Saturday, 25 September 2010

“Sợi buồn con nhện giăng mau”


Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây!

Lòng anh, mở với quạt này;

Trăm con chim mộng, về bay đầu giường.”

(thơ Huy Cận)

Lc 17: 5-10

Anh hầu quạt, cùng chim mộng. Bay đầu giường. Hỏi đó, có là tâm tình của người đời. Ở mọi thời? Lòng em mở. Với yêu thương. Xin thưa, thế đó là tâm tình nhà Đạo. Ở khắp chốn. Với nhau.

Trình thuật, thánh Luca không đặt ra những câu hỏi và thưa như thế, nhưng thánh nhân nay viết về niềm tin-yêu. Tha thiết. Giữa mọi người. Trước hết, như quyết đoán của ngôn sứ Khabacúc, ở bài đọc 1, về: bất công, áp chế và hạch sách, ở khắp nơi. Nơi nào, cũng thấy hành hung. Bạo tàn. Bèn cảnh báo:“Phá phách. Bạo tàn, đâu cũng thấy dẫy đầy tranh chấp, cãi cọ.” (Kb 1: 3),

Nhận định của ngôn sứ, nay mang dáng dấp một thị kiến rất “kết hậu”:”Hãy viết lại thị kiến; và khắc vào tấm bia để mọi người đọc, cho xuôi chảy. Thị kiến tiến nhanh tới chỗ hoàn thành; không làm ai thất vọng. Thế nào nó cũng đến, không trì hoãn.” (Kb 2: 2-3)

Trình thuật, nay có tông đồ rất thánh đã nài van:”Xin Thầy thêm cho chúng tôi một lòng tin.” (Lc 17: 5) Lời van xin của vị tông đồ rất thánh, cũng phản ánh tâm tình của cộng đoàn tiên khởi. Tâm tình muốn có thêm lòng tin, để kinh qua thời bách hại, bạo tàn, cứ tiếp diễn. Lời kinh trên, nay còn thấy ở Hội thánh Trung quốc. Nơi, vẫn còn thấy xảy đến những bách hại bằng nhiều cách. Bách hại dữ dội, thời Cách mạng văn hoá. Bách hại tinh tế, thời bây giờ. Vì thế nên, Hội thánh nơi đây vẫn xin Chúa, một niềm tin rất vững, để có thể tồn tại trước mọi áp lực, từ nhiều phía.

Điều mà các thánh quyết van xin, không chỉ là khả năng nhận thức giáo lý, với giáo điều; mà là: có niềm tín thác/cậy trông, rất thâm sâu. Vững mạnh. Xin được xác tín rằng: Chúa luôn ở bên ta, dù không thấy. Dù, có người cứ nghĩ là: Ngài ở rất xa, khiến con người chả khi nào với tới. Xin, là để chắc chắn có niềm xác tín rằng: Chúa vẫn đỡ nâng. Giùm giúp, hết mọi người. Vào mọi buổi.

Niềm xác tín ta xin, là để người người biết rằng: Chúa vẫn ban niềm tin vững chắc, rất đích thực. Nhưng không vì thế, mà ta có thể thoát được tất cả thực trạng của cuộc sống, luôn đấu tranh. Tranh giành. Khốn khổ. Trình thuật, nay tỏ rõ: sống đời Kitô hữu rất hay tin, là tin rằng: Chúa vẫn hứa chăm nom đùm bọc hết mọi người. Thế nhưng, Ngài đâu đã hẹn bãi bỏ mọi khổ đau, âu sầu và nỗi chết. Thế nên, gặp khi đau khổ, sầu buồn đến chết, người người hãy nhớ cho rằng: đến Con Một Ngài có nài van Chúa Cha cũng đâu cất đi chén đắng nhục nhằn đau đến chết được. Hãy hiểu rằng, âu sầu/chết chóc Ngài chịu, là để người người sống vinh quang, với Ngài. Buổi Phục Sinh.

Điều Chúa hứa hẹn, là: với niềm tin đạt được, ta có đủ sức mà chịu đựng mọi khổ đau, âu sầu, khi nó đến. Để ta có đủ sức mà chấp nhận, ngõ hầu sống tươi vui đầm ấm, trong Nước Trời mà Ngài tạo dựng. Trong tinh thần ấy, Chúa tiếp tục giáo huấn bằng một so sánh thân phận đồ đệ chân chính với đầy tớ chính chuyên, mới vừa lao động về, đã được bảo: “Mau lại đây, ngồi xuống mà dùng bữa!” (Lc 17: 7) Chứ đâu như người đời: vừa về đến nhà, đã bị sai bảo thêm việc khác, để khai thác.

Xem thế, thì: tương quan giữa ta với Chúa, không dựa trên đổi chác/bán buôn. Trục lợi. Tựa như kiểu của người đời. Như: tôi làm nhiều việc lành phúc đức, ắt Chúa phải ban thêm ơn. Như, ta vẫn nghe: “có đi có lại, mới toại lòng nhau.” Trái lại, tương quan với Chúa, là quan hệ thương yêu, nhằm mục đích đỡ đần. Phục vụ. Tuyệt nhiên, không đòi hỏi một đáp trả nào hết. Tất cả sức lực người người bỏ ra khi phục vụ người khác, chính là món quà Chúa tặng ban. Quà Chúa tặng, là những mời mọc đầy cảm kích, để khi hoàn tất, người phục vụ thấy xác có mệt, nhưng lòng mình không nản.

Quan hệ bình thường với Chúa và với người, là quan hệ rất yêu thương, không mang tính chất của người đời đòi đáp trả như: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Quan hệ với Chúa, và với người, luôn đính kèm niềm tươi vui hãnh tiến. Là, cho vô điều kiện. Cho, mà không đòi. Dù, chỉ đòi mỗi tiếng “cám ơn”, gọn ngắn. Cho, là san sẻ tình thương ta có. Là, sẻ san hạnh phúc/sướng vui, ta gầy dựng.

Chính vì thế, đừng nên tưởng Đạo Chúa, như ngân hàng chuyên ban phát lợi lộc. Như, ngân hàng ngoài đời, là chốn chỉ muốn cho vay, rồi lại đòi. Đạo Chúa cũng không là “siêu thị’, để người người vào đó mà kiếm tìm món đồ mình cần đến. Đạo Chúa, cũng không mang tinh thần của người anh cả, trong dụ ngôn “người con hoang”, vẫn cứ thưa:“Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ Cha, và chả khi nào dám trái lệnh, thế mà có bao giờ Cha ban dù chỉ một dê con vỗ béo, để ăn mừng?.” (Lc 15: 29).

Và, như: thánh Phaolô lại đã trần tình với đồ đệ thân yêu, ở bài đọc:“Tôi nhắc anh nên khơi dậy đặc sủng của Chúa, đặc sủng mà anh nhận được khi tôi đặt tay trên anh.” (2Tm 1: 6). Xem thế thì, một đời dấn bước theo Chúa mà phục vụ, không là niềm tự hào để ta vênh váo, mà chỉ là ứng xử nhằm khơi dậy đặc sủng Chúa vẫn ban. Đặc sủng Chúa ban, là ban cho mỗi người. Và, mọi người. Vấn đề là, đã có mấy ai biết khơi dậy đặc sủng ấy, để tiếp tục? Mấy ai từng đáp trả, mà vẫn quên?

Quà niềm tin nơi Chúa, không mang tính rụt rè. Nhút nhát. Hoặc đắn đo cho tương lai. Mai ngày. Nhưng, là:“Thần Khí khiến ta được đầy quyền uy/sức mạnh. Tình thương. Biết tự chủ.” Với Thần Khí, Ta sẽ không “hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa”. Cũng không có nghĩa: sẽ đảo ngược những gì xã hội kỳ vọng. Hoặc, mất đi những gì cần cho an toàn xã hội mà Đạo Chúa đem đến.

Nhiều người trong ta, dù chẳng có kinh nghiệm sống khổ đau. Sầu buồn. Chết chóc. Nhưng cũng đừng vì thế mà quên bày tỏ sự hỗ trợ cho những ai đang sống và phục vụ người khác, để Tin Mừng Chúa lan rộng khắp chốn. Đừng ngại ngần kết liên/hỗ trợ người anh người chị trong Hội thánh, đang bị quyền lực đạo/đời uy hiếp, với bất cứ hình thức nào. Bất kỳ lý do nào, họ trưng dẫn.

Bài đọc hôm nay, thích hợp với cuộc sống của mỗi người. Mỗi ngày. Thích hợp, là bởi: đến bây giờ, nhiều người vẫn còn đấu tranh cho Sự Thật. Cho tự do, và phẩm giá. Những người từng đấu tranh phục vụ như thế, sẽ đem đến cho ta một cật vấn, hỏi rằng: ta làm được gì để hổ trợ họ? Xã hội hiện thời, vẫn còn đầy những thứ để ta có thể san sớt cho những người cần nhiều hơn ta. Rất nhiều người vẫn còn sống dưới mức trung bình, của nghèo túng. Vẫn bị đẩy lùi khỏi xã hội. Cuộc sống. Ở nơi đó, họ vẫn bị khinh chê. Dè bỉu. Thậm chí, còn bị khai thác/bóc lột đến tận xương.

Thậm chí, có nhiều người nay vẫn nghi ngờ, quở trách Chúa. Đổ lỗi cho Chúa là tác giả của những thương đau. Sầu buồn. Khổ ải. Vẫn ngầm trách Chúa, cho rằng: mọi tệ hại trong đời là kết quả của tạo dựng, không hợp thời. Tai ương/bệnh tật xảy đến, là do Giáo hội Chúa không đủ nhạy bén, nhúng tay vào. Thực hư, hẳn ai ai cũng đều biết nguyên do. Và, hậu quả. Chính đó, là ý nghĩa và động lực khiến Hội thánh nay khuyến khích dân con hãy cùng đồ đệ hôm trước, ngỏ với Chúa:”Xin thêm cho con, một niềm tin”. Rất vững chãi. Để, mọi người qua cơn bách hại tinh vi, về thần trí.

Ý thức điều mình cần biết, ta hãy cùng nhau tiến về phía trước, mà cất tiếng hát rằng:

“Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hoà sưởi ấm nơi nơi?

Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt là thu rơi?

Tình có, ghi lên đôi môi,

Sầu có, phai nhoà cuộc đời,

Người vẫn, thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui.”

(Cung Tiến – Hương Xưa)

Hãy cứ yên vui yêu thương loài người. Dù, sầu đau có làm phai nhoà cuộc đời. Dù, tình đời có là tình “nhặt lá thu rơi”. Suốt đời. Bởi, vẫn còn đó các người anh/người chị của ta trong Hội thánh vẫn hát ru:”Em ơi, hãy ngủ… Anh hầu quạt đây!”, “Lòng anh mở với quạt này”… Vẫn, dùng “tiếng thùy dương” để đưa người em vào “ mộng bình thường”. Rất cuộc đời. Ở mọi thời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday, 18 September 2010

“Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng”


Chơi vơi trong khí hậu, chin tầng mây.

Ánh sáng lại sẽ tan vào hư lãng,

Trời linh thiêng; cao cả gợi nồng say.”

(thơ Hàn Mặc Tử)

Lc 16: 19-32

Miệng và hồn, những văng lên trên chín tầng mây. Ánh sáng và trời thiêng, cũng tan vào hư lãng. Vẫn cứ hỏi: thế đó, có là tình tự của nhà thơ? Trời cao cả. Gợi nồng say. Ấy vậy, có là tâm tư của nhà Đạo, như trình thuật thánh sử kể hôm nay?

Trình thuật, nay thánh sử Luca kể về người giàu có, bày yến tiệc. Trong khi đó, Ladarô nghèo hèn, ghẻ lở. Ở trước cổng. Thế mà, Ladarô vẫn được ẵm bế đưa vào lòng Abraham, hưởng phước lạc. Vậy, đâu là giáo huấn của Giáo Hội, vẫn rất thánh?

Thế giới ta sống, nay dẫy đầy nghịch cảnh, rất trớ trêu. Nên, vấn đề đặt ra, chẳng phải là: chúng dân ở cõi trần là ai? Làm gì? Sống ra sao? Mà là, những gì họ có thể làm? Làm được và được làm, để nêu gương. Điểm nhấn trình thuật hôm nay, là: nhiều khi ta sống niềm tin theo cung cách rất cá nhân. Chỉ tập trung vào chính mình. Chẳng nghĩ gì đến ai khác!

Điểm nhấn, thánh sử Luca muốn tạo tác động lên người đọc, là: ơn cứu độ cho mọi người chỉ có thể thành tựu, nếu như mỗi người biết ăn ở cho toàn hảo, toàn thiện. Tức, tránh xa mọi hành vi sai trái, chống đạo đức. Quên thờ Chúa. Hoặc đối xử tàn bạo với người khác. Sống bất toàn về: tính dục, lương thiện, công chính, vv.. Tuy nhiên, đó vẫn không phải là ảnh hình xấu xa, về người giàu có. Sang trọng.

Người giàu sang, có thể sẽ cật vấn lại: sao người bệnh như Ladarô không lo chữa trị bệnh ghẻ lở để còn lao động mà sinh sống? Có thể, người đọc như ta chẳng hiểu tại sao người giàu kia lại trở nên giàu có, đến như thế? Cũng có thể, anh sinh ra từ một gia đình khá giả. Được hưởng gia tài, ai để lại. Cũng có thể, chuyện giàu sang anh tạo được là do làm việc cật lực, nhiều giờ. Như vậy, chuyện ấy đâu có gì là xấu xa, khiến ta nghĩ đến trừng phạt? Tại sao người nghèo hèn bệnh tật như Ladarô lại được thưởng?

Có thể, có người nghĩ: Chúa thương kẻ nghèo, chẳng phải vì người ấy ăn ở tốt, nhưng chỉ vì người ấy “nghèo”, mà thôi. Nghèo, hiểu theo nghĩa bị lấy đi những gì mình cần thiết, hầu sống kiếp người, thích hợp với phẩm cách. Còn, người giàu có? Phải chăng giàu là điều xấu? Hay, vì họ trở thành giàu có, nên bị ghét ghen? Vậy, đâu là lẽ công bằng? Đâu là phải lẽ?

Công bằng của Chúa, là ở chỗ: sao người nghèo cứ mãi nằm dài dưới chân người giàu, chẳng ai dòm ngó. Người giàu, là người chẳng hiểu ý nghĩa thế nào là công bằng, chính trực. Họ chẳng hiểu thế nào là sống ở xã hội phải có tình người. Cũng chẳng thiết gì đến tín ngưỡng, giáo điều. Nhà trọc phú nói ở trình thuật, lâu nay vẫn thấy đầy trong Hội thánh. Hội thánh và thế giới hôm nay, đầy những người hằng tự nhủ: Chúa đâu có nói về mình? Tôi đây nào đã giàu? Vẫn lo toan chạy gạo từng bữa. Vẫn chăm lo cho gia đình, đấy thôi!

Về phương diện cá nhân, có lẽ cũng chẳng có ai giàu. Nhưng nhìn tổng thể, thì: xã hội ta đang sống là một xã hội sung túc. Trong đó, của cải được phân phối, rất không đều. Ta vẫn cứ nên tự kiểm xem mình có sống giống như người nghèo ở trình thuật, không? Tức, những người bị ai đó lấy đi những thứ cần để sống xứng hợp với nhân cách. Hãy tự kiểm xem mình có thờ ơ như người giàu kể trong trình thuật không? Và, thực tế hôm nay, người Công giáo vẫn ơ hờ, trước cảnh tượng có những Ladarô, ở khắp chốn? Trước cửa nhà thờ, chứ?

Về tổng thể, hãy tự hỏi: sao xã hội ta sống vẫn tiếp tục buôn, tiếp tục bán các đồ tiêu dùng cho các nước đang mở mang/kém cỏi, trong đó có cả triệu người vẫn sống dưới mức trung bình. Vẫn bị khai thác/bóc lột, qua đuờng lối mậu dịch “đẹp đẽ”, của ta? Sao xã hội ta mãi phát triển, trong khi xã hội bạn vẫn yếu kém? Đói nghèo? Phải chăng, vì họ lười biếng? Vì kém quản trị?

Người giàu có không biết rằng mọi sự cứ thế diễn tiến, nên van lơn:“Xin tổ phụ sai Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm anh em nữa.” (Lc 16: 28) Anh van xin, vì e rằng: ở chốn luyện hình, người giàu có như anh rồi cũng hối hận. Bởi thế nên, anh có nhận định rất thực tế, về sự thể là:“Môsê và các ngôn sứ kia mà họ còn không chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng tin.”(Lc 16: 31) Hơn 2,000 năm qua, sứ điệp về giàu sang, và nghèo hèn/túng bấn, vẫn tiếp diễn. Và, vấn đề là: được bao người biết quan tâm đến điều này?

Một điểm khác ở trình thuật, cần tập trung suy nghĩ, là câu:“Ngày ngày yến tiệc linh đình”(Lc 16: 19) Tiệc đây, là tiệc Nước Trời. Nơi, Mình Thánh Chúa luôn hiện diện. Là, Tiệc Thánh ta tham gia vào các ngày của Chúa. Nhìn Tiệc Thánh, theo tầm nhìn của trình thuật hôm nay, có lẽ có người sẽ ngần ngại. Ngại và ngần, vì không nắm được ý chính, mà thánh sử muốn nói. Không thấy được rằng: lâu nay, mình vẫn chưa san sẻ thực phẩm Chúa ban từ Tiệc Thánh, cho những người thiếu thốn, sống từng ngày.

Người giàu có kể ở trình thuật, vẫn chưa biết được rằng: anh phải sẻ san những gì anh có ở tiệc linh đình. Dù rằng, anh vẫn có thể làm được ít nhất hai việc: thứ nhất, là sẻ san/ban phát thuốc men, để điều trị, dù biết rằng người nghèo khó như Ladarô vẫn đủ ăn. Việc này, chính là căn bản của tình thương mà mọi người đều có. Nhưng, đó vẫn không là mục đích của trình thuật.

Thứ đến, là biết quan tâm chăm sóc người khác, tức là: biết “cùng bàn” để sẻ san những gì mình nhận lãnh. Sẻ và san, thực phẩm cũng như nhu cầu cấp thiết theo phương cách đồng đều. Hợp phẩm giá. Không phân biệt về kiến thức, khả năng. Hoặc, mức độ tài sản. Quan tâm chăm sóc, để nhận ra rằng: nhu cầu của mọi người cần được phân phối, cho phải lẽ.

Điều trớ trêu, là: thực tế cuộc đời cho ta thấy: những người thường san sẻ nhiều hơn và tốt hơn cho người khác, là người nghèo, chứ không phải người giàu có. Bởi, khi đã giàu rồi, thì người người đều muốn giàu thêm, có thêm. Còn những người nghèo khó, họ chẳng có gì để đến nỗi phải sợ mất. Chẳng có điều gì khiến họ bận tâm cho tương lai, mai ngày. Và, điều mà họ bận tâm hơn cả, là: không muốn người khác rơi vào cảnh túng bấn, khó nghèo như mình. Khó và nghèo, là những chuyện rất khó, rất nghèo. Chẳng ai muốn theo. Chẳng ai muốn xảy đến với mình.

Trong cảm nhận điều Tin Mừng dạy, ta lại sẽ cất lên lời ca vang ngợi khen Chúa, để hát:

“Mừng hát, hỡi những ai lê đời khó nghèo!

Mừng hát, hỡi những ai trơ trụi ngay trên giừng chết!

Vì có Chúa Trời đất đang ở với ta.”

Chúa yêu trần thế.

Đã chết cho đời.

Và đà sống lại.

Hát lên người ơi!...”

(Thành tâm/Sĩ Tín – Hallêluyah, hát lên người ơi)

Vâng. Dù giàu sang, đói nghèo hay khổ đau. Vẫn cứ hát. Hát những lời ngợi khen Thiên Chúa đã bảo ban. Bảo và ban, cho ta những Lời vàng ngọc. Để, ta biết sẻ san với mọi người, là con Chúa. Cùng sống ở cõi trần. Nhiều khác biệt.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)

Saturday, 11 September 2010

“Rồi buổi u sầu, em với tôi”


“Nhìn nhau cũng đủ, lãng quên đời.

Vai kề một mái, thơ phong nguyệt,

Hạnh phúc xa xa, mỉm miệng cười.”

(thơ Đinh Hùng)

Lc 16: 1-13

Mỉm miệng cười, khi anh hạnh phúc? U sầu rồi, em đến với tôi? Hạnh phúc với u sầu, vẫn cứ là thơ phong nguyệt. Nhìn nhau rồi cười mỉm, có còn là tình tự của người nhà Đạo, mãi hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh sử Luca lại đã kể về một tình tự ở đời người, vẫn rất thật, từ thời xưa. Thời, mà ngôn sứ Amos có dịp ghé vương quốc Israel chốn giàu sang, vào khi ấy. Nhưng, đằng sau sự giàu sang kinh tế/chính trị/tôn giáo ấy, ông thấy cả một bầu trời buồn bã, đầy bất công. Bất công ở chỗ: người nghèo vẫn bị bóc lột. Người thấp cổ bé họng, vẫn chẳng có tiếng nói, với một ai. Lời ông viết, nay ta vẫn thấy dẫy đầy, trên thực tế. Thực tế, là ngày nay người người sống với nhau, vẫn lừa đảo. Gian lận. Vẫn phá bỏ nhiều giá trị cao quý, vĩnh cửu.

Hai ngàn năm qua, nền văn minh các nước vẫn cứ tiến. Nhưng giá trị cao quý/vĩnh cửu lại đã suy đồi. Đảo lộn. Người nghèo vẫn cứ nghèo. Kẻ giàu lại giàu thêm. Cán cân phúc lợi ở xã hội, nay lỏng lẻo. Nhiều lãng phí. Con người ngày nay chỉ biết quan tâm đến chuyện làm giàu. Chẳng lý gì đến người nghèo đói. Chẳng biết gì chuyện thương yêu. Hiện tượng giết người cướp của, xảy ra như cơm bữa. Ai nấy đều nhận thấy tham nhũng với bất công, cứ lan rộng, ở xã hội. Nhưng họ vẫn dửng dưng, làm như không biết. Dù các Đạo giáo có cảnh báo, nhưng nhiều người lại quả quyết: giàu nghèo đâu là chuyện Hội thánh, mà sao các ngài cứ bận tâm. Để mắt?

Rõ ràng, Chúa từng nói: “Người giàu có, thật khó vào được Nước trời.” (Mt 19: 24) Khó ở đây, không vì người đó vẫn quyết tâm làm giàu, bằng nhiều cách. Mà là, muốn được mệnh danh là giàu sang/phú quý, chừng như người người vẫn thích chọn kiểu tích lũy tiền của, mà lẽ đáng ra những thứ ấy, phải được phân phối đồng đều cho hết mọi người. Cũng thế, không một ai có thể nói mình rất kính yêu Đức Chúa, nhưng lại không lý gì đến người đồng loại, đang cùng khốn. Khó nghèo. Giàu có với bất công, tuyệt nhiên không thể là chuyện hoà đồng ở Nước Trời. Bởi, bất công với người đồng loại tức: chối bỏ tình thương yêu, là đặc trưng sự sống của dân con Chúa.

Ngày nay, vấn đề kinh bang tế thế là chuyện tế nhị vì nó luôn đụng chạm/đòi hỏi mọi người phải thực hiện công bằng xã hội, tôn trọng phẩm giá cá nhân, thực thi quyền căn bản của con người. Nghĩa là: những chuyện khiến mọi người –kể cả các tín hữu Đức Kitô cũng như cộng đoàn dân con Đức Chúa- cần quan tâm. Bởi thế nên, đã là nhân tố tạo bất công/kỳ thị, tự khắc đã chối từ mọi thứ tình đang thôi thúc mọi người cần thực hiện trong cuộc sống xã hội.

Với xã hội tư bản, là xã hội được xây dựng trên thi đua/cạnh tranh, ai ai cũng quyết ganh đua để sống còn. Và, trong bất cứ cuộc đua ganh/giành giựt, dù có chánh nghĩa, bao giờ cũng chỉ một số ít người đắc thắng mà thôi, còn lại là những người thua, đếm rất nhiều. Dù rằng, ta có gọi ganh đua/đắc thắng là những hên xui/may rủi” kiểu xổ số đi nữa, thì tình huống chụp giựt tài sản của nhau, vẫn dẫy đầy như chuyện thường ngày ở huyện. Với huyện nhà Đạo lại khác: yêu thương/nhịn nhường vẫn phải là những đặc trưng, cần cổ vũ.

Lại nữa, ta không thể chấp nhận coi đó là chuyện bình thường ở huyện được, khi vẫn còn rất nhiều người đang sống ở các khu nhà ổ chuột, tăm tối. Cứ quần quật làm việc ngày hơn 12 tiếng, suốt tuần. Vẫn có người cứ phải chịu cảnh đói khát/lầm than, suốt năm trường. Cứ bán máu. Ở đợ. Làm thân nô lệ tình dục, suốt cuộc sống.

Cũng không thể gọi đó là “chuyện bình thường ở huyện”, khi vẫn còn một số “đại gia” cứ nhởn nhơ “ăn trên ngồi chốc”. Phè phỡn. Vui chơi. Phung phí tiền bạc. Khai thác/bóc lột mồ hôi nước mắt của kẻ bần hàn. Trong khi đó, những người có cuộc sống dưới mức trung bình, mà phẩm giá cho phép, cứ ê hề. Không thể là “chuyện bình thường” được, khi cả đến con dân nhà Đạo, bằng cách này cách khác, đang góp phần dựng xây cảnh bất công. Ra như vẫn khuyến khích/thúc đẩy con cháu ngoi trèo lên đẳng cấp cao sang, quyền quý. Rất giàu sang.

Vấn đề đặt ra hôm nay, không phải là quyết tâm cổ súy sự đồng đều toàn diện. Tuyệt đối. Khó thực hiện. Trên thực tế, ở nhiều lãnh vực, đa phần dân chúng vẫn sống không đồng đều. Nhưng, về mặt phẩm giá và quyền bình đẳng giữa mọi người, phải như thế. Vả lại, không ai có thể tự cho mình “hơn hẳn” người khác, cách ngạo mạn. Là dân con theo Chúa, có ý thức, ta không thể nhân nhượng trong suy đồi nhân phẩm, chí khí của người khác, hoặc cách này cách khác. Càng nhận lãnh nhiều quà tặng, từ đâu đó, ta càng phải biết sẻ san cho những người đang có nhu cầu nhiều hơn ta.

Bài đọc 2, tác giả thư gửi cho Timothê cũng đã khuyến khích đồ đệ hãy nguyện cầu cho những vị đang cầm quyền, ở nhiều nơi. Cầu, là cầu nguyện cho họ biết sử dụng đúng đắn quyền hành mình nắm giữ, để giúp đỡ những người ở dưới, được sống trong an lành. Hội thánh không thể tự đồng hoá đặt mình vào với giới cầm quyền ở bất cứ nơi đâu, trên thế giới. Chí ít, là khi giới chức ấy áp đặt chính sách bất công/kỳ thị, lên dân lành.

Trình thuật, nay bàn về cung cách quản cai khi điều hành mọi việc trong cuộc sống thực tế, ở đời. Quản gia, là người nắm trọng trách quản trị/điều động đồ vật/tài sản cho chủ mình. Vị quản gia được Chúa kể ở trình thuật là người bê tha. Xấu xa. Anh phá tán tài sản của chủ một cách phung phí. Nên, khi biết mình sẽ bị cho nghỉ, bèn tìm cách ổn định tương lai, cho riêng mình. Và chủ khen anh “đã hành động khôn khéo”, tức biết sử dụng cung cách bất công, hầu tránh kỷ luật. Dĩ nhiên, khi kể truyện, Đức Giêsu không có ý đề cao tính bất lương của người làm công cho chủ. Ngài chỉ muốn người nghe hôm ấy chú ý đến thái độ “nhìn xa trông rộng” của “con cái thế gian”, thôi.

Tựa như tác giả có thư cho Timôthê, trình thuật hôm nay nhấn mạnh đến khía cạnh sáng suốt, biết phân tách/suy tính khả dĩ giải quyết những việc cần đến trí óc. Đó là ý nghĩa của lời Chúa khi thánh sử viết: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo tình thân thương bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào chốn vĩnh cửu.” (Lc 16: 9)

Đề cao cung cách giải quyết mọi việc trong giao tế với đời, Đức Giêsu căn dặn mọi người hãy nhớ rằng: mình chỉ là quản gia trông nom tài sản của chủ, chứ không là người thủ đắc tài sản ấy. Điều đó có nghĩa: ta chẳng có quyền trên bất cứ thứ gì mình đang tạm thời sử dụng. Là người Công giáo đích thực, hiểu điều Chúa khuyên dạy, ta không thể nói như người đời, rằng: “Tiền của tôi, tôi muốn làm gì thì làm chứ!”.

Tựu trung, câu mà mọi người cần hỏi về cuộc sống rất thành công, không là: “Anh/chị gầy dựng được bao nhiêu cơ đồ, của cải?” Mà là: “Anh/chị có sử dụng tiền tài/của cải mình tạm thời sở hữu, với mục đích tạo phúc lợi chung cho mọi người, không?” Đó mới là ý nghĩa của Lời Chúa khi Ngài căn dặn đồ đệ: hãy tạo tình thân thương bạn bè, ở truyện kể hôm nay.

Trong hiểu biết điều Chúa dạy, ta lại hát lên lời ngợi ca hăng say, những ngày trước, mà rằng:

“Vì những hồng ân Chúa thương ban tràn lan,

Vì những kỳ công Chúa ra tay oai hùng…

Chúng con xin ngợi khen Cha!

Chúng con xin tạ ơn Người!

Bây giờ và mãi mãi,

Allêluia!”

(Thành Tâm – Xin Ngợi Khen Cha)

Hãy cứ ngợi khen. Cảm tạ Cha. Về những điều Ngài dạy dỗ. Dạy ta tinh anh. Sáng suốt. Rất khôn khéo. Dạy cả chuyện yêu thương người đồng loại. Ở đời. Suốt nhiều thời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday, 4 September 2010

“Hoa vẫn ngát hương bay”


Như ngày xưa đến lớp

Như chiều nào bất chợt,

Ta tìm em bơ vơ.”

(thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)

Lc 15: 1-32

Ngày xưa đến lớp. Đâu bất chợt. Ngày nay đến gặp. Được nhiều hơn. Nhiều, không là số lượng. Mà, về chất lượng lời Chúa. Những bảo ban. Lời Ngài ban, vẫn râm ran ghi chép một trình thuật.

Trình thuật, nay Thánh Luca ghi và chép Lời Ngài ban rất chất lượng. Ở mọi thời. Lời Ngài bảo, là phán bảo đầy những chất lượng. Cho cuộc sống. Điều này, rày thấy ở bài đọc 1, sách Xuất Hành. Ở sách ấy, Đức Chúa hành xử tưởng Ngài chừng như giận dữ, giống như ta. Chúa có giận, chỉ là khi dân con của Ngài vẫn thờ quấy, những ngẫu tượng. Ngài cũng giận, vào lúc dân con của Ngài chỉ cứng đầu. Phụ bạc. Ngài còn giận, cả vào khi Môsê cố thuyết phục. Và rốt cuộc, Ngài đã nguôi ngoai.

Trình thuật thánh Luca, nay cho thấy ba ảnh hình dụ ngôn diễn tả cùng tự sự, từ Đức Chúa. Khác Cựu Ước, dụ ngôn hôm nay mang ảnh hình về cùng chủ đề xót thương. Vì xót thương, nên Chúa mới cất công đem người lầm lỡ về với tương quan, rất trìu mến. Vì xót thương, Chúa đã bỏ chiên đàn ở lại, để kiếm tìm mỗi chiên con lạc bầy, đầy nguy biến. Ngài chẳng quở phạt. Nhưng vẫn mời chào mọi người hãy cùng vui. Như ngưòi goá phụ tìm được đồng tiền, rớt đâu đó.

Dụ ngôn về người con sa đà nhiều lầm lỡ, đã khiến người nghe nhận ra được tính hỉ xả/thứ tha nơi Cha Hiền, là Đức Chúa. Vì xót thương, vị cha hiền đã tha thứ tất cả. Để, tất cả được vui, khi người con đi hoang, nay trở về. Con về, để nhận lại tình thương yêu tha thứ, Cha ban phát. Về, để mọi người vui. Dù, người anh cả đại diện cho lớp người tuy ngoan hiền, đúng luật, nhưng thiếu lòng xót thương người thân thuộc, sống cùng nhà. Để rồi, có những động thái rất đáng tiếc.

Kể lại dụ ngôn, thánh Luca đã khởi đầu bằng một nhận định làm nền: “Các người thu thế và tội lỗi tìm đến Đức Giêsu để nghe Người rao giảng.”(Lc 15: 1) Kể như thế, thánh sử Luca nhắm hai chủ đích rõ rệt tương phản nhưng kết tác. Trước hết, là tương phản hành xử nơi những người tự cho mình là đạo đức. Sống đúng đắn. Rất hơn hẳn, mọi người. Tương phản tiếp, là những khác biệt về đường lối xử sự giữa người nhà Đạo (mà đại diện là anh cả), và dân con ở ngoài. Tương phản và khác biệt càng thấy rõ, nếu nhìn về tính khí vô luân. Phi đạo đức. Là tính khí, thể hiện rất rõ nơi người con thứ.

Trình thuật diễn tả nét đặc trưng của hai tính khí ấy qua động từ “tìm đến” và “nghe theo”. Tức, đặc trưng vẫn thấy nơi những người có quá khứ rất tồi tệ. Nhưng, một khi đã thật lòng “tìm đến” với Chúa, và chịu “nghe theo” điều Thầy dạy, họ không còn bị coi là người chìm đắm trong lầm lỡ. Tối tăm. Theo định nghĩa của sách vở, thì người chìm đắm trong tối tăm/lầm lỡ là người đã chấm hết, không còn muốn “tìm đến” Chúa. Cũng chẳng muốn tìm đến Thầy, để “nghe theo” Lời Thầy dạy dỗ, nữa.

Trong khi đó, Kinh sư/Biệt Phái lại vẫn nhìn mọi người bằng cặp mắt, đầy thành kiến. Dị nghị. Họ vẫn coi những người thấp hèn bên dưới, như kẻ lầm lỡ. Lỗi phạm. Nên, mới ung dung phiền trách: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với họ.” (Lc 15: 2) Đáp lại động thái ấy, Đức Giêsu không cãi tranh. Biện luận. Ngài chỉ đáp trả bằng dụ ngôn/truyện kể. Dụ ngôn nào cũng mang ý nghĩa nhắn nhủ: Chúa yêu thương hết mọi người. Chúa mong mỏi mọi người trở về với Ngài. Dù lầm lỡ, nếu biết trở về, Ngài đón tiếp rất linh đình. Mừng vui.

Tuy nhiên, cũng có nguy hiểm, là: ta dễ đi đến kết luận, rất “ba phải”. Và, đây lại không phải là điều Chúa muốn. “Ba phải” hoặc “huề vốn”, là ở điểm: ta cứ thế mà bảo: làm gì thì làm, sai sót cũng chẳng sao. Rồi ra, Chúa sẽ tha hết tất. Đó là triết lý của những người cuồng si. Đam mê. Vô độ. Không nghĩ đến hậu quả. Dù Chúa vẫn thương ta, nhưng đừng vì thế mà ra bê trễ. Bất cần.

Quan hệ với Chúa, có hai yếu tố rõ ràng cần tách bạch. Thứ nhất, tình Chúa thương ta là tình thương vô điều kiện. Bất kể người được yêu, có thế nào. Có làm điều sai quấy chống lại Chúa. Chống lại người anh em cùng nhà. Chống chính mình. Thì, tình Chúa vẫn thế. Truớc sau như một. Vẫn là thứ tình mà người Hy Lạp gọi là agapè. Tức, lòng thương yêu trìu mến. Chẳng đổi thay.

Là thánh nhân hay kẻ phạm lỗi, Chúa vẫn cứ yêu ta. Vẫn yêu, là bởi vì Ngài chính là Tình Thương Yêu đích thực. Ngài vẫn ban phát tình thương yêu vô điều kiện ấy, với mọi người. Bất kể người ấy là thánh nhân. Nhà độc tài. Hay, kẻ phạm pháp. Ngài vẫn bào: “Cần đến lương y, hẳn không phải người lành mạnh, mà là kẻ đau yếu.” (Mt 9: 12)

Mặc dù thế, ơn tha thứ từ Đức Chúa lại là chuyện khác. Tha thứ đây, không hẳn lúc nào cũng vô điều kiện. Như dụ ngôn “người con đi hoang trở về” cho thấy: người cha nhân hiền yêu thương rất mực người con thứ. Cha chẳng phiền hà khi nghĩ đến anh. Dù, anh tệ bạc. Chẳng đáng thương, theo lệ thường. Điều này người nghe thấy rõ trong câu nói: “Anh còn ở đằng xa, nhưng cha anh đã thấy. Và, ông chạnh lòng thương”. (Lc 15; 20)

Dù là thế, thứ tha ở đây chỉ mang ý nghĩa trọn vẹn khi người con thứ quyết tâm “hồi hướng quay trở về”. Quay trở về, là động thái rất cương quyết. Có chiến đấu nội tâm. Không chần chừ. Do dự. Nhưng, dũng mãnh. Bởi thế nên, không thể có tha thứ trọn vẹn, nếu không có hoà giải. Không thể có hoà giải, nếu vết thương lòng của những rẽ chia. Tranh giành không được hàn gắn. Chữa lành.

Cứ sự thường, người đời thường nghĩ: tha thứ chỉ mang tính “một chiều”. Họ tưởng rằng Chúa thứ tha, là Ngài tha thứ theo kiểu “đường một chiều”. Anh trước. Em sau. Thậm chí, có người còn suy tính: cứ thoải mái mà phạm lỗi. Chắc chắn rồi ra Chúa sẽ thứ tha. Chỉ cần đến toà cáo giải, là xong.

Thật sự, Bí tích hoà giải và tha thứ chỉ thành, khi người phạm lỗi biết sám hối. Biết tự hứa, sẽ xin chừa. Ở dụ ngôn Chúa kể, đó là quyết tâm của người con thứ sau khi trải qua tháng ngày u buồn sầu hận, vì sai sót. Nhờ quyết tâm sám hối của người con thứ, nên tương quan hành xử giữa Cha-con, mới hết sầu buồn sâu lắng. Tha thứ, diễn ra thực sự khi người phạm lỗi đã chạy đến thân thưa cùng Cha.

Và, người Cha hiền đã chẳng kể gì lỗi phạm của con, đã “chạnh lòng thương”, ngay khi con còn ở đằng xa. Hành xử cho phải phép, mới có thể về lại với tương quan mật thiết giữa Cha-con. Đây, chính là điều cần thiết, khi nhận biết những sai phạm/lỗi lầm, cần đổi thay. Đổi và thay, là việc cần làm người phạm lỗi biết mình bẻ gẫy mối tương quan thân tình. Với Cha. Với người anh. Với mọi người.

Tuy nhiên, có một sự rất thật trong dụ ngôn hôm nay, là người phạm lỗi đã đi bước trước, trong quyết tâm đổi thay. Quay về. Về với Cha. Và với Chúa. Đi bước trước, vì anh đoan chắc rằng mình sẽ được Cha tiếp đón, giống như xưa. Nghĩ thế, sẽ không còn chữ “nếu”, hoặc chữ “nhưng”. Chẳng đắn đo. Không đặt điều kiện. Còn, vị Cha hiền lại cũng chẳng nghĩ gì đến trừng phạt. Hoặc, bắt phải đền bù. Và, đây là ý kiến mà thánh Phaolô đã viện dẫn, ở bài đọc 2.

Thánh Phaolô xác nhận, là: chính ông từng là kẻ phạm lỗi khi tìm cách bắt bớ/gạch khỏi sổ bộ đời những người theo chân Chúa. Kịp đến khi khám phá ra được lòng xót thương vô bờ của Đức Chúa, thánh nhân đà quả quyết:“Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên chính là tôi.” (1Tm 1: 15) Chính là nhờ vào lòng xót thương của Chúa, thánh nhân tiếp: “Đức Kitô muốn tỏ bày lòng đại lượng của Người mà đặt tôi làm gương cho những ai tin vào Người, để được sống muôn đời.” (1Tm 1: 16)

Làm gương ở đây, là cho những ai tin vào Người, không như các Kinh sư/Biệt phái chủ trương thực thi luật pháp, rất từng chữ. Nhưng là:

1. Yêu thương mọi người, một cách vô điều kiện, là yêu thương không tùy thuộc hành vi hoặc động thái của người đó, đối với ta.

2. Và, làm hết sức mình, để khi tha thứ ta sẽ hoà giải được với người mà ta cứ nghĩ là họ xử sự rất không phải, đối với ta.

Thực hiện điều này thật không dễ. Bởi, đó vẫn là những thách đố/chông gai trong cuộc sống. Tuy thế, đây cũng không phải là việc không thể thực hiện được. Hãy cứ thử chọn lựa giữa tha thứ và hờn giận/ganh ghét, hoặc trả đũa. Trả thù. Cứ thử xem, người có lòng khoan dung và kẻ chuyên cay cú, hỏi rằng: ai khổ hơn ai? Chắc chắn người khổ nhất sẽ là người chọn hờn giận. Ghét ghen. Cay cú. Vì họ vẫn chưa thể tha thứ. Cũng chẳng giải hoà được với ai.

Hiểu và biết những điều trên, hẳn là ta sẽ chọn theo đường lối Chúa dạy, mà thực hành. Thực và hành, chẳng phải vì Ngài là Chúa, mới dạy ta làm như thế. Nhưng, thực và hành, vì đó là đường lối tốt nhất, để lựa chọn. Người con thứ trong trình thuật đã học được bài học này, trong đau thương. Nay có lẽ, ta cũng nên học kinh nghiệm của anh, trong cảm kích. Và, xác tín.

Xác tín những điều như thế, ta cứ tiến về phía trước, mà ca hát. Hát rằng:

“Triệu bàn chân chúng ta bước đi trên mặt đất này

Trong tim con người là một đồng lúa mới,

Ta nung sôi ý chí mặt trời

Chặt cùm xích cho quê hương mỉm cười.”

(Trịnh Công Sơn – Cho Quê Hương Mỉm Cười)

Quê hương ta hôm nay, không chỉ là mảnh đất. Mà, là quê hương, chính là lòng mình. Cõi lòng, cần chặt bỏ mọi cùm xích của ghét ghen. Hờn giận. Và, cay cú. Chặt bỏ, để thay vào đó bằng tình thương. Đỡ đần. Gìum giúp. Hết mọi người.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com)