Nối dang dở để bây giờ trọn câu.
Lại về với thuở yêu đầu,
Quên đi anh nhé, dãi dầu đã qua.”
(Thơ Tế Hanh)
Ga 14: 23-29
Thơ văn ở đời, vẫn trọn câu. Trọn thơ. Trọn vần. Dù dang dở. Dở dang, là tình tự lúc ban đầu. Tình tự nhà Đạo, ta có với Chúa. Với nhau. Vẫn lặng lẽ. Yên bình. Như trình thuật, từng đúc kết.
Trình thuật thánh Gioan, nay đúc kết Lời Chúa, trọn vẹn cả thơ văn. Lẫn ý tứ. Ý Chúa dạy, là Thần Khí, Cha sai đến. Ngài đến, dẫn ta ngang qua mọi hiềm khích. Cãi tranh. Về nhiều chuyện. Ngõ hầu ta yêu mến.
Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ Lời Thầy. Và, Cha Thầy yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14: 23) Như Chúa nói: điều làm chứng cho tình ta yêu Chúa, là mãi giữ Lời Ngài. Để rồi, ta sẽ trải nghiệm “Tình yêu” Chúa Cha. Có như thế, Cha và Thầy sẽ ở lại trong ta. Với ta. Đó là Lời vàng rất đáng quý, khả dĩ dẫn dắt ta đi vào đường ngay nẻo chính, suốt một đời.
Tình yêu, không là cảm giác, mà là động từ. Là, hành động. Lâu nay, ta vẫn nói: “Hôn nhân nay, đâu nào chất chứa tình yêu, nữa.” Cả đến “gia đình. Chòm xóm. Xã hội, nào có thấy xuất hiện tình yêu?” Nói như thế, không có nghĩa bảo rằng: không ai có được tình yêu (theo nghĩa cảm giác) nếu không yêu đương (theo nghĩa thực dụng). Tựa như Eliza Doolittle nói với thầy Higgins trong kịch bản “My Fair Lady”: “Thầy đừng nói về tình yêu, nhưng hãy chứng minh”. Ngày nay, ai trong chúng ta cũng có thể bắt đầu công việc chứng minh ấy. Chí ít, từ chính mình.
Với Đức Giêsu, Yêu đương vẫn có nghĩa là đương yêu. Yêu rất nhiều. Nói cách khác, tình yêu chỉ đạt thành tựu nhờ vào “giữ vững Lời Ngài”. “Lời”, không chỉ giới hạn nơi nghĩa “giới lệnh”, “tín điều”, hoặc một hành xử rất đạo đức như ta vẫn được dạy bảo, nên làm thế. “Lời” Ngài bao gồm rất nhiều thứ. “Lời”, gồm tóm những gì ta biết về Ngài. Nhờ Phúc Âm. Tức, những điều Ngài nói ra. Những việc Ngài từng làm. Quan hệ, Ngài vẫn có. Với mọi người. Đó, là nguyên tắc sống, của chính Ngài. Là, giá trị và động thái, Ngài xác chứng. Trước hết và trên hết, Lời Ngài là để dựng xây Vương Quốc Nước Trời. Ở muôn nơi.
Đức Giêsu, vốn là “Lời”. Chẳng phải, vì Lời xuất từ môi từ miệng rất thánh của Ngài. Nhưng, còn từ chính cuộc sống của Ngài. Ngay từ lúc, ở hang BêLem, chốn bò lừa. Cả vào khi, Ngài hấp hối trong ô nhục. Trên thập giá. Tuân giữ Lời Ngài, là mặc lấy cho mình tất cả những điều ấy. Tức, định danh với Lời. Biến Lời thành sự thể rất thực tế. Rất sống động. Trong đời mình. Có thể nói, “Lời” đến với ta, qua tương tác. Bằng vào kinh nghiệm ta từng trải. Ta từng có, với cộng đoàn niềm tin. “Lời”, chính là thực thể qua đó Chúa mặc khải cho ta biết, hết Sự Thật. “Lời” đến với ta, qua tạo dựng. Ở nơi đó, có Chúa là Đầu. Ở nơi đó, Ngài định hình mọi sự vật ngang qua Đấng Tạo Thành, là chính Cha.
Thần Khí Chúa trong “Lời” tỏ hiện nơi cộng đoàn Hội thánh, mang đủ tính chất, ngay từ đầu. Cả vào lúc, Chúa kêu mời các môn đệ, dấn bước theo chân Ngài. Thần Khí Chúa, nói với ta không chỉ ngang qua mỗi Đức Giáo Hoàng. Các Giám mục. Và, hàng ngũ linh mục, thôi. Nhưng, ngang qua mỗi người và mọi người. Tức, qua thành phần của Thân Mình Đức Kitô. Qua, hết mọi người. Từ già/trẻ, lớn/bé. Có học/vô học. Nam/nữ. Cho chí bầu bạn, và kẻ thù. Điều này nghe ra, ta tưởng như mới mẻ. Nhưng kỳ thực, đã có từ thời Hội thánh tiên khởi, như bài đọc 1 tường trình.
Bài đọc 1, cho thấy: nhiều vị không phải là người Do thái đã trở thành tín hữu Đức Kitô. Vẫn sống hài hoà. Hạnh phúc. Nhưng, có một số tín hữu gốc người Do thái, lại cứ muốn mọi người phải tuân thủ tục lệ vốn có từ thời cổ sử, rất Môsê. Nhất thứ, là chuyện cắt bì, cho nam nhân. Cũng thật khó, cho tín hữu có nguồn gốc người Do Thái, phải bỏ đi căn tính khác biệt. Mà họ cho rằng phải có để trở thành người của Chúa. Cho đồng nhất.
Bài đọc1, còn cho thấy: có một số Tông đồ và nhiều vị khác trong cộng đoàn không phải gốc người Do thái, đã nổi lên chống đối việc này. Kể ra, thật cũng khó mà thuyết phục được mọi người tuân theo lề thói cắt bì, khi nền y học giải phẫu lúc ấy chưa tiến bộ cho lắm. Cuối cùng thì, các thánh cũng đã đạt được một thoả thuận, là: có luật trừ. Trước nhất, là loại trừ luật cắt bì, theo tục lệ Do thái. Chỉ giữ lại, mỗi việc: “kiêng ăn đồ đã dâng cúng ngẫu thần. Kiêng ăn huyết. Kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết. Tránh gian dâm.” (Cv 15: 29).
Ngoài ra, với Hội thánh tiên khởi, cũng đã thấy có nhiều vị tuy không là người gốc Do thái, nhưng vẫn được trông đợi là phải giữ đôi điều luật dạy khi chung sống với tín hữu gốc người Do thái. Thánh Phaolô cũng đã khôn ngoan khi dùng lời lẽ khá tế nhị để viết cho giáo đoàn La Mã, như sau: “Anh em hãy chấp nhận. Đừng phê phán quan điểm. Có người tin là mình được ăn mọi sự, còn kẻ yếu thì đành ăn rau. Người ăn, cũng đừng khinh thị kẻ không ăn. Còn, kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã chấp nhận họ.” (Rm 14: 1-3)
Trình thuật, nay cho thấy: đã có bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển Đạo Chúa. Có liên quan đến mô hình thay đổi cách triệt-để, ngõ hầu sự thật và cuộc sống thực tế, được mọi người biết đến. Mô hình thay đổi, vì một số người đã mở lòng mình để Chúa đến. Mời Chúa đến, ngang qua kinh nghiệm từng trải và hoàn cảnh sống, có phấn đấu. Mở lòng đây, là mở ra cho những gì mà cộng đoàn dân Chúa nay cần đến. Nhu cầu ấy, dù lớn nhỏ/tư riêng liên hệ đến sự sống, mỗi cá nhân.
Những năm về sau, thánh Phaolô từng cảnh báo dân con nhà Đạo về cung cách nệ cổ. Xưa cũ. Của lề luật. Như, lề thói cắt bì, và những tập tục thông thường khác của người Do thái. Trong thư gửi giáo đoàn Galát, thánh Phaolô có nói rõ: Anh chị em đã được giải phóng thật sự rồi, sao vẫn còn muốn trở về với thói lề xưa cũ ấy?
Cũng một khuynh hướng như thế, hiện đang thấy xuất hiện trong Hội thánh, hôm nay. Có nhiều vị trong Hội thánh, vẫn muốn vặn ngược kim đồng hồ, để về với quá khứ. Cứ muốn, làm sống lại các thói tục cổ xưa. Và, còn ép buộc người khác áp dụng nữa. Những người như thế, có chiều hướng dắt đưa Hội thánh đi vào đoạn kết, một cuộc đời. Hội thánh, trước nhất là cỗ xe. Là, phương tiện chuyển tải kinh nghiệm yêu thương của Đức Chúa, trải dàn đến với mọi người. Và, Hội thánh muốn trở nên trung thực với Thần Khí, cũng nên mở lòng mìnhra với thế giới. Bởi như lời một thần học gia nọ có lần viết: “Thế giới nay đang viết lịch trình để Hội thánh ngang qua.”
Chính vì Hội thánh biết nghe và nhìn vào tình cảnh của những người không phải là Do thái đã hồi hướng trở về, nên Hội thánh biết rằng mình đang được Thần Khí Chúa dẫn dắt. Một khi Hội thánh tự đóng kín lại thành một nhóm được tuyển chọn để rồi cứ ngồi ở trên mà phán xuống cho thế giới thi hành, thì khi ấy Hội thánh không còn là thánh hội, do Chúa thiết lập.
Với tư cách riêng tư hoặc tập thể, ta cũng nên tỉnh táo để có thể theo đường lối Chúa chỉ dạy. Ngõ hầu Chúa đến được với ta. trong cuộc sống. Nếu mỗi ngày ta dành cho Chúa dăm ba phút, và cứ thế tiếp tục mãi trong cuộc đời, ta sẽ trải nghiệm được tình thương yêu Ngài gửi đến với ta, mà san sẻ. Và từ đó, ta mới có thể cất bước mà ra đi. Vì người khác.
Đức Chúa vẫn muốn sẻ san với ta. Cho ta. Những gì Ngài có. Những gì Ngài từng trải nghiệm. trong cuộc sống rất người, của Ngài. Vấn đề là, ta có mở lòng ra để Ngài có cơ hội, mà ngự đến, hay không? Yêu, không là động từ, hoặc hành động rất từ từ. Mà, còn là con lộ hai chiều, ta rong bước.
Trong khí thế mở lòng để Tình Yêu đến, ta cứ vui lên mà ca hát. Hát, lời yêu thương rằng:
“Vui vui lên, lúa ơi!
Vui vui lên, lúa ơi!
Ta hát mừng bông lúa ngời xinh tươi.”
(Phạm Đình Chương – Được Mùa)
Vui lên. Hôm nay. Không chỉ vì ta được mùa lúa. Nhưng, vì Tình Yêu Chúa như lúa chín vàng, đà đến với ta. Đến cả với người trước đây thuộc gốc Do thái. Hoặc ngoài luồng. Trong Đạo. Tình Yêu đến, người người đều mãi vui. Suốt đời.
Lm Phan Đỗ thục Linh
Mai Tá diễn dịch
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com
No comments:
Post a Comment