Từng hẹn hò xưa, từng thầm thì.
Tình chết rồi, đường rêu đã phủ.
Một thoáng ngậm ngùi thương tiếc chi?
(thơ Hoàng Hương Trang)
Lk 7: 36-8:3
Đường sỏi đá em đi, cũng là đường mọi người tiến bước. Rêu đã phủ. Từng thầm thì. Tình đã chết. Thế, đường đời anh về, có là đường tình chào đón Chúa ghé thăm. Như, người nữ phụ ở trình thuật, đã làm ngày hôm trước.
Trình thuật ngày hôm trước, kể về người nữ phụ đổ dầu rửa chân Chúa, ở nhà Simôn Biệt Phái, rất Pharisêu. Trình thuật kể, là kể về người Pharisêu mời Chúa đến nhà mình, để có lợi. Thời của Chúa, nhóm Biệt Phái đông đến 6 ngàn ngưòi. Họ có mặt ở tận Palestin. Được quyền dạy dỗ ở nguyện đường. Ăn mặc, lại chỉnh tề. Và còn, tự coi như mình có quyền chú giải Lời Chúa và điều hành mọi chuyện ở đền thờ, rất oai phong.
Ý đồ của Biệt Phái Simôn, thật ra cũng không rõ rệt. Có thể, ông chỉ muốn khoa trương với mọi người, là: ông có khả năng mời Chúa đến nhà. Có thể là, ông chỉ muốn thách thức về cung cách Chúa hành xử. Giảng dạy. Đối ứng với tâm trạng đầy cao ngạo của ông, Chúa vẫn nhận lời cùng bàn với mọi giới. Từ nhóm người quyền thế. Đến đám tệ nạn. Bê tha. Tội lỗi. Ngài không kỳ thị, xa cách một ai. Dù người ấy sang/hèn. Giàu/nghèo. Ngài vẫn đến. Cùng ăn trên giường, theo thói tục của Do thái.
Thật sự, thì Biệt Phái Simôn hôm ấy, muốn đặt Ngài vào trạng thái khó xử. Nên, đã để ngỏ cửa cho người nữ phụ lăng loàn/tội lỗi, bước vào nhà. Để minh chứng, là nhà của bậc cao sang quyền quý, không đóng kín. Thách thức hôm nay, từa tựa truyện người nữ ngoại tình, đáng ném đá. Vào buổi khác.
Trình thuật hôm nay muốn chứng tỏ, hành vi của người nữ phụ, rất thật tình. Cũng giống như hành động của mọi phạm nhân khác, dẫy đầy ở xã hội. Phạm nhân hôm ấy chỉ muốn gặp Chúa, vì nghe nhiều về Ngài. Nên, muốn một lần được diện kiến. Thế nên, chị đã lẳng lặng bước vào trong, để gần Chúa, trước khi bị ngăn cản.
Thoạt thấy Ngài, chị đã bật khóc. Nước mắt dàn giụa đẫm ướt chân Ngài. Vội lau chân Ngài bằng suối tóc. Suối tóc đây, là biểu tượng chỉ muốn đậy che quá trình tội lỗi, đáng chê trách. Hành vi hôn chân đổ dầu, còn diễn tả trạng huống thống hối, rất thường tình. Của người xưa.
Biệt Phái Simôn, dù dễ tính cách mấy, cũng thấy khó chịu. Khó chấp nhận cảnh tượng người nữ lăng loàn không mời mà đến, dám dùng nước mắt lau chân Vị Thực Khách Cao Sang, ngay ở nhà mình. Ông bèn suy tính: nếu Đức Giêsu thực sự là Vị Ngôn Sứ như mọi người đồn, hẳn cũng biết người nữ phụ ấy tai tiếng đến thế nào. Chí ít, còn cho phép chị thực hiện ý đồ đầy xúc phạm, ngay trước mắt.
Đức Giêsu biết rõ người Biệt Phái tên Simôn, đang nghĩ gì. Định làm gì. Ngài bèn kể cho ông nghe một ví dụ. Để thử lòng. Để rồi, áp dụng vào tình huống đang xảy đến, chủ ý muốn nói: ông cũng là người rất có tội. Nhưng không biết mà thôi. Tội của ông, là không lịch sự đủ với đấng bậc cao sang vị vọng, trong giao tiếp. Không cho khách rửa tay chân. Cũng chẳng ôm hôn hoà bình. Chào đón. Theo phong tục thời buổi ấy.
“Tội của chị tuy nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị yêu mến nhiều.” (Lc 7: 47) Như thế có nghĩa: người nào yêu ít, được tha ít. Và điều này, được áp dụng cho mọi giới. Cả Biệt Phái. Kinh Sư. Lẫn nhà Đạo. Thế rồi, quay về phía nữ phụ, Chúa nói:“Tội của chị đã được tha!” (Lc 7: 48) Đây, là xác quyết thực tế, hơn là độc thái hoá giải. Vì thế, người cùng bàn mới tự hỏi: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nghe thế, Chúa bèn thêm: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Hãy đi bình an.” (Lc 7: 50)
Ở đây, muốn nhận rõ điểm đặc trưng nơi trình thuật, người nghe phải đi sâu vào truyện kể, để thấy được ý chủ lực, của tình tiết. Tình tiết, cho thấy sự bình an nội tại và sự tự do của Chúa, khi sự việc xảy đến. Chúa không lúng túng. Chẳng khó chịu. Ngài không rút lui. Cũng, không bảo người nữ phụ hãy ngưng làm.
Ở đây nữa, hành vi của chị mang nhiều cảm xúc. Hối hận. Và, thực khách hôm ấy –cũng như người nghe hôm nay- đều thấy bực bõ. Khó chịu. Trước cảnh ngứa tai. Gai mắt. Khá lạ kỳ. Chỉ có Chúa không tỏ dấu gì hết. Vì Ngài biết rõ việc chị làm. Và, Ngài chẳng bận tâm đến động thái của người bàng quan, đứng ngoài. Thường vẫn suy nghĩ khác. Và, hành động, theo cảm tính. Có khi còn bẻ quẹo.
Sự thật ở đây, người nữ phụ xử sự rất thật tình. Hối hận. Bận tâm. Nên, chị có được kết quả. Có được lòng mến tràn đầy, từ Đấng có quyền uy tha thứ. Ngài thứ tha, nhưng không phô trương uy quyền được Cha ban cho. Trái lại, sự hối cải và niềm tin nơi chị đã đem lại cho chị ơn thứ tha. Thứ tha, là hành động diễn tả tình thương dâng tràn, kịp đến. Yêu thương và lỗi phạm, hai phạm trù không thể có chung một đất đứng. Cả hai không thể cùng ở chung nơi một người. Người nữ phụ lăng loàn hôm ấy, đã thực tình thương mến Chúa. Nên vì thế, có thể chị không là kẻ bê tha. Rất đáng tội.
Xã hội hôm nay, rất nhiều người làm quấy dù chỉ một lần trong đời, nhưng vẫn bị các mũ chụp, kéo dài suốt cả quãng đời còn lại, của chính họ. Dù họ thực tình muốn sửa đổi. Thiên Chúa không xử sự với con người, ra như thế. Ngài xử với con người, theo tình thế của chính họ. Ở đây. Bây giờ. Quá khứ của con người, không quan trọng, đối với Chúa. Quan trọng chăng, chỉ mỗi điều, là nay ta sống như thế nào? Xử sự ra sao? Có tương quan với Chúa, với mọi người, không?
Bài đọc 1 liên kết truyện kể về người nữ phụ tội lỗi, với Đavít. Ông tuy là người đạo hạnh, nhưng cũng có quá trình cướp vợ của vị tướng dưới trướng, là Uriah. Ông đã đưa vị tướng này vào chỗ chết. Kịp đến khi, tiên tri Nathan vạch trần tội của mình, ông đã hối. Nhờ đó, mới được thứ tha. Bài đọc hôm nay cho thấy Chúa xử sự khác người phàm. Ngài đặt nặng vào tha thứ. Chứ, không trừng phạt.
Bài đọc 2, thánh Phaolô cũng đã viết:“Người phàm được nên công chính, không vì đã làm những điều Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô.” (Gl 2: 16) Đó, là khác biệt giữa hành vi của Biệt Phái Simôn với nữ phụ tội lỗi. Nhóm người Biệt Phái có thói quen coi trọng việc giữ Luật, thôi. Nên, đã xét đoán người khác, cách sai lầm. Trong tầm nhìn của nhóm này, thì nữ phụ tội lỗi hôm nay, không đáng có được chỗ đứng trong xã hội. Trong khi đó, nữ phụ tội lỗi chỉ biết đặt mình dưới chân Chúa, mà hối cải. Thế nên, Chúa chấp nhận tha thứ cho chị. Và, tội của chị được hoá giải, nhờ lòng tin.
Lòng tin, không là động thái tri thức. Mà, là tác động của tình thương. Tin tưởng. Nhiều người trong đời, vẫn có thể liệt kê cả một danh sách dài đằng đặc gồm các tín điều về lòng tin, nhưng suy nghĩ của họ tuy có khác với Biệt Phái Simôn hôm nay, nhưng vẫn có thành kiến. Tức, quyết không dung tha. Và, ít nói đến yêu thương. Tha thứ. Hãy hiểu rằng, nếu agape, là cụm từ diễn tả “lòng mến” của Chúa, thì pistis là ngôn ngữ nói lên niềm tin, mà ta cần có để đáp lại lòng mến ấy.
Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm từng trải về chuyện chết với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Nên, có câu nói để đời, như sau: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2: 20). Vì đã kết hợp với Chúa, nên thánh nhân đã yêu mến Chúa hết mình. Cũng tựa như người nữ phụ tội lỗi, ở trình thuật. Đó, là gương lành cho mọi người. Đó, là ảnh hình ta noi theo.
Về các nữ phụ đáng trân trọng, trong Kinh Sách, Dorothy Sayers có lần viết:“Có lẽ, đó là điều làm ta không mấy lạ khi thấy người đầu tiên có mặt bên nôi Chúa, là phụ nữ. Và, người cuối cùng ở lại nơi thập giá, cũng là nữ phụ. Các vị, chưa từng quen nam nhân nào như Đệ Nhất Nam Nhân Ngôn sứ, và là Thầy dạy, không rầy la. Nhưng vẫn hạ mình. Phục vụ. Đó, sự thể rất dễ nực cười, nhưng cao cả biết bao. Đó là thân phận người phụ nữ, mọi thời. Mọi chốn.”
Thân phận ấy, cũng là thân phận của mọi người, trước mặt Chúa.
Trong tinh thần chấp nhận thân phận của người phàm, quyết ra đi hiên ngang mà ca hát:
“Anh hãy đi cùng tôi
Đến mãi tận chân trời
Lặng nghe từ đất mới
Nói thầm về ngày mai”
(Trịnh Công Sơn – Hãy đi cùng nhau)
Đi cùng tôi. Mãi tận chân trời. Đi, để đến với Chúa. Với mọi người. Trong đời. Đi, để thấy rằng Chúa vẫn chờ đợi mọi người. Nơi những kẻ mang thân phận bọt bèo, tội lỗi. Đang cần ta. Chờ ta.
Lm Phan Đỗ Thục Linh
MaiTá diễn dịch
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com;
No comments:
Post a Comment