Saturday, 12 March 2011

“Người cất bước, cả non sông một dải,

Vươn mình theo, dãy Hoành Sơn mê mải.”
(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)

Mt 17: 1-9

Hoành sơn xưa, có là núi vắng Chúa đặt chân? Non sông nay, có là miền đất thánh-nhân về? Thánh nhân về, là về với nhân gian một cõi, có lòng mình/lòng người, đầy tình tự. Nhân gian nay đà thấy Chúa biến hình đổi dạng thành Đấng thánh, rất Mêsia như trình thuật thánh Mátthêu vẫn còn ghi.

Trình thuật nay kể về một biến hình đổi dạng nơi Đức Giêsu, mà các thánh xưa nay chưa từng thấy. Các thánh, gồm có Phêrô, Giacôbê và Gioan, tức các đấng bậc gần gũi cất bước lên chốn non cao thấy Chúa biến hình thành Đấng Thánh, rất phi thường. Các thánh nghe giọng thần thiêng tỏ bày sứ điệp chưa từng biết. Giọng hôm ấy, xác định Đức Giêsu là Con Một của Chúa Cha hiền hoà, đáng kính.

Biến hình đổi dạng nơi Đức Giêsu, là sự kiện xảy đến với nhiều tình tiết, rất đặc biệt. Cũng tương tự như ngày Chúa sống lại. Hoặc rõ hơn, như biến cố Chúa về trời. Vượt quá chuyện thường ngày. Rất khó hiểu. Chúa thay hình đổi dạng, tựa hồ như Môsê xưa đã biến hình, trên đỉnh núi Sinai, khi giáp mặt trực diện với Giavê. Gặp Giavê, mặt mày Môsê sáng như ánh mặt trời. Long bào của ông, trắng toát như ánh dương. Rất đặc biệt.

Thánh Mátthêu kể rằng: các thánh tông đồ lúc ấy rất ngạc nhiên, hãi sợ và bắt đầu nói lung tung về chuyện dựng xây căn nhà ở chóp núi. Đó là chuyện bình thường ở huyện người người vẫn làm thế, khi mất cảnh giác.

Biến hình là chuyện xem ra không bình thường xảy đến với chúng ta. Chí ít, là khi ta sống trong thế giới đầy những biến đổi hình dạng, về mọi thứ. Như sâu nhộng trở thành bươm bướm mà ta gọi là sự biến thái vẫn xảy đến trong đời của loài thú. Hệt như em bé biến dạng đổi hình, khi mới sinh. Đó là điều mà thánh Âu Tinh gọi bí nhiệm sản sinh. Là, mầu nhiệm lớn hơn cả phục sinh: đến với thế giới qua cốt cách con người, vẫn là chuyện cao cả hơn là trở về với hình thù mình, sau khi chết. Mỗi ngày và mọi ngày, vẫn xảy đến với ta qua đủ loại thay hình đổi dạng, hệt như thế. Cả bên trong. Trong sự sống riêng tây của mỗi người. Vấn đề tuy đơn giản, nhưng sâu sắc. Thay đổi bản vị, vẫn xảy đến, qua nhận thức. Qua tình yêu.

Và đây là quan điểm rất xác thực của tác giả Mátthêu. Quan điểm của thánh nhân không nằm ở mặt ngoài, hoặc chỉ thay đổi mỗi xác phàm. Thay đổi về thân xác, là lối nói để diễn tả thay đổi về bản vị. Rất nhiều lần, Đức Giêsu có những khoảnh khắc nhận thức bên trong. Khoảnh khắc về tình thương yêu, rất thấu đáo. Khoảnh khắc, qua đó Ngài ồ ạt tăng trưởng bản thân để trở thành con người đầy bản vị. Và, đặc ân đến với các tông đồ vào lúc ấy, là được phép hiện diện và thấy được chuyện xảy đến, rất hiếm quý.

Đức Giêsu vẫn theo lộ trình bình thường, để có được kinh nghiệm rất thường tình của con người. Ngài học hỏi mọi thứ qua thử thách và sai sót. Mỗi ngày, Ngài khám phá ra nhiều điều mới mẻ về chính Ngài và về loài người. Cả những điều mới mẻ về Cha, mà chính Ngài đã trải nghiệm. Đức Giêsu là người từng trải nghiệm sâu sắc/bén nhạy về những thứ ấy. Ngài có những khoảnh khắc thương yêu rất mặn nồng. Cũng ưu tư lo lắng, hãi sợ. Cũng trải nghiệm nhiều phút giây vui vầy, tuyệt diệu.

Và, mỗi lần có sự việc mới mẻ xảy đến, Ngài thay đổi tự bên trong. Và cứ thế, Ngài bắt đầu trở nên giống hình thù mà Ngài vẫn có ở trong Ngài. Ngài không là thiên thần. Cũng đạt chốn Thiên quốc. Ngài giống như ngôn sứ Cựu Ước, có tầm nhìn sâu sắc trong cuộc sống –tầm nhìn thấu đáo do Cha ban. Nhưng Ngài không chỉ là thế, như một ngôn sứ không hơn không kém. Mà, còn trinh trong cả ở nội tâm. Ngài không có triệu chứng tâm can đau yếu. Nhưng, Ngài hoàn toàn hội nhập vào với thực tại. Mỗi khi có cảm nghiệm gì lớn lao, toàn bộ con người Ngài phản ánh niềm vui chan hoà cho tất cả.

Kinh nghiệm đỉnh núi, là kinh nghiệm gì? Là, cảm nghiệm rằng Ngài được Cha hoàn toàn chấp nhận và yêu thương làm Con Cha. Và, Cha không thể chờ đợi lâu hơn nữa để tỏ bày cho Ngài biết là Ngài được Cha chấp nhận thương yêu biết dường nào. Ngài không là kẻ xa lạ với Cha. Và, Cha cũng không xa lạ gì Ngài. Ngài không là người bạn của Cha chỉ trong chốc lát. Và, Cha cũng chẳng là bạn hiền của Ngài chỉ một phút chốc rồi thôi. Những miên trường. Mãi mãi

Cảm nghiệm Ngài cho thấy tương quan giữa Ngài và Cha. Giữa Cha và Ngài. Không là tương quan chỉ phút chốc. Hoặc, lúc trầm lúc bổng. Lúc tắt lúc bật trở lại. Ngài thực sự biết rõ Cha và quyết trở thành Thiên Chúa, giống như Cha. Và, Cha cũng biết rõ Ngài. Cha vẫn muốn Ngài thành Thiên Chúa theo cung cách rất Giêsu Kitô. Tựa hồ một biến đổi còn diễn tiến. Và lúc này là lúc thấy rõ diễn tiến hai chiều. Diển tiến cho thấy Đức Giêsu trở nên thần thiêng như Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đang trở thành người phàm, như Đức Giêsu. Ta có thể gọi đó là biến hình hoặc nhập thể, cũng chẳng sai.

Tất cả sự việc này, tháp nhập vào với giọng nói vang vọng từ trên cao khẳng định với các tông đồ về điều rất chính yếu: “Này là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 17: 5)

Ngay khi ấy, các thánh tông đồ vẫn chưa nhận ra ý nghĩa của giọng nói, ngay tức khắc. Chỉ về sau, các thánh nhân mới nhận ra được ý nghĩa thâm sâu về những gì xảy đến với chính mình. Và, Chúa cũng đã căn dặn các thánh đừng cho ai biết chuyện ấy, ít nhất chỉ phổ biến sau ngày sống lại, mà thôi. Mãi sau, các thánh mới nhận ra ý nghĩa đúng như thế. Cũng phải mất một thời gian chay tịnh rất dài ngày, người người mới nhớ về những chuyện như thế. Và, cũng đã am hiểu.

Và khi các thánh tông đồ tin tưởng vào Đức Giêsu và Cha Ngài, thì lúc ấy các thánh mới có cảm nghiệm đích thực về những gì xảy đến. Cảm nghiệm rằng, Đức Giêsu và Chúa Cha đã đến nơi chốn hoang vu thần thiêng là để chấp nhận thương yêu các thánh tông đồ cách trọn vẹn. Và các thánh cũng hài lòng được gần gũi Chúa. Kể từ đó, các thánh mới thông hiểu sự việc hầu thương yêu Đức Giêsu và Chúa Cha, theo cung cách khác hẳn. Khác trước rất nhiều. Cũng từ đó, các thánh bắt đầu thấy được chính mình. Biết được đời mình nay đã thay hình đổi dạng như thành quả có được từ một Biến hình của Đức Chúa, rất dễ thấy.

Cuối cùng, các thánh khám phá ra rằng các ngài cũng có thể thực hiện được chuyện biến dạng đổi hình, cho nhau. Thực hiện được, mỗi khi các thánh chấp nhận yêu thương bất cứ người nào trong cộng đoàn mình chung sống. Và, đây là động lực thúc đẩy một khởi đầu, thêm một lần. Rồi từ đó, tương quan giữa các thánh cũng đã thay hình đổi dạng, rất “biến hình”. Các thánh, nay trở thành người anh/người chị trong cộng đoàn Hội thánh, đã biến hình đổi dạng từ trong ra, và từ ngoài vào, rất liên hồi.

Chính vì thế, hôm nay, ngày Chúa “biến hình” chỉ một thoáng mong manh, để người người nhìn thấy trước sự kiện phục sinh rất yên tâm, thư giãn. Thư giãn, để không còn sợ rằng Mùa Chay sẽ nặng nề, khó chịu với bất cứ ai. Bởi, biến hình hôm nay là thông điệp. Và cũng là sứ mạng. Thông điệp bày tỏ rằng: chính vì Đức Giêsu, mà người người sẽ còn thay hình đổi dạng, nhiều hơn nữa. Sứ mạng, là sứ mạng để chứng tỏ, rằng: nếu tin vào Đức Giêsu, ta sẽ có khả năng giúp mọi người biến hình đổi dạng, như Đức Chúa. Chỉ cần ta thực tình chấp nhận nhau, yêu thương nhau. Chấp nhận vui hưởng sự hiện diện bên nhau. Có nhau, để yêu thương giùm giúp hết mọi người, cũng đã đạt.

Vậy thì, Mùa Chay hôm nay có nghĩa gì, đối với ta? Chay kiêng một mùa, là quyết trao cho nhau và cho mọi người khẳng định cần biến hình đổi dạng. Biến và đổi, rồi tạo cho mình một loại hình, tựa như thế. Loại hình thực tình chấp nhận nhau. Thực tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Thực tình vui hưởng sự hiện diện/gần gũi, ở bên nhau.

Trong khí thế bừng bừng tình yêu thương có từ Đức Chúa đã biến đổi hình, ta hân hoan ngâm nốt lời thơ trên mà hát:


“Chạy dọc lên, thông cảm ý ngang tàng,
Cùng chồm dậy, đáp lời hô vĩ đại!”
(Vũ Hoàng Chương – Bài Ca Bình Bắc)

Lời hô vĩ đại bữa ấy cũng như hôm nay, không hẳn là “Bài Ca (để) Bình Bắc” hoặc bình Nam, cho bằng lời hô vang hãy biến hình và đổi dạng, như Đức Chúa từng làm. Vẫn rất cần. Cũng rất nên.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch

No comments: