Saturday, 23 July 2011

“Mưa bay! Mưa bay! Ấm cúng trong này.”

Suy Niệm Chúa Nhật thứ 18 Thường niên Năm A 31.07.11

“Mưa bay! Mưa bay! Ấm cúng trong này.”

“Một hôm trời bão, Em vào chơi đây.”

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Mt 14: 13-21

Mưa bão hôm ấy, cộng đoàn dân Chúa cũng đã hay tin về cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả. Rất nghiệt ngã. Ấm cúng nơi này, lòng người cũng đã được Chúa sưởi ấm bằng phép lạ nhân rộng bánh/ cá cho mọi người. Rất lạ thường. Lạ, như trình thuật thánh Mátthêu ghi lại, rất hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Mátthêu ghi về sự kiện rất đặc biệt trong đời Chúa. Nhưng không dễ, để diễn tả xem đó là sự kiện gì. Và không dễ, để áp dụng vào đời sống của ta hôm nay.

Sự kiện hôm ấy, có Đấng Mêsia ra ngoài trời rảo bộ đã thấy cả ngàn người Do thái đi theo Ngài. Chạnh lòng thương, Chúa đã nuôi ăn cả ngàn người chỉ với 5 tấm bánh và hai con cá. Vẫn hiểu rằng, đây là phép lạ do Chúa làm. Phép lạ duy nhất trong cả bốn sách Tin Mừng. Nhưng được nhắc đến những 6 lần: riêng thánh Máccô và Mátthêu mỗi vị ghi chú đến 2 lần; thánh Luca và thánh Gioan mỗi vị chỉ một lần. Các thánh đều coi đó như biến cố lớn trong đời hoạt động công khai, của Chúa.

Nhờ thánh Mátthêu, ta được biết Hêrôđê cũng đã tổ chức một bữa tiệc cho người giàu có và trong đó có cả người nghèo nhưng không hèn, là thánh Gioan Tẩy Giả vừa trả giá rất đắt, bằng đầu mình. Cho bữa tiệc. Trái nghịch lại buổi tiệc đầy tai tiếng ấy, là tiệc ngoài trời do Chúa khoản đãi những kẻ đói/nghèo, thôi. Người giàu khi ấy, đâu biết rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội đến tham dự.

Thế rồi, điều thực sự xảy đến cũng đã đến, đó là yếu tố buổi tiệc Chúa dọn, lại diễn ra ở nơi hiu quạnh. Có cỏ xanh làm chiếu đất cho dân ngồi. Có thể là, tiệc Chúa dọn xảy đến vào mùa Xuân. Tức, mùa Vượt qua của người Do thái. Có thể, cũng không xa là mất chốn biển hồ Galilê, khiến Chúa phải lên đò như Ngài vẫn thường làm, hầu tránh con mắt dòm ngó của vua quan thời đó vẫn chực rình những ai qui tụ đám đông quần chúng quyết đi theo.

Đám đông quần chúng, vẫn có thói quen tụ tập quanh Ngài, ở gần hồ. Họ lắng nghe Lời Ngài diễn giải, suốt cả ngày. Và, còn được Ngài chữa lành. Ngài chạnh lòng thương và xử thế rất nhanh chóng kẻo rồi tình thế trở nên xấu xa, không kịp cho dân chúng thoát nạn. Sự thể là: dân chúng hôm ấy chẳng có gì để ăn. Làng mạc lại ở xa. Thấy vậy, đồ đệ Chúa mới xin Ngài ra tay làm động tác ngoại lệ, để giúp họ. Nhưng Ngài nói rõ: Các ngươi hãy giúp họ…” Điều cần nhấn mạnh ở đây, là cụm từ “các ngươi” được thánh sử dùng đến. Cứ sự thường, mỗi lần có khó khăn, người người đều yêu cầu Chúa giải quyết. Hoặc, họ chỉ xin, chứ không tự mình tìm cách giải quyết.

Đồ đệ thấy thế, bèn kể Chúa nghe: “Ở đây, chúng tôi cũng chẳng có gì, chỉ một vài thứ…” không đủ cho vài người. Làm sao phân phát cho quảng đại quần chúng. Nói thế, có nghĩa: đồ đệ Chúa ở vào tình cảnh rất hãn hữu cũng đành bó tay. Tuyệt vọng. Chẳng làm gì được, hoặc có làm thì cũng không ra hồn. Đó, chính là vấn đề đặt ra cho dân con đồ đệ: luôn thấy mình bất tài. Vô vọng. Nên làm sao giúp ích nhiêu người được. Đó sự thường, mọi chuyện đều thế.

Và, đó là lúc Chúa ra tay làm thay cho đồ đệ. Ngài truyền cho đồ đệ bảo dân chúng ngồi xuống. Rồi Ngài cầm lấy thức ăn. Ngẩng mặt lên mà chúc tụng. Bẻ bánh ra. Và truyền lệnh phân phát cho dân chúng ăn. Trong hầu hết các sách Tin Mừng, ở đề mục, người đọc vẫn chỉ thấy những cụm từ, nào là: nhân rộng, hoá bánh thành nhiều. Nhưng chỉ mỗi bản Bẩy Mươi gốc Hy Lạp, là không thấy những chữ như thế. Trái lại, chỉ gồm mỗi động từ “phân phối”. Tức san sẻ những gì mình có. Cho mọi người.

Có thể là, chính Chúa gia tăng lượng thực phẩm, như ta nghĩ. Cũng có thể, phép lạ này, không chỉ là sự lạ của người trần. Do người trần làm ra, để người phàm trần biết mà san sẻ những gì mình có. Làm được thế, của cải trên thế giới mới đủ cho mọi người, quanh ta. Thật ra, người phàm trần vẫn đói nhiều kiến thức và quyền lợi đồng đều, hơn điều mình cần có, như cơm/bánh hằng ngày.

Và, khi ta đã biết sẻ san của cải thiêng liêng, như: tình yêu, lòng kính trọng và nhận biết những người sống chung quanh, thì khi đó ta sẽ không mất đi điều gì. Bởi khi ấy, ta càng được yêu. Càng được kính trọng và nhận biết từ những người được ta san sẻ. Ta tặng họ những thứ họ cần, như tình yêu. Nói cách khác, sẻ san cơm/bánh rồi cũng sẽ cạn dần thức ăn. Bởi, ai cũng đều có phần. Còn, san sẻ tình yêu, thì khác.

Ngoại trừ ngày hôm ấy, xảy ra phép lạ vật chất, rất có thật -và, chắc rằng ai trong chúng ta cũng đều tin như thế- thì điều này cũng không quan trọng bằng những điều hệ trọng ở đây, hôm nay: là chính việc sẻ san. Phân phối. Không phải việc sản sinh cơm/bánh mới rất cần, mà là sự sẻ san, cho đi.

Đó, là điều mọi người trông đợi nơi người Do thái. Nơi, dân con Đạo Chúa vẫn được coi là tốt đẹp, lành thánh. Trông đợi mọi người sẻ san những gì mình đang có, đặc biệt ở bữa tiệc, là thức ăn. Trình thuật hôm nay, không thấy ghi về nỗi ngạc nhiên trước sự “lạ” nhận thấy được nơi quần chúng, hoặc đồ đệ, về việc Chúa làm. Bởi, dưới nhãn quan của họ, đó là những việc cần phải làm. Và nên làm. Dù, họ không thấy nhiều người thường vẫn làm như thế. Những gì xảy đến là việc phải đến. Xem thế thì, sẻ san/phân phối mới là ý chính của trình thuật.

Nay lại hỏi, trình thuật truyện kể hôm nay áp dụng cho ai đây? Điều gì cần áp dụng?

Nếu chỉ nhìn một phía, hẳn ta sẽ thấy trình thuật vẫn gói trọn tín thư rất khích lệ. Tín thư đây, đề nghị mọi người hãy ra ngoài trời mà tổ chức những buổi sinh hoạt, nhưng đừng mang nhiều, cho mọi người. Cứ cầu xin thật nhiều, tự khắc Chúa sẽ làm phép lạ lớn lao, để thuận ban cho ta, hầu mãn nguyện. Phải đó là việc Chúa vẫn làm vào các buổi tụ tập, rất đông người? Ai là người khả dĩ lập lại cùng một phép lạ khi con dân Ngài hết của ăn/thức uống, mà trời thì tối. Lại xa phố xá cùng phố chợ?

Nhìn vào thế giới, nếu người người biết sẻ san những gì mình hiện có cho người khác, nhất là những người thiếu thốn hoặc chẳng có gì để sống còn, thì thực chất của vấn đề thực ra không phải chỉ là việc “nhân rộng” hoặc “hoá bánh thành nhiều”, cho mọi người. Mà là, thế giới hôm nay đã có quá nhiều thứ, cho mình dùng. Có nhiều hơn tình trạng bình thường mình vẫn có. Trong khi đó, có những thứ mình có thì lại ít hơn phải có, đó là: lòng lân tuất. Chính trực. Và, nhớ rằng: ngưới khác cần nhiều hơn mình.

Quyết sẻ san, là: nhất quyết giảm đi những gì ta đang có. Giảm, niềm vui vì có của dư của để, và sự thoải mái cho bản thân. Như thế, mới gia tăng của cải và sự thoải mái cho người còn thiếu thốn được. Phải chăng, đó là điều Chúa muốn ta làm ngay, lúc này? Thánh Phaolô có lần nói: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2Cr 8: 9-10)

Quả có thế. Khi ta có rất ít để có thể sống sót, thì lúc đó ta sẽ tìm cách trở nên người khác, không phải để có được sự thoải mái mình vẫn sống trước đây, nhưng còn phải hơn trước, rất nhiều. Phải chăng đó là điều Chúa dạy ta phải như thế, qua phép lạ “sẻ san”, cho đi này?

Ngày nay, ta không thể sửa đổi cái nghèo của thế giới bằng cách tổ chức những bữa ăn ngoài trời, cho nhiều người. Mà là, đổi thay cơ cấu kinh tế/chính trị của thế giới, tận thâm căn. Ngày nay, phải chăng cơm áo gạo tiền, là những gì thâm căn nơi kính tế thế giới? Của ăn và thức uống có là khó khăn của những người bị mất việc. Những kẻ sống vô gia cư, chết vô địa táng? Vẫn cứ lang thang ngoài phố chợ?

Và cứ thế, các vấn đề khúc mắc cứ mãi đặt ra. Có là điều bức bách đối với người không điện thoại di động? Không thẻ tín dụng. Không an sinh? Những người không có, là không có gì? Phải chăng cơm áo, gạo tiền là vấn đề bức bách nhất? Tại sao người nghèo đói lại là người dễ bị SIĐA nhất?

Tại sao ta vẫn được bảo cho biết: phân nửa dân số thế giới hôm nay vẫn cứ than phiền là mình không đủ ăn? Tại sao phân nửa số người còn lại, chỉ phàn nàn về tham vọng. Dục vọng. Và, khát vọng? Có lẽ, đã đến lúc ta nên ngồi lại mà tái thẩm định hệ thống giá trị, để rồi sẽ làm được điều gì đó, cho mọi người. Chí ít, là những người còn thiếu thốn. Nghèo hèn. Khá bức bách.

Phải chăng trình thuật hôm nay chỉ kể đến bẩy thứ, như cá và bánh Chúa ban cho những người theo chân Ngài, mà nghe giảng? Không. Tám thứ mới đúng. Bởi, ở buổi Tiệc Ly, chính Chúa cũng ban cho ta Thân Mình Ngài, để ta nhận lấy mà ăn. Giả như, ta thực sự nuôi sống bằng sự hiện diện của Ngài. Bằng, hệ thống giá trị Ngài ban cho, có lẽ thế giới mình đang sống, sẽ khác. Hẳn là, khi ấy, ta mới thực sự có được bữa tiệc ngoài trời, Chúa tổ chức. Theo kiểu của Ngài. Mới đúng.

Trong tâm tình đó, cũng nên ngâm câu thơ để ngỏ của nhà thơ viết về sự “Ấm cúng”, như:

“Em bớt lạnh chưa?

Lòng tôi kề đó,

Một ngọn đèn đỏ,

Đôi lòng đêm xưa.

Em ngồi em nhớ,

Tôi ngồi tôi mơ:

Một đời nho nhỏ,

Một phòng xinh xinh,

Cảnh trời mưa gió,

Và hai chúng mình.”

(Đinh Hùng - Ấm Cúng)

Với nhà thơ, bớt lạnh chỉ mỗi hai chúng mình. Nhưng với nhà Đạo, người bớt lạnh,chỉ khi nào ta biết sẻ san nhưng cơm, cùng áo. Với gạo tiền. Đó cũng là ý nghĩa của trình thuật, rất hôm nay. Và mai ngày. Ở nơi đây.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh –

Mai Tá lược dịch.

No comments: