Saturday 6 February 2010

“Đôi lứa thần tiên suốt cả ngày”

Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay
.

(thơ Huy Cận)

Lc 6: 17, 20-26

Hạnh phúc em đan, đầy tay đấy. Thần tiên đôi lứa, hồn mộng bay. Hạnh phúc Chúa ban, đâu như vậy. Thần tiên suốt ngày, nào chỉ cho mỗi đôi lứa. Thần tiên/hạnh phúc, Lời Chúa dạy, những phúc cùng hạnh, Chúa gửi đến hết muôn ngưòi. Gửi, như thánh Luca từng ghi chép và gửi gắm, nơi trình thuật.


Trình thuật hôm nay, rõ ràng thấy điều Chúa dạy về hạnh phúc. Hạnh phúc gắn liền với niềm tin, của mọi người. Rõ ràng, đã có niềm tin nơi giáo huấn Chúa gửi. Ngài gửi, không chỉ gửi cho các tông đồ Ngài chọn lựa, thôi. Nhưng cho cả dân con trong/ngoài Do thái. Tức, hết mọi người. Đây không là ơn gọi, mà là cung cách để ta có thể ngang qua đó mà sống cùng. Sống với, bất cứ ai.


Trình thuật giới thiệu bản văn thánh Luca bàn về “Hạnh Phúc”. Hiến chương cơ bản, khác với bản văn của thánh Mát-thêu. Với thánh Mát-thêu, là hiến chương 8 điều. Còn thánh Luca, lại những hai cặp 4 điều khoản, rất rõ ràng. Suy cho kỹ, ta sẽ cho rằng bản văn của thánh Luca gần gũi Lời dạy của Đức Giêsu hơn. Còn văn bản của thánh Mát-thêu, là suy tư của Hội thánh, thời tiên khởi.


Ở 4 điều khoản đầu hiến chương theo thánh Luca, hẳn sẽ có người hỏi: ai là người xét Lời Chúa như một việc nghiêm chỉnh? Với 4 điều khoản sau, có người sẽ nói: xã hội nay khuyến dụ mọi người chạy theo giàu sang/phú quý, để hưởng thụ. An hưởng - tiêu thụ, thú vui trần thế, dễ như chơi. Với người đời, tiền bạc, địa vị và quyền bính, là ba thứ quan trọng, dễ biến thành thần, thành tượng. Dễ lên ngôi. Được phụng thờ. Thờ như thế, có tạo hạnh phúc không? Là người Công Giáo, ta có thể vừa đạt thành quả, tức giàu sang, vừa là người lành thánh/siêng chăm, chăng?


Hiến chương Nước Trời, theo văn bản của thánh Luca gồm cả phúc/hoạ, là để gửi thẳng cho mọi người. Không trừ ai. Gửi, những người sống khó nghèo. Sầu buồn. Bụng rất đói. Họ gồm những người rất đông đảo, sống khắp nơi. Trên thế giới. Họ có mặt cả vào thời vi tính, thế kỷ này. Nói cho cùng, cục diện thế giới nay có gì khác lạ thời của Chúa, đâu. Mặc dù, thời nay ta có đủ phương tiện để giải quyết. Giải quyết cả chuyện tâm tư, lẫn tâm tình.


Chúa hướng về người nghèo/khổ. Những người chẳng bao giờ thấy mình sung sướng. Sống rất khổ. Chỉ vì họ quá nghèo. Quá đói. Phải chăng đây là một mâu thuẫn? Không! Hiến chương hạnh phúc Chúa nói đến, không là phần thưởng dành cho người không có khả năng, đạt đến. Hạnh phúc Chúa hứa ban, là tình Ngài yêu thương, rất mực. Dù, ta có khó khăn về vật chất. Dù, ta thiếu thốn rất nhiều điều. Chúa vẫn yêu.


Chúa yêu người nghèo, chẳng phải vì họ tốt lành hơn ai. Mà vì, họ mãi mãi vẫn cứ nghèo. Nghèo, về vật chất. Nghèo, cả tinh thần. Túng, cả những thứ cần thiết nhất, để sống cho ra người. Trong khi đó, người giàu có vẫn cứ phè phỡn. Ăn chơi. Phí phạm. Chẳng chú ý đến một ai. Chí ít, là người nghèo hèn. Người yếu kém. Đói ăn. Thiếu mặc.

Nghèo hèn, thường đính kèm theo sau, một tủi hổ. Sầu buồn. Dễ bực tức. Tuy thế, Chúa vẫn yêu. Ngài yêu hết mọi người. Yêu người nghèo, Ngài thương cả phần sâu thẳm sầu buồn, lẫn đói ăn. Thiếu thốn. Đây chính là thông điệp Ngài gửi đến, hết mọi người. Để người người, rồi sẽ nhớ. Nhớ, lắng tai mà nghe ra. Nhớ, để ưu tư/quan ngại đến người yếu nghèo. Sầu buồn. Đói kém.


Nghèo. Buồn. Thiếu điều kiện và thiếu phương tiện, không là dấu hiệu của một trừng phạt/bất ưng, do Chúa gửi. Ngược lại, là khác. Lời Chúa nói, không là hứa hẹn về một tương lai rực sáng. Cũng không là khích lệ, để mọi người đều làm thế. Mà là, sự kiện/lời lẽ, ta cần nghe. Cần biết. Bởi, ta vẫn được kêu mời làm chứng nhân cho Tình yêu Chúa ban tặng. Người khổ đau/nghèo hèn đều rất cần kinh nghiệm về tình Chúa yêu thương, nên mới để họ có được cảm nghiệm những chuyện như thế, ngang qua ta.


Nghèo. Đói. Thiếu mọi thứ trong đời, không là điều khiến ta trách cứ đặt điều cho Chúa. Nhưng, cho ta. Cho, những người thuộc nhóm/đoàn rủng rỉnh. Giàu sang. Ta không thể gọi mình là đồ đệ Chúa, trừ phi ta vẫn hăng say tranh đấu, chống lại cảnh nghèo và đói. Say và hăng, quyết cất bỏ đi mọi ưu tư/hãi sợ về những mối hoạ, còn tiếp diễn. Phi trừ ta lên án/giáng hoạ những ai đã giàu sang/mãn nguyện rồi, mà vẫn cứ khước từ giùm giúp người anh/người chị, đang còn thiếu. Xem thế, thì giàu sang chỉ là tai hoạ khi nó không được sẻ san cho những ai cần đến. Không phân biệt.


Không phân biệt, là bởi: Hội thánh là dấu chỉ của Vương Quốc Nước Trời. Ở nơi đó, người giàu/kẻ nghèo đều được chúc phúc. Mọi thiếu thốn, đều chấm dứt. Ở nơi đó, Vương quốc Nước Trời đã thực sự khởi đầu. Nếu có ai chưa nhận thấy, có lẽ cũng nên tìm lại lương tâm của mỗi một người, trong ta. Người giàu là những kẻ đáng ta lánh xa, chỉ khi họ không thực tâm san sẻ những gì mình dư dả, cho người người đang túng thiếu.


Vương Quốc Nước Trời Chúa định mẫu, sẽ không còn kẻ giàu/người nghèo nữa. Nhưng, của cải sẽ được phân phối đồng đều, cho mọi người. Đó là trọng tâm của Tông thư “Bước Tiến Muôn Dân” do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI soạn thảo. Biến điều đó thành hiện thực, chắc sẽ chuyện dài lâu. Bởi, bao lâu ranh giới giàu/nghèo vẫn còn đó nỗi buồn, thì ta vẫn không thể trách Chúa hoặc Thầy Chí Ái được nữa. Nhưng, có lẽ chính mình cũng nên cúi đầu, mà nhận tội. Vì mình vẫn không thực hiện được điều Chúa uỷ thác, từ ngàn năm.


Lời chúc phúc cuối Chúa dành để cho những người từng bị bức bách. Lời chúc này, có hơi khác với ba điều Ngài kể trước. Lời chúc này, là lời Ngài muốn gửi đến với đồ đệ, của Ngài. Các vị được gọi mời nhận lãnh vai trò của ngôn sứ. Nhận lãnh trách nhiệm hãy rao truyền thông điệp Ngài vẫn gửi cho những kẻ không hề tin vào Ngài. Hoặc, chưa biết đến. Phúc cho những người này, về cả 3 thời điểm: quá khứ, hiện tại, và tương lai.


Trước nhất, hạnh phúc sẽ đến như một phần thưởng. Phần thưởng, của Nước Trời. Thứ đến, người người được chúc phúc, là vì tất cả chúng ta sẽ cùng nhau san sẻ mọi sự. Sẻ và san, dù có đau thương. Sầu khổ. Hoặc, bị chối bỏ. Như Chúa từng có kinh nghiệm sống. Có sống sầu buồn khổ đau, ta mới thương cảm cho Chúa từng đau khổ, sầu buồn. Thứ ba, được chúc phúc là vì những gì ta làm đều rất xứng. Xứng đáng, với truyền thống ngôn sứ cao cả, nơi Giao Ước.


Thời hôm nay, có nhiều ngôn sứ từng cảm nghiệm khổ đau. Sầu buồn. Khích bác. Kinh nghiệm đến độ, dám chết cho sự thật. Cho công bình. Tự do. Các vị từng có kinh nghiệm khổ đau/sầu buồn như: Giám mục Oscar Romero ở El Salvador. Như, Martin Luther King, ở Hoa Kỳ. Như, Mahatma Gandhi, ở Ấn Độ. Và nhiều vị khác đã và đang sống hiện thực điều Chúa chúc phúc, ở nhiều nơi. Có những nơi, rõ ràng hiển hiện trạng huống trong đó Hội thánh vẫn bị bức bách. Hành hạ. Khổ sở. Đếm kỹ, ta sẽ thấy là: thế kỷ 20 vừa qua, rất nhiều vị đã dám chết cho niềm tin vào Chúa, nhiều hơn các thế kỷ trước.


Sầu buồn/khổ đau nơi ngôn sứ, là niềm tự hào hứng khởi cho thế hệ mai rày. Ở khắp nơi. Quả là, ngôn sứ ngày nay vẫn kinh qua nhiều cảm nghiệm về khổ đau/sầu buồn. Các ngài sẽ không còn nuối tiếc việc mình làm. Không tiếc nuối, để giữ lòng thủy chung với Tin Mừng, của Chúa. Có vị lại đã viết: “Chúa hứa ban cho đồ đệ mình những ba điều: không biết hãi sợ. Tuyệt đối hạnh phúc. Luôn bị rắc rối.” Phải chăng đó là nghịch lý/nghịch thường của Đạo Chúa? Của tình yêu?


Chứng minh cho một đáp trả, ta hãy hát lên lời ca hùng hồn, đầy nghiệm suy. Như sau:


“Đừng xôn xao, đừng khóc giấu,

Đừng oán trách phận bèo,

Vì sông xa vẫn trung thành theo.” (Phạm Duy - Đừng Xa Nhau)


Dù có là sông xa. Phận bèo. Cũng đừng oán trách. Khóc giấu với khóc thầm. Nhưng cứ trung thành, mà theo. Theo Chúa. Theo người anh người chị, trong cộng đoàn Nước Trời, từng đi trước.


Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.


(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

No comments: