Saturday, 20 November 2010

“Dưới thềm mưa đợi hồi chuông”


Cổng im nhốt chủ nhật buồn mênh mông”

(dẫn từ thơ Trương Đình Tuấn)

Mt 24: 37-44


Ngày Chúa về, cũng có chuyện tình “đợi hồi chuông” để kể lể. Chuyện, là chuyện về những tháng ngày đợi chờ của giòng họ ông Nôê, thời buổi trước. Trước ngày xảy đến lũ lụt ghê gớm ấy, dân con giòng họ của ông vẫn ăn và vẫn uống. Vẫn lấy vợ gả chồng, cho đến ngày cùng ông lên thuyền, để ra đi. Đi đến chốn miền mà giòng nước lũ đã tẩy xoá chốn không gian.


Cũng hệt như thế. Con Chúa làm người, cũng sẽ đến cùng một tình trạng, rất tương tự. Tình trạng, là những tâm trạng có tình có tiết khi hai người ở ngoài đồng, một được bốc đi. Còn, người kia bị bỏ sót lại. Bởi vậy nên, người người cần cảnh giác. Bởi vậy, không làm sao ta có thể biết trước tháng ngày nào Chúa đến lại. Người chủ nhà cũng thế, ông cũng không thể biết trước ngày giờ kẻ trộm đến viếng, mà canh chừng. Và cũng thế, Con Người sẽ lại đến, rất bất ngờ.


Mùa Vọng đến với những đợi chờ. Vọng buồn, còn là mùa của lễ hội đầy ngóng trông.

Con Thiên Chúa đã chết đi từ thập niên 30, hồi đầu thế kỷ. Rồi sau đó, tháng ngày dài cứ chạy mãi đến thiên niên. Và, dân con Đạo Chúa vẫn cứ nghĩ: Ngài sẽ đến lại, rất sớm. Để còn phân định chuyện trăng sao vũ trụ. Ngài sẽ đến, để dứt đoạn lịch sử với con người. Thế nên, họ cứ nghĩ: Ngài sẽ đến lại, với nguyên trọn hình hài những xương thịt, như buổi trước.


Thực ra, thì Ngài đang hiện diện với con dân/mọi người, đã từ lâu. Hiện diện, Ngài vẫn hiện tỏ nơi mây trời, từng áng mây lịch sử. Ngài vẫn hiên diện, với dân con Đạo Chúa thuở đầu đời, vẫn ngóng trông. Ngóng và trông, sự kiện lịch sử có một không hai, nay xảy đến. Thành thử, thuở đầu đời, người người vẫn trông ngóng từng thế kỷ ngày Chúa đến lại. Trông và ngóng, đến độ chẳng ai buồn nghĩ chuyện dựng xây đền thờ. Trông và ngóng, đến độ chẳng ai lo hoạch định việc hành chánh lẫn Phụng vụ, để lưu lại cho dân chúng, về sau. Ai cũng chỉ nghĩ: lịch sử hội thánh, sẽ chẳng tồn tại được bao lâu nữa. Tất cả đều trông ngóng ngày Chúa đến lại, rồi mới tính sau.


Thật ra, điều này kể cũng không đúng. Chúa có bao giờ đến lại theo kiểu cách ấy. Lịch sử loài người cũng đâu bao giờ chấm dứt, một sớm một chiều, như mọi người tưởng nghĩ. Cuối cùng, người người phải tỉnh giấc. Đúng vậy, nếu ta nhìn việc Chúa đến lại, theo góc độ nào đó, thì hẳn rằng Do thái dân con mọi người đều có lý ngay từ đầu sao? Nhưng, Chúa sẽ không đến lại theo cung cách người Do thái nghĩ, là bởi: dưới góc độ đạo đức, Chúa có bao giờ bỏ rời ai đâu để đến nỗi con dân Ngài hiểu là Ngài sẽ đến lại? Sự thật, Ngài vẫn luôn có đó, và rất gần. Gần, mọi người. Gần, không theo nghĩa thời gian và không gian. Bởi, thời gian và không gian nào có nghĩa gì, đối với Ngài. Ngài vẫn ở đó, ngay sát cạnh ta. Và, luôn ở với ta. Vậy thì, làm gì có chuyện những đi và đến?


Thật sự, thì thời gian cũng đâu là chuyện quan trọng. Quan trọng, chỉ là chuyện ta có biết sử dụng nó không thôi. Ta có biết sống với nó theo cung cách nào đó, mà thôi. Sử dụng và sống với thời gian, theo nghĩa cảm nghiệm Ngài đang hiện hữu với mọi người. Và, hiện hữu ấy vẫn còn tiếp diễn, đến muôn đời. Đó là động thái nội tâm. Đó là ý hướng sống. Thế nên, Mùa Vọng phải là mùa của một “động thái”, chứ không phải của lễ hội “đợi chờ”. Bởi thế nên, ta cũng nên nghĩ đến việc cần thiết phải sắp xếp thứ tự ưu tiên để xử thế. Để hành động. Cần tỉnh giấc điệp để luôn mãi gần cận Chúa.


Trình thuật hôm nay, mở ra niên lịch mới với phụng vụ. Vào lúc thánh Mát-thêu viết đoạn Tin Mừng này, thì thành đô La Mã đã bị bạo chúa Nêrô ra lệnh đốt cháy. Chính ông đã phóng hoả cả thành đô, để vui say chè chén đổ đốn, rồi đổ cho người của Hội thánh làm. Hai đá tảng làm cột trụ cho Giáo hội là thánh Phêrô và Phaolô lúc ấy cũng quá vãng. Và, đền thờ Giêrusalem đã bị phá hủy. Dân con Do thái bị bách hại. Nhiều vị còn bị đưa đẩy vào vòng lao lý. Thậm chí, có vị phải làm thân nô lệ người ngoại bang, nữa. Từ lúc ấy, tín hữu Chúa vẫn cứ hỏi: phải chăng lịch sử loài người nay đi vào ngõ cụt? Phải chăng lời tiên tri hôm trước nay đà ứng nghiệm?


Tin Mừng ta nghe hôm nay, còn là thời điểm mà thánh Mát-thêu đưa câu trả lời hầu trấn an những vị lúc ấy đang ưu tư, lo lắng. Đưa ra một giải đáp, thánh Mát-thêu muốn giúp dân con đi Đạo tạo cho mình động thái đúng đắn mỗi khi rơi vào tình huống, tựa hồ như thế. Giải đáp mà thánh sử Mát-thêu đưa ra hôm nay, gồm tóm một lời khuyên: hãy “sẵn sàng” mà “tỉnh thức”. Cứ mở to con mắt ra mà thấy. Mà nhìn. Mở rộng cả vòng tay ôm, như ông Nôê thuở trước thấy trước cơn lụt sắp xảy đến, nên đã “sẵn sàng” “thức tỉnh”. Trong đám dân gian người ngoài, có kẻ lại cho đó là hành động của ông Nôê sửa soạn đóng thuyền, là khùng điên. Lẩn thẩn. Bởi, đất miền Do thái lúc ấy đang gặp thời hạn hán, sao lại sợ lụt?


Quay về nhìn lại chính mình để tự kiểm, nhiều lúc ta cũng thấy mình không khác thế, là bao. Nói vậy, thử hỏi: ta rút tỉa bài học gì ở nơi đây?


Bài học, nay cho thấy Mùa Vọng không là bề dầy thời gian những bốn tuần. Hoặc, là dịp để ta tìm đọc lại những bài sách thánh khác mọi bài trong cả năm phụng vụ. Đây, cũng không là lễ hội mùa Chay kiêng rất ngắn ngày, để sám hối. Cũng chẳng là lễ hội nguyện cầu theo kiểu Hồi giáo, rất Ramadan. Mùa Vọng, chính là lễ hội nói lên cung cách hiểu và biết những gì xảy đến với cuộc sống mỗi ngày. Cung cách, giúp ta nhìn về phía trước, xa hơn đầu mũi, mà mắt thịt của ta không tài nào đạt tới. Cung cách nhìn sự vật tận chốn chân trời có bề dầy lịch sử. Nhìn, để biết rằng bên kia đầu mút mọi sự vật luôn có điều gì đó, đang trờ tới. Đó, chính là Niềm Tin.


Sự thật, thì cuộc bách hại dân con Hội thánh buổi đầu đời, cũng đã kết thúc vào thế kỷ thứ tư, dương lịch. Và sự thật, thì đã là người Công giáo, tức trở thành người trổi trang, mọi người đều biết đến. Hơn nữa, chẳng vì Hội thánh được dựng xây trên đá tảng, nên mới tồn tại được lâu dài. Mà. Là dân con Đạo Chúa đã đạt đến từ lâu. Là dân con Đạo Chúa, là ta đã đạt điểm son về lợi ích chính trị. Nên, không cần phải chờ đợi thêm nữa, để được thế. Thời của tín hữu Đức Kitô đã là thời tuyệt hảo. Mọi dự án của dân con Chúa đã thành đạt. Thế nên, Mùa Vọng không còn được mọi người coi như thời gian đợi chờ chuyện ấy đến. Vì, “thời ấy” đã đến rồi.


Ở đây, phụng vụ, muốn dân con Hội thánh không còn nhìn thời hiện tại như những gì ta hoàn tất, rất từ lâu. Mà là, còn đường trước mặt vẫn còn đó để ta đi tới. Và Chúa vẫn đồng hành với ta, như khi xưa Ngài làm với đồ đệ trên đường đi Emmaus. Thực tế, thì ta vẫn chưa đạt tới Emmaus Thiên Quốc. Bởi thế nên, như con trẻ ngồi sau xe ta, vẫn cứ hỏi bố hỏi mẹ: mình tới chưa, thưa bố. Thưa mẹ? Và, câu trả lời từ người bố/người mẹ, vẫn cứ là: chưa đâu con! Rồi, thì ta cũng tới, thôi!

Tư nay đến ngày mọi người đạt Emmaus Thiên Quốc Nước Trời, vẫn còn đó những câu hỏi:

Ta còn chờ gì nữa? Chờ Chúa. Trong tinh thần đổi tầm nhìn cho mới, chờ và đợi, để nhớ rằng Ngài đang hiện diện trong ta. Giáng Sinh, không nhất thiết là cung cách của một lễ hội qua đó Hội thánh Chúa quyết thực hành phụng vụ tốt hơn, mà là cơ hội để ta mang trong mình, một tinh thần đổi mới. Tinh thần và thái độ, đã hài hoà được với nỗi chết, với thái độ coi cái chết như cuộc Vượt Qua dẫn đến niềm vui Thiên Quốc. Nước Trời.


Ai đang chờ, đang đợi? Chính là ta. Toàn cả Hội thánh thời đã qua. Mọi người đời, thời nay.

Đợi chờ, như thế nào? Bằng hy vọng đã chúc phúc. Bằng niềm tin không ngao ngán. Rất vui. Chờ và đợi có nghĩa gì? Nghĩa là NIỀM VUI vì được biết đến tinh thần đổi mới tận thâm căn.

Chờ đợi ai? Chờ Chúa, Đấng đang về tới theo cung cách không thể đoán trước. ..

Chờ và đợi, để rồi sẽ quyết định thôi không tranh chấp/đố kỵ nhau nữa. Nhưng đã bắt đầu biết nghĩ tới những người đói khát, đang chờ ta, trên thế giới! Chờ và đợi, để ta không trao họ vào tay các nhà chính trị, chỉ tranh cãi. Chờ và đợi, để đi tới quyết định: dứt khoát phải làm việc gì, cho ra nhẽ. Việc gì tạo đổi thay. Đổi và thay, động thái quan tâm thực hiện những điều tốt đẹp, cho mọi người.


Có lẽ nên kết thúc giòng suy niệm này bằng lời lẽ thánh Bernađô viết khi trước, rằng:


Trước nhất, Ngài đến bằng xương thịt, kẻ yếu kém. Kế đến, Ngài lại đến bằng tinh thần và quyền uy tối thượng. Cuối cùng, Ngài sẽ đến lại trong vinh quang, bề thế. Rất oai phong. Thời gian Ngài đến lại, lúc giao thời, là cung cách ta trải qua từ lần đến đầu tiên tới lần đến cuối. Đến lần đầu, Chúa đến để cứu chuộc chúng ta. Đến vào lần cuối, Ngài sẽ đến bằng chính cuộc đời ta đang sống. Đến vào lần ở giữa chừng, Ngài lại là sự ngơi nghỉ, ủi an. Ta tĩnh dưỡng.” (Thánh Bernađô, Bài Giảng Các Ngày lễ trong Mùa Vọng)

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh

MaiTá lược dịch.

No comments: