhjưng, cũng chưa hẳn là tình tự của người trong Đạo, bấy lâu nay.
Tình tự nhà Đạo, nay thánh Mát-thêu kể về nữ phụ xứ Canaan gặp Chúa, rất cảm kích mới có lời xin. Xứ Canaan, có thủ phủ Ty-a và Si-đôn là đất miền cận duyên, bên bờ Địa Trung Hải. Hai thị trấn cách đất liền đến 80 cây số, phía Nam Phênixia. Hôm nay, thánh sử kể về các sinh hoạt khác thường của Chúa, ngoài đất nước Do thái, ở xứ Canaan.
Về sinh hoạt Chúa làm, ngoài xứ miền Do thái, thánh sử kể cũng khá nhiều. Nhưng, không nói lý do tại sao Chúa đi xa như thế. Có thể, Chúa đã mệt vì đường xa, xứ lạ. Thế mà, khi nữ phụ xa lạ lại đón Chúa vào thôn làng. Cũng có thể, luận cứ ở truyện kể còn quan yếu hơn chi tiết địa dư, khoảng cách.
Trình thuật nay là truyện kể nữ phụ “ngoài luồng” và con gái bà lâm bệnh. Đúng ra là, mẹ con sinh sống ở xứ miền Phênixia. Với người Trung Đông, Canaan là một trong những địa danh có tên rất xấu, gồm toàn những người lạ kỳ, về nhiều thứ ít thấy trong Thánh Kinh.
Nói gì thì nói, nữ phụ Canaan đây, thuộc lớp người ngoài Đạo, là người dưng khách lạ mà lại được Chúa đón nhận như người trong cuộc. Bởi thế nên, luận điểm đề cập nơi trình thuật hôm nay là để nhấn mạnh lối hành xử rất nhân lành hầu đón nhận người ngoài vào với cộng đoàn Hội thánh mình.
Trình thuật, nay nhấn mạnh khuynh hướng gọi họ bằng những tên rất xấu, để loại bỏ. Loại và bỏ, như người thời nay khi nói đến dân con Ả Rập/Hồi giáo, người người có thói quen chụp lên người họ bằng những mũ chụp thiếu thanh tao/lịch sự, như: dân Rệp hoặc đám Hồi giáo khủng bố. Và, trình thuật nay cũng nói đến cung cách Chúa dung nạp những người mang tai tiếng, xấu đến như thế.
Mặt khác, nữ phụ này lại có người con vướng mắc một thứ tật bệnh mà người thời ấy gọi là “quỷ tha ma bắt” khiến bà phải gào thét đến cuồng điên, cốt để Đức Chúa Nhân Hiền nghe biết đến với bà, để chữa trị cho con gái bà. Ngài có chữa kẻ ngoài luồng mắc chứng dơ bẩn hay không, đó mới là vấn đề. Và, dân thường thời bấy giờ vẫn còn thắc mắc.
Kể ra, thì nữ phụ Canaan dù ngoài Đạo, nhưng đã tin Đức Kitô, nên bà gọi Ngài là “Con Vua Đavít“. Với thánh Mát-thêu, bà là người đầu tiên trong kinh thánh, dám tuyên xưng Ngài là Chúa, bằng miệng lưỡi. Chính bà là người dùng lời khẩn cầu phụng vụ và thánh vịnh của các đấng bậc từng tuyên tín vào Đức Kitô, như lời kinh phụng vụ lâu nay vẫn nhắc: “Xin Chúa thương xót chúng tôi.”, một lời kinh bằng tiếng Hy Lạp, rất “Kyrie eleison”, trong thánh lễ. Bà còn bái gối lạy quỳ trước mặt Ngài, một động thái khẩn nài ít thấy nơi người Do thái, khi nhắc nhớ điều gì với Giavê Thiên Chúa.
Nói rõ hơn, nữ phụ ngoài Đạo đã van xin Chúa một ân huệ, rất khó thực hiện: là, xin Ngài vượt lằn ranh thói tục luôn chê bai kẻ hạ cấp/thấp hèn như mẹ/con bà, những kẻ bị đào thải khỏi mọi chọn lựa trở nên dân riêng của Giavê. Bà xin Ngài thực hiện điều mà Giavê Đức Chúa không có chọn lựa nào khác ngoài việc đưa toàn thể mọi người về với tình thương. Cả khi đồ đệ Ngài bày tỏ:”Hãy bảo bà ấy đi đi, đừng đến mà làm phiền Thày.”
Nơi trình thuật, chừng như Đức Giêsu đã thách thức lời kêu cầu của nữ phụ bằng lời từ chối. Đây là việc ít thấy ở Tin Mừng, mà các thánh vẫn ghi. Bởi lẽ, kinh nghiệm cho thấy, hễ ai kêu cầu Chúa điều gì, Ngài vẫn đáp ứng bằng đáp ứng trọn vẹn cho người ấy. Trường hợp ở đây, không giống thế. Ngài không ứng đáp lời kêu cầu của nữ nhân ngoại luồng, là bởi vì Chúa Cha gửi Ngài đến với dân con được chọn, thôi. Sứ vụ Ngài thực viện, chỉ dành cho dân con người Do thái, rất đích thực. Chính vì thế, mà người đọc mới nghe thấy những câu so sánh cũng khá lạ:“Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con (ở ngoài)." (Mt 15: 26). Bằng vào lời này, ta thấy người Do thái xưa vẫn coi dân “ngoài luồng”, rất thấp hèn. Thách thức ở đây, còn có nghĩa: Chúa phản ứng như người Do thái bình thường sống theo luật, không để lời nài van từ ngoài, áp lực Ngài hành xử ngoài ý định của Cha.
Nhưng, nữ phụ Canaan vẫn thưa:”Đúng thế, thưa Ngài, nhưng lũ chó con cũng được hưởng vụn bánh trên bàn chủ, rơi xuống." (Mt 15: 27) Điều mà bà goá xứ Canaan muốn nói đến, là: loài chó nuôi trong nhà, tuy chạy rong ngoài đường, nhưng cũng được hưởng ơn lành như thú đã thuần hoá. Tức, phải được hưởng công bằng cần thiết. Bên tiếng Hy Lạp, mỗi khi nói đến loài chó nuôi, là nói đến gia súc sống gần gũi với chủ, do đó ít nhiều cũng được đối xử như người nhà, gần chủ nhà. Tức, cũng có chỗ đứng/ngồi gần bàn tiệc, dù dưới gầm. Và đây là trọng điểm mà vấn đề trình thuật đặt ra.
Ngay đó, Chúa thay đổi cung cách Ngài đối thoại bằng ngợi khen niềm tin của người đàn bà. Trình thuật không nói rõ đó có là niềm tin vào Ngài, vào Chúa hay không. Nhưng, nữ phụ Canaan lại đã chứng tỏ rằng bà vẫn là bản vị hiện hữu cần được đối xử như người trong cuộc. Xem thế thì, qua việc khen ngợi niềm tin của bà goá, Chúa muốn bảo cho mọi người biết: nữ phụ “ngoài luồng” này, nay đã là người trong cuộc. Tức, đã có trọng trách khiến cho người dưng khách lạ thấy được sự công bằng cần có, khi đối xử với người trong cuộc. Trong Đạo. Tức, cần dân con trong Đạo yêu thương, đón nhận họ để họ trở nên thành viên Hội thánh, như mọi bản vị biết thương yêu. Nhân hiền.Cởi mở.
Cũng có thể, thánh Mát-thêu đã ghi lại tâm tình của Chúa muốn nói đến các chủ thể lâu nay vẫn bị coi rẻ như loài chó, cốt để thử thách niềm tin, thôi. Kịp khi nữ phụ Canaan sẵn sàng chấp nhận thân phận thấp hèn lâu nay của mình, bị đối xử tồi tệ như loài thú, nhưng vẫn muốn được yêu thương/trọng đãi như người nhà. Bởi, loài chó lâu nay vẫn được coi là gia súc rất trung thành với chủ mình. Vậy thì, loài gia súc đã thuần hoá, có thuỷ chung với người trong nhà, hay không? Nữ giới trong cuộc, có được đối xử đồng đều như nam nhân không? Có được yêu thương kính trọng không thua kém nam nhân không?
Đó là qui cách mà nữ phụ Canaan dùng đến, cốt để thuyết phục Chúa. Chính bà là người dám bộc lộ với Chúa tâm trạng của người “ngoài luồng”. Và, kêu cầu của bà, chính ra là để mọi người trong cuộc nên coi lại mà đối xử bà ngang bằng như người trong cuộc, một khi dân con của Chúa tin vào tình thương và sự lương thiện. Đây còn nói lên một đặc trưng yêu thương là không bao hàm yếu tố “lằn ranh/biên giới”, trong với ngoài!
Ngay đến ý định của Chúa Cha khi chọn lựa con dân trong hoặc ngoài luồng để cứu rỗi, giống như thế. Chúa có tự do thực hiện việc chữa lành cho bất cứ ai, kể cả những người trong hay ngoài luồng. Họ vẫn là những hữu thể, cũng tử tế, ngang bằng nhau. Và, họ cởi mở, ăn ở phải phép hệt như nhau. Lời nài van của nữ phụ, tuy không nói rõ, nhưng đã chứng minh được điều đó. Và, kết quả là: Chúa đã ban cho bà những gì bà khẩn nài. Con gái bà được chữa lành. Vậy, ý của trình thuật thánh sử muốn nhấn mạnh, là: hãy coi khách lạ người dưng, như người nhà vậy.
Điều khác nữa, là: thông thường thì, loài thú ít được nhắc đến ở Tin Mừng. Nhưng, khi đã được nhắc nhở, chúng đều có tên. Ta biết được tên loài thú vào hôm kiệu lá, lễ Vượt Qua, là: chú lừa. Và, loài thú được nói đến, khi thánh Phêrô chối bỏ Thầy mình, là gà trống. Ngoài ra, còn có: chiên lạc. Dê hiền. Đàn heo sạch vv...
Có vị giáo lý viên nọ người Pháp, vẫn quen thói đặt tên cho một số loài thú được nhắc đến ở Tin Mừng, như: chú lừa vào lễ Vượt Qua gọi là: lừa Placiđô. Gà trống hôm thánh Phêrô chối Chúa, là gà “Archibald”, vv… Còn chó nuôi trong nhà, ở trình thuật hôm nay, nên đặt tên gì đây?
Còn một điều cần kể thêm, là: ở trình thuật các thánh ghi, bất cứ ai được Chúa chữa lành, đều đã trở thành đồ đệ đắc lực, quyết theo chân Ngài, mà rao giảng. Con gái nữ phụ xứ Canaan đây, có làm những việc như thế không?
Tựu trung thì, bài học mà thánh Mát-thêu để lại nơi người đọc hôm nay, là: khi nghe ai đó gọi người Ả Rập bằng những tên rất xấu, như “dân Rệp”, hoặc “bọn Hồi giáo chuyên khủng bố”, vv… thiết tưởng người nghe/đọc Tin Mừng cũng nên liên tưởng đến chú chó vẫn nằm chực dưới gầm bần của chủ, để được hưởng ơn mưa móc của người trong nhà. Suy cho cùng, thì: loài chó nuôi trong/ngoài nhà, vẫn là gia súc được yêu thương, nể trọng. Không phải vì chúng sở hữu đặc tính trung thành với chủ. Mà, vì chúng được coi như thành viên như người nhà. Không là người dưng nước lã, nữa.
Sở dĩ Đức Giêsu là Đấng chữa lành mọi người, trong ngoài nhà Israel, vì Ngài là Đấng Nhân Hiền trong cuộc. Rất cao cả. Học được bài học quý giá rút tỉa từ trình thuật hôm nay, hẳn người nghe/đọc, sẽ quyết tâm noi gương lành của Chúa mà xử thế. Xử giống như Ngài vẫn dạy.
Với tâm tình đó, cũng nên ngâm nga lời ca mà người nghệ sĩ trích dẫn ở trên, từng bộc bạch:
“Gương hờn tủi phận, vùi son phấn,
Lược trách buồn duyên, lỡ đá vàng!
Hương sắc đắm chìm, thân mệnh bạc,
Thương lòng xót liễu, rụng đài trang!”
(Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân – Thương Tiếc)
Thương và tiếc, không chỉ “xót liễu, rụng đài trang” thôi, mà còn “trách buồn duyên, lỡ đá vàng”. Trách và thương, những ai vẫn cứ coi dân “ngoài luồng” như chú chó chạy ngoài đường, không thương tiếc. Mà quên rằng, Chúa vẫn tiếc và thương hết mọi người. Mọi loài. Vào mọi thời.
Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch
No comments:
Post a Comment