Hoàng Hạc lâu nay vẫn còn đây.
Một phút hạc vàng thăm thẳm biệt,
Ngàn năm mây trắng lững lờ bay.”
(thơ Thôi Hiệu, bản dịch Trần Văn Ân)
Lc 9: 28-36
Cỡi hạc hay cỡi mây, vẫn là chuyện của người thi sĩ. Yêu người hay yêu Chúa, còn là chuyện của dân con. Con dân nhà Đạo hôm nay, lại được nghe bảo về yêu thương, nơi trình thuật.
Trình thuật thánh Luca diễn đạt, nay thêm ý. Ý, là ý tưởng về một nghịch thường nơi niềm tin, con dân Chúa. Tin rằng, mình có thể tìm gặp Chúa, ở thế gian. Qua thế gian. Tuy, thế gian không là quê đời, của mình. Mà, chỉ là hành trình tìm về nơi chốn có sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa của Sự thật. Tình thương. Đó là mục tiêu của sự thật. Cần duy trì.
Trên đường về, ta gặp nhiều điều rất cuốn hút. Cuốn và hút, như: nghề nghiệp. Tài chánh vững chãi. Giáo dục con cái. Nhà cửa ổn định. Nhất nhất, chỉ là bước đầu, của cuộc sống dài lâu. Ta không thể nào như vợ ông Lót, cứ quay nhìn về quá khứ. Nên, thành muối/đá. Đời người, như văn sĩ nọ, vấn so sánh tựa hồ một phim truyện, ở hí trường. Không thể yêu cầu phim dừng lại. Để, cứ sống với cảnh đẹp, mình ưng ý. Mà phải tiến tới. Tiến về phía/về nơi, mình cần đến.
Bài đọc 1 và Tin Mừng, đề cập: Chúa can thiệp vào cuộc sống. Của con người. Thánh sử Luca thì nói về sự kiện Chúa Biến hình. Cũng như thánh Mát-thêu và Mác-cô, ở Tin Mừng. Điều cần thiết, là biết rằng chuyện Biến hình này du nhập vào trình thuật, của thánh sử.
Trước lúc đó, thánh Phêrô nhân danh đồng Đạo và đồng môn, đã tuyên xưng Thầy Chí Ái là Đấng Mêsia. Là, Đức Kitô. Vua Cứu Thế, mọi người chờ. Đây là giây phút kinh thiên hoàng hà, để các thánh nhận ra rằng mình chỉ là dân nghèo thị thành, mà còn được vinh hạnh chọn lựa làm bạn đồng hành, với Đức Chúa. Hiểu như thế, các ngài mới bắt đầu có được thị kiến sống động về quyền uy. Vinh hạnh. Nằm trong quỹ đạo tương quan mật thiết. Tốt như thế.
Nhưng, cùng một lúc, các ngài lại về với thực tại của thế trần. Ngay lúc ấy, Thầy giảng giải ý nghĩa của đồng hành. Của quan hệ thân thương với Đức Mêsia. Không nơi nào, cao trọng hơn thế. Không cơ sở nào, uy tín đến như vậy. Ngược lại, cũng từ đó, có nhiều điều đã bắt đầu trở nên tồi tệ hơn. Đức Mêsia, Thầy Chí Thánh nay thành nhân vật bị người đời đeo đuổi. Ruồng bắt. Cứu Chúa của các ngài, sẽ bị bắt. Hành hạ. Và, xử lý.
Kịch bản ấy, nay không là bản kịch mà người đời đợi trông. Cũng chẳng ai mong sự việc sẽ xảy đến, với thế giới. Vì thế, các thánh thấy mình hụt hẫng. Không hiểu nổi. Không hiểu rằng, vì sao người đời lại xử tệ với Đức Mêsia Cứu Chúa của nhân loại? Chính đó là lúc, thánh Phêrô đã phát biểu thay cho đồng môn, đồng thuyền. Chính vì thế, thánh nhân đành lãnh nhận lời quở mắng, rất gay gắt: “Xa-tăng! Hãy cút xéo đi!” (Mt 4: 10) Kịch bản đây, còn là bối cảnh trình thuật. Rất hôm nay.
“Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê”. Với Kinh Thánh, “lên núi”, là lên đồi hoang/chốn vắng, có Chúa hiện diện. Lên núi, có thể là núi Ta-bo. Nhưng, địa danh núi thánh ở đây, không quan trọng. Quan trọng, là kinh nghiệm của ba vị thánh cả, đã chứng kiến sự kiện Biến Hình. Sự kiện, có một không hai, được Chúa chiếu sáng, nơi phận Ngài.
“Hai nhân vật đàm đạo với Người”, là nói về hai nhân vật cột trụ của Giao Ước. Các vị, hiện thân cho Tiên tri và Lề Luật. Tức là, thể hiện trọn vẹn truyền thống, của Do thái. Thánh Luca xem nơi đó, như kinh nghiệm một sự kiện xảy đến, với Giêrusalem. Nghĩa là, các nhân vật cột trụ trong Đạo nay nhận ra được rằng: điều xảy đến với Chúa, hoàn toàn phù hợp với truyền thống mà các ngài đại diện. Và, chấp nhận.
Môn đệ Chúa, tuy thế, vẫn không hiểu những điều đang xảy đến, với các ngài. Chính vì thế, các ngài vẫn như “ngủ thiếp” giống hệt thời điểm ở vườn Dầu, mãi về sau. Cũng may là, các thánh chợt tỉnh giấc. Và, đây là kinh nghiệm tổ phụ Abraham từng gặp, có đề cập đến, ở bài đọc 1.
“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật hay!” Đã rất hay, nay lại được thánh Luca thêm một lời bình: “Thánh Phêrô không biết mình đang nói”, tức là: thánh nhân những muốn nấn ná kéo dài tình trạng ấy. Bởi, thánh nhân không biết rằng thực tại đời rao giảng, đang đợi Thầy. Đợi, cả các thánh hiệp lòng mà tiếp tay. Và lúc ấy, thánh Phêrô chợt như thấy mình đang bị “đám mây bao phủ”, nên mới hãi. Mới sợ. Hãi sợ, vì Chúa đang hiện diện bằng xương bằng thịt, ngay cạnh mình. Hãi và sợ, vì được Đức Mêsia, nền tảng của mọi truyền thống, vẫn hỗ trợ. Vẫn có Chúa chứng thực.
“Hãy vâng nghe Lời người!” Nghe, là nghe những gì Chúa mặc khải. Nghe, là nhận thức rằng Đấng Mêsia sẽ bị loại trừ. Ngài sẽ chấp nhận khổ đau. Chấp nhận cái chết ô nhực. Có nghe và nhận Lời người, mới có thể hiểu và chấp nhận làm đồ đệ của Ngài.
“Tiếng phán vừa dứt, chỉ thấy một mình Đức Giêsu”, là Đấng mà các thánh lâu nay đồng hành. Vẫn sống cùng và sống với, trong tình thân. Nhưng, “các môn đệ vẫn làm thinh”, chẳng nói chẳng rằng. Làm thinh, là tình đã thuận. Thuận, để học hỏi và hiểu biết về Người. Về, Đường Lối Chúa chọn. Về, điều mà các ngài cần đến vào lúc ấy. Cần, đến niềm tin. Cần tin tưởng trọn vẹn vào với Thầy. Tin tưởng vào Đức Giêsu. Tức, tin vào Chúa. Vào Đấng Mêsia. Như Cha đã định.
Ở đây nữa, Tin Mừng còn qui chiếu kinh nghiệm Abraham từng gặp. Ông bị thử thách. Cũng kinh hoàng. Cũng có “Bóng tối dầy đặc ập xuống trên ông”. Nhưng, ông vẫn cứ bỏ quê nhà, và cất bước ra đi. Đi, về nơi xa lạ. Như thế, Abraham đã “vâng nghe Lời Người”. Và, việc “nghe theo Lời Người” của ông, nay vang vọng ở Tân Ước. Việc “nghe theo” như ông làm, là nhận biết Chúa. Là, tin tưởng vào Người. Vì thế nên, Chúa đã lập Giao Uớc với ông. Có như thế, ông mới đạt kết quả, là: dòng dõi ông, sẽ hằng hà sa số. Như trăng sao. Như sông biển, rất lớn rộng.
Bài đọc 2, là một kết nối qua đó thánh Phaolô minh xác về cuộc sống có Chúa. Sống đích thực kinh nghiệm “biến hình”. Và, biến đổi. Tức, biến hình đổi dạng, vì:“Quê hương ta ở trên trời”. Trời đây, không theo nghĩa địa hình. Địa thế. Mà, là đích điểm của cuộc đời, ta có Chúa. Sống với Chúa. “Ta nóng lòng mong Chúa từ trời, đến cứu ta”. Ta mong Ngài đến “dùng quyền năng Ngài biến đổi thân xác yếu hèn của ta, hầu trở nên giống thân xác vinh hiển của Ngài.” (Ph 3: 21).
Cuối cùng, làm thế nào để việc biến hình/biến đổi này, xảy đến với ta? Câu trả lời sẽ là: “Hãy vâng nghe Lời Người”. Vâng nghe lời mời gọi, hãy sống và thực hiện điều Ngài dạy. Lời Ngài dạy, đã làm thánh Phêrô và đồ đệ kinh hoàng. Sửng sốt. Nhưng, vẫn tháp nhập kinh hoàng ấy vào với kinh nghiệm sống của chính mình. Kinh nghiệm, về một thị kiến năng động, của cuộc sống. Sống dấn bước theo Đường Ngài vạch sẵn. Sống dấn bước, trong tin tưởng. Có quyết tâm. Để rồi, Ngài đưa ta kết hợp hài hoà với Thiên Chúa là nguồn Cội của Sự Thật. Của, Tình Yêu. An Bình.
Với quyết tâm ấy, ta cứ vui lên mà cất tiếng hát mừng, ngày hạnh phúc. Hát rằng:
“Hôm nay ta yêu, yêu tình nước non ngập lòng
Hôm nay ta thương, thương khắp nhân loại trên đời.
Lời tha thiết, bài thơ khúc ca ân tình
Ta sẽ xây nguồn vui dựng một ngày mai.” (Xuân Lôi & Y Vân-Bài Hát Của Người Tự Do)
Hãy cứ yêu, hôm nay. Dù tình ấy, có là yêu tình đất nước. Hay, yêu thương tình người. Trong đời. Vẫn dựng xây ngày mai tươi sáng. Ngày, có biến hình. Đổi mới. Hân hoan, thơ thới. Rất một đời.
______Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)
No comments:
Post a Comment