Rất vu vơ, nhờ bài hát nói giùm.
Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ, ngọng nghịu mãi thành câm.”
(Thơ Đỗ Trung Quân)
Ga 16: 12-15
Đàn nhỏ. Vu vơ. Nhờ bài hát. Gã khờ. Ngọng nghịu. Mãi thành câm. Câm hay khờ, người đời nào đã hiểu. Hiểu người đời. Đời người. Trăm năm. Nhà Đạo, lẽ nào hiểu được chuyện ngàn năm. Có Chúa. Có Cha. Có Thánh Thần. Đời đời một Đức Chúa. Rất Ba Ngôi.
Trình thuật nay, không chỉ bàn về tín lý khá trừu tượng. Lại cũng chẳng quả quyết phương trình phi lý 3=1. Ta không bảo: Chúa gồm 3 vị thần linh thánh ái là một Chúa. Nhưng chỉ nói: một Chúa có Ba Ngôi, mà thôi. Để hiểu chuyện này, nên tránh hai thái cực: đừng bứt óc/bứt tai tìm cách chứng minh sao lại thế. Và, chẳng nên bảo: là bí nhiệm, cũng chẳng nên tìm hiểu, để làm chi.
Là người, ta những muốn hiểu. Vẫn muốn tìm ý nghĩa của sự vật. Muốn biến niềm tin ta đang có, thành chuyện hữu lý. Dễ hiểu. Mặt khác, có nhiều thứ trong đời, hiểu không dễ. Dễ hay không, cũng không có nghĩa bảo rằng: ta chối bỏ sự thật hoặc hiện hữu của vật ấy. Ngay sự sống con người hoặc đời ta. Căn tính của ta, cũng thế. Cũng chỉ là những gì, ta chẳng bao giờ nắm bắt, rất trọn vẹn.
Thay vì thích thú với nền thần học bay lộn trên không hoặc lo âu về công thức chính thống, ta cũng nên đi vào tương quan với ba Đấng, qua đó Chúa tỏ hiện. Cho ta. Bài đọc 2, thánh Phaolô đã quả quyết: “Thiên Chúa đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5: 5) Đó mới là vấn đề, cần nắm giữ.
Cách nay nhiều thế kỷ, thánh Tôma Akinô từng quả quyết: “Hành động theo sau hiện hữu.” Điều này có nghĩa, là: hành xử của bất cứ ai, người hay vật, đều do vật hay người ấy đã có mặt trước đã, rồi mới tính. Ngược lại, ta có thể biết được người hay vật nào đó, do hành xử. Của họ. Và như thế, con người được đánh giá theo hành vi xử thế, của chính họ. Vật thể cũng thế. Ta không bao giờ thấy được nguyên tử. Nhưng, khoa học có thể quan sát đo lường đường đi nước bước của nguyên tử. Và từ đó, có thể diễn tả cho mọi người biết nguyên tử là gì.
Cũng thế, đôi khi ta nghe nói: khoa học có thể cất đi một số huyền thoại, khỏi cuộc sống. Khỏi sự thật. Và, khoa học có thể khám phá được nhiều thứ trong vũ trụ, dù ở mức độ nhỏ bé như nguyên tử hoặc bao la như giải ngân hà. Nhưng, khoa học càng khám phá càng thấy có nhiều bí hiểm. Trong cõi đời. Như cuộc sống của người đời, đầy những bí và hiểm. Bí và hiểm của chính mình. Hiểm và bí, về chính khám phá của mình. Nếu vũ trụ vật chất đã là bí hiểm, thì không lạ gì khi ta nhận ra rằng Đấng Tạo Thành vũ trụ không phải là không có những huyền nhiệm, to lớn hơn.
Điều cần, là: khi ta nói: Chúa Ba Ngôi là một huyền nhiệm, ta không bảo đó là mớ bòng bong khó lòng mà thẩm nhập. Khó, mà chấp nhận như công thức 3 là 1. Cụm từ “huyền nhiệm” nói ở Giao Ước, là nói về những gì khi xưa không ai biết. Nay tỏ bày/san sẻ cho nhóm dân con được chọn. Và thẻ gia nhập nhóm dân này, là niềm tin. Tin Cha. Tin Chúa. Tin rằng, Thiên Chúa đã gửi Con Ngài đến với ta, qua Đức Giêsu. Tin Thánh Linh, Đấng dạy dỗ dẫn dắt, hết mọi người. Ở đây. Bây giờ.
Thực tại thâm sâu của Ba Ngôi Chúa là điều ta khó lòng mà thẩm nhập. Nhưng vẫn được biết việc các Ngài làm. Nhờ hành xử của các Ngài, mà biết các Ngài là ai. Ngay phần thâm sâu. Biết các Ngài có tương quan với ta. Biết các Ngài là tất cả.
Cụm từ Persona (tiếng latinh) có từ tiếng Hy Lạp: prosopon là “chiếc mặt nạ” các diễn viên Hy Lạp đeo vào mỗi khi diễn tả vai kịch, mình đang đóng. Cũng như tục vẽ mặt của tuồng chèo Trung Quốc, là để cho khán giả biết nhân vật ấy là ai. Có vai trò gì. Tính khí thế nào. Xem thế, mặt nạ người diễn viên chứng minh vai trò và chức năng của nhân vật ấy.
Ba Ngôi Đức Chúa là để nói rằng: Đức Chúa có 3 “mặt” chỉ 3 vai trò và chức năng riêng biệt. Chúa đến với ta qua ba cung cách, hoàn toàn khác. Hội thánh đã phải mất đến vài thế kỷ mới diễn tả được điều này bằng ngôn ngữ thần học sâu xa. Cả ba “vai trò” của Thiên Chúa đều tỏ rõ trong Kinh Sách. Kinh và Sách, của người Do thái ở đời lẫn trong Đạo. Như, 3 bài đọc hôm nay đà chứng tỏ.
Ta coi Chúa như Mẹ Cha, Đấng Tạo Thành Trời đất. Ngài dựng nên sự sống. Và mọi hiện hữu do tuỳ Ngài. Cha là Đầu Hết và Cuối Hết. Của mọi sự. Của sự sống. Con, là nguồn gốc Chân lý. Tình Thương Yêu. Và, Thánh Linh Ngôi Ba, là cội nguồn của Tính Hiền Hậu. Xót thương. Gốc nguồn của Khôn Ngoan. Tâm can ta, chỉ tìm được nơi nghỉ ngơi ẩn náu, khi nào Ngài tìm đến náu ẩn. Nghỉ ngơi. Nơi ta, mà thôi. Đó là ý chính, mà bài đọc 1 muốn diễn tả.
Bài đọc 2, thánh Phaolô có thư gửi giáo đoàn Rôma, cho biết thêm về Tình yêu Chúa ban cho ta, qua Ngôi Con, là chính Đức Chúa. Ta nhận Đức Chúa Ngôi Con qua cương vị của Đức Giêsu Kitô, Đấng ta nhìn thấy. Đấng thể hiện Tình Yêu bằng xương bằng thịt. Cho thế gian. Tình yêu này, đạt chóp đỉnh qua sự kiện Ngài chịu khổ đau. Chết chóc. Phục sinh.
Qua Đức Giêsu, Vị Chúa Tể Càn Khôn Trong Sáng, ta hiểu được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi hình hài. Bản chất của Ngài. Và đạt đến Ngài. Đức Giêsu thực hiện cây cầu nối kết giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài là Vị Trưởng Tế. Người Dựng Cầu liên kết. Nhờ vào đó, Tình-Yêu-Chúa-làm-người, làm cho người người sờ được. Hiểu được Chúa. Được dấn bước đi theo. Bắt chước Ngài. Và, khi Ngài đạt chóp đỉnh thân phận làm người, ta sờ chạm được Đấng Thánh Thiêng, là chính Chúa.
Nhờ Thánh Thần, ta thấy được Chúa. Đấng dạy dỗ. Dẫn dắt. Ủi an. Thêm sức cho ta. Ta gặp Chúa, nhờ Thần Khí tác động nơi ta. Qua ta. Ngang qua mọi người. Ngài liên tục tác thành và tái tạo trời đất. Ngõ hầu, mọi sự trở nên mới. Thánh Thần Chúa còn được gọi là “Linh hồn của Hội thánh”. Không có Ngài là linh hồn, thì Hội thánh cũng chỉ là một cơ sở. Rất phàm trần. Vật chất.
Cuối cùng thì, cuộc sống của Chúa là sự sống được sẻ san. Là, quan hệ tương tác. Người với người. Nhờ đó, ta được mời đi vào với cuộc sống. Có sẻ san. San và sẻ, với Ba Ngôi là Một Chúa. Với mọi ngưòi. Với môi trường ta đang sống. Ta được gọi để tìm liên kết. Hài hoà. Ngay giữa lòng, đổi thay. Rối mù. Xem như thế, mỗi người trong ta đều là cộng đoàn. Nhiều nhân cách. Là tổng thể của tất cả mọi ngôi vị, đã và đang đi vào cuộc sống. Tư riêng. Của chính ta. Bắt đầu là cha mẹ. Thứ đến, là thành viên trong gia đình.
Thêm nữa, hình ảnh Ba Ngôi Đức Chúa còn là mức độ ta ở trong nhau. Với nhau, mà tương tác. Tương tác giữa bản thể. Tương tác, dù ta có sống kinh nghiệm từng trải về phân ly. Chia cách. Phân cách, ở chính mình. Phân cách, với mọi người. Nói cách khác, đó là xung đột nội tâm. Xung khắc ngoại tại. Tức, cội nguồn của đau buồn. Ly tan. Lo lắng.
Hãy cứ trở về cùng Đức Chúa Ba Ngôi trong cộng đoàn nhiều ngôi vị. Cộng đoàn rất san sẻ. Đồng đều. Bởi, chính vì thế mà ta được tạo thành. Tạo và thành, theo ảnh hình của Thiên Chúa Ba ngôi. Tạo và thành giống Chúa, nên ta được gọi về với thế gian. Rất hoà hoãn. Yên bình. Vui tươi.
Tiệc thánh hôm nay giúp ta nhớ đến nguyện cầu. Rất đúng nghĩa. Nguyện cầu, trong tương kính. Nguyện và cầu, để ta trở nên ảnh hình đích thực của Ba Ngôi Đức Chúa. Rất đích thực. Có Thánh giá, làm chuẩn đích. Có, dấu chỉ cùng dắt tay nhau đi vào nguyện cầu. Rất Ba Ngôi. Nguyện cầu, có thánh giá là dấu hiệu của huyền nhiệm cứu chuộc. Rất Ba Ngôi.
Trong tinh thần hăng say nguyện cầu, trong ca hát, ta cùng nhau cất tiếng hoan ca, mà rằng:
“Ta ước mơ, một chiều thêu nắng,
Anh đến chơi, quên niềm cay đắng.
…và quên đường về… đường về.”
(Tô Vũ – Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa)
Thăm anh. Thăm em. Một chiều nắng mưa. Ưa nguyện cầu, ngày Chúa tỏ lộ Tình Yêu Ba Ngôi. Để rồi, em và anh, ta san sẻ Sự thật và Tình Yêu ấy, cho mọi người. Suốt đời. Có thế mới thực hiện đúng tinh thần ngày mừng Chúa Ba Ngôi. Sáng ngời. Một niềm vui.
Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com
No comments:
Post a Comment