Saturday, 13 March 2010

“Ta ngẩng lên, ánh mặt trời rực rỡ”

Khắp đại ngàn, không còn bóng đêm đen
Lũ chim non, bỗng giật mình bỡ ngỡ
Giận kêu vang, tiếc giấc ngủ êm đềm.
thơ HanVinh)

Ga 8: 1-11

Bóng đêm đen. Trời rực rỡ. Tất cả, khiến chim non giật mình. Bỡ ngỡ. Giận kêu vang. Tiếc giấc ngủ êm đềm. Âu, cũng vẫn là tâm tình của người đời, thường oán trách. Vua trời đất.

Trình thuật, nay cũng nói lên một “nghịch thường” về yêu thương. Uất hận. Oán trách. Oán trách Chúa. Bất kể, Ngài vẫn từng kêu gọi mọi người, hãy cải hối. Hãy hồi hướng, trở về. Về, để sống niềm tin trọn vẹn thông điệp, Ngài uỷ thác. Về, để theo Đường, Ngài chỉ dẫn. Đường Sự Thật. Đường Sự Sống.

Có thể gọi Đức Giêsu là Nhiệm Tích Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Nhiệm Tích, theo thói thường, tỏ bày thật rõ nét Quyền uy Sức mạnh của Chúa. Quyền Uy, hoạt động nơi ta. Thế nên, hễ thấy Đức Giêsu là thấy Chúa. Dù, mắt thịt ta còn khiếm khyết. Nhưng, những gì ta thấy được qua Đức Giêsu, sẽ không là và không thể là Thiên Chúa, rất trọn vẹn. Siêu việt. Nghe Đức Giêsu, là nghe Lời Chúa nói. Ngài nói và hoạt động qua tư cách rất “người”. Nói, bằng hành động. Nói, bằng bằng Lời Ngài giảng dạy. Thấy Đức Giêsu chuyện vãn với nữ phụ tội lỗi, là thấy Chúa hành động. Và, thấy Chuá nói.

Trình thuật, nay nói đến 2 loại người mang tội, thấy rất rõ. Thứ nhất, người nữ phụ bị bắt quả tang đang ngoại tình. Tội tày đình. Gây ảnh hưởng nặng lên chính mình. Lên gia đình mình. Bởi, nữ phụ là người cưu mang con cái. Người, có trách nhiệm giữ mặt cho gia đình, nội/ngoại. Theo luật Do Thái, ngoại tình kéo theo chuyện “con ngoại hôn”. Ngoại tình, để lại dấu ấn khó phai lên phẩm giá người nữ phụ. Chẳng cần tìm hiểu xem ai là thủ phạm. Có là, cha của đứa trẻ, hay không. Chỉ cẩn biết, rằng: ngoại tình ảnh hưởng nặng lên danh dự, của người vợ. Của, gia đình vợ. Chẳng gây gì, cho phía nam nhi. Bên nhà chồng.

Thứ hai, Kinh sư/Biệt phái cũng là người có lỗi. Lỗi tội đây, không theo quan niệm của chính họ. Hoặc, luật pháp. Mà là, theo ý định của Đức Giêsu. Bởi, Kinh sư/Biệt phái là nhóm đã để mất tính nhân hiền/xót thương cần phải có. Nơi người, theo chân Chúa. Thánh Luca ghi: “Hãy có lòng thương xót như Cha các người, là Đấng đầy lòng xót thương.” (Lc 6: 36)

Kinh Sư/Biệt phái là nhóm người cao ngạo. Tự đại. Họ cho rằng: mình có quyền ăn trên ngồi chốc. Có quyền xét đoán những người khác. Chẳng biết gì đến thương yêu. Tha thứ. Chỉ biết luật. Chẳng lý gì, đến chuyện yêu người đồng loại, như Chúa dạy. Vẫn biết họ là như thế. Nhưng nay, ta cũng hãy nên ngồi lại mà tự hỏi lòng mình, trước khi chỉ trích/lên án người khác. Hỏi rằng: sao ta có thể xử sự khác hơn, nếu ở cùng một hoàn cảnh, như người ấy? Ta phản ứng ra sao, nếu biết rằng: thành viên gia đình mình cũng đã phạm lỗi ngoại tình. Ta có lên án và hết thương yêu, không?

Người nữ phụ ở trình thuật, không là trường hợp cá biệt. Ngoại lệ. Chị phản ánh trạng huống của mọi người, chúng ta. Những người đã hơn một lần phạm lỗi. Chị cũng đại diện cho anh. Cho tôi. Cho mọi người. Và, Kinh sư/Biệt Phái là nhóm người phạm nhiều sơ hở, lại cũng là ảnh hình của chúng ta.

Ta đều có thể mắc lỗi, ở cả hai trường hợp. Tức, có thể làm hại uy danh người khác. Hại người, bằng cách áp đặt ý muốn của mình, lên người họ. V2, phê phán người khác, tức đã nghĩ rằng: mình “hơn hẳn”. Mình “tốt lành”, hơn mọi người. Có mặt ở hiện trường hôm ấy, ta sẽ phải xử trí ra sao? Có lên án? Có, hủy hoại uy tín/cuộc đời của ai không? Huỷ, bằng lời phẩm bình? Hại, bằng cá tính, của riêng mình? Nói cách khác, đã bao người ra tay nghĩa hiệp, biết xót thương người khác?

Hãy nhìn vào phản ứng của Đức Giêsu. Hôm ấy. Thứ nhất, Chúa không phản bác lỗi lầm của người nữ phụ phạm lỗi. Chị ĐÃ phạm luật. Rất nghiêm trọng! Ngoại tình, là tội liên can đến sinh hoạt dục tình, giữa hai người. Ít nhất, một trong hai người ấy là phối ngẫu. Đã vi phạm nghiêm trọng niềm tin tưởng, của vợ chồng. Đây, là hành động bất công. Đối với người vô tội, ở bên kia. Nghiêm trọng, vì làm mất đi sự tin tưởng. Bất công, là bất công với người ở bên kia. Đây, còn là hành động trái luật. Phản nghịch sự tin tưởng. Ở đây, hành động dục tình chỉ là điều thứ yếu. Trình thuật không cho biết người nữ phụ có chồng, hay chưa. Điều, mà mọi người, cả Đức Giêsu lẫn Kinh sư/Biệt Phái và người nữ phụ, đều chấp nhận, là: chị đã phạm lỗi.

Trình thuật không nhắc đến yếu tố khác, cũng quan trọng không kém. Đó, là người nữ phụ trong trình thuật, là do nhóm Kinh sư/Biệt Phái đem đến Chúa. Đem chị đến, như quân cờ trong cuộc chơi. Cuộc chơi, là trò bẫy cạm đưa ra với Đức Chúa: “Ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8: 4) Họ nghĩ: có thể đem Vị Thượng Tế chuyên ăn uống với phường tội phạm để “đụng độ” trực tiếp truyền thống thánh thiêng, có từ thời Môsê. Họ còn nghĩ, có thể dùng thế “gậy ông đập lưng ông”, để lên án Chúa. Bởi, nếu Chúa đồng ý, thì tự Ngài, Ngài đặt mình cùng hàng với tội phạm. Nếu phản lại Luật Môsê, Ngài sẽ bị liệt vào nhóm người không thuộc về Thiên Chúa.

Lúc đầu, Chúa lờ đi. Như, không thấy. Ngài chỉ mải viết. Chừng như, cho đến lúc ấy, người hỏi vẫn như không hiểu điều, Ngài từng dạy. Ngài từng thực hiện. Thế nên, Ngài vẫn ngồi viết và viết. Các nhà chú giải kinh thánh hỏi nhau: Ngài viết gì? Viết xuống cát, là cách chối từ, không để mình rơi vào tròng, người đặt bẫy. Để đến khi, họ nài nỉ, Ngài mới nói: “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước.” (Ga 8: 7)

Lạ thật. Không ai trong họ, dám cầm đá ném trước. Trăm người như một, đều lẳng lặng bỏ đi. Đi, nơi khác. Đó là điều, trình thuật nay muốn răn day: chỉ những ai không vướng mắc lỗi phạm nào, mới có thể ngồi đó mà xét đoán, người khác. Theo ngôn ngữ thời đại, có thể nói: ngồi trong cửa kính, làm sao ta đuổi được lũ ăn mày. Và, người phàm chúng ta vẫn làm thế. Vào mọi lúc. Ở mọi nơi.

Còn lại, có mỗi Chúa và tay tội phạm, ở nơi toà. Công tố viện, đều rút lui. Ngồi ở lại, Ngài không lên án chị: “Này chị, họ đâu rồi? Không ai lên án chị sao?” (Ga 8:10)“Tôi cũng thế. Tôi không lên án chị! Hãy về đi. Từ nay đừng phạm lỗi.” (Ga 8: 11) Không lên án, nhưng Ngài đã cho chị một cơ hội, để sám hối. Để, hồi hướng trở về. Để, thay đổi lối sống. Quả là, Ngài đến không phải để lên án, mà cứu độ. Và, phục hồi. Trao ban quà tặng, cho mọi người. Quà sự sống mới. Là, mở rộng cửa. Cho mọi người.

Về với chính mình, cũng nên hỏi: nếu Chúa hành xử như nhóm Kinh su/Biệt phái, liệu ta có tránh bị người khác lên án/huỷ hoại, không? Đã bao lần ta chẳng cần đếm xem đã bao lần mình phạm lỗi. Lỗi nặng. Lỗi nhẹ. Và cũng chẳng cần xét, cần xem xã hội bên ngoài có kinh hồn/khiếp đảm về hành xử của ta, không? Chúa kêu gọi ta khởi đầu lại. Kêu gọi, hãy thay đổi lối sống. Của chính mình. Thay đổi, cung cách xét nhìn mọi người. Ngài gọi mãi. Kêu hoài. Vẫn không ngơi.

Về thái độ Chúa yêu thương người tội phạm, có nhà chú giải kinh thánh dám nói: “Chúa như Người kém trí nhớ, mỗi khi gặp phạm nhân.” Bài đọc 1, cũng một ý tương tự, khi ngôn sứ viết: “Các ngươi đừng nhớ lại chuyện xưa. Chớ quan tâm, những việc của thuở trước.” (Is 43: 18).

Bài đọc 2, thánh Phaolô có kinh nghiệm của một Pharisêu đầy nhiệt huyết, nay biết Chúa đã thứ tha, cho mình. Rất hết mình. Bởi thế, thánh nhân từng nhân danh Chúa. Nhân danh Đạo, ra đi ruồng bắt môn đệ Chúa. Nay đã rõ, có tương quan mật thiết với Chúa, mới là điều cần thiết/quý giá nhất trong đời. Còn lại, tất cả chỉ là hư luống. Là Biệt phái, thánh Phaolô từng nghĩ: có giữ luật, mới là người toàn thiện. Không giữ luật, mới là người đáng khiển trách. Coi thường. Thánh nhân, nay đã biết: chỉ gọi họ là tốt lành, những người được Chúa mến thương. Nên, thánh nhân nay không còn thù ghét, bất cứ ai. Nhưng, đã thương yêu. Tha thứ. Và quên đi, mọi lỗi lầm của người khác.

Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cũng sẽ là người sống an hoà, hạnh phúc nếu biết học hỏi thái độ của Chúa đối với phạm nhân. Đồng thời, còn biết đối xử thật nhân hiền, với người khác.

Trong tinh thần học hỏi thứ tha/giùm giúp, ta hát lên lời ca vui thiết thực, của thời trước:

“Ta vươn vươn lên, như bờ núi cao cao vời,
Chân khoan khoan thai, như bước theo nhịp oai hùng.
Bài thơ mới, và câu hát vui yêu đời,
Vui với bao niềm tin đời là bài ca.”(Xuân Lôi/Y Vân-Bài Hát Của Người Tự Do)

Vui. Yêu đời. Đời là bài ca. Có yêu thương và tha thứ. Tha thứ, hết mọi người. Cả người phạm lỗi. Lẫn người từng ám hại đời ta, nữa.

Lm Phan Đỗ Thục Linh
Mai Tá diễn dịch.

xem thêm các bài khác, xin mời vào
www.suyniemloingai.blogspot.com;
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: