Monday, 4 February 2013

“Gót nhỏ lên thuyền một kiếp xưa,”



Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần thứ Năm mùa thường niên năm C 10.02.2013

“Gót nhỏ lên thuyền một kiếp xưa,”
“Em về trăng mọc bến chân như.”
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Lk 5: 1-11
Gót nhỏ lên thuyền, gót của em. Người em dân dã, vẫn cứ về. Em về trăng mọc, bến chân anh. Người anh mộc mạc, xưa theo Chúa.
Trình thuật thánh Luca, nay ghi về chuyến lên thuyền để đánh bắt rất nhiều cá. Cá ở đây, gồm truyện kể về quà tặng Chúa ban, không chỉ cho mỗi dân con được chọn, mà cả con dân ngoài Đạo, cũng vẫn được. Trước nhất, là về Galilê, và sự thể đánh bắt, vào thời đó.
Biển hồ Galilê, là hồ nhân tạo duy nhất ở Israel. Hồ này dài đến 55 cây số, chạy vòng quanh bến bãi, ở nơi đây. Hồ này sâu từ 25m đến 45m, nhưng mực nước lại thấp hơn mặt nước biển đến 200m. Hồ nhân tạo, nhưng đây là chốn lý tưởng để đánh bắt đủ mọi loại cá. Với dân chài, thì Biển hồ Galilê là nơi tốt nhất để bắt cá. Với khảo cổ, lại có khám phá tuyệt vời từng phát hiện một thuyền đánh cá dài rộng cỡ 8m x 2.20m x 1.35m bộ, với niên đại có từ năm 40 trước Công nguyên. Thuyền này được gọi là “Con Thuyền Của Chúa”, vì là đặc trưng tiêu biểu thời Chúa sống.
Dân chài đây, có nhóm chuyên đánh bắt các loại cá có chất lượng để cung cấp khắp nơi, cả người Ai Cập cũng là khách hàng thường xuyên mua về đem hun khói thành đặc sẳn rất tuyệt vời. Các khai quật cho thấy thuyền đánh cá ở đây được trang bị khá tốt để có thể đánh bắt suốt cả đêm. Sản phẩm đánh được lại đã tạo nguồn lợi tức cho một số công ty chuyên ngành trong thời gian dài, chuyên nghiệp.
Dân chài ở đây, có người còn có nghề tay trái không chỉ đánh cá đóng thuyền thôi, nhưng còn kinh doanh và tránh thuế. Dân chài người Bét-sai-đa sống ở Ca-pha-na-um quen tránh né đám thu thuế; nên, nghề cá là nghề ít bận tâm về luật thuế nhất. Nói chung, dân chài ở đây biết nhiều thứ, chứ không chỉ sơ sơ mỗi cá tôm.
Thế nên, cử toạ đầu tiên tìm đến Chúa để nghe Ngài giảng giải, lại là dân chài Biển hồ Galilê. Chúa hoạt động công khai, Ngài cũng di chuyển loanh quanh các vùng: Bét-sai-đa, Ca-pha-na-um, Ghê-nê-sa-rét, Mag-đa-la, hoặc Ghê-ra-sa cùng các vùng chài lưới và thôn làng ở Biển hồ. Chúa giảng rao vùng cận duyên gồm các làng chài trong đó có cả Tyrô và Siđôn nữa. Hôm ấy, bên vệ đường cạnh hồ Galilê, Chúa gặp ông Phêrô (cùng nhạc mẫu) và các bạn chài là: An-rê, Giacôbê và Gioan (có bà Zêbêđê) và cả anh Lêvi thu thuế, nhất nhất đều đến từ Ca-Pha-Na-Um, ở quanh đó.
Chúa vẫn thường có thói quen di chuyển trên hồ bằng thuyền bè. Chính ở nơi này, Ngài chỉ cho các thánh biết đánh bắt thật nhiều cá, như phép lạ. Và cũng ở triền hồ, Ngài còn phân phát cho cả ngàn người được no nê, ăn thoả chí. Tin Mừng thánh Luca (đoạn 24) cũng cho thấy Chúa đã trở lại hồ này ngay sau ngày Ngài Phục sinh quang vinh.
Vấn đề hỏi là: làm sao thánh Luca lại biết rõ điều ấy. Bởi, ai cũng đều biết thánh Luca đâu thuộc thành phần dân chài và cũng chẳng là tay thu thuế. Thế nên, nguồn văn của trình thuật hôm nay, có lẽ đã được rút từ Tin Mừng thánh Matthêu đoạn 4 câu 18. Đoạn này, thánh Matthêu ám chỉ một Xuất hành mới cốt để tái lập Vương quyền của Đavít.
Thánh Luca không chỉ nhấn mạnh sự kiện Chúa gọi mời dân chài làm tông đồ, nhưng nhấn mạnh lên câu Chúa nói với Phêrô, rằng: “Từ nay ngươi sẽ là kẻ chài lưới người.” Có thể là, thánh Luca không có ý đó, nhưng thánh Mátthêu lại trích dẫn lời ngôn sứ Giêrêmia đoạn 16 câu 16 và Êdêkiel đoạn 47 câu 9, trong đó Chúa nói: “Này Ta sai ngư phủ đến, một số đông và họ sẽ vung lưới bắt chúng.” Tất cả điều đó, chỉ muốn nói rằng: Chúa đến như thể cuộc đánh bắt rất nhiều cá chứ không phải chỉ mỗi thứ cá, là người Do thái mà thôi.              
Ở đây, thánh Luca lại nói lên lập trường của riêng thánh-nhân về ơn cứu độ Chúa rộng ban, không chỉ gửi đến với dân được chọn là Do thái mà thôi, nhưng còn mở ra với hết mọi người, mọi sắc tộc, giòng giống. Và cũng thế, các tông đồ của Chúa được gửi đến với mọi người có giòng giống sắc tộc, rất khác nhau. Ngài sẽ không phân biệt một ai để rồi đem tất về với Vương quốc của Ngài, cũng là vùng đất có biển có hồ, mầu mỡ rất nhiều cá.
Truyện kể ở trình thuật thánh Luca hôm nay cũng rất đẹp, trong đó tác giả cho thấy kết quả của công việc hợp tác giữa hai chiếc thuyền đánh cá mỏng manh đến suýt chìm vì nặng chĩu những cá. Một trong thuyền đó, có Simôn Phêrô đã thành công đánh bắt được rất nhiều cá. Một lần nữa, ở đây thánh Luca cũng không nhiều kinh nghiệm về sông nước với đánh bắt. Nhưng tác giả đã để Chúa yêu cầu thánh Phêrô chèo đò vào bờ, rồi theo Ngài.
Nhiều năm qua, có học giả người Do thái là Abraham Joshua Heschel đã nói về vai trò của ngôn sứ ở Israel. Theo ông, ngôn sứ là người hiểu được những “xúc cảm” của Thiên Chúa. Qua cụm từ “xúc cảm”, ông muốn nói: Thiên Chúa không xa với với con người chúng ta, theo nghĩa khoảng cách thần linh, thánh thiêng; nhưng Ngài là Đấng rất cần gần gũi với những khổ đau/sầu buồn, như con người. Ngài cũng có cảm xúc như con người. Giữa Ngài và con người, luôn có sự tuỳ thuộc hỗ tương, tức là: Chúa cần ra khỏi tính thánh thiêng để đến với chúng ta. Và chúng ta cũng thế, cần ra khỏi hoàn cảnh của mình để ra đi mà đến với Chúa. Để sống với những cảm xúc của chính Chúa.
Ý tưởng của diễn giả Heschel đem đến cho ta một mô hình mẫu mực để hiểu được tư tưởng của thánh Luca viết ở đây. Thánh Luca tuy không là ngôn sứ, giống như thế. Chúa của thánh sử cũng không là Thiên Chúa của tác giả Heschel. Nhưng theo thánh Luca, thì Chúa cũng có cảm xúc muốn san sẻ sự vui mừng với chúng ta. Ngài đã đi vào cuộc sống phàm trần theo cung cách cũng trần tục để niềm vui của Ngài lấp đầy hết mọi người. Trong mọi người. Và niềm vui của ta cũng có kết quả tương tự, đối cới Chúa.
Thật ra thì, cụm từ “xúc cảm” ở đây cũng không đúng nghĩa cho lắm khi ta diễn tả điều mà thánh Luca muốn nói. Nhưng điều mà thánh sử Luca muốn nói chính là niềm vui chung vẫn có giữa Đức Giêsu và các thánh tông đồ, rất thuyền chài. Đó là niềm vui rất lớn không biên giới nhưng đã hoàn toàn rộng mở. Niềm vui ấy, nay phát tán đi vào với thế giới gồm đầy khổ đau, âu sầu. Vui, là rung động với những cảm xúc hân hoan của con người để đi vào tận tâm can con người vẫn thường gặp nhiều klhổ đau/sầu buồn vào mọi lúc. Niềm vui ấy, như thể đàn cá tung tăng nhẩy xổ vào lưới bắt của các vị tông đồ/thuyền chài. Đàn cá xem ra thích nhảy vào lưới như thế. Và các tông đồ/thuyền chài cũng mỉm cười vui thích khi thấy đàn cá cứ làm thế.
Và thánh Luca vẫn ghi lại những truyện kể ở trình thuật có Đức Giêsu mỗi lần đến với ai, là người đó cũng sẽ vui mừng, nhảy chồm lên vì sung sướng. Và lòng thương xót của Chúa lớn lao gồm đủ những cảm-xúc và niềm vui to lớn còn là kết quả của sự việc nhảy ra khỏi làn da, thớ thịt mà Chúa từng làm và từng sống với ta như thế. Đức Giêsu cũng đã làm như Chúa đã làm như thế với mọi người. Như thế, thì Ngài đích thật là Người Con của Thiên Chúa.
Điều này dấy lên một vấn đề hỏi rằng: làm sao chủ đề “ơn cứu độ” lại có thể trở nên chuyện chính yếu đối với tác giả Luca, là thế? Đôi khi, đó còn là trọng tâm Tin Mừng của thánh-nhân nữa. Chuyện này kể cũng thực, nhưng không phải là tiên quyết. Ít ra, tác giả cũng không đến nỗi ưu tư nhiều như thế. Ơn cứu độ, là cụm từ ta dùng để chỉ về trạng huống ta trải nghiệm Niềm vui chung có Chúa đã từng đảo ngược mọi chuyện tiêu cực thành cơ hội để ta suy tư về ân huệ trọng yếu này.
Những điều kể trên, đôi khi làm người đọc lại nghĩ về truyện ông Noê ở Cựu Ước. Truyện kể vẫn cứ kể về điều là những sinh vật được cứu sống, chỉ mỗi vài cặp thú vật trên thuyền mà thôi. Cứ tin là như thế. Như thế, tức như thể không phải tất cả mọi thú vật đều có mặt ở đó, hết. Thế thì, các thú khác và người khác thì sao? Có được cứu rỗi không? Về cá heo và chúng bạn vẫn tung tăng bơi lội và cười đùa vui vẻ ngoài con thuyền cách vô tội vạ thì sao? Chúng không được cứu sao?
Nếu thế, cũng không phải là ý của tác giả, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Bởi Thiên Chúa là Đấng thực sự rất Vui và rất đại độ. Có lúc Ngài cũng tung tăng vui vẻ, ngoài con thuyền đấy chứ? Dù thuyền đó là thuyền đánh cá của Phêrô hay thuyền cứu độ của Noê, cũng đều thế. Cả tác giả Luca cũng thế. Cũng đâu bao giờ có được ý tưởng buồn cười về cuộc sống được cứu rỗi và về Thiên Chúa đến như thế.
Thế nên, đọc trình thuật thánh Luca, người đọc hẳn đôi lúc cũng nghĩ như nhà thơ bên dưới:
            “Gót nhỏ lên thuyền một kiếp xưa,
            Em về trăng mọc bến chân như.
            Người Em hơi thở say mùi huệ,
            Mây trắng vương buồn mắt thái sơ.”
            (Đinh Hùng – Trái Tim Hồng Ngọc)
            Trái tim của Chúa, cũng “Hồng Ngọc”, tức: cũng mầu hồng và bằng ngọc, luôn tưởng nhớ hết dân gian mọi người, dù là dân chài thợ mộc, Ngài vẫn mời theo Ngài giảng rao ơn cứu độ thân thương, rất hồng ngọc. Để dân gian mọi người sẽ trở thành ngọc hồng, ngọc bích vẫn cứ thương.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh –
Mai Tá lược dịch

No comments: